Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời

3,328 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

“Tin Lành nầy về vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:14)

Dẫn nhập

Tôn giáo, theo định nghĩa của ông Đào Duy Anh trong “Hán Việt Từ Điển,” là “Một thứ tổ chức lấy thần đạo làm trọng tâm mà lập nên giới ước để khiến người ta tín ngưỡng.” Diễn giải cho dễ hiểu thì tôn giáo là một tổ chức lấy sự thờ lạy thần linh mà lập ra các nghi thức và luật lệ để khiến cho người ta tin theo và ngưỡng mộ. Theo định nghĩa tổng hợp từ các từ điển Anh ngữ: về mặt nhân văn, tôn giáo là một tập hợp các hệ thống văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống và thế giới của loài người; về mặt tâm linh, tôn giáo là nổ lực của loài người để tìm cầu sự bảo vệ và ban phước của thần linh.

Tin Lành như được trình bày trong Thánh Kinh là tin tức tốt lành, và đã là tin tức thì không phải là tôn giáo. Xưa nay, người trong và ngoài Hội Thánh vẫn có thói quen gọi Tin Lành là “Đạo Tin Lành,” xem Tin Lành là một trong các tôn giáo. Ngay trong Thánh Kinh Việt ngữ, Bản Dịch Phan Khôi, có nhiều chỗ cũng dùng nhóm chữ “Đạo Tin Lành” để dịch từ ngữ Tin Lành. Tuy nhiên, theo Thánh Kinh, Tin Lành là tin tức tốt lành về vương quốc của Đức Chúa Trời. Những người tin nhận Tin Lành, sống theo Lời Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh, là những người theo Đạo Chúa. Tuy nhiên, chữ “đạo” trong “Đạo Chúa” cũng có ý nghĩa khác với chữ đạo hay chữ tôn giáo được người thế gian thông dụng. Chữ đạo trong Đạo Chúa đặc biệt được dùng để chỉ về mọi Lời của Đức Chúa Trời mà Ngài đã phán qua môi miệng của các đấng tiên tri, các sứ đồ của Ngài, qua môi miệng của Đức Chúa Jesus Christ; và đã được ghi chép lại thành Thánh Kinh bởi các tôi tớ của Ngài. Nói cách khác, Đạo Chúa chính là những Lời của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh. Theo Đạo Chúa là sống theo những sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Tin Lành dẫn chúng ta đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời còn Đạo Chúa giúp cho chúng ta ở lại trong sự cứu rỗi ấy. Trong bài này, chúng ta sẽ dựa vào Thánh Kinh để tìm hiểu về Tin Lành [1].

Bấm vào đây để vào trang download audio

Tội lỗi và Tin Lành

Tin Lành về vương quốc của Đức Chúa Trời là tin tức tốt lành về việc Đức Chúa Trời đã ban cho loài người một Đấng Giải Cứu. Đấng Giải Cứu từ trời đến để giải cứu loài người ra khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho những ai tin nhận sự cứu rỗi ấy, và để thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất.

Tin Lành còn được gọi là ân điển của Thiên Chúa, nghĩa là ơn thương xót của Thiên Chúa ban cho những kẻ không xứng đáng để nhận lãnh ơn ấy. Toàn thể nhân loại đều đắm chìm trong tội lỗi, đáng bị hình phạt vì sự phạm tội; những người có nếp sống đạo đức nhất cũng không thể không phạm tội. Tội lỗi là vi phạm tiêu chuẩn của Thiên Chúa, đã được Ngài bày tỏ trong lòng của loài người, và được gọi là lương tâm. Có hai hình thức tội mà ai cũng phạm: thứ nhất là tội không tôn kính, không biết ơn, và không thờ phượng chỉ một mình Thiên Chúa như Ngài phán dạy; thứ nhì là không yêu thương người khác như chính mình. Sau khi loài người phạm tội thì tiêu chuẩn của Thiên Chúa được ghi chép thành chữ, tức là Mười Điều Răn trong Thánh Kinh, để cho, dù lương tâm loài người có chai cứng vì phạm tội, thì lý trí loài người vẫn nhận thức được tiêu chuẩn công chính và thánh khiết của Thiên Chúa qua chữ viết.

Thiên Chúa là công chính và thánh khiết, cho nên, Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Vì thế, một ngày kia, theo chương trình và ý định của Ngài, Ngài sẽ tiêu diệt thế gian tội lỗi, rồi đoán phạt mỗi người tùy theo tội lỗi mà họ đã phạm. Nhưng Thiên Chúa cũng là tình yêu, Ngài vô cùng yêu thương loài người, cho nên, Ngài đã ban cho loài người cơ hội và phương tiện, để được cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Đó là trọng tâm của Tin Lành và được tóm gọn trong câu Thánh Kinh sau đây:

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.”(Giăng 3:16*)

Sự sống đời đời được thể hiện trong vương quốc của Đức Chúa Trời, cho nên, Tin Lành còn được gọi là Tin Lành về vương quốc của Đức Chúa Trời.

Hậu quả của tội lỗi

Quyền lực của tội lỗi là sức mạnh ngự trị trong thân thể xác thịt của loài người, buộc loài người phải làm theo những sự ưa muốn của xác thịt; mà những sự ưa muốn đó nghịch lại với điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Hậu quả của tội lỗi là mọi đau khổ trong đời sống hiện tại và mai sau của loài người, bao gồm sự chết thứ nhất và sự chết thứ nhì của loài người. Sự chết thứ nhất có tính tạm thời, là sự chết của thân thể xác thịt khi tâm thần và linh hồn rời khỏi xác thịt. Trong ngày Thiên Chúa phán xét nhân loại, thân thể xác thịt của những người không có tên trong Sách Sự Sống sẽ được gọi sống lại để chịu phán xét về mọi tội lỗi đã phạm. Sau sự phán xét đó, thân thể xác thịt, linh hồn, và tâm thần, là thân thể thuộc linh [2] của những người không có tên trong Sách Sự Sống sẽ chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Thánh Kinh gọi đó là sự chết thứ hai. Sự chết thứ nhất của loài người là: thân thể trở về bụi đất; và sự chết thứ hai của loài người là: bị hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài (Sáng Thế Ký 3:19; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Cựu Ước và Tân Ước

Những người không có tên trong Sách Sự Sống thuộc về hai thời đại: Thời đại trước khi và thời đại sau khi Đấng Giải Cứu từ trời đến thế gian để hoàn thành công cuộc giải cứu nhân loại. Thời đại trước được gọi là Thời Cựu Ước hay là Thời Kỳ Giao Ước Cũ. Thời đại sau được gọi là Thời Tân Ước hay là Thời Kỳ Giao Ước Mới.

Giao ước là lời hứa về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Cả hai giao ước cũ và mới đều được Đức Chúa Trời thiết lập với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Giao Ước Cũ được thiết lập vào khoảng năm 1446 TCN, qua 12 chi phái I-sơ-ra-ên, tuyển dân của Đức Chúa Trời, mà về sau, chi phái Đan bị bỏ ra và chi phái Ma-na-se được thay vào (Sáng Thế Ký 35:23-26; Khải Huyền 7:4-8). Giao Ước Mới được thiết lập vào năm 27, qua 12 sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, mà về sau, Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị bỏ ra và Sứ Đồ Phao-lô được thay thế vào (Giăng 17:12; Rô-ma 1:1). Sự kiện chi phái Đan bị bỏ sau khi được dự phần trong Giao Ước Cũ và Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị bỏ sau khi được dự phần trong Giao Ước Mới, cho chúng ta thấy, trong thời đại nào cũng có những tập thể và cá nhân có thể bị trật phần ân điển của Đức Chúa Trời. Chi phái Đan bị bỏ vì mở đầu cho sự thờ lạy hình tượng trong Đất Hứa (Các Quan Xét 18:14-20), là điển hình cho Hội Thánh địa phương sẽ bị bỏ nếu đem sự thờ lạy hình tượng vào trong nhà của Đức Chúa Trời. Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị bỏ vì làm theo ý riêng của mình, điển hình cho môn đồ của Đấng Christ sẽ bị bỏ nếu sống theo xác thịt.

Trong Thời Kỳ Giao Ước Cũ, loài người phải yêu kính và vâng phục  Đức Chúa Trời; thể hiện đức tin của mình qua sự vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời:

“Hãy nhớ ngày ngươi chầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi tại Hô-rếp, khi Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy nhóm hiệp dân sự để Ta khiến chúng nghe lời Ta, hầu cho tập kính sợ Ta đang lúc họ còn sống nơi thế thượng, và dạy lời đó cho con cái mình. Vậy, các ngươi lại gần và đứng dưới núi. Vả, núi cả lửa cháy cho đến tận trời; có sự tối tăm, mây mịt mịt và đen kịt. Từ trong lửa, Đức Giê-hô-va phán cùng các ngươi; các ngươi nghe một tiếng nói, nhưng không thấy một hình trạng nào; chỉ nghe một tiếng mà thôi. Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là Mười Điều Răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá”(Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:10-13).

Trong Thời Kỳ Giao Ước Mới, loài người phải yêu kính và vâng phục Đức Chúa Trời; thể hiện đức tin của mình qua sự ăn năn tội và tin nhận Đấng Giải Cứu là Đức Chúa Jesus Christ. Ăn năn tội là thật lòng đau khổ, hối hận vì sự phạm tội của mình và hết lòng muốn được thoát ra khỏi quyền lực của tội lỗi, không muốn sống trong sự phạm tội nữa. Tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là tin rằng Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời, đã nhập thế làm người để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho nhân loại; và hết lòng vâng phục, làm theo tất cả những lời giảng dạy của Ngài, được chính Ngài đúc kết như sau:

“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó”(Mác 12:30, 31).

Lòng ăn năn tội phải được thể hiện bằng sự từ bỏ tội; và đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ phải được thể hiện bằng nếp sống vâng phục điều răn của Đức Chúa Trời. Nhờ thật lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ mà một người được Đức Chúa Trời tái sinh để có thể vâng giữ các điều răn của Ngài. Thánh Kinh gọi những người đã được tái sinh là các thánh đồ trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, cho dù có lúc phải hy sinh mạng sống để trọn lòng trung tín với Chúa (Khải Huyền 14:12).

Các điều khoản của Cựu Ước và Tân Ước

Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới đều đòi hỏi loài người phải có đức tin nơi Thiên Chúa và thể hiện đức tin qua sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Trong Giao Ước Cũ chỉ có một điều khoản, là loài người phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, còn được gọi là Mười Lời của Đức Chúa Trời, được chính Ngài phán trực tiếp với 12 chi phái I-sơ-ra-ên từ trên núi Si-na-i; và sau đó, được chính ngón tay của Ngài chép lại trên hai bảng đá, được cất vào trong Rương Giao Ước, mà một ngày kia, sẽ tái xuất hiện từ trên trời trong ngày Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian:

“Rồi, đền thờ của Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước trong đền thờ của Ngài được thấy. Có những chớp nhoáng, những âm thanh và những sấm vang, cùng động đất và mưa đá lớn” (Khải Huyền 11:19*).

Tuy nhiên, loài người đã thất bại trong Giao Ước Cũ vì không sao có thể vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì thế, Giao Ước Mới được Đức Chúa Trời lập ra, bằng cách thêm vào Giao Ước Cũ ba điều khoản mới:

  • Điều khoản thứ nhất: Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2).
  • Điều khoản thứ hai: Hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ thì được tha tội và làm cho sạch tội, được tái sinh, được ban cho địa vị làm con Đức Chúa Trời, và được ban cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời để có thể vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời: “Nhưng hễ những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ năng quyền, để trở nên con cái của Đức Chúa Trời; là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài” (Giăng 1:12). “…Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).
  • Điều khoản thứ ba: Hễ ai đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ, chịu tiếp nhận sự thánh hóa của Đức Thánh Linh và trung tín cho đến chết, thì sẽ nhận được sự sống đời đời mà Đức Chúa Jesus Christ đã hứa: “Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời” (I Giăng 2:25). “Hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 1:21). “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:15, 16). “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:14). Những ai đã tin nhận Đấng Christ mà lui đi trong đức tin, không sống một nếp sống nên thánh bằng cách vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì sẽ bị hư mất: “Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống; nhưng nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi” (Hê-bơ-rơ 10:38, 39).

Mục đích của Giao Ước Cũ là để loài người đối chiếu lương tâm đã bị hư hõng vì tội lỗi với tiêu chuẩn thánh khiết, công bình, và yêu thương của Thiên Chúa, được ghi chép thành chữ qua Mười Điều Răn. Giao Ước Cũ không có điều khoản nào để giúp cho loài người có thể sống đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Của tế lễ chuộc tội trong Giao Ước Cũ chỉ có tính cách tha thứ nhất thời, mỗi khi tái phạm thì tội nhân phải dâng một của lễ chuộc tội khác; và của lễ chuộc tội cũng không rửa sạch bản chất ưa thích phạm tội của tội nhân. Mục đích của Giao Ước Mới là thêm các điều khoản mới vào trong Giao Ước Cũ để giúp cho tội nhân thoát khỏi hình phạt của tội lỗi, được rửa sạch bản chất ưa thích phạm tội, đồng thời được sự tha tội đời đời qua của lễ chuộc tội đời đời. Giao Ước Cũ giúp cho loài người nhận thức bản chất xấu xa, gian ác của mình và sự bất lực của loài người trong nổ lực sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Giao Ước Mới giúp cho loài người được cởi bỏ bản chất cũ, mặc vào bản chất mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch (Ê-phê-sô 4:24), và dễ dàng sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa bởi năng lực đến từ Thiên Chúa (Phi-líp 4:16).

Trong Thời Giao Ước Mới, luật pháp của Đức Chúa Trời, tức là các điều răn của Ngài, được chép vào trong lòng của con dân Ngài, trở thành bản tính của con dân Ngài; nhờ đó, con dân Ngài tự nhiên làm theo các điều răn của Ngài:

“Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ lập một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà Ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng Ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta.”(Giê-rê-mi 31:31-33; Hê-bơ-rơ 8:10).

Trong Thời Giao Ước Mới, hễ bất cứ ai trong muôn dân trên đất, bằng lòng ăn năn tội và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy sẽ được dự vào Giao Ước Mới, được hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên, mà trước kia chưa hề có:

“Trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đức Chúa Jesus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi”(Ê-phê-sô 2:12, 13).

Thánh Kinh gọi dân I-sơ-ra-ên là gốc ô-li-ve thánh, những người thuộc các dân tộc khác được dự phần vào Giao Ước Mới là những nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào gốc ô-li-ve thánh (Rô-ma 11:16-24). Chính Đức Chúa Jesus Christ công bố: “Sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” (Giăng 4:22). Người Giu-đa tức là người I-sơ-ra-ên. Giao Ước Mới được Đức Chúa Trời thiết lập với muôn dân qua dân I-sơ-ra-ên (Giê-rê-mi 31:31; Lu-ca 22:20). Trong Thánh Kinh không hề có một chỗ nào nói rằng Đức Chúa Trời thiết lập Giao Ước Mới trực tiếp với muôn dân.

Một người sau khi được dự vào Giao Ước Mới nhưng không còn vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời là một người đã lui đi trong đức tin. Số phận của người ấy còn thê thảm hơn là số phận của những người chưa từng tin nhận Chúa:

“Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu” (II Phi-e-rơ 2:20).

Người lui đi trong đức tin là người chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ bằng chính nếp sống nghịch lại những lời giảng dạy của Ngài. Thánh Kinh gọi đó là những kẻ “thù nghịch của thập tự giá” (Phi-líp 3:18). Nếu họ không ăn năn kịp thời thì một ngày kia, Đức Chúa Jesus Christ cũng sẽ chối họ trước mặt Đức Chúa Cha:

“Còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 10:33).

Thánh Kinh cảnh cáo những người thuộc các dân tộc khác, không phải là I-sơ-ra-ên, đã được dự phần vào Giao Ước Mới, như sau:

“Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve, thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, bèn là cái rễ chịu đựng ngươi. Ngươi sẽ nói rằng: Các nhánh đã bị cắt đi, để ta được tháp vào chỗ nó. Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa. Vậy hãy xem sự nhơn từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhơn từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhơn từ Ngài: bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt.”(Rô-ma 11:17-22)

Sách Sự Sống

Như vậy, những ai trong Thời Cựu Ước tin nhận Đức Chúa Trời và thể hiện đức tin bằng sự vâng giữ các điều răn của Ngài; cùng với những ai trong Thời Tân Ước tin nhận Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ và thể hiện đức tin bằng sự vâng giữ các điều răn của Ngài, đều là những người có tên trong Sách Sự Sống. Tội lỗi của họ đều được chất hết trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ và Ngài đã hoàn toàn gánh chịu hình phạt cho tất cả tội lỗi của họ. Họ được Đức Chúa Trời xưng là công bình, vì đã được rửa sạch tội lỗi bởi huyết của Đấng Christ, và họ không còn phải chịu trách nhiệm về tội lỗi. Nếu họ cứ trung tín trong đức tin, sống nếp sống thánh khiết như một số thánh đồ của Chúa thuộc Hội Thánh Sạt-đe, thì Đức Chúa Jesus Christ hứa rằng, tên của họ sẽ không hề bị xóa khỏi Sách Sự Sống: “Kẻ nào thắng, kẻ ấy sẽ được mặc áo trắng và Ta sẽ không xóa tên người khỏi Sách Sự Sống nhưng sẽ xưng tên người trước Cha Ta và trước các thiên sứ của Ngài” (Khải Huyền 3:5*). Những ai nói mình tin nhận Chúa mà không thể hiện đức tin bằng sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì họ là những người chỉ có đức tin chết: “Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26). Có lẽ, họ là những người bị xóa tên khỏi Sách Sự Sống: “Nguyện chúng nó bị xóa khỏi Sách Sự Sống, không được ghi chung với người công bình.” (Thi Thiên 69:28); hoặc họ chỉ là những người nói dối “Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người” (I Giăng 2:4). Những người đó cùng với những người cứng lòng, không chịu ăn năn từ bỏ tội để tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là những người không có tên trong Sách Sự Sống, sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Thánh Kinh khẳng định, Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân về tình yêu của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi Ngài đã ban cho nhân loại; nhưng đối với những kẻ chỉ muốn sống trong tội lỗi thì Tin Lành ấy bị che khuất: “Nếu Tin Lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà thần của đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 4:3, 4).

Đấng Giải Cứu của nhân loại

Đấng Giải Cứu mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại chính là Con Một của Đức Chúa Trời, Ngài đã nhập thế làm người, mang tên là Jesus. Tên Jesus có nghĩa là: Thiên Chúa Hằng Sống Là Đấng Giải Cứu. Danh hiệu của Ngài là Chúa, là Christ. Chúa có nghĩa là Đấng toàn quyền trên muôn vật. Christ, theo nghĩa đen là Đấng Được Xức Dầu, theo nghĩa bóng là Đấng được Đức Chúa Trời giao cho thẩm quyền, năng lực, và phương tiện để bày tỏ về Đức Chúa Trời cho nhân loại; và thi hành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Thánh Kinh gọi Ngài là: Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu thế gian ra khỏi tội lỗi. Ngài còn có các danh hiệu:

  • “Em-ma-nu-ên” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!” vì Thiên Chúa Ngôi Con đã trở nên người để cứu chuộc loài người và ở giữa loài người cho đến vĩnh cửu;
  • “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời” vì Ngài giải bày ý muốn của Đức Chúa Trời cho nhân loại;
  • “Chiên Con của Đức Chúa Trời” vì Ngài dùng chính mạng sống của mình làm của tế lễ dâng lên Đức Chúa Trời để chuộc tội cho toàn thể nhân loại;
  • “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Đời Đời” vì Ngài dâng của lễ chuộc tội cho nhân loại và hằng cầu thay cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài;
  • “Người Chăn Hiền Lành” vì Ngài luôn chăm sóc những ai thuộc về Ngài, từ thuộc thể cho đến thuộc linh;
  • “Vua Trên Muôn Vua và Chúa Trên Muôn Chúa” vì Ngài sẽ trở lại thế gian để thiết lập Vương Quốc Ngàn năm Bình An của Ngài, trong vương quốc đó, và trong trời mới, đất mới Ngài sẽ cai trị trên muôn vua, muôn chúa;
  • “Đấng Xét Đoán” vì Ngài sẽ xét đoán kẻ sống và kẻ chết.

Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Giải Cứu chân thật và duy nhất của toàn thể nhân loại. Ngài là đường đi, lẽ thật, và sự sống. Không bởi Ngài thì không ai có thể đến cùng Đức Chúa Trời (Giăng 14:6). Thánh Kinh khẳng định: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12). Vì thế, mọi tôn giáo, mọi giáo chủ, mọi triết học, và ngay cả lòng chân thành của loài người đều không thể nào giải cứu loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi.

Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại bằng cách gánh chịu hình phạt của tội lỗi thay cho toàn thể nhân loại. Về phần thể xác, Ngài đã chịu sỉ nhục, chịu đánh đập, chịu đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và bị chôn trong mồ mã ba ngày, ba đêm. Về phần tâm thần, Ngài đã bị phân rẽ với Đức Chúa Cha trong lúc gánh thay án phạt cho nhân loại (Ma-thi-ơ 27:46; Mác 15:34). Về phần linh hồn, Ngài đã chịu đau đớn, muộn phiền vượt trên mọi sự tưởng tượng, vì Ngài phải gánh lấy đau khổ của toàn thể nhân loại. Tiên Tri Ê-sai đã báo trước sự thống khổ của Ngài:

“Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân Ta đáng chịu đánh phạt? Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng. Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm…”(Ê-sai 53:2-10)

Nhờ đó, hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì lập tức được thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, được vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Vương quốc của Đức Chúa Trời

Vương quốc của Đức Chúa Trời còn được gọi là vương quốc thiên đàng. Gọi là vương quốc vì được cai trị bởi Vua trên muôn vua và Chúa trên muôn chúa, là Đức Chúa Jesus Christ. Gọi là vương quốc thiên đàng vì nguyên cớ, nguồn gốc, và năng lực của vương quốc ra từ thiên đàng. Nguyên cớ của vương quốc là ý muốn của Đức Chúa Cha. Nguồn gốc của vương quốc là được thiết lập bởi Đức Chúa Con. Năng lực của vương quốc là quyền phép của Đức Thánh Linh.

Trong Thời Cựu Ước, vương quốc của Đức Chúa Trời được hứa:

“Bấy giờ muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề ở rắn hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển.” (Ê-sai 11:6-9)

Trong Thời Tân Ước, vương quốc của Đức Chúa Trời được khởi sự thiết lập trong lòng của Hội Thánh:

“Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jesus vương quốc của Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, vương quốc của Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” (Lu-ca 17:20, 21)

Trong Thời Ngàn Năm Bình An, vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập trên khắp đất:

“Phước thay và thánh thay cho kẻcó phần trong sự sống lại thứ nhất. Sự chết thứ nhì chẳng có quyền lực trên những kẻ đó. Họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ; họ sẽ cai trị với Ngài một ngàn năm.”(Khải Huyền 20:6*)

Cuối cùng, vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập trong trời mới và đất mới, còn lại cho đến đời đời:

“Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa. Tôi, Giăng, nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời hạ xuống, chuẩn bị như vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ trời phán rằng: “Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ làm dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ. Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi. Đấng ngự trên ngai phán rằng: “Này, Ta làm mới mọi sự!” Ngài lại phán với tôi: “Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.” Ngài phán với tôi: “Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống. Kẻ nào thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.”” (Khải Huyền 21:1-7*)

“Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!”(Ê-sai 9:6)

Kết luận

Ý nghĩa của Tin Lành về vương quốc của Đức Chúa Trời có thể tóm gọn trong những điểm sau đây:

  • Đó là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Sự cứu rỗi đó chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ.
  • Đó là tin tức tốt lành về sự loài người chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ được sống lại sau khi chết và sống đời đời trong vương quốc thiên đàng.
  • Đó là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Jesus Christ đã thiết lập vương quốc thiên đàng cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.
  • Đó là tin tức tốt lành về sự thể hiện của vương quốc thiên đàng trong tấm lòng của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ.
  • Đó là tin tức tốt lành về sự thể hiện của vương quốc thiên đàng trong toàn thế gian trong Thời Ngàn Năm Bình An.
  • Đó là tin tức tốt lành về sự thể hiện của vương quốc thiên đàng trong trời mới, đất mới
  • Đó là tin tức tốt lành về sự vương quốc thiên đàng và những ai thuộc về vương quốc sẽ còn lại cho đến đời đời trong phước hạnh của Thiên Chúa.

Lời kêu gọi và cảnh cáo

Bạn là người đang đọc những dòng chữ này, bạn có muốn tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời để được Ngài tha tội và làm cho bạn sạch tội, được sống lại sau khi chết và được sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời hay không? Nếu có, bạn hãy chân thành ăn năn tội lỗi và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Bạn có thể thưa với Chúa vài lời đơn sơ như sau: “Lạy Cha chúng con ở trên trời! Con thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi Ngài đã ban cho con trong Đức Chúa Jesus Christ. Xin Chúa tiếp nhận con vào vương quốc đời đời của Ngài và xin giúp cho con hiểu biết Lời Ngài để từ nay con biết sống đẹp ý Ngài. Con cảm tạ Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!” (“A-men” có nghĩa là thật như vậy!). Sau đó, mời bạn ghé lại website: www.tinlanhvietnam.net để học biết thêm về Chúa và nếp sống mới trong Chúa.

Nếu bạn là người mang danh tín đồ Tin Lành nhưng chưa thật lòng ăn năn tội, vẫn còn đang sống trong tội, thì bạn là người giả hình, sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Bạn cần chân thành ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ trước khi quá muộn. Nếu bạn ăn năn, bạn hãy thưa với Chúa vài lời đơn sơ như sau: “Lạy Cha chúng con ở trên trời! Con thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi Ngài đã ban cho con trong Đức Chúa Jesus Christ. Xin Chúa tiếp nhận con vào vương quốc đời đời của Ngài và xin giúp cho con hiểu biết Lời Ngài để từ nay con biết sống đẹp ý Ngài. Con cảm tạ Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!”

Nếu bạn là người đã thật lòng tin nhận Chúa, đang hết lòng sống theo Lời Chúa thì tôi xin chúc mừng bạn và gửi đến bạn những lời nhắc nhở sau đây của Đức Thánh Linh:

“Khi hai sứ đồ đã rao truyền Tin Lành trong thành đó, và làm cho khá nhiều người trở nên môn đồ, thì trở về thành Lít-trơ, thành Y-cô-ni và thành An-ti-ốt, giục các môn đồ, vững lòng, khuyên phải bền đổ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được vương quốc của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:21, 22)

“Phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (I Ti-mô-thê 6:14).

“Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta” (II Ti-mô-thê 2:11, 12)

Nguyện tình yêu của Đức Chúa Cha, ân điển của Đấng Christ, và quyền phép của Đức Thánh Linh luôn đầy dẫy trong bạn, để bạn luôn sống thánh khiết và kết quả trong việc rao giảng Tin Lành về vương quốc của Đức Chúa Trời, cho đến ngày Đấng Christ hiện ra giữa chốn không trung để đem chúng ta về nhà Cha. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
15.08.2011

Chú thích

[*] Những câu Thánh Kinh trong sách Giăng và sách Khải Huyền được trích dẫn trong bài viết này là từ Bản Dịch Ngôi Lời: http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/

[1] “Tin Lành” được dịch từ chữ εὐαγγέλιον của tiếng Hy-lạp, với mã số Strong là G2098, phiên âm là /euaggelion/, phát âm là (yoo-ang-ghel’-ee-on), được dịch ra tiếng Anh là “Godspel.” Nếu bạn đang đọc bài này trên Internet thì có thể bấm vào mã số Strong để xem định nghĩa của từ ngữ này trong tiếng Anh, và bấm vào ký hiệu phát âm để nghe cách phát âm.

[2] Tâm thần là thân thể thuộc linh của loài người, được dựng nên khi Thiên Chúa thổi thần linh vào thân thể làm bằng bụi đất của loài người. Cùng lúc đó, bản ngã của loài người phát sinh, tức là linh hồn. Linh hồn ở trong tâm thần và xác thịt.