Video Chân Giả Luận: 54 Đạo Nào Cũng Tốt

3,495 views

 

 

54 – Đạo Nào Cũng Tốt, Nhưng…

Mỗi một người được sinh ra trong thế gian này, dù sớm hay muộn, sẽ đến một lúc người ấy nhìn thấy rõ bản chất tội lỗi, đê tiện, xấu xa, gian ác… của chính mình; và công nhận sự bất lực của bản thân trong việc chiến thắng tội lỗi. Người ấy sẽ đi tìm một trợ lực từ bên ngoài, để giúp cho mình tiêu trừ được mầm tội lỗi luôn phát triển mạnh mẽ từ bên trong mình; và cũng thành tâm, nỗ lực làm những việc công đức hầu mong đền bù lại những tội lỗi đã và vẫn đang gây ra mỗi ngày. Người ấy sẽ tìm đến với các tôn giáo, các tín ngưỡng tâm linh, các triết lý đạo đức.

Người đời thường nói: Mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng, mọi triết lý đạo đức đều giống nhau. Thật vậy, chúng giống nhau ở hai điểm:

1. Tôn giáo nào, tín ngưỡng nào, triết lý đạo đức nào cũng khuyên dạy con người làm lành, lánh dữ, yêu thương, tha thứ mọi người.

2. Nhưng không một tôn giáo nào, tín ngưỡng nào, triết lý đạo đức nào có năng lực giúp cho con người bỏ ác làm lành.

Rất có thể “đạo nào cũng tốt” nhưng đạo tốt không thể cứu được chúng ta ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Khi một người ý thức được không một tôn giáo, tín ngưỡng, triết học nào có thể giúp cho mình sống đúng với lương tâm, có thể giúp cho mình làm lành, lánh dữ, và tìm được sự giải thoát khỏi ách nô lệ cho tội lỗi; thì người ấy cũng cảm nhận được rõ ràng sự tuyệt vọng lớn nhất của đời người.

Trong khi nhân loại chìm trong nỗi tuyệt vọng lớn nhất của đời người, không phương thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, và kinh sợ khi đối diện với cái chết, vì biết rất rõ ràng trong lương tâm: những tội lỗi mình đã gây ra, bằng cách nào đó, mình phải trả lời và chịu trách nhiệm; thì Ánh Sáng của Tin Lành Cứu Rỗi đã đến với nhân loại. Gọi đó là Ánh Sáng của Tin Lành Cứu Rỗi vì Tin Lành Cứu Rỗi chiếu ra ánh sáng thiên thượng vào màn đêm tối tăm tuyệt vọng của quyền lực tội lỗi và sự chết, đem lại cho nhân loại niềm hy vọng của sự cứu rỗi. Tin Lành ấy là: Một tin tức tốt lành về sự tha thứ, phục hồi, đổi mới, và sự sống đời đời mà loài người có thể đón nhận chỉ bằng vào “đức tin.”

Ý nghĩa của Tin Lành Cứu Rỗi rất là đơn giản:

Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người và trao cho loài người quyền cai quản muôn vật; nhưng loài người đã không vâng theo luật của Chúa nên phạm tội nghịch lại Chúa và mở đường cho tội lỗi xâm nhập vào thế gian. Cùng với sự xâm nhập của tội lỗi là đau khổ, bệnh tật, và sự chết. Loài người, khi phạm tội, bị cắt đứt với sự sống từ nơi Chúa, giống như một thân cây đào hay cây mai bị cắt lìa gốc trong những ngày đầu xuân. Cây đào hay cây mai bị cắt gốc vẫn duy trì được sự sống còn sót lại trong thân, vẫn trổ hoa rực rỡ trong những ngày tiếp theo; nhưng theo thời gian, cây đào hay cây mai ấy sẽ héo tàn rồi chết khô, trừ khi được tháp trở lại vào gốc cũ để đón nhận nguồn dinh dưỡng từ gốc cây.

Tin Lành là: Đức Chúa Trời bằng lòng sai Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-xu nhập thế, mang thân xác người, để gánh chịu án phạt tội lỗi của nhân loại. Vì Chúa là công chính nên mọi tội lỗi phải bị trừng phạt; nhưng Chúa lại yêu thương loài người, Ngài không muốn phạt chết loài người. Để có thể thỏa mãn đức công chính và yêu thương của Ngài cùng một lúc, Ngài đã thi hành án phạt trên chính Con Một của Ngài để loài người được tha thứ mọi tội lỗi. Một người, muốn được sạch tội, phải TIN vào Tin Lành Cứu Rỗi. Ví như người tử tù phải tin rằng người con trai duy nhất của quan tòa đã cam lòng tình nguyện chết thế cho anh ta, cho nên mọi tội của anh ta đều được tha. Muốn nhận được lệnh tha, người tù phải TIN vào sự kiện đền tội mà chính vị quan tòa đã thu xếp cho anh. Anh ta không cần phải làm một điều gì hết, mà chỉ cần tin nhận ơn tha thứ. Tất cả những việc làm “công đức” của anh trong thời gian ở tù chờ ngày xử tử, không cứu được anh ta khỏi án chết đã tuyên phán.

Sau khi thành thật ăn năn tội lỗi, và TIN vào ơn cứu rỗi của Tin Lành, một người được Chúa tha sạch mọi tội lỗi, nhưng người ấy vẫn còn có khả năng phạm tội; nghĩa là dù tội cũ đã được tha, nhưng rồi người ấy sẽ tạo ra những tội mới vì tội lỗi đã buộc mọi người dưới quyền lực của nó. Để được giải phóng vĩnh viễn khỏi quyền lực của tội lỗi, người đó cần phải NHẬN Chúa vào lòng, nhường quyền cai trị đời sống của mình cho Chúa, và xin Chúa ban cho mình năng lực đắc thắng mọi cám dỗ của tội lỗi.

Cuộc đời mới của một người tin nhận Chúa bắt đầu từ khi người ấy ăn năn tội lỗi, tin vào sự chết chuộc tội của Chúa cho mình, và hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa làm chủ và cai quản. Ngay phút giây đó, người ấy được Chúa ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời; Thánh Linh của Chúa ngự vào bên trong thân xác của người ấy và tái sinh người, khiến người trở nên một tạo vật mới; ban cho người năng lực tránh dữ, làm lành. Năng lực tránh dữ, làm lành này là bản tính mới của một con người mới trong Chúa. Từ nay, người có khả năng làm lành và tránh dữ một cách tự nhiên, bởi vì sự làm lành, lánh dữ không còn là một ước muốn phải đạt tới mà đã trở thành bản tính thiên nhiên trong người ấy. Thánh Kinh là Lời của Chúa, chép rằng: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (Thánh Kinh, sách II Cô rinh tô, đoạn 5, câu 17). Ví như cây mai hay cây đào bị chặt ra, nay được tháp trở lại vào gốc cũ, đón nhận nhựa sống từ gốc cây thể nào, thì người được “tháp trở lại” với nguồn sự sống bất tận của Chúa cũng tiếp nối với sự sống thể ấy và sẽ được sống mãi với Ngài trong cõi vĩnh phúc.

Thân xác hiện tại sẽ phải qua đi, bởi Lời Chúa chép rằng: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Thánh Kinh, sách Hê bơ rơ, đoạn  9, câu 27); nhưng từ nay, cái chết không còn là điều khiếp sợ đối với một người đã tin nhận Chúa, bởi cũng chính Lời Chúa bảo đảm rằng: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ” (Thánh Kinh, sách Rô ma, đoạn  8, câu 1). Và: “Phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Thánh Kinh, sách Khải Huyền, đoạn 14, câu 13). Đối với người tin nhận Chúa, cái chết trở thành phước hạnh, vì người được nghỉ ngơi công việc của mình, về với Chúa, an nghỉ, vui thỏa bên Ngài để chờ ngày Chúa làm cho sống lại thân xác của mình và biến hoá thành một thân thể thần linh bất tử.

Người tin nhận Chúa, vẫn còn phải đối diện với những thử thách, tai ương, bất hạnh trong đời. Nhưng giờ đây, người đón nhận những điều đó với đức tin mạnh mẽ vào tình yêu, quyền năng, và sự thành tín của Chúa. Người ấy biết chắc “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Thánh Kinh, sách Rô ma, đoạn 8, câu 28). Người tin Chúa cũng có thể vì yếu đuối mà sa ngã, vấp phạm, gây ra tội nhưng nếu người thực lòng ăn năn, và biết nương cậy vào quyền năng của Chúa để chiến thắng cám dỗ, chứ không phải cậy vào năng lực riêng của mình, thì: “Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (Thánh Kinh, sách I Giăng, đoạn 1, câu 9).

Để có thể nương cậy vào quyền năng của Chúa, người tin nhận Chúa phải mở lòng ra, đón nhận đến tràn đầy ân sủng và quyền năng của Chúa. Khi ân sủng và quyền năng của Chúa tràn ngập trong tâm linh chúng ta, mọi gian ác, xấu xa, nhơ bẩn sẽ bị quét sạch. Tấm lòng cũ của chúng ta ví như một cái ly tràn đầy chất độc, nay chúng ta chịu cho Chúa rót quyền năng và ân sủng của Ngài vào, tất cả những chất độc sẽ tràn ra ngoài, trong chiếc ly không còn chất độc nữa, mà chỉ là quyền năng và ân sủng của Chúa. Khi chúng ta hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa, mở lòng ra đón nhận quyền năng và ân sủng của Ngài, ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ tràn đầy năng lực của Chúa và năng lực đó giúp cho chúng ta chiến thắng mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ và chính tội lỗi.

Người tràn đầy năng lực của Chúa được Thánh Kinh gọi là người được đầy dẫy Thánh Linh. Thế nào là mở lòng ra để đón nhận tràn đầy ân sủng và quyền năng của Chúa? Đó là người tin nhận Chúa phải tự mình thiết lập mối quan hệ cá nhân mật thiết với Chúa qua sự cầu nguyện, tức là trò chuyện với Chúa, và đọc Thánh Kinh, tức là học hỏi, tìm biết về Chúa và tìm biết ý chỉ, phước hạnh của Ngài dành cho chính mình. Bên cạnh việc đọc Thánh Kinh và cầu nguyện, là mối tương giao cá nhân của mình với Chúa, người tin Chúa cũng cần phải thiết lập mối tương giao cá nhân với những người cùng đức tin để nâng đỡ, khích lệ, tương thân, tương ái, và học hỏi lẫn nhau trong Chúa như chi thể của cùng một thân mà Chúa là đầu của thân thể: “Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy” (Thánh Kinh, sách I Cô rinh tô, đoạn 12, câu 27).

Những người tin Chúa và vâng theo Lời Chúa được Chúa gọi là các thánh đồ, nghĩa là những người đã được huyết thánh của Ngài rửa sạch mọi tội lỗi, và biệt riêng ra làm con dân của Ngài. Chỗ nào có các thánh đồ, dù chỉ hai ba người, nhân Danh Chúa mà nhóm họp lại, chỗ đó có Chúa hiện diện và được gọi là Hội Thánh của Chúa: “Vì nơi nào có hai ba người nhân Danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Thánh Kinh, sách Ma thi ơ, đoạn 18, câu 20). Hội Thánh nhóm họp lại để các thánh đồ hiệp nhau thờ phượng Chúa, cùng nhau nghe và học lời Chúa, làm chứng, chia sẻ những kinh nghiệm sống trong Chúa của mỗi cá nhân, và phát triển sự tương thân, tương ái để cùng nhau rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi đến những người chưa tin nhận Chúa.

Một trong những phước hạnh mà các thánh đồ trong Hội Thánh của Chúa có thể chia sẻ cho nhau không ngừng nghỉ, đó là sự thuật lại cho nhau nghe những điều kỳ diệu Chúa dạy dỗ cá nhân mình qua Lời Hằng Sống của Chúa là Thánh Kinh, qua Thánh Linh của Ngài đang ngự trị trong thân thể của chúng ta, và qua những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm trong đời sống của mình mỗi ngày, để cùng nhau vui mừng tôn vinh, cảm tạ Chúa và học hỏi lẫn nhau trong Danh Chúa.

Ước mong quý ông bà anh chị em nào đang đọc những dòng chữ này mà chưa thật sự TIN NHẬN Chúa, thì hãy đến với Chúa để được sự tha tội, được sự cứu rỗi, được ban cho quyền năng thiên thượng để làm lành, lánh dữ, và được vào sống đời đời trong nước vinh hiển, phước hạnh của Đức Chúa Trời.