Thi Thiên 100: Bài Ca Cảm Tạ

2,783 views

Bài Giảng Trong Năm 2018
Thi Thiên 100: Bài Ca Cảm Tạ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzQ4MTIwMDlf/201808_ThiThien_100_BaiCaCamTa.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201808_thithien_100_baicacamta
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/8jk4542wcwg233x/201808_ThiThien_100_BaiCaCamTa.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

 

Thi Thiên 100 là một trong những bài ca cảm tạ được Đức Thánh Linh thần cảm cho con dân của Ngài viết ra và lưu lại cho chúng ta. Toàn bộ sách Thi Thiên là sự tổng hợp các bài ca tôn vinh Thiên Chúa, nhưng Thi Thiên 100 là bài ca duy nhất được đặt tên là: “Bài Ca Tôn Vinh”. Và nội dung của Thi Thiên 100 là lời tôn vinh Thiên Chúa với lòng biết ơn Ngài. Trong mùa Lễ Cảm Tạ năm 2018 này, chúng ta hãy cùng nhau học Thi Thiên 100 và dùng bài ca này tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa của chúng ta về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong suốt một năm qua, kể từ mùa Lễ Cảm Tạ năm 2017.

Thi Thiên 100

1 Hỡi cả trái đất! Hãy cất tiếng reo mừng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!

2 Hãy phụng sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với sự vui mừng! Hãy đến trước mặt Ngài với sự ca hát.

3 Hãy biết rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài {là} Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên chúng tôi, không phải chúng tôi {tự làm ra mình}. {Chúng tôi là} con dân của Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.

4 Hãy vào trong các cửa của Ngài với lời cảm tạ! {Hãy vào} trong các hành lang của Ngài với lời tôn vinh! Hãy cảm tạ {Ngài}, tôn kính danh của Ngài!

5 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu {là} thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời.

Quý ông bà anh chị em có thể xem và nghe trên Youtube bài ca Thi Thiên 100 trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Nhật với tiếng đệm của đàn guitar [1]; xem và nghe hát trong tiếng Hê-bơ-rơ với giai điệu khác [2].

1 Hỡi cả trái đất! Hãy cất tiếng reo mừng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!

Động từ reo mừng cùng nghĩa với động từ tôn vinh. Câu 1 nói đến sự tôn vinh Thiên Chúa không phải chỉ do loài người chúng ta, mà cả muôn vật trên đất. Trong thực tế, không phải chỉ cả trái đất tôn vinh Thiên Chúa mà các thiên sứ (Thi Thiên 148:2) và cả các tầng trời cũng dự phần trong việc tôn vinh Thiên Chúa.

Các tầng trời thuật lại sự vinh quang {của} Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài. Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức {được} bày tỏ. Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ {nào mà} âm thanh của chúng không được nghe biết đến.” (Thi Thiên 19:1-3).

Cả trái đất cất tiếng reo mừng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vì Ngài là Đấng tạo dựng nên muôn vật trên đất; và Ngài là Đấng chu cấp mọi nhu cầu cho chúng, trong đó có loài người.

Hết thảy chúng chờ đợi nơi {Ngài}. Ngài ban thức ăn của chúng đúng giờ. Ngài ban cho, chúng nó nhận lấy. Ngài xoè tay của Ngài, chúng nó được no nê vật tốt” (Thi Thiên 104:27-28).

Ngài ban thức ăn cho mọi xác thịt. Vì sự từ ái của Ngài {là} mãi mãi.” (Thi Thiên 136:25).

Mắt của muôn vật ngửa trông Ngài và Ngài ban cho chúng thức ăn của chúng đúng giờ. Ngài xoè tay của Ngài và làm cho thỏa lòng mọi sinh vật.” (Thi Thiên 145:15-16).

…Ngài khiến mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cùng người lành, và Ngài làm mưa trên người công bình lẫn kẻ không công bình” (Ma-thi-ơ 5:45).

Công Vụ Các Sứ Đồ 17

24 Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong nó, ấy là Chúa của trời và đất, Ngài chẳng ngự trong các đền thờ được làm bằng tay.

25 Ngài cũng chẳng được phụng sự bởi bàn tay của loài người {như là} Ngài cần điều gì. Chính Ngài ban từng sự sống và hơi thở đến cho tất cả.

26 Ngài cũng đã làm ra các dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất, và đã xác định thời gian được định sẵn cùng biên giới chỗ ở của họ;

27 {để cho} họ tìm kiếm Chúa. Nếu họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm {Ngài}, dù Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.

28 Vì trong Ngài, chúng ta sống, động, và thực hữu; theo như có lần một vài thi nhân của các ngươi đã nói: Vì chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.

Qua những lời của Sứ Đồ Phao-lô nói với dân chúng thành A-thên, chúng ta thấy, ngay từ xa xưa, những dân tộc không có Thánh Kinh như dân I-sơ-ra-ên có, tự trong lương tâm của họ cũng nhận biết, họ thuộc về dòng dõi của Thiên Chúa, nghĩa là do Thiên Chúa làm ra, nhận lấy hơi sống từ chính Ngài. Người Việt chúng ta thì có câu: “Trời sinh Trời dưỡng”, có nghĩa, muôn vật được Thiên Chúa tạo dựng thì Thiên Chúa sẽ nuôi dưỡng muôn vật. Khái niệm đó chỉ có thể có trong loài người vì chính Thiên Chúa đã ban cho họ sự tri thức như vậy. Tiếc thay, dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc khác đã bị “Đức Chúa Trời của đời này” là Sa-tan làm cho mù mắt thuộc linh (II Cô-rinh-tô 4:4), khiến cho họ không còn nhận biết Thiên Chúa để thờ phượng Thiên Chúa, mà lại đi thờ phượng các hình tượng của các tà thần, là các biểu tượng của Sa-tan. Họ đã thờ phượng những loài thọ tạo và những loài do tay người làm ra, thay vì thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm ra muôn loài (Rô-ma 1:22-25).

Điều đau buồn hơn nữa là ngày nay có hàng tỷ người xưng nhận mình là con dân của Thiên Chúa, nhưng lại thờ lạy loài người và các hình tượng gọi là “hình Chúa”, “tượng Chúa” thay vì thờ phượng Thiên Chúa trong lẽ thật, theo Lời Chúa.

2 Hãy phụng sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với sự vui mừng! Hãy đến trước mặt Ngài với sự ca hát.

Câu 2 là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy phụng sự Ngài, hầu việc Ngài với sự vui mừng. Vui mừng vì chúng ta được vinh dự phụng sự Thiên Chúa. Vui mừng vì khi phụng sự Thiên Chúa thì chúng ta được Ngài ban cho đủ mọi thứ phước. Vui mừng vì chính sự kiện phụng sự Thiên Chúa đem lại sự sung sướng và thỏa lòng cho chúng ta. Vì thế, không thể nào chúng ta phụng sự Thiên Chúa với dáng điệu uể oải, nhàm chán, với lòng không cảm nhận sự vinh dự và phước hạnh Thiên Chúa ban cho chúng ta, với thái độ chiếu lệ, làm cho có làm.

Chúng ta cũng ghi nhớ, Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy phụng sự Thiên Chúa. Ngài không kêu gọi chúng ta hãy nhân danh Thiên Chúa phụng sự cho bản ngã của chúng ta, tìm kiếm sự vinh quang cho chúng ta qua các hình thức hầu việc Chúa. Nhiều người vui mừng, nhân danh Chúa làm ra những sự gọi là hầu việc Chúa, nhưng thật ra không phải họ phụng sự Thiên Chúa, mà là họ phục vụ cho sự tham muốn của họ, như Rô-ma 16:18 đã nói rõ. Sự vui mừng của một người đứng lên rao giảng lẽ thật của Lời Chúa, vì được Chúa ban cho cơ hội, được chia sẻ những sự lạ lùng, ngọt ngào trong Lời Chúa với các anh chị em của mình, hoàn toàn khác với sự vui mừng của một người đứng lên rao giảng Lời Chúa, vì nghĩ rằng mình có cơ hội phô trương sự hiểu biết Lời Chúa của mình và mong muốn được người nghe thán phục mình. Sự vui mừng của một người vì tình yêu thương mà nhịn một phần chi phí trong gia đình, để có tiền giúp cho anh chị em cùng Cha đang thiếu thốn, hoàn toàn khác với sự vui mừng của một người ra tiền giúp người khác, vì mong được tiếng khen. Bất cứ điều gì chúng ta làm mà mong được sự khen ngợi của loài người, thì điều ấy không phải là phụng sự Thiên Chúa.

Phụng sự Thiên Chúa là làm những công việc mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta, với tấm lòng hướng về Thiên Chúa, với mục đích đem lại ích lợi, đem lại sự gây dựng, và tôn vinh danh Thiên Chúa. Trước hết là chúng ta sống một nếp sống vâng theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Khi chúng ta sống nếp sống yêu thương, thánh khiết, công chính đúng theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, thì chúng ta đang phụng sự Ngài bằng cách tôn vinh danh Ngài qua đời sống của chúng ta. Tất cả những hành động đúng theo Lời Chúa của chúng ta đều là những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, để chúng ta bước đi trong những việc lành đó, tức là sống trong những việc lành đó.

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Trong công tác phụng sự Thiên Chúa, dù chúng ta có phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt, thậm chí có khi phải trả bằng tình cảm của những người thân yêu, bằng nhân phẩm, bằng quyền tự do, và bằng cả mạng sống của chúng ta, thì chúng ta vẫn luôn vui mừng vì được phụng sự Thiên Chúa. Chúng ta luôn vui mừng tin chắc rằng, công khó của chúng ta trong Chúa không là vô ích, phần thưởng của chúng ta ở trên trời sẽ rất lớn, và chúng ta sẽ đời đời được ở trong Vương Quốc Trời.

Phước cho những ai bị bách hại vì sự công bình! Vì Vương Quốc Trời là của họ! Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta {người ta} sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi. Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:10-12).

Ai yêu cha hay mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai yêu con trai hay con gái hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai không vác thập tự giá của mình mà theo sau Ta, thì không đáng cho Ta. Ai tìm sự sống của mình sẽ mất nó. Ai vì Ta mất sự sống của mình sẽ tìm được nó.” (Ma-thi-ơ 10:37-39).

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa! Hãy biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích!” (I Cô-rinh-tô 15:58).

Nhưng nếu các anh chị em phải chịu khổ vì sự công bình, thì được phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.” (I Phi-e-rơ 3:14).

Âm nhạc và sự ca hát là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ra mắt Chúa với sự ca hát là đặc ân Chúa ban cho chúng ta. Người thế gian từ đời này qua đời khác mỗi ngày ca hát cho nhau và tôn vinh những sự thuộc về thế gian. Còn chúng ta là con dân Chúa, được Chúa yêu cầu chúng ta ca hát tôn vinh Ngài mỗi khi chúng ta ra mắt Ngài, chúng ta hãy hết lòng ca hát cho Thiên Chúa của chúng ta. Thánh Kinh ghi lại hàng trăm câu khuyên dạy con dân Chúa ca hát tôn vinh Thiên Chúa.

Mặc dù trong chúng ta có nhiều người không có ơn ca hát: phát âm không chuẩn; giọng ca không hay; không đúng nhịp; không đúng nốt nhạc; không đủ hơi; không thể rung giọng, ngân tiếng… nhưng chúng ta vẫn có thể đến trước Thiên Chúa với sự ca hát. Thiên Chúa không đánh giá kỹ thuật ca hát của chúng ta nhưng Ngài đánh giá tấm lòng yêu thích tôn vinh Chúa của chúng ta.

…Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhìn thấy trong lòng.” (I Sa-mu-ên 16:7).

Chúng ta có thể ca hát trong tâm thần như chúng ta trò chuyện trong tâm thần với Chúa.

Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:20).

Tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của chúng ta là tôn vinh bằng môi miệng và lưỡi, phát ra âm thanh, bằng các dáng điệu của thân thể, như nhảy múa, đưa tay lên cao. Tôn vinh Đức Chúa Trời trong tâm thần của chúng ta là tôn vinh bằng ý tưởng của chúng ta. Chúng ta có thể tư tưởng đến những lời thánh ca tôn vinh Chúa, khi chúng ta đến trước mặt Chúa.

Thành ngữ “đến trước mặt Chúa” theo nghĩa đen là bước vào trong đền thờ Thiên Chúa, còn gọi là “nhà của Thiên Chúa” (E-xơ-ra 4:24). Trong thời Cựu Ước, đền thờ Thiên Chúa là một công trình xây dựng bằng vật chất, được xây dựng bởi Vua Sa-lô-môn, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngày nay, đền thờ của Thiên Chúa được xây dựng bằng vật chất không còn, nhưng Hội Thánh được gọi là nhà của Thiên Chúa (I Ti-mô-thê 3:15), thân thể của con dân Chúa được gọi là đền thờ của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16). Khi Hội Thánh nhóm hiệp trong danh Đấng Christ thì sự nhóm hiệp của Hội Thánh có sự hiện diện của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Christ (Ma-thi-ơ 18:20). Vì thế, trong mỗi sự nhóm hiệp của Hội Thánh thì con dân Chúa nên hát tôn vinh Thiên Chúa. Nghĩa rộng của thành ngữ “đến trước mặt Chúa” có nghĩa là sự thờ phượng Chúa và tương giao với Chúa cách riêng tư của mỗi con dân Chúa. Mỗi khi chúng ta một mình thờ phượng Chúa hay suy ngẫm Lời Ngài, hay trò chuyện với Ngài, chúng ta nên hát tôn vinh Ngài. Ngài đang hiện diện trong thân thể của chúng ta, là đền thờ của Thiên Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng, sự thờ phượng Thiên Chúa cách cá nhân phải là biệt riêng ra một thời gian nào đó, không làm gì hết ngoài sự ca hát tôn vinh Chúa, đọc Lời Chúa, cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, đó chỉ là một hình thức trong các hình thức thờ phượng Thiên Chúa cách cá nhân. Chúng ta có thể thờ phượng Thiên Chúa bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi nào, cho dù là chúng ta đang học tập, lao động, di chuyển, dọn dẹp, ngủ nghỉ, thậm chí ngay cả khi chúng ta đang tắm rửa. Vì thân thể của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa và mỗi việc chúng ta làm đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa, nên trong thực tế, chúng ta có thể thờ phượng Chúa suốt ngày đêm. Trừ khi chúng ta làm ra một điều gì đó không ích lợi, không gây dựng, và không vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Vậy, mỗi khi có thể, chúng ta hãy thêm vào sự thờ phượng Thiên Chúa không ngừng nghỉ của mình những lời thánh ca tôn vinh Thiên Chúa, cho dù là hát ra miệng hay chỉ hát trong tâm thần.

3 Hãy biết rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài {là} Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên chúng tôi, không phải chúng tôi {tự làm ra mình}. {Chúng tôi là} con dân của Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.

Câu 3 không hàm ý về sự Thiên Chúa dựng nên chúng ta là những thực thể loài người, mà có ý nói rằng, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta là con dân của Vương Quốc Trời, là những người đã được Ngài cứu chuộc ra khỏi tội lỗi, được nuôi bằng Lời Hằng Sống của Ngài. Không phải chúng ta tự mình làm nên sự cứu rỗi của mình, mà chính Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta và khiến chúng ta từ những kẻ thù nghịch Ngài, đáng bị hư mất đời đời, được trở nên những con dân của Ngài. Cách gọi “bầy chiên của Thiên Chúa” hàm ý sự hiệp một của những người được Thiên Chúa canh giữ, bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhóm chữ “đồng cỏ của Ngài” nói đến những phước hạnh thuộc thể lẫn thuộc linh Thiên Chúa dùng để nuôi dưỡng chúng ta. Trong Vương Quốc Đời Đời, trời mới và đất mới là đồng cỏ thuộc thể đáp ứng mọi nhu cầu thuộc thể của chúng ta, khiến chúng ta luôn vui sướng, thỏa mãn thân thể xác thịt của chúng ta. Còn Lời Hằng Sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm thần của chúng ta khiến chúng ta luôn thỏa mãn về sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết mọi công việc của Ngài.

4 Hãy vào trong các cửa của Ngài với lời cảm tạ! {Hãy vào} trong các hành lang của Ngài với lời tôn vinh! Hãy cảm tạ {Ngài}, tôn kính danh của Ngài!

Câu 4 nói đến các cửa và các hành lang của đền thờ Thiên Chúa, tiêu biểu cho sự được bước vào trong sự tương giao với Thiên Chúa và được ở lại trong sự tương giao ấy. Trong Ê-xê-chi-ên 40-44 có ghi lại khải tượng của Tiên Tri Ê-xê-chi-ên về đền thờ của Thiên Chúa trong tương lai. Theo lời mô tả của tiên tri thì khu vực đền thờ tương lai sẽ có ba cửa vào, bốn hành lang trong, và một hành lang ngoài.

Chúng ta được bước vào trong sự tương giao với Thiên Chúa là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi sự cứu chuộc của Ngôi Lời, và bởi sự Đấng Thần Linh đổi mới chúng ta, được tiêu biểu bằng ba cái cửa dẫn vào khu vực của đền thờ. Đền thờ tiêu biểu cho sự hiện diện của Thiên Chúa và giao ước của Ngài đối với con dân của Ngài. Khi chúng ta bước qua các cửa thì chúng ta được ở trong sự tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa, được tiêu biểu bằng hành lang của mỗi cửa. Vì hành lang là nơi người ta thường gặp gỡ, chào hỏi, trò chuyện với nhau. Khi chúng ta đã được ở trong sự tương giao với Thiên Chúa thì chúng ta cũng được ở trong sự tương giao với các anh chị em cùng Cha, được tiêu biểu bằng hành lang ngoài, là khoảng trống chung quanh đền thờ. Trong sự Hội Thánh nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa mỗi Sa-bát, chúng ta được thông công với nhau trong sự thờ phượng Thiên Chúa, tiêu biểu bằng hành lang bên trong. Sau cùng, mỗi chúng ta trong địa vị là thầy tế lễ, được theo chân thầy tế lễ thượng phẩm là Đức Chúa Jesus Christ, bước qua cửa đền thờ, vào trong nơi thánh và nơi chí thánh, để chiêm ngưỡng và thờ phượng Đức Chúa Trời, trong sự thần cảm của Đức Thánh Linh.

Chính vì thế mà chúng ta vui mừng vào trong các cửa của Thiên Chúa (đến với Thiên Chúa) với lời cảm tạ phát xuất từ lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta; và rộn ràng ca hát tôn vinh danh của Thiên Chúa trong các hành lang của Ngài (được thông công với Thiên Chúa và với nhau).

Minh họa: Đền Thờ Thiên Chúa theo khải tượng của Ê-xê-chi-ên
1, 2, 3 là vị trí các cửa. 4, 5, 6 là hành lang của các cửa. 7 là hành lang bên trong.
8 là hành lang bên ngoài, bao gồm bốn góc.
https://od.lk/f/MV8xNzQ4MDg5MTlf

5 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu {là} thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời.

Câu 5 đúc kết lý do vì sao cả trái đất, trong đó có chúng ta, hãy reo mừng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hãy vui mừng phụng sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hãy ca hát tôn kính danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hãy dâng lời cảm tạ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vì được bước vào trong sự tương giao với Ngài và thờ phượng Ngài. Tất cả là vì:

  • Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện.

  • Sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu còn mãi.

  • Sự thành tín của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu còn đến đời đời.

Tính từ “thiện” nói lên phẩm chất thánh khiết, không có sự ác và không thể chấp nhận sự ác của Thiên Chúa.

Danh từ “sự từ ái” nói lên phẩm chất yêu thương của Thiên Chúa. Ngài là tình yêu và từ đời đời cho đến đời đời Ngài vẫn là tình yêu. Sự từ ái của Ngài không hề thay đổi.

Danh từ “sự thành tín” nói lên phẩm chất công chính của Thiên Chúa. Ngài là chân thật, trong Ngài không có sự dối trá.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Từ đâu mà chúng ta có các khái niệm: Thiên Chúa, yêu thương, thánh khiết, công chính, và sự vĩnh hằng, sự đời đời? Chẳng phải chính Thiên Chúa đã đặt những điều đó vào trong chúng ta để chúng ta nhận biết Ngài, hiểu biết các việc Ngài làm ra, tin cậy Ngài, yêu kính Ngài, và thờ phượng Ngài, để chúng ta đời đời sống trong tình yêu của Ngài hay sao?

Hết thảy {muôn vật} được {Ngài} làm ra tốt lành trong thời của chúng. {Ngài} cũng đã đặt sự vĩnh hằng trong lòng họ, {nếu} không bởi đó, chẳng người nào tìm ra công việc mà Đức Chúa Trời làm ra từ ban đầu cho đến cuối cùng.” (Truyền Đạo 3:11).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta nhận biết mọi lẽ thật (Giăng 17:17), khiến chúng ta ngày càng hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, yêu kính Thiên Chúa càng hơn, và vui sống bình an trong tình yêu và ân điển của Ngài với lòng vui mừng và biết ơn chân thành. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/11/2018

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Con Hãy Mau Quay Về”:
https://www.timhieuthanhkinh.net/karaoke/con-hay-mau-quay-ve/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://www.youtube.com/watch?v=plmyHWK0Qr0

[2] https://www.youtube.com/watch?v=rIiE8GNM-n8