Video Chân Giả Luận: 20 Thờ Lạy Tổ Tông

2,474 views

 

 

20 – Thờ Lạy Tổ Tông

Hỏi: Biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đáng để chúng ta thờ lạy rồi, nhưng tổ tông là những người đã sinh thành chúng ta, chúng ta cũng không nên quên, như lời thầy Tăng Tử (học trò của Khổng Tử, tên Tăng Sâm tự là Tử Dư, người nước Lỗ) có nói: “Thận chung truy viễn, dân đức quý hậu hĩ.” Nghĩa là: Cẩn thận việc chôn cất tổ tiên, dân sẽ cảm hóa đức dày của mình mà quay về đạo hiếu. Giờ đây, các ông không thờ tổ tông là vì sao?

Đáp: Muốn hiểu tường tận ý nghĩa của việc thờ lạy tổ tông, trước hết chúng ta phải hiểu rõ nghĩa chữ tổ tông là gì? Chữ tổ: nguyên nghĩa là “bổn” tức là cội; tông là “côn” tức là rễ; Như vậy, cội rễ của loài người gọi là tổ tông. Nếu từ bản thân ta mà tính ngược lên cho đến nguyên tổ, thì ai đã sinh ra nguyên tổ của loài người? Câu trả lời cuối cùng: Đó là Trời sinh ra. Vậy, đã biết Đức Chúa Trời là Cội Rễ và Tổ Tông của loài người thì thờ kính Đức Chúa Trời tức là thờ kính tổ tông, không thờ kính Đức Chúa Trời tức là quên bỏ tổ tông vậy.

Sách Nho có câu: “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên.” Nghĩa là: Cây có cội, nước có nguồn. Cây không cội không sanh ra nhành lá, nước không nguồn thì cạn dòng. Loài người, nếu không có nguyên tổ thì có đâu mà sinh sản được cho đến ngày hôm nay? Quý vị thờ lạy tổ tông được bao nhiêu đời? Trong mỗi gia đình, nếu có thờ thì cũng chỉ thờ được đến hai ba đời, thờ trong dòng họ thì nhiều lắm cũng chỉ được đôi mươi đời. Vậy thì, trước đôi mươi đời đó, lẽ nào không có tổ tông hay sao? Nếu không có tổ tông xa, ai là người sinh ra tổ tông gần? Thế mà qúy vị chỉ thờ tổ tông gần còn tổ tông xa thì bỏ qua, như vậy có phải đạo không?

Chúng ta không thể nào thờ được đủ tất cả các đời tổ tông của loài người. Vả lại, Đức Chúa Trời đã ban điều răn cho loài người là: Ngoài Ngài ra, loài người không được thờ lạy thần nào khác. Cho nên chúng tôi chỉ thờ duy nhất Đức Chúa Trời, là Tổ Tông trên tất cả các tổ tông của chúng ta.

Xin được bàn thêm về câu chữ “Thận chung truy viễn.” Thận chung nghĩa là khi cha mẹ lâm chung, kẻ làm con phải hết lòng, cẩn thận, trông nom cho cha mẹ qua đời êm ái và phải chôn cất tử tế cho mồ yên, mả đẹp. Truy viễn nghĩa là tưởng nhớ công ơn và noi theo lời dạy bảo của tổ tông, cha mẹ. Quý vị chỉ thờ tổ tông đôi mươi đời, không gọi là truy viễn được. Muốn truy viễn, phải truy đến Cội Rễ của loài người. Cội Rễ ấy là ai? Là Đức Chúa Trời vậy. Vả lại, quý vị mang sự cúng giỗ xem như để tỏ lòng hiếu kính tổ tông, nhưng thật đáng tiếc,  khi cha mẹ còn sống, nhiều người mải mê lo toan các sự việc ngoài đời mà không quan tâm đến cha mẹ già yếu, bỏ quên cha mẹ ở nhà: mưa mai không biết, nắng chiều không hay, thức ăn ngon ngọt cũng không nhớ mà cho ăn, đạo nghĩa làm con cũng không tròn! Một mai cha mẹ lìa trần, xác thân liệm cứng vào áo quan, quý vị đốt nhang đèn nghi ngút, giấy tiền vàng bạc đốt cả xấp, giết bò, mổ heo đặt trước quan tài rồi khấn vái: “Vong hồn cha mẹ có sống khôn, thác thiêng, về mà hưởng của lễ này.” Làm như thế, quý vị nghĩ rằng tỏ lòng hiếu thảo; thật ra, không có chút gì gọi là thảo hiếu trong đó. Vì đồ cúng dọn ra không thấy ông bà nào về ăn mà chỉ thấy có ruồi bu, kiến đậu. Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Sống một miếng chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi,” có ý nghĩa gì không? Nếu thật sự tổ tông có về ăn, nhưng mỗi năm quý vị chỉ cúng tế được một lần, còn những ngày khác, tổ tông chắc phải nhịn đói chờ qua năm sau? Và cũng chỉ cúng được tổ tông gần còn tổ tông xa không cúng thì họ phải chịu đói khát sao?

Chúng tôi theo đạo Tin Lành, trên chỉ thờ duy nhất Đức Chúa Trời, dưới hiếu kính cha mẹ; hằng ngày cung hiến sự cần dùng cho cha mẹ khi cha mẹ còn mạnh khỏe; lo thuốc thang khi cha mẹ đau yếu; quan tâm chăm sóc khi cha mẹ già; đến khi cha mẹ qua đời thì lo chôn cất tử tế, và luôn tạc dạ, nhớ ơn công sinh thành, dưỡng dục. Đó mới chính là  “thận chung truy viễn” vậy.