Tội đến nỗi chết

3,980 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

https://od.lk/f/MV8xMTUxNzQ1MzVf

Những quan điểm về “tội đến nỗi chết”

Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh thì “tội đến nỗi chết” là: “hamartia pros thanaton” có nghĩa là “tội dẫn đến sự chết” hoặc “tội kết thúc bởi sự chết.” Sự chết có thể là hình phạt dành cho tội đó, như án tử hình dành cho kẻ sát nhân; hoặc sự chết là hậu quả phát sinh bởi hành động phạm tội, như trường hợp vì phạm tội mà sinh ra bị bệnh, rồi chết. Có ít nhất là năm quan điểm về “tội đến nỗi chết,” như sau:

1. Là tội mang án chết theo luật của chính quyền:

Quan điểm này không đúng với điều mà Sứ Đồ Giăng muốn khuyên dạy các tín hữu. Một hành động bị lên án chết bởi chính quyền chưa chắc là tội lỗi đối với Đức Chúa Trời. Ngay trong thời của Giăng, tin Chúa cũng đã là tội chết đối với pháp luật của chính quyền La-mã.

2. Là tội mang án chết theo luật Môi-se:

Trong thời Cựu Ước, có những “tội đến nỗi chết,” như: vi phạm ngày Sa-bát; bất hiếu với cha mẹ; đồng bóng, bói khoa; thờ lạy thần tượng hoặc xúi giục người khác thờ lạy thần tượng; gian dâm; giết người…

Trong Thời Đại Ân Điển, Đức Chúa Jesus đã đến thế gian để hoàn thành sự đòi hỏi công chính của luật pháp, cho nên mọi tội chết trong thời Cựu Ước đều được tha thứ nếu tội nhân ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Câu chuyện người đàn bà xấu nết được Chúa cứu thoát khỏi bị ném đá và không bị Chúa định tội; lời phán của Chúa, rằng: Những kẻ thu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời… (Giăng 8:1-11; Ma-thi-ơ 21:31, 32) cho thấy “tội đến nỗi chết” mà Giăng nói đến không phải là những tội mang án chết theo luật Môi-se.

3. Là tội ăn bánh và uống chén của Chúa (Tiệc Thánh) cách không xứng đáng:

“Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.” (I Cô-rinh-tô 11:27-30)

Trong những câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy, cùng một hành động ăn bánh và uống chén của Chúa cách không xứng đáng mà có những mức độ xét đoán khác nhau, như: bị tật nguyền, bị đau ốm, và bị chết. Như vậy, tội ăn bánh và uống chén của Chúa cách không xứng đáng không hẳn là “tội đến nỗi chết.” Cú pháp của câu văn cho thấy: cùng phạm một tội, có những người chỉ bị tật nguyền, đau ốm, có những người lại bị chết. Có thể là hình phạt gia tăng tùy theo mức độ tái phạm; và như vậy, sự cứng lòng, không ăn năn dẫn đến sự chết chứ không phải tội ăn bánh và uống chén của Chúa cách không xứng đáng.

4. Là tội nói phạm Đức Thánh Linh:

Trong tất cả những tội lỗi được Thánh Kinh đề cập đến, tội nói phạm đến Đức Thánh Linh là một tội đời đời vì không được tha trong đời này lẫn đời sau. Đây là tội kinh khủng nhất, một khi đã phạm là hư mất vĩnh viễn. Căn cứ vào bối cảnh lời phán của Đức Chúa Jesus thì tội nói phạm Đức Thánh Linh là tội gán ghép việc làm và quyền năng của Đức Chúa Jesus cho ma quỷ. Khi Đức Chúa Jesus làm phép lạ chữa lành cho một người mắc quỷ ám bị câm và đui thì những người Pha-ri-si nói rằng Chúa đã nhờ quyền năng của chúa quỷ để trừ quỷ. Trong bối cảnh đó, Đức Chúa Jesus phán những lời như sau:

“Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.” (Ma-thi-ơ 12:31, 32)

“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai sẽ nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời.” (Mác 3:28, 29)

Đức Chúa Jesus là Đấng trọn vẹn, phản ánh tất cả những sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời trong thân xác của một con người, ai thấy Đức Chúa Jesus tức là đã thấy Đức Chúa Cha và kinh nghiệm được quyền năng cả thể của Đức Thánh Linh. Cho nên, gán ghép những việc làm của Chúa cho quỷ tức là gọi Đức Thánh Linh là quỷ một cách có ý thức. Xét theo ý nghĩa rõ ràng trong lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta thấy tội nói phạm đến Đức Thánh Linh là “tội đến nỗi chết”. Tuy nhiên, những người Pha-ri-si phạm tội này là những người không tin nhận Đấng Christ. Một người đã tin nhận Đấng Christ thì không thể phạm tội này. Người tin nhận Đấng Christ có thể phạm tội chối Chúa, bội đạo nhưng không thể phạm tội gán ghép những việc làm của Chúa cho ma quỷ. Vì thế, tội nói phạm Đức Thánh Linh không thể là “tội đến nỗi chết” mà Sứ Đồ Giăng muốn nói đến.

Ngày nay, có nhiều người nhân danh Chúa làm phép lạ, chữa bệnh, và đuổi quỷ nhưng chính đời sống của những người đó lại giống như những kẻ thù nghịch thập tự giá (ma quỷ) thì chắc chắn là quyền năng làm phép lạ, chữa bệnh, và đuổi quỷ đó không thể đến từ Đức Thánh Linh vì chính Đức Chúa Jesus phán rằng Ngài không hề biết họ, và Ngài gọi họ là những kẻ làm dữ (Phi-líp 3:18; Ma-thi-ơ 7:22, 23). Tín đồ của Đấng Christ có thể căn cứ vào Ma-thi-ơ chương 7, xem xét nếp sống và lời giảng của một người để biết họ có thật sự thuộc về Chúa hay không. Nếu nếp sống và lời giảng của người đó không đúng với Thánh Kinh thì người đó là kẻ mạo làm người hầu việc Chúa; quyền năng làm phép lạ, chữa bệnh của người ấy đến từ Satan, và hành động đuổi quỷ của người ấy là giả tạo, như những trường hợp đuổi quỷ, giải trừ tà ma, bùa phép của các phù thủy.

“Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, mạo chức sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỷ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công bình cũng chẳng lạ gì; nhưng sự cuối cùng họ sẽ y theo việc làm.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15)

“Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn. Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 24:24, 25)

Bổn phận và trách nhiệm của con dân Chúa là phải lên tiếng cảnh báo anh chị em của mình về những sứ đồ giả, christ giả, và tiên tri giả. Những kẻ giả mạo này hay dùng “tội nói phạm Đức Thánh Linh” để hù dọa những ai muốn lên tiếng tố giác chúng. Đó cũng là một sự thâm độc của Satan, dùng lời Chúa để bảo vệ cho sự lừa dối của nó và các sứ giả của nó.

5. Là tội bội đạo:

“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6)*

“Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22)

Một người chỉ có thể bội đạo sau khi đã tin đạo. Một khi đã bội đạo thì không thể ăn năn cho nên con dân Chúa không cần cầu thay cho những người bội đạo. Như vậy, tội bội đạo chính là “tội đến nỗi chết” mà Sứ Đồ Giăng đề cập đến trong lời khuyên dạy của ông.

Tội bội đạo ngày càng lan tràn trong Hội Thánh vì đó là khuynh hướng của đa số con dân Chúa trong những ngày cuối cùng. Họ không chịu nghe đạo lành, ưa thích những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư giả chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật mà hướng lòng về những chuyện, những giáo lý không có thật.

“Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.” (II Ti-mô-thê 4:3, 4)

Thánh Kinh cho biết: Trong những ngày sau rốt, trước khi Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì sẽ có sự bội đạo xảy ra trong Hội Thánh:

“Luận về sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài,  thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến.  Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3)

“Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có những kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỷ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì…” (I Ti-mô-thê 4:1, 2)

Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng phán trước rằng:

“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” (Ma-thi-ơ 7:13, 14)

“Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?” (Lu-ca 18:8b)

Những hình thức bội đạo

 

Người đã được tái sinh vẫn còn khả năng phạm tội và có thể phạm tội khi còn sống trong thân xác đang chết. Cùng một hành vi tội lỗi, ví dụ như tội ngoại tình, nếu một người sau khi tin nhận Đấng Christ phạm vì yếu đuối trước sự cám dỗ nhứt thời, sau đó ăn năn, thống hối, xưng tội với Chúa, thì sẽ được Chúa tha thứ; nhưng nếu một người sống trong sự vui thích ngoại tình, lúc nào cũng tìm kiếm cơ hội để ngoại tình, quyến rũ, gạt gẫm người khác cùng phạm tội ngoại tình, thì người ấy: một là chưa bao giờ thật lòng ăn năn tội nên chưa được tái sinh, hai là đã được tái sinh, nếm biết quyền phép của đời sau nhưng lại quay về với nếp sống tội, trở thành người bội đạo.

Sự bội đạo có thể xảy ra dưới các hình thức sau đây:

1. Không chịu nỗi sự thử thách và bắt bớ trên bước đường theo Chúa:

Sự thử thách và bắt bớ này có thể là nghịch cảnh trong đời sống, như: nghèo, đói, tật bệnh, bị vu oan, bị đối xử bất công… có thể là sự bắt bớ đức tin đến từ người thân hoặc nhà cầm quyền.

“Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm.” (Ma-thi-ơ 13:20, 21)

2. Quá lo lắng về đời này và mê đắm của cải, ham muốn được trở nên giàu có, mê tham tiền bạc (Ma-thi-ơ 13:22; I Ti-mô-thê 6:9, 10).

Sự lo lắng về các nhu cầu trong đời này là thể hiện của sự thiếu đức tin vào sự chăm sóc của Chúa. Sự lo lắng về đời này dẫn đến sự mê đắm của cải, tiền bạc, ham muốn trở nên giàu có. Tham lam chẳng khác gì sự thờ lạy hình tượng, vì đã yêu mến và tin cậy tiền bạc, của cải hơn là yêu mến và tin cậy Đức Chúa Trời.

“Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.” (Ma-thi-ơ 13:22)

“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:6-10)

“Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng…” (Cô-lô-se 3:5)

3. Không mặc lấy Đấng Christ để sống một đời sống mới thánh khiết trong Chúa nhưng vẫn sống đời sống cũ, chìu theo tư dục của xác thịt:

Một người có đời sống chìu theo tư dục của xác thịt có nghĩa là xác thịt muốn gì thì lập tức người ấy làm theo để thỏa mãn xác thịt. Tư dục, tức là những đòi hỏi của xác thịt, tự nó không sai, nhưng sự “chìu theo” tư dục là sai. Xác thịt có những nhu cầu chân chính như đói thì cần ăn, khát thì cần uống, nhưng ăn như thế nào, uống như thế nào để không phạm tội hoặc không khiến cho người khác phạm tội là điều quan trọng. Ba trong số những tư dục của xác thịt khiến nhiều người vì “chìu theo” chúng mà bội đạo, là: ngụy tri thức, ăn uống, và tình dục.

“Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con, tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức. Ấy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo. Nguyền xin ân điển ở cùng các anh em!” (I Ti-mô-thê 6:20, 21)

“Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.” (II Ti-mô-thê 4:3, 4)

“Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.” (Rô-ma 13:12-14)

“Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.” (Ga-la-ti 5:19-21)

Kết luận

Đối với người không tin Chúa, mọi tội lỗi đều dẫn đến sự chết, vì “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Tuy nhiên, một khi tội nhân ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức mọi tội lỗi được tha và được ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được hưởng sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 12:31; Mác 3:28; Giăng 1:12, 13; 3:16).

Những người tự xưng là biết Chúa, tôn thờ Chúa, nhưng không tin nhận Đấng Christ, còn tuyên bố việc làm của Ngài là đến từ quyền lực của ma quỷ thì những người ấy phạm tội đời đời không được tha: tội nói phạm Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:31, 32; Mác 3:28, 29).

Tín đồ của Đấng Christ, tức là những người đã thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, đã được tái sinh bởi Đức Chúa Trời, khi còn sống trong thân xác đang chết vẫn còn khả năng phạm tội và vẫn có thể phạm tội vì yếu đuối trước cám dỗ, vì vô ý, vì không biết đó là tội, nhưng khi họ chân thành ăn năn tội và xưng tội thì sẽ được Chúa tha thứ (I Giăng 1:9). Tín đồ Đấng Christ không thể phạm tội nói phạm đến Đức Thánh Linh nhưng có thể phạm tội bội đạo. Tội bội đạo chính là “tội đến nỗi chết” vì Thánh Kinh khẳng định những người phạm tội này không thể ăn năn và số phận của họ còn tệ hơn là trước khi tin Chúa (Hê-bơ-rơ 6:4-6; II Phi-e-rơ 2:20-22).

Người đã ở trong Chúa vẫn có thể bị hư mất:

“Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn… Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.” (Giăng 15:1, 2, 6)

“Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa.  Vậy hãy xem sự nhơn từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhơn từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhơn từ Ngài: bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt.(Rô-ma 11:21, 22)

Chúng ta hãy cậy vào ân điển và quyền năng của Chúa, cùng nhau chịu khổ như những người lính giỏi của Đấng Christ (II Ti-mô-thê 2:3), để đứng vững trong đức tin, sống đúng với lẽ thật của Thánh Kinh trong những ngày sau rốt này; vì:

“Phải trải qua nhiều nỗi khó khăn, mới vào được nước trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22b)

“Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.” (Khải Huyền 2:10b)

Chính Đức Chúa Trời thành tín sẽ giữ gìn tâm thần, linh hồn, và thân thể của chúng ta được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta đến (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, 24).

Huỳnh Christian Timothy
30/09/2007