Ý Chúa

2,450 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Thông thường, tín đồ của Chúa có một thắc mắc chung, là: Làm sao tôi biết được ý Chúa? Thật ra, sự nhận biết ý Chúa không phải chỉ là nhu cầu của tín đồ mà là nhu cầu của toàn thể nhân loại. Sự nhận biết ý Chúa là yếu tố quan trọng có tính sống chết. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài tạo ra muôn loài vạn vật, trong đó, loài người là tạo vật thượng đẳng vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và được ban cho quyền cai trị các tạo vật khác. Vì không nhận biết ý Chúa mà loài người không nhận biết mục đích và ý nghĩa sự hiện hữu của chính mình. Vì không nhận biết ý Chúa mà loài người trở nên bội nghịch và xa cách Chúa. Vì không nhận biết ý Chúa mà loài người đi vào họa diệt vong đời đời. Ngay cả khi đã là con dân của Chúa rồi mà không có lòng tìm biết ý Chúa thì vẫn bị diệt vong. Thánh Kinh chép:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa.” (Ô-sê 4:6a).

Nhận biết ý Chúa không có nghĩa là chúng ta có thể hiểu biết trọn vẹn về Đức Chúa Trời. Cho dù chúng ta được sống đời đời để học biết về Chúa cũng không bao giờ chúng ta có thể hiểu biết trọn vẹn về Ngài, vì một lẽ đơn giản, Ngài là Đấng vô hạn trong khi chúng ta là loài hữu hạn. Nhận biết ý Chúa là chúng ta nhận biết Chúa muốn chúng ta làm gì, sống như thế nào ngay trong giờ phút hiện tại, để đạt đến những sự cao trọng, tốt đẹp hơn mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta trong đời này và trong cả đời sau.

Làm sao để nhận biết ý Chúa? Chúng ta nhận biết ý Chúa qua sự giãi bày của Đức Chúa Jesus Christ, qua sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, và qua Thánh Kinh là lời của Ngài:

“Chẳng có ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa.” (Giăng 1:18).

“Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật. Vì Ngài sẽ không tự mình nói, nhưng mọi điều Ngài đã nghe thì Ngài sẽ nói, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những sự xảy đến.” (Giăng 16:13).

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Thánh Kinh khẳng định, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh đều hiện diện trong lòng người tin nhận Chúa cho nên chắc chắn chúng ta sẽ nhận biết ý Chúa nếu chúng ta thật lòng muốn làm theo ý Ngài.

“Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Nếu ai yêu Ta, người ấy sẽ vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của chúng ta với người ấy.” (Giăng 14:23).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

Thánh ý của Chúa trên đời sống của mỗi người chắc chắn là có sự khác biệt và chính Chúa sẽ bày tỏ cho mỗi người trong từng giai đoạn của đời sống; nhưng thánh ý Chúa chung cho tất cả con dân của Ngài đã được bày tỏ rõ ràng trong Thánh Kinh. Thật ra, đó là những ý muốn tốt lành của Chúa cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại. Đức Chúa Trời muốn và định sẵn những điều tốt lành cho nhân loại và Ngài đã ban cho nhân loại phương tiện để đạt đến những sự tốt lành ấy qua Đức Chúa Jesus Christ. Việc còn lại là, nhân loại có bằng lòng tiếp nhận ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời hay không.

Thánh Kinh bày tỏ ít nhất là bảy ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

I. Ý muốn của Đức Chúa Trời là mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật

Thánh Kinh cho biết tất cả mọi người đều đã phạm tội, nghĩa là loài người chống nghịch lại Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên muôn loài. Tội lỗi là không thờ phượng Đức Chúa Trời và vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Thánh Kinh khẳng định lòng người là xấu xa và dối trá hơn muôn vật, không ai có thể dò biết được, và chính chúng ta cũng nhận biết sự thật phũ phàng đó, [1]. Tội lỗi gây ra đau khổ, bất công, và dẫn đến sự chết, [2]. Sự chết mà chúng ta đang nhìn thấy mỗi ngày và chắc chắn một ngày kia chính mình sẽ trải qua chỉ là sự phân rẽ tạm thời giữa linh hồn và thể xác của chúng ta, đã là kinh khiếp, nhưng Thánh Kinh cho biết, còn có một sự chết nữa, gọi là sự chết thứ hai. Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt thế gian tội lỗi này và Ngài sẽ khiến mỗi người sống lại trong một thân xác mới để ra trước tòa phán xét về mỗi việc đã làm trong khi đang sống trong thế gian. Vì Đức Chúa Trời là công chính cho nên mỗi người sẽ bị hình phạt tùy theo từng tội đã phạm; nhưng bản án chung là đời đời bị xa cách Chúa và bị giam giữ trong hỏa ngục. Thánh Kinh gọi đó là sự chết thứ hai, [3].

Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời là tình yêu, và Ngài yêu thương loài người trên hết mọi sự, cho nên Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi đó được thực hiện bằng cách Con Một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus phải nhập thế làm người để chết thay cho cả nhân loại. Cái chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá thỏa mãn sự công chính của Đức Chúa Trời là tội lỗi phải bị hình phạt nhưng cũng bày tỏ tình yêu của Ngài đối với nhân loại, vì nhờ sự chết của Đức Chúa Jesus mà nhân loại được tha tội và làm cho sạch tội. Vì thế, thánh ý đầu tiên của Đức Chúa Trời đối với nhân loại đang chết mất trong tội lỗi là: Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Được cứu rỗi là được cứu ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi là được cứu ra khỏi sự phạm tội. Được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi là được cứu ra khỏi hỏa ngục vì Đức Chúa Jesus đã gánh chịu hình phạt thế cho nhân loại. Để nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tội nhân phải ăn năn tội, tức là thật lòng muốn từ bỏ tội, và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Hiểu biết lẽ thật là hiểu biết số phận hư mất của loài người và hiểu biết rằng, ngoài sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, loài người không thể tự cứu và cũng không thể nhờ ai khác cứu mình ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.

“Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

“Đây là ý muốn của Đấng đã sai Ta, ấy là bất cứ ai thấy Con và tin nơi Ngài thì được sự sống vĩnh cửu. Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:40).

“Nguyện các anh chị em được ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha, và từ Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ. Đấng đã phó mình vì những tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể giải cứu chúng ta ra khỏi thời kỳ ác hiện nay, y theo ý muốn của Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta.” (Ga-la-ti 1:3-4).

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn.” (II Phi-e-rơ 3:9).

II. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta được làm con nuôi của Ngài

Khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá thì người ấy lập tức nhận được sự tha tội và sự làm cho sạch tội, được ban cho quyền làm con của Đức Chúa Trời. Được ban cho quyền làm con của Đức Chúa Trời là được Ngài nhận làm con nuôi và đồng kế nghiệp với Con Một của Ngài là Đức Chúa Jesus. Kế nghiệp có nghĩa là được hưởng tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời, từ sự vinh hiển, quyền phép cai trị, và sự giàu có vô lượng vô biên, cho đến sự sống đời đời, [4].

“Nhưng những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho họ, tức là những ai vẫn tin vào danh của Ngài, quyền làm những con cái của Thiên Chúa. Những người ấy được sinh ra chẳng bởi máu, cũng chẳng bởi ý muốn của xác thịt, cũng chẳng bởi ý muốn một người nào, nhưng bởi Thiên Chúa.” (Giăng 1:12-13).

Ê-phê-sô 1:3-6

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.

4 Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.

5 Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài,

6 để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.

“Trong Đấng ấy chúng ta cũng nhận phần kế nghiệp, như đã định trước theo mục đích của Đấng khiến mọi sự xảy ra y theo ý muốn của Ngài…” (Ê-phê-sô 1:11).

III. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải nên thánh

Thánh khiết là thuộc tính của Đức Chúa Trời. Khi Ngài ban quyền làm con cho những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài qua Đức Chúa Jesus thì Ngài cũng ban luôn cho họ sự thánh hóa nghĩa là làm cho họ được sạch tội và trở nên trọn vẹn như chính mình Ngài, [5]. Chúng ta không thể tự mình làm nên thánh nhưng phải nhờ vào huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus rửa sạch tội lỗi chúng ta, nhờ vào quyền năng tái sinh của Đức Thánh Linh để dựng lại một tâm thần mới, một lương tâm trong sạch cho chúng ta, và nhờ vào Lời Hằng Sống của Chúa là Thánh Kinh, [6].

“Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:4).

“Vì đây là ý muốn Đức Chúa Trời cho sự nên thánh của các anh chị em. Các anh chị em phải tránh khỏi sự tà dâm.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).

“Vì Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế, nhưng gọi chúng ta vào trong sự thánh khiết.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:7).

IV. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải tạ ơn Chúa trong mọi sự

Đức tin của chúng ta được thể hiện khi chúng ta tạ ơn Chúa trong mọi sự. Cuộc sống của người tin nhận Chúa dường như có những đau đớn, khó khăn, hoạn nạn, thiếu thốn, bắt bớ… có khi còn nhiều hơn cả những người không tin nhận Chúa; nhưng nếu hai con chim sẻ chỉ đáng giá một đồng tiền không thể rơi xuống đất nếu không bởi ý Chúa thì làm sao có điều gì xảy ra trong đời sống của chúng ta mà không nằm trong thánh ý của Chúa? [7]. Mà nếu Chúa đã cho phép một sự gì xảy ra trong đời sống của chúng ta thì chắc chắn điều đó là phước hạnh. Dĩ nhiên, nếu chúng ta phạm tội thì sẽ gánh lấy hậu quả của sự phạm tội, và Chúa cho phép hậu quả đó xảy ra là vì sự công chính của Ngài, đồng thời cũng là sự sửa phạt của Ngài để khiến chúng ta ăn năn, [8].

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

“Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 13:15).

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:6-7).

V. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải làm mọi việc lành

Đức Chúa Trời là thiện; sự nhân từ Ngài còn đến đời đời! Vì vậy mọi việc Đức Chúa Trời làm là tốt lành, và Ngài cũng sắm sẵn cho chúng ta những việc tốt lành để làm theo Ngài. Khi chúng ta làm những việc lành là chúng ta bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời cho mọi người, khiến cho họ tôn vinh Chúa và khiến cho những kẻ không tin phải ngậm miệng trước sự thiện và sự nhân từ của Đức Chúa Trời chiếu sáng qua các việc lành của chúng ta.

“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

“Vì các anh chị em làm điều lành để làm cho câm lặng sự thiếu hiểu biết của những kẻ ngu dại; ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:15).

VI. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải chịu khổ trong khi làm lành

Trong khi làm lành, chắc chắn chúng ta sẽ chịu khổ. Khổ vì chịu khó khăn, thiếu thốn để giúp người khác, khổ vì bị ganh tị, khổ vì không chiều theo những sự sai trái, bất công, độc ác… Nhưng Lời Chúa hứa chắc cho chúng ta rằng sự vinh hiển và thánh linh của Chúa ở cùng chúng ta, và sự vui mừng lớn sẽ ban cho chúng ta trong ngày Đấng Christ trở lại.

“Đó là chứng cớ về sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, để các anh chị em được kể xứng đáng cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời, bởi đó mà các anh chị em chịu khổ.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:5).

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn. Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.” (I Phi-e-rơ 4:12-14).

“Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.” (I Phi-e-rơ 4:19).

“Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.” (II Ti-mô-thê 3:12).

VII. Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta không bị lạc Đạo nhưng lấy lòng yêu thương rao giảng lẽ thật

Đây là một điều vô cùng quan trọng đối với con dân của Chúa. Đức Thánh Linh đã khẳng định Sa-tan có thể mạo làm thiên sứ sáng láng và Ngài cũng báo trước trong những ngày sau rốt sẽ có sự bội Đạo. Đức Chúa Jesus đã cảnh giác chúng ta hãy coi chừng Christ giả, tiên tri giả…, [9] vì vậy, sự lầm lạc dẫn đến sự bội Đạo là điều ắt sẽ xảy ra; nhưng ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta không bị mắc mưu của ma quỷ, không bị lạc Đạo, mà là đứng vững trong ơn Chúa để rao giảng lẽ thật của Ngài trong tình yêu thương.

“…để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt; nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:14-15).

Kết luận

Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về bảy thánh ý của Chúa đã trình bày trên đây. Xin Chúa cho chúng ta nhận biết mình đang ở đâu trong sự làm theo ý Chúa. Chúng ta đã được Đức Chúa Trời ban cho ơn cứu rỗi nhưng chúng ta phải có lòng ăn năn tội và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài thì chúng ta mới có sự cứu rỗi. Có sự cứu rỗi rồi, chúng ta phải tiếp tục vâng phục Chúa, làm theo thánh ý của Ngài thì chúng ta mới được tiếp tục ở trong sự cứu rỗi của Ngài; đó là ý nghĩa của câu: “Đức tin phải thể hiện qua việc làm”. Bởi vì: “Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

“Vậy, các anh chị em chớ ngu dại, nhưng hãy hiểu biết điều gì là ý muốn của Chúa.” (Ê-phê-sô 5:17).

“Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:2).

“Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho đến vĩnh cửu.” (I Giăng 2:17).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

14/01/2007

Chú thích:

[1] Rô-ma 1:18-32; 3:23; Giê-rê-mi 17:9.

[2] Rô-ma 6:23; Hê-bơ-rơ 9:27.

[3] II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Khải Huyền 20:11-15; 21:8.

[4] Ê-phê-sô 1:14, 18; Cô-lô-se 1:12; 3:24; Hê-bơ-rơ 1:14; 9:15; I Phi-e-rơ 1:4; Khải Huyền 21:7; Rô-ma 8:17; Tít 3:7; Gia-cơ 2:5; Giăng 17:22; II Phi-e-rơ 1:4; Khải Huyền 3:12; Giăng 3:16; I Phi-e-rơ 1:3-4.

[5] Hê-bơ-rơ 10:10, 14, 29; 13:12; Ma-thi-ơ 5:48; Giăng 17:17.

[6] Thi Thiên 51:10; Rô-ma 12:2; Hê-bơ-rơ 9:14; 10:22; I Phi-e-rơ 3:4.

[7] Ma-thi-ơ 10:29; Lu-ca 12:6.

[8] I Cô-rinh-tô 1:32; Hê-bơ-rơ 12:5-11; Khải Huyền 3:19.

[9] II Cô-rinh-tô 11:14-15; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3; II Ti-mô-thê 3:1-13; Ma-thi-ơ 24:24-25.