Hỏi & Đáp: Tình Dục Trước Hôn Nhân

8,470 views

Hỏi:

Xin chú làm ơn giúp con hiểu rõ lời Chúa trong Thánh kinh một cách trọn vẹn nhất: Có phải Đức Chúa Trời Ba Ngôi của chúng ta không muốn con cái Chúa có quan hệ tình dục trước hôn nhân? Nếu quả thật như vậy, chú làm ơn cho con biết chính xác là những câu Kinh Thánh nào trong Thánh Kinh chứng minh điều đó. Bản thân con chỉ hiểu được một cách chưa rõ ràng và chưa trọn vẹn rằng Chúa không muốn con cái Chúa có quan hệ tình dục trước hôn nhân qua những câu Kinh Thánh sau: I Co-rinh-to 7:2, Công vụ các sứ đồ 15:20, I Co-rinh-to 5:1; 6:13,18;10:8, II Co-rinh-to 12:21, Ga-la-ti 5:19, Ê-phê-sô 5:3, Cô-lô-se 3:5, tê-sa-lô-ni-ca 4:3. Tuy nhiên con vẫn rất muốn hiểu lời Chúa trọn vẹn nhất nên con email cho chú.

Xin cho con hỏi, nếu con và một con cái Chúa là người Mỹ yêu nhau, con thì không muốn tình dục trước hôn nhân, anh ấy thì muốn tình dục trước hôn nhân. Con giở Thánh Kinh ra nói chuyện với anh ấy về vấn đề này, anh ấy nói con hiểu sai lời Chúa rồi. Anh nói tình yêu phải có tình dục, Chúa tạo ra tình dục để làm cho 2 người yêu nhau được hưởng sung sướng và hạnh phúc, như thế không phạm tội gì với Chúa. Con muốn chia tay với anh ấy vì con sợ sẽ phạm tội tà dâm và dâm dục với Chúa, nhưng con không hiểu rõ “tà dâm” là như thế nào? ‘dâm dục’ là như thế nào? Xin chú giúp con hiểu rõ nhé.

Đáp:

I. Địa vị và bổn phận của chúng ta đối với Đức Chúa Trời
Chúng ta là người tin nhận Chúa, được tái sinh, có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể chúng ta (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19); chúng ta không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống cho Đấng Christ và Đấng Christ sống trong chúng ta (Rô-ma 14:7, 8); vì thế, mỗi việc chúng ta làm đều là:

1) Vừa muốn vừa làm theo ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời.
– Nếu ý muốn nào của chúng ta mà không theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì đó là sự cám dỗ chúng ta phạm tội:
“Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).
Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình” (Gia-cơ 1:14).
2) Vì sự vinh hiển của Chúa mà làm, cho dù thông thường như việc ăn hay uống: 
Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).
3) Dùng thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời:
– Mỗi chúng ta là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 1:6), đã dâng thân thể mình lên cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1,2) để thờ phượng Ngài, hầu việc Ngài trong địa vị thầy tế lễ Ngài đã ban cho chúng ta.
“Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:20).

II. Nguyên tắc sống đạo theo tiêu chuẩn Thánh Kinh
Là con dân của Chúa, chúng ta sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa đã đặt ra trong Thánh Kinh. Thánh Kinh không hề ghi lại một cách chi tiết tất cả những điều tội lỗi và những sự ô uế mà Chúa muốn chúng ta phải tránh mà chỉ nêu lên một số điều điển hình rồi đưa ra nguyên tắc sống cho chúng ta. Chúng ta không thể lý luận rằng, vì Thánh Kinh không cấm hút thuốc lá hay sử dụng ma túy, tổ chức
cờ bạc, mãi dâm… cho nên con dân Chúa “có quyền làm.”
Chúng ta không cần biết, không cần nhớ có tất cả bao nhiêu tội lỗi hay sự ô uế Chúa không muốn chúng ta phạm vào. Chúng ta cũng không cần biết các điều đó có được liệt kê trong Thánh Kinh hay không. Chúng ta chỉ cần ghi nhớ các nguyên tắc sống đạo theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa:

1) Nguyên tắc thứ nhất: Bước đi theo Thánh Linh, không làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.
– Xác thịt của chúng ta có những nhu cầu (need), tức là những điều cần thiết cho sự sống, phải được thỏa mãn. Chúng ta chỉ thỏa mãn các nhu cầu của xác thịt trong tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Chúng ta không thể hành động tội lỗi để thỏa mãn nhu cầu của xác thịt. Thí dụ: Chúng ta không thể giết người khác, cướp thức ăn của họ để thỏa mãn sự đói khát của mình. Ngoài các nhu cầu, xác thịt còn có các ưa muốn (want), như muốn ăn ngon, mặc đẹp… Chúng ta có thể ăn ngon mặc đẹp nếu việc làm đó không dẫn đến sự hoang phí, phạm tội. Ngoài ra, xác thịt có những ưa muốn trái nghịch với Thánh Kinh thì chúng ta tuyệt đối không được làm.
Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt” (Ga-la-ti 5:16)
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Tình dục là một nhu cầu của xác thịt. Lời Chúa khuyên chúng ta nên lập gia đình để tránh sự thôi thúc của tình dục, dẫn đến sự phạm tội (I Cô-rinh-tô 7:2). Như vậy, rõ ràng, chỉ có tình dục trong hôn nhân mới đẹp lòng Chúa và được Chúa ban phước còn tất cả các mối tình dục ngoài hôn nhân đều là ô uế và tội lỗi. Gương của Ma-ri và Giô-sép, dù đã hứa hôn với nhau nhưng vẫn không ăn ở cùng nhau.

2) Nguyên tắc thứ nhì: Xem xét mọi việc xem điều chi vừa lòng Chúa thì vâng giữ, làm theo.
Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10)
Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21)
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Tương tự như trong nguyên tắc thứ ba dưới đây.

3) Nguyên tắc thứ ba: Chỉ suy nghĩ, tư tưởng đến những điều thánh thiện, đẹp ý Chúa.
Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8)
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Việc ăn ở trước khi kết hôn có đáng tôn? có thánh sạch? có tạo ra tiếng tốt? có vừa lòng Chúa? có phải là một việc lành? Nếu không thì không được phép nghĩ đến chứ đừng nói là hành động.

4) Nguyên tắc thứ tư: Không làm bất kỳ điều gì nếu trong lòng không tin chắc rằng điều đó đẹp ý Chúa.
– Cho dù là một việc lành, một việc tốt nhưng nếu trong lòng không tin chắc rằng làm như vậy là đẹp ý Chúa, tức không có sự cảm động và dắt dẫn của Đức Thánh Linh, thì chúng ta không làm.
…vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi” (Rô-ma 12:43
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Lòng con đã nghi ngại rồi cho nên điều đó tức là tội lỗi.

5) Nguyên tắc thứ năm: Việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi.
– Có những việc tự bản thân nó không phải là tội nhưng nếu “tựa như” điều ác thì chúng ta không làm.
Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22)
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Tương tự như nguyên tắc thứ 4.

6) Nguyên tắc thứ sáu: Không làm việc gì khiến cho người khác bị cám dỗ hay phạm tội
– Có những việc tự bản thân nó không phải là tội mà còn là nhu cầu của chúng ta nhưng nếu chúng ta làm mà gây ra sự cám dỗ cho người khác hay khiến họ phạm tội thì chúng ta không làm.
Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (I Cô-rinh-tô 8:13)
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Việc ăn ở với nhau trước ngày cưới của con chắc chắn sẽ làm gương xấu cho người khác, nhất là cho con cháu của con sau này, khi chúng nó hỏi con mà con không thể nói dối; còn hiện tại chắc chắn sẽ làm buồn lòng gia đình của con, nếu vì một lý do nào đó mà họ biết được. Sao lại vì một phút vui của xác thịt mà đem lại đau buồn lâu dài cho những người thân yêu của mình? Thậm chí, có thể ảnh hưởng đến đức tin của họ. Chưa kể sau này, hôn lễ của con sẽ không còn nhận được sự ban phước của Chúa nữa!

7) Nguyên tắc thứ bảy: Chỉ làm việc gì có ích lợi, làm gương tốt và làm vinh hiển Chúa
– Có những việc tự bản thân nó không phải là tội nhưng nếu không ích lợi thì chúng ta không làm.
– Dù một việc có ích lợi nhưng không làm gương tốt thì chúng ta cũng không làm.
– Dù một việc có ích lợi và làm gương tốt nhưng không làm vinh hiển Chúa thì chúng ta tuyệt đối không làm.
Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:33)
Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm(I Cô-rinh-tô 10:31).
* Áp dụng vào câu hỏi của con: Rõ ràng, việc ăn ở với nhau trước ngày cưới là không có ích lợi gì, chỉ thỏa mãn một cách sai trái sự ưa muốn của xác thịt; đem lại tai tiếng, nếu có người biết; không làm gương tốt cho ai hết; đem lại mặc cảm phạm tội vì làm như vậy là phạm vào các nguyên tắc sống đạo mà Thánh Kinh đã dạy chúng ta; cho nên, đó không thể là một việc làm vinh hiển danh Chúa; ngược lại người không tin Chúa còn có cớ để cười chê chúng ta.

Trong Thánh Kinh, các tội liên quan đến tình dục, gọi chung là tà dâm (fornication), tà là không chính đáng, là sai trái, Thánh Kinh còn gọi là sự dữ, điều ác (evil); dâm là quan hệ tình dục. Tà dâm là bất kỳ hoạt động tình dục nào không đúng với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa, cho dù chỉ là trong tư tưởng. Tà dâm bao gồm các thứ sau đây:

1) Đồng tính luyến ái (homosexuality): Đàn ông ăn ở với đàn ông, đàn bà ăn ở với đàn bà.
2) Ngoại tình (adultery): Một người ăn ở với một người đàn bà đã có chồng. Một người đã có vợ ăn ở với người không phải vợ mình. Một người đàn bà ăn ở với người đàn ông đã có vợ. Một người đã có chồng ăn ở với một người không phải là chồng mình. Hoặc trong khi ăn ở với vợ/chồng của mình mà tư tưởng đang làm tình với người khác.
3) Thủ dâm (masturbation): Tự mình thỏa mãn tình dục.
4) Làm tình với thú vật (bestiality) hoặc đồ vật (things, sextoys)
5) Trí dâm (pornography): Thỏa mãn ham muốn tình dục trong tư tưởng bằng bằng sự xem, đọc, nghe các văn hóa phẩm khiêu dâm

Dâm dục là ưa muốn được thỏa mãn tình dục (dâm = quan hệ tình dục; dục = muốn). Dâm dục không xấu vì đó là bản năng Chúa ban cho chúng ta nhưng cách thức thỏa mãn dâm dục là điều có thể dẫn chúng ta vào tội lỗi. Đúng là Chúa tạo ra bản năng tình dục để hai người yêu nhau được vui sướng nhưng kèm theo đó còn trách nhiệm sinh con nữa; và nhu cầu tình dục phải được thỏa mãn trong hôn nhân, I Cô-rinh-tô 7:2 đã dạy rõ như vậy.

Cảm tạ Chúa con đã biết dùng Lời Chúa để chống lại cám dỗ. Con tiếp tục cầu nguyện xin Chúa bảo vệ và thêm sức cho con. Con cầu nguyện cho người yêu của con rồi trình bày một lần cuối cùng cho anh ta. Nếu anh ta vẫn không ăn năn, xưng tội với Chúa và xin lỗi con, thì con nên tuyệt giao với anh ta. Đó không phải là con cái thật của Chúa. Vì như vậy là người không có Đức Thánh Linh, chưa được tái sinh, chỉ sống theo xác thịt.

Nguyện Chúa ban thưởng cho con cách xứng đáng vì hết lòng sống theo lời Chúa dạy.

Tim Huỳnh
05/10/2010