Tiêu Chuẩn của Sự Chọn Lựa

2,691 views

Tiêu Chuẩn của Sự Chọn Lựa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi-líp 4:8).

Từ khi được sinh ra cho đến khi qua khỏi cuộc đời này, chúng ta luôn luôn đối diện với những chọn lựa. Những chọn lựa đó có thể được thi hành một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Một đứa bé sơ sinh chọn lựa nép sát vào mình người mẹ để tìm hơi ấm, hay chọn lựa bầu vú căng sữa… là hình ảnh của những chọn lựa không có ý thức. Một người đi chợ mua sắm các thức ăn, có thể thực hiện những sự chọn lựa trong khi mua sắm một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Trong trường hợp mua sắm này, chọn lựa một cách không có ý thức là chọn những mặt hàng cũ theo thói quen, chẳng cần phải cân nhắc, suy nghĩ; chọn lựa một cách có ý thức là khi phải quyết định chọn một mặt hàng mới, hay phải chọn một mặt hàng thay thế khi không tìm thấy mặt hàng cũ, quen thuộc.

Dù chọn lựa một cách có ý thức hay không có ý thức thì mỗi sự chọn lựa đều dẫn đến hậu quả đương nhiên. Có những sự chọn lựa dường như không quan trọng nhưng lại dẫn đến những hậu quả quan trọng. Có những sự chọn lựa trở thành chung kết, nghĩa là một khi đã chọn thì sẽ không còn cơ hội thay đổi hậu quả của sự chọn lựa đó.

Mỗi một ngày trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn đối diện với rất nhiều sự chọn lựa, và chúng ta thực hiện tất cả những sự chọn lựa đó một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Vì vậy, cuộc đời của chúng ta là sự thể hiện hậu quả của những sự chọn lựa mà chúng ta thi hành mỗi ngày.

Hậu quả của sự chọn lựa

Thánh Kinh ghi lại nhiều hậu quả thảm khốc phát sinh từ sự chọn lựa của loài người. Dưới đây là một vài trường hợp điển hình:

Không vâng lời: Sự chọn lựa ăn trái cây biết điều thiện và điều ác của ông A-đam và bà Ê-va đã đem tội lỗi, đau khổ, và sự chết vào trong thế gian; đã khiến cho Thiên Chúa Ngôi Lời toàn năng, vinh hiển, không thể chết phải nhập thế làm người, chịu yếu đuối, sỉ nhục, và chịu chết, (Sáng Thế Ký 3).

Theo ý riêng: Sự chọn lựa có con theo ý riêng của ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra đã khiến cho mấy ngàn năm nay hai dân tộc Ả-rập và Do-thái tranh chấp, hận thù, tương tàn, đem bất an đến cho toàn thế giới, (Sáng Thế Ký 15, 16, 21).

Tham của người: Sự tham muốn vợ người khác của Vua Đa-vít đã đem lại đại họa lưu truyền trong gia đình của ông; anh hiếp em, anh em tàn sát lẫn nhau, con chiếm ngôi cha, (II Sa-mu-ên 11, 13, 15, 18).

Kiêu ngạo, khoe khoang: Sự kiêu ngạo, khoe khoang của Vua Ê-xê-chia đã khiến cho toàn bộ báu vật của I-sơ-ra-ên bị Vua Ba-bi-lôn cướp lấy, (II Sử Ký 32:31; II Các Vua 20:12-18).

Bên cạnh những chọn lựa mang đến hậu quả thảm khốc, cũng có những chọn lựa mang đến phước hạnh:

Thánh sạch: Sự chọn lựa giữ mình thánh sạch của Giô-sép đã khiến cho ông trở thành tể tướng Ai-cập và hai con của ông trở thành hai chi phái trong số 12 chi phái của I-sơ-ra-ên (Sáng Thế Ký 37-48).

Nhân đức: Sự chọn lựa đầy lòng nhân đức của Ru-tơ đã khiến cho bà trở thành tổ mẫu về phần xác của Đức Chúa Jesus (Ru-tơ).

Công bình: Sự lựa chọn của Hoàng Hậu Ê-xơ-tê đem lại sự giải phóng cho dân tộc của bà (Ê-xơ-tê).

Mỗi sự chọn lựa đều dựa trên một số tiêu chuẩn đã được quy định trước. Những tiêu chuẩn chọn lựa thường là do chính người chọn lựa thiết lập. Hai người cùng chọn lựa mua một chiếc xe mới nhưng tiêu chuẩn chọn lựa có thể khác nhau. Tiêu chuẩn của người thứ nhất có thể là: sang-đẹp-bền, trong khi tiêu chuẩn của người thứ nhì là: rẻ-bền-đẹp. Là con dân Thiên Chúa, chúng ta nên thực hiện những chọn lựa của mình dựa trên các tiêu chuẩn do chính Chúa quy định. Các tiêu chuẩn này được trình bày rõ ràng trong Thánh Kinh và được chính Đức Thánh Linh nhắc nhở trong lòng của chúng ta, hoặc Ngài dùng người khác nhắc nhở chúng ta khi chúng ta đối diên với sự chọn lựa. Sứ Đồ Phao-lô đã tổng kết các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong Phi-líp 4:8, như sau:

“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.”

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của các tiêu chuẩn này:

Chân thật: là sự chọn lựa của mình không đi ngược lại lời Chúa. Thánh Kinh là lời Chúa và là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của người đi theo Chúa (II Phi-e-rơ 1:20-21; II Ti-mô-thê 3:16-17). Mọi sự chọn lựa của chúng ta đều phải hoàn toàn dựa trên lời Chúa thay vì dựa vào tri thức của đời này, hay dựa vào cảm xúc của xác thịt. Chính Đức Chúa Jesus tuyên bố lời Chúa là lẽ thật (Giăng 17:17). Trên một phương diện khác, Đức Chúa Jesus chính là Lời Chúa, danh xưng của Ngài là NGÔI LỜI (Giăng 1:1; Khải Huyền 19:13), Ngài đến thế gian để giãi bày Đức Chúa Cha cho chúng ta (Giăng 1:18), và Ngài tự xưng mình là Lẽ Thật (Giăng 14:6); cho nên sự chọn lựa của chúng ta cần phải không đi ngược lại mọi điều mà Đức Chúa Jesus đã truyền cho chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20). Ngài là Đấng mà “trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá” (I Phi-e-rơ 2:22b).

Đáng tôn: là sự chọn lựa của mình được thi hành trong danh Chúa, làm vinh hiển danh Chúa. Cô-lô-se 3:17 “Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” Và như thế, những sự chọn lựa của chúng ta khiến cho người khác tôn vinh Chúa:

“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Sự lựa chọn của ba chàng nô lệ Hê-bơ-rơ thời Vua Nê-bu-cát-nết-sa, không sấp mình thờ lạy tượng vua, đã khiến cho danh Chúa được vinh hiển, chính Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã ra chiếu chỉ tôn vinh Chúa:

“Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại cất tiếng nói rằng: Đáng tôn vinh Thiên Chúa của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô! Ngài đã sai Thiên Sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái lời vua, và liều bỏ thân thể mình để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Thiên Chúa mình. Cho nên ta ban chiếu chỉ này: Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, bất cứ người nào nói xấu đến Thiên Chúa của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể này.” (Đa-ni-ên 3:28-29)

Công bình: là sự chọn lựa của mình được thực hiện trong đức tin. Chúng ta được xưng công bình vì có đức tin vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Chúng ta cần thực hiện các sự chọn lựa của mình trong đức tin nơi Chúa, cho dù, theo lý trí của xác thịt, theo tiêu chuẩn của thế gian, sự chọn lựa của chúng ta bị xem là rồ dại. Áp-ra-ham chọn lựa dâng I-sác trong đức tin vì ông tin rằng “Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến con mình sống lại từ những kẻ chết.” (Hê-bơ-rơ 11:19). Ba trăm người I-sơ-ra-ên không vũ khí đi theo Ghê-đê-ôn để tấn công 135,000 người có tài cầm gươm của dân Ma-đi-an (Các Quan Xét 7-8) đã làm một sự chọn lựa bởi đức tin.

“Vậy, chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin.” (Rô-ma 5:1a).

“Vì bất cứ điều gì làm mà không bởi đức tin thì điều ấy là tội lỗi.” (Rô-ma 14:23b).

Trên một phương diện khác, sự lựa chọn của chúng ta không thể là nguồn gốc đem đến bất công cho người khác.

Thánh sạch: là sự chọn lựa của mình không vì lợi nhơ bẩn (I Phi-e-rơ 5:2), không vì danh vọng giả dối (Ga-la-ti 5:26), không vì muốn lấy lòng loài người mà làm buồn lòng Chúa (Ga-la-ti 1:10). Chính Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng đã có lần làm một sự lựa chọn không thánh sạch khi ông sợ mất lòng những người tín đồ gốc Do-thái mà không dám ngồi ăn chung với các tín đồ gốc dân ngoại tại thành An-ti-ốt. Sứ Đồ Phao-lô đã quở trách Sứ Đồ Phi-e-rơ ngay trước mặt Hội Thánh (Ga-la-ti 2:11-14).

Đáng yêu chuộng: là sự chọn lựa đem lại ích lợi cho nếp sống Đạo, đáng làm gương tốt. Có những chọn lựa đáng yêu chuộng được ghi chép trong Thánh Kinh như sau:

“Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em. Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:1-2).

Có tiếng tốt: là sự chọn lựa mà mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta, cũng không thể chê trách. Đó là những chọn lựa đem lại ích lợi cho xã hội. Lời Chúa dạy:

“Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).

“Vì các anh chị em làm điều lành để làm cho câm lặng sự thiếu hiểu biết của những kẻ ngu dại; ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:15).

Có nhân đức đáng khen: là sự lựa chọn đem lại ích lợi cho người khác, ngay cả cho kẻ thù nghịch và kẻ ghét mình hơn là cho chính mình:

“Nhưng Ta nói với các ngươi, là những người nghe Ta: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi…” (Lu-ca 6:27).

“Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều xây dựng. Chớ ai chỉ biết tìm cho mình sự vừa ý riêng, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác được vừa ý nữa.” (I Cô-rinh-tô 10:23-24).

Kết luận

Mỗi chọn lựa trong cuộc đời của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, cần phải hội đủ bảy tiêu chuẩn trên đây. Đối với Đức Chúa Trời lớn hay nhỏ không quan trọng bằng thánh khiết hay ô uế. Biết lựa chọn theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là chúng ta sống một đời sống tràn đầy phước hạnh, một đời sống thỏa lòng, một đời sống sung mãn, một đời sống: “bước đi theo thần trí” (Ga-la-ti 5:16), “bước đi trong Đấng Christ” (Cô-lô-se 2:6).

Và, đó là ấn chứng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời: “Vì bất cứ những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa” (Rô-ma 8:14).

Hãy học tập để cho những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thấm nhuần trong chúng ta đến nỗi mỗi sự chọn lựa của chúng ta đều trở thành sự chọn lựa một cách vô thức, nhưng đều đẹp ý Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

03/04/2007