Danh Xưng “Thượng Đế:” Nhận Định

5,832 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?f8vweww72qmneky

“Thượng Đế” có nghĩa là “Vua Trên Cao.” Thánh Kinh không hề dùng danh xưng “Thượng Đế” để gọi Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) hoặc Thiên Chúa (Ba Ngôi).

Trong Cựu Ước, ngay từ Sáng Thế Ký 1:1, Thánh Kinh đã dùng từ ngữ “Ê-lô-him” (Hê-bơ-rơ) có nghĩa đen là “những thần,” dịch sang tiếng Anh là “gods,” để gọi Thiên Chúa Ba Ngôi. “Ê-lô-him” không phải là tên riêng mà là tên hiệu, nghĩa là tên để chỉ về chức vụ hoặc bản tính. Dù là danh từ số nhiều nhưng các động từ đi chung hoặc các đại danh từ thay thế “Ê-lô-him” đều dùng hình thức số ít, cho nên, “Ê-lô-him” khi được dùng trong Thánh Kinh để gọi Thiên Chúa không có nghĩa là “những thần” hay “các Đức Chúa Trời,” mà chỉ có nghĩa là MỘT Thần, MỘT Thiên Chúa. Tuy nhiên, qua sự bày tỏ của Thánh Kinh, chúng ta lại thấy chỉ có MỘT Thiên Chúa (Ê-sai 44:6; 45:5-6, 14; I Cô-rinh-tô 8:4) nhưng có nhiều thân vị khác nhau, và có lúc Thiên Chúa tự xưng là “chúng ta” (Sáng Thế Ký 1:26). Qua Tân Ước mà chúng ta biết Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh cũng là Thiên Chúa nhưng không phải có ba Thiên Chúa mà là: Một Thiên Chúa thể hiện trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Cha (ở trên mọi người), Thiên Chúa Ngôi Con (ở giữa mọi người) và Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh (ở trong mọi người), như Ê-phê-sô 4:6 đã bày tỏ:

Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người.”

Dĩ nhiên, giáo lý “Một Thiên Chúa Ba Ngôi” không phải dễ hiểu, vì ngôn ngữ giới hạn của loài người không thể diễn tả tường tận về Thiên Chúa vô hạn. Thí dụ gần nhất để giúp chúng ta hiểu “Một Thiên Chúa Ba Ngôi” là: Chỉ có MỘT “loài người” nhưng thể hiện trong ba thân vị: người chồng, người vợ, và người con. Ê-va ra từ A-đam cùng bản thể với A-đam và bình đẳng với A-đam trên mọi phương diện, là người như A-đam. Ca-in ra từ A-đam và Ê-va, cùng bản thể với A-đam và Ê-va, bình đẳng với A-đam và Ê-va trên mọi phương diện, là người như A-đam và Ê-va. Dầu bình đẳng nhưng không bình quyền: Ca-in vâng phục A-đam và Ê-va, Ê-va vâng phục A-đam.

Sau đó, Thánh Kinh tiết lộ tên riêng của Thiên Chúa Ba Ngôi là Giê-hô-va trong Sáng Thế Ký 2:4, nhưng đến Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15;15:3 thì Thánh Kinh mới tỏ lộ Giê-hô-va là tên riêng (danh) của Thiên Chúa.

Trong Tân Ước, Thánh Kinh dùng từ ngữ “thê-ô” (Hy-lạp) có nghĩa đen là “thần” dịch sang Anh ngữ là “god” để gọi Thiên Chúa (Ba Ngôi) mà bản Truyền Thống Hiệu Đính 2012 và bản Ngôi Lời dịch là “Thiên Chúa.” Khi có mạo từ xác định đứng trước “thê-ô” thì từ ngữ đó được dùng gọi riêng Thiên Chúa Ngôi Cha [1] mà bản Truyền Thống Hiệu Đính 2012 và bản Ngôi Lời dịch là “Đức Chúa Trời.” Như vậy, khi dùng “Thiên Chúa” là chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa, khi dùng Đức Chúa Trời là chỉ riêng Thiên Chúa Ngôi Cha.

Thời Cựu Ước chưa có sự giải bày rõ ràng về Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh, cho nên, Thánh Kinh chỉ dùng danh xưng “Thiên Chúa” (Ê-lô-him) và tên riêng Giê-hô-va với phần lớn hàm ý chỉ về Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, trong Giăng 12:41 cho chúng ta biết, “Đấng ngồi trên ngôi cao sang” mà Tiên Tri Ê-sai thấy trong khải tượng (Ê-sai 6:1 và 5) chính là Đức Chúa Con, và Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25 cho chúng ta biết Đức Thánh Linh phán với Tiên Tri Ê-sai về sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên (Ê-sai 6:9-10).

Sự việc dân Trung Hoa thời cổ tôn thờ độc thần và gọi là “Thượng Đế” chỉ minh chứng rằng: Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được chiếu ra trong lòng của mọi dân tộc, như chúng ta đã học trong Rô-ma 1 [2], chứ không hàm ý là danh hiệu “Thượng Đế” mà họ dùng là danh hiệu của Thiên Chúa theo Thánh Kinh.

Vua đầu tiên của người Trung Hoa tự xưng là Hoàng Đế và gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế.”

Chữ “hoàng” có nghĩa là: lớn, tốt đẹp; chữ “đế” có nghĩa là: vua (của một nước lớn, khác với “vương” là vua của một nước nhỏ), tức là người được mọi người thần phục. Vậy, “hoàng đế” là “vua tốt.”

Chữ “thượng” có nghĩa là: trên cao. Vậy, “Thượng Đế” là “Vua Trên Cao,” do Hoàng Đế đặt ra, dùng riêng để gọi Thiên Chúa.

Tấm lòng tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa của Hoàng Đế là điều đáng khen, nhưng việc gọi Thiên Chúa bằng một danh xưng không được Thánh Kinh dùng là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Liên quan đến việc gọi Thiên Chúa là vua thì chỉ có danh xưng “Vua Trên Muôn Vua, Chúa Trên Muôn Chúa” được Thánh Kinh dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ mà thôi. Liên quan đến danh xưng “Thượng Đế” thì có Ê-phê-sô 2:2 nói đến: “vua cầm quyền chốn không trung.” Ê-phê-sô 6:12 nói đến: “Các thần dữ ở các miền trên trời” mà nhóm chữ “các miền trên trời” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là: “các nơi trên cao.”

Sự kiện dân tộc Việt Nam có danh xưng “Ông Trời” hoặc “Ông Thiên” và có bàn thờ Trời hoặc bàn Ông Thiên trước nhà, với hương (nhang), đèn, hoa quả, nước lạnh là của lễ chay để dâng lên một Đấng Thần Linh cầm quyền trên tất cả muôn loài, cũng nói lên sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được bày tỏ trong lòng dân Việt [2]. Danh xưng “Ông Trời” hoặc “Ông Thiên” không hề bị dùng để gọi các tà thần như danh xưng “Thượng Đế.” Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà dùng danh xưng “Ông Trời” hoặc “Ông Thiên” để gọi Thiên Chúa và thờ phượng Ngài qua danh xưng đó.

Theo ý riêng của tôi: Không dùng danh xưng “Thượng Đế” để gọi Thiên Chúa, tức là: Chúa ở trên trời của chúng ta, vì: (1) danh xưng này không có trong Thánh Kinh, (2) danh xưng này được dùng để gọi các tà thần trong các tôn giáo, trong các tín ngưỡng của Trung Quốc và Việt Nam. Con dân Chúa người Trung Hoa cần phải bỏ đi danh xưng Thượng Đế và dùng danh xưng Thiên Chúa.

Vua Sa-lô-môn bảy lần gọi Đức Giê-hô-va là “Chúa ở trên trời,” tức là “Thiên Chúa: I Các Vua 8:32, 34, 36, 39, 43, 45, 49. Vua Đa-ri-út và Vua Ạt-ta-xét-xe của Đế Quốc Phe-rơ-sơ cũng gọi Ngài là “Chúa ở trên trời:” Ê-xơ-ra 6:9, 10; 7:12, 21, 23. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va không hề mạc khải cho các vua dân ngoại gọi Ngài bằng danh xưng “Thượng Đế – Vua Trên Cao” mà chỉ mạc khải cho họ danh xưng “Thiên Chúa – Chúa Ở Trên Trời.” Chúng ta có thể kết luận rằng: Hoàng Đế đã theo ý riêng của mình, dùng một danh xưng mà ông cho là tôn quý để gọi Đức Giê-hô-va chứ Đức Giê-hô-va không hề mạc khải cho ông danh xưng “Thượng Đế.”

Sáng Thế Ký ghi lại sự thờ phượng Chúa của A-bên theo sự mạc khải của Thiên Chúa và sự thờ phượng Chúa của Ca-in theo ý riêng. Không phải hễ chúng ta hết lòng thờ phượng Chúa là đủ (thờ phượng bằng tâm thần) mà chúng ta còn phải thờ phượng Chúa bằng lẽ thật, tức là thờ phượng Chúa theo sự mạc khải của Ngài, đã được ghi chép trong Thánh Kinh (Giăng 4:23-24).

Nhiều nơi khác trong Thánh Kinh cũng gọi Đức Giê-hô-va là “Chúa ở trên trời:” Gióp 31:2; Truyền Đạo 5:2; Ca Thương 3:41; Đa-ni-ên 2:18, 19, 28, 37, 44; Giô-na 1:9. Trong Tân Ước, nhiều lần Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Cha, được gọi là “Cha trên trời.”

Xin nghe thêm các bài giảng về “danh xưng Thượng Đế” tại đây (các bài 7, 8, 9, 10): https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2067

Huỳnh Christian Timothy
29.07.2012

Ghi Chú: Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[1] Quy luật về mạo từ và danh từ trong tiếng Hy-lạp

Tiếng Hy-lạp có những quy luật rất là đặc biệt trong việc sử dụng mạo từ và danh từ. Một cách tổng quát, mạo từ và danh từ có:

– 3 giống: đực (male – M), cái (female – F), trung tính (neuter – N);
– 4 cách: chủ thể (nominative – N), trực tiếp (accusative – A), gián tiếp (dative – D), sở hữu (genitive – G);
– 2 số: ít (singular – S), nhiều (plural – P).

Mạo từ luôn luôn cùng thể với danh từ đi theo nó về giống, cách, và số. Tiếng Hy-lạp không có mạo từ bất định mà chỉ có mạo từ chỉ định. Mạo từ chỉ định làm biến nghĩa của các từ đi theo nó và có khi được dùng như một danh xưng đại danh từ. Có ba trường hợp mạo từ được dùng với danh từ:

(1) Đi trước một danh từ trừu tượng, như: η αληθεια = lẽ thật, chân lý. η là một mạo từ giống cái.
(2) Phân biệt chủ từ với túc từ trong câu văn. Danh từ có mạo từ đi kèm là chủ từ, bất kể vị trí của danh từ đó đứng trước hay sau động từ, như trong: θεος ην ο λογος, thì λογος là chủ từ, và phải dịch là: “Ngôi Lời là Chúa Trời,” không dịch “Chúa Trời là Ngôi Lời.”

(3) Xác định danh từ đi chung với nó là một tên riêng, như:

– ο θεος = Đức Chúa Trời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha;
– ο λογος = Ngôi Lời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Con;
– ο ιησοσς = Đức Jesus;
– το πνεσμα = Đức Linh;
– το αγιον πνεσμα = Đức Thánh Linh;
– το πνεσμα το αγιον = Đức Linh Đấng Thánh.

Để thấy rõ hơn sự quan trọng của quy luật sử dụng mạo từ trong tiếng Hy-lạp, chúng ta hãy khảo sát mệnh đề sau đây trong Giăng 1:1 “θεος ην ο λογος .”

  • θεοςlà một danh từ, dịch sang tiếng Anh là “god;” dịch sang tiếng Việt thì có các nghĩa sau đây: Thần; Thiên Chúa; Chúa Trời; phẩm chất của Chúa Trời; bản thể của Chúa Trời; bản tính của Chúa Trời. Nếu có mạo từ chỉ định đứng trước thì thành danh từ riêng, được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Cha, dịch sang tiếng Anh là “God;” dịch sang tiếng Việt là “Đức Chúa Trời.”
  • ηνlà một động từ quá khứ, dịch sang tiếng Anh là “was;” dịch sang tiếng Việt là: “đã là.”
  • οlà mạo từ xác định, chủ thể cách, số ít, dịch sang tiếng Anh là “the;” dịch sang tiếng Việt là: “ngôi; đức; đấng; vị; vì; cái, vv…”
  • λογοςlà một danh từ, dịch sang tiếng Anh là “word;” dịch sang tiếng Việt là “lời nói.” Nếu có mạo từ chỉ định đứng trước thì thành danh từ riêng, được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Con, dịch sang tiếng Anh là “The Word;” dịch sang tiếng Việt là “Ngôi Lời.”

Theo thứ tự của các chữ trong nguyên tác thì mệnh đề “θεος ην ο λογος” nếu dịch chữ sang chữ sẽ là “Chúa Trời đã là Ngôi Lời” (không có mạo từ trước “Chúa Trời” nhưng có mạo từ trước “Lời”); nếu dịch cho đúng văn phạm sẽ là: “Ngôi Lời đã là Chúa Trời.” Các bản Thánh Kinh Anh ngữ dịch rất chính xác là: “The Word was God”, nhưng Thánh Kinh Việt ngữ dịch thành: “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Chúng ta thấy, bản dịch Việt ngữ đã thêm mạo từ “Đức” (ο) làm biến nghĩa danh từ “Chúa Trời” (θεος.)

Trong nguyên tác, “Chúa Trời” (θεος) được đặt trước “Lời” (λογος); “Chúa Trời” không có mạo từ đi trước nhưng “Lời” có mạo từ đi trước. Sự kiện danh từ “Chúa Trời” không có mạo từ, được đặt trước danh từ “Lời” nói lên danh từ “Chúa Trời” được dùng làm thuộc từ, để gọi “phẩm chất, đặc tính Thiên Chúa” trong khi mạo từ “Ngôi” (ο) đi trước danh từ “Lời” nói lên danh từ “Lời” là chủ từ trong mệnh đề, đồng thời là một tên riêng. Ý nghĩa kỳ diệu của mệnh đề này là: “Ngôi Lời mang trọn vẹn phẩm chất, đặc tính của Chúa Trời, (What God was, the Word was), Ngôi Lời là Chúa Trời!”

Chúng ta hãy xét ý nghĩa của những mệnh đề khác nhau dưới đây:

  1. ο λογος ην θεος = Ngôi Lời là một thần (The Word was a god).
  2. ο λογος ην ο θεος = Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (The Word was the God).
  3. θεος ην ο λογος = Ngôi Lời là Chúa Trời (The Word was God).

Trường hợp (1): λογος có mạo từ và đứng trước, θεος không có mạo từ và đứng sau nói lên “Ngôi Lời là một thần” như bao nhiêu thần khác (thí dụ: các thiên sứ). Đây là tín lý của giáo hội Chứng Nhân của Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses), và giáo hội Mormon, còn được gọi là tà thuyết Arianism. Tà thuyết này phát sinh từ đầu thế kỷ thứ IV do Arius khởi xướng. Điểm căn bản của tà thuyết này cho rằng Đức Chúa Jesus Christ là một vị thần (như các thiên sứ) được dựng nên bởi Đức Chúa Trời .

Trường hợp (2): θεος có mạo từ, trở thành một danh từ riêng có nghĩa là Đức Chúa Trời, tức Thiên Chúa Ngôi Cha. Như vậy, ý nghĩa của mệnh đề nói lên “Ngôi Lời là Ngôi Cha”, Cha và Con chỉ là một thân vị, một ngôi. Đây là tín lý của một số giáo hội Ngũ Tuần (Oneness Pentecostals hoặc “Jesus Only”), còn được gọi là tà thuyết Sabellianism, phát xuất từ thế kỷ thứ III do Sabellius khởi xướng. Tà thuyết Sabelliasm cho rằng chỉ có một Đức Chúa Trời trong một thân vị, các danh xưng Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là các danh hiệu khác nhau của Đức Chúa Trời. Lập luận điển hình cho tín lý này là một người có thể cùng một lúc mang ba danh hiệu khác nhau, thí dụ: Ông A có thể vừa là con (đối với cha của ông), là chồng (đối với vợ của ông), và là cha (đối với con của ông). Theo ý nghĩa nêu trên thì bản dịch tiếng Việt đã dịch không đúng ý của Thánh Kinh khi dịch θεος ην ο λογος thành “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” vì đã thêm mạo từ “Đức” biến θεος thành danh từ riêng, làm cho mệnh đề có nghĩa: Ngôi Lời là Đức Chúa Cha, Ngôi Lời và Đức Chúa Cha cùng một thân vị.

Trường hợp (3): Ngôi Lời mang phẩm chất của Chúa Trời, nghĩa là Ngài mang đồng bản thể của Chúa Cha (Phi-líp 2:6), nhưng Ngài là một thân vị riêng biệt với Chúa Cha. Đây là tín lý chính thống của Thánh Kinh. Giải thích điển hình cho tín lý này được tìm thấy trong Sáng Thế Ký 2:22-23. A-đam là người, Ê-va ra từ A-đam, mang cùng một bản thể, có cùng một phẩm chất người như A-đam nhưng Ê-va không phải là A-đam. A-đam và Ê-va là hai thân vị khác nhau, nhưng cùng một bản thể người, (cùng một xương, một thịt). Nếu dịch cho đúng nghĩa sang tiếng Việt thì mệnh đề θεος ην ο λογος phải dịch thành “Ngôi Lời là Chúa Trời”, không thêm mạo từ “Đức” cho danh từ “Chúa Trời”.

[2] Xin đọc bài: “Sự Hiểu Biết về Đức Chúa Trời Đã Được Tỏ Ra cho Dân Ngoại” tại đây:
https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=31