Video Chân Giả Luận: 11 Thành Hoàng

2,471 views

 

 

11- Thành Hoàng

Tục lệ thờ Thành Hoàng bắt nguồn từ nước Trung Quốc cổ, du nhập vào làng xã Việt Nam, và đã nhanh chóng bám rễ vào trong tâm thức người nông dân Việt. Thành Hoàng, gốc là chữ Hán: Thành là cái thành; Hoàng là cái hào bao quanh thành. Hai từ ghép chung lại để đặt cho ông thần giữ thành, ông thần này không có thực như người ta lầm tưởng.

Xưa kia, vua nhà Tấn, là Tư Mã Diêm, nhận thấy quần thần không trung thành với vua, không nhân đức trong việc cai trị dân chúng, nên cho vẽ hình tượng Quán Anh, là bực trung thần của Vua Cao Tổ nhà Hán, đem treo nơi các công sở cho quần thần noi theo. Không ngờ, về sau sự việc được truyền khẩu, phát tán khắp trong dân gian, khiến cho sự việc được thần thánh hóa, và tiếp sau đó, các tỉnh phủ châu huyện đều lập miếu thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng được vua xét thăng cấp cứ mỗi ba năm một lần, căn cứ vào các sớ tâu của các làng, xã trình tấu lên vua, tùy theo công trạng đã lập được. Theo tục lệ xưa, Thành Hoàng có ba bậc: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần. Các vị Thành Hoàng này được vua xét thăng cấp lên bậc cao hơn, nếu trong thời gian cai quản các vị đã phù hộ, giúp đỡ nhiều cho đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng. Thành Hoàng được người dân quê Việt Nam xem như là phúc thần; đình làng là nơi thờ phụng Thành Hoàng đồng thời cũng là nơi hội họp của các các chức sắc trong làng, và còn là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã.

Do đâu mà từ một cái hào ở ngoài thành của Trung Quốc, trở thành một ông thần không có hình tượng, không họ, không tên, không lai lịch, du nhập qua Việt Nam mà lại được người dân Việt thờ cúng và tôn sùng như một vị thần có quyền ban phúc và canh giữ bảo vệ cho khu vực trong thành của mình? Chúng ta thử tìm hiểu. Vùng đất nam bộ xưa kia là một vùng đất hoang, được cư dân miền ngoài vào khai hoang; họ gặp không ít khó khăn trong quá trình khai khẩn, như: thiên tai, địch họa, thú dữ hoành hành… do đó, Thành Hoàng đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân. Vì thế, dân chúng lập miếu thờ Thành Hoàng hầu mong được ông thần này giúp cho mưa thuận, gió hòa, giúp gìn giữ làng mạc cho họ được bình yên mà làm ăn sinh sống.

Người dân quê Việt Nam xưa vốn tính chân chất, thật thà, hiền lành và rất dễ tin, cứ cái gì người Trung Quốc thờ là người Việt thờ theo. Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, dần dần, cái hào ở ngoài thành của người Trung Quốc trở thành một vị thần tối linh, không thể thiếu vắng trong mỗi làng xã, thôn xóm người Việt. Họ xem Thành Hoàng là vị thần chứng kiến toàn bộ đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng, là vị thần bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt và mạnh khỏe. Thành Hoàng trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của mỗi người dân quê Việt.

Chúng ta nên suy xét lại để xóa bỏ những sai lầm đã tồn tại trải qua bao thế hệ. Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thần, là Đấng có đủ quyền phép ban ơn, xuống phước cho con người, là Đấng thật sự có đủ quyền lực gìn giữ, che chở và bảo vệ cho chúng ta mà chúng lại không chịu tin kính, thờ phụng. Thật đáng thương!