Tội lỗi (Phần 2): Hậu quả

4,799 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

Nguồn gốc của tội lỗi

Có người lý luận rằng: Vì Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên muôn loài vạn vật cho nên Ngài cũng chính là nguồn gốc của tội lỗi. Cũng có người cho rằng Thiện và Ác là hai yếu tố ắt phải có như hai mặt của một đồng tiền. Hai yếu tố này cùng xuất hiện và luôn luôn khắc chế lẫn nhau nhưng cũng luôn luôn tồn tại, không bao giờ có một yếu tố nào bị tiêu diệt hoàn toàn. Cả hai quan điểm trên đều sai.

Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời là Thiện, sự nhơn từ của Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời. (Thi Thiên 100:5)

Vì Đức Chúa Trời là Thiện cho nên Ngài không tạo ra sự Ác, vì Đức Chúa Trời là thiện cho nên bất cứ điều gì trái nghịch với Đức Chúa Trời là sự Ác. Ban đầu không có sự Ác, sự Ác chỉ xuất hiện khi có một loài thọ tạo chống nghịch Chúa. Sự chống nghịch Chúa là sự Ác, hành động chống nghịch Chúa là tội lỗi. Theo Thánh Kinh, chỉ có thiên sứ và loài người chống nghịch Chúa, tạo ra sự Ác. Một trong các thiên sứ trưởng của Chúa đã chống nghịch Chúa và trở thành Satan, lôi kéo theo nhiều thiên sứ dưới quyền, những thiên sứ nghe theo Satan trở thành các quỷ sứ. Tổ phụ của loài người đã nghe theo lời dụ dỗ của Satan mà chống nghịch Chúa cho nên mất hết sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, mất quyền làm con của Đức Chúa Trời, bị chết thuộc thể lẫn thuộc linh, và hậu quả đó di truyền đến toàn thể nhân loại.

Thí dụ sau đây có thể giúp cho chúng ta hiểu được vì sao Đức Chúa Trời không tạo ra sự Ác và cũng không có trách nhiệm về sự Ác. Một hãng bào chế dược phẩm sản xuất các loại thuốc để trị bệnh và bổ dưỡng thân thể. Người sử dụng thuốc phải theo đúng chỉ dẫn của nhà bào chế. Nếu người sử dụng không vâng theo sự chỉ dẫn của nhà bào chế, tùy tiện sử dụng thuốc theo ý riêng của mình thì có thể dẫn đến nguy hiểm chết người. Bất kỳ loại thuốc nào dùng quá liều chỉ định cũng trở thành nguy hiểm và có những loại thuốc không thể dùng chung với nhau. Nhà bào chế không tạo ra thuốc độc, chỉ tạo ra thuốc bổ và thuốc trị bệnh, nhưng khi người sử dụng không vâng theo chỉ thị của nhà bào chế thì tự mình tạo ra “thuốc độc.” Nhà bào chế không có trách nhiệm gì về việc người sử dụng không tuân theo sự hướng dẫn của nhà bào chế trong việc dùng thuốc, khiến sinh ra hậu quả chết người.

Thánh Kinh cho biết, tội lỗi bắt nguồn từ trong chính mỗi cá nhân. Thiên sứ và loài người được Đức Chúa Trời dựng nên với ý lực tự do chọn lựa. Thiên sứ và loài người toàn quyền chọn lựa tin cậy Chúa, yêu kính Chúa, và tôn thờ Chúa hoặc chọn lựa nghi ngờ Chúa, yêu mình hơn yêu Chúa, và tôn thờ chính mình. Gia-cơ 1:13-15 chép rằng:

“Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.”

Yêu thương chính mình là bản năng do Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Có yêu thương chính mình thì mới biết bảo vệ, trau dồi, và chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, khi chúng ta yêu thương chính mình hơn người khác, yêu thương chính mình hơn Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ bị sự ham muốn ích lợi riêng tư (tư dục) xui giục mình làm ra những hành động bất công, khiến tổn thương người khác, những hành động ô uế làm nhục chính thân thể mình và người khác… và tất cả những hành động như vậy là chống nghịch sự Thiện, tức chống nghịch Đức Chúa Trời, là tội lỗi. Nguồn gốc của tội lỗi phát xuất từ trong chính mỗi tội nhân.

Hình thức của tội lỗi 

Thánh Kinh liệt kê 5 hình thức của tội lỗi:

1. Phạm tội vì không sống đúng với tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời: Ví như một người bắn cung mà bắn không trúng mục tiêu, người sống không đúng với tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời là người sống trật mục tiêu mà Chúa đã đặt ra khi tạo dựng nên người. Bởi vậy, tội lỗi là trật mục tiêu, là không sống giống như mình đáng phải sống và có thể sống. Khi chúng ta nhận ra rằng, tội lỗi có nghĩa là không đánh trúng mục tiêu, không đạo đức như mình đáng phải đạo đức thì rõ ràng mỗi chúng ta đều là tội nhân:

“Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10)

2. Phạm tội vì cố tình vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời: Là tội của người biết điều phải mà vẫn làm điều quấy, biết luật pháp mà vẫn vi phạm. Bản năng thứ nhất của con người là bản năng làm điều mình thích, và bởi thế có những lúc người ta muốn đạp đổ truyền thống, thách thức luật pháp và làm những điều cấm kỵ.

“Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” (Rô-ma 1:32)

3. Phạm tội vì vô tình vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời: Ví như người vô ý “trượt chân”. Trượt chân trên một đường trơn, không do cố ý như hành động cố tình bước ngang qua lằn ranh của sự phải trái, thiện ác. Nhiều lần chúng ta buột miệng lỡ lời. Nhiều lần chúng ta bị lôi cuốn bởi một thôi thúc hay đam mê nào đó, chúng đã chiếm quyền kiểm soát, đoạt mất sự tự chủ của chúng ta trong một phút giây nào đó. Người tốt nhất trong chúng ta cũng sa vào tội nếu chúng ta không cẩn thận đề phòng. Người vô ý phạm tội luôn luôn được Chúa nâng đỡ, khác với kẻ cố tình làm ác sẽ bị đánh bại:

“Vì người công bình dầu sa ngã bảy lần, cũng chổi dậy; Còn kẻ hung ác bị tai vạ đánh đổ.” (Châm Ngôn 24:16)

4. Phạm tội vì không biết đó là tội: Có những lúc chúng ta phạm những tội mà chúng ta không biết rằng đó là tội. Ví như những người lính La-mã đóng đinh Chúa vào thập tự giá năm xưa, dù biết hay không biết, hành động đó vẫn là hành động giết một người vô tội. Ví như một người vô tình ăn nhằm một thức ăn bị nhiễm độc, thì sự biêt hay không biết chẳng phải là vấn đề, mà vấn đề là thân thể người ấy đã bị nhiễm độc. Cho dù chúng ta vô tình phạm tội, hậu quả tự nhiên của tội lỗi vẫn sẽ xảy ra, tác hại trên chính đời sống của chúng ta và người khác. Vua Đa-vít đã khôn ngoan khi cầu xin Chúa tha các tội mà ông không biết.

“Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.” (Thi Thiên 19:12)

5. Phạm tội vì biết làm điều lành mà không làm: Làm điều ác là phạm tội đã đành nhưng nếu biết làm điều lành mà không làm thì cũng là phạm tội. Một trong những điều lành chúng ta cần phải làm là tích cực ngăn ngừa điều ác, không cho nó xảy ra. Thánh Kinh dạy:

“Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.” (Gia cơ 4:17).

Hậu quả của tội lỗi

Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm và nhận biết hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi đem đến sự bất công, sự đau khổ, và sự chết.

Khi chúng ta chống nghịch Đức Chúa Trời chúng ta tỏ ra mình đã vô ơn đối với Chúa vì Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta và sự chống nghịch đó là một sự bất công và phạm thượng. Sự chống nghịch Chúa bắt đầu bằng hành động không vâng lời Chúa. Sự chống nghịch Đức Chúa Trời là tội lỗi và tội lỗi khiến cho chúng ta mất đi sự vinh hiển của Chúa (yêu thương, thánh khiết, và công chính) cho nên chúng ta không thể nào yêu thương người khác như chính mình. Khi chúng ta không yêu thương người khác như chính mình chúng ta sẽ có những ý nghĩ, lời nói, việc làm xúc phạm và đem lại thiệt hại cho người khác, tạo ra bất công đau khổ.

Tội lỗi luôn luôn dẫn đến đau khổ. Khi chúng ta phạm tội thì Chúa đau khổ (Lu-ca 19:41), chính chúng ta đau khổ, và những người khác cũng đau khổ. Chúa chẳng những đau lòng vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài còn phải nếm trải những sự đau đớn về thể xác khi Ngài bị đánh đập và đóng đinh, thậm chí, Ngài còn chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Không một tội lỗi nào chúng ta gây ra mà Đức Chúa Jesus không gánh lấy hậu quả của nó.

Hậu quả của tội lỗi xảy ra theo phương diện tự nhiên gọi là luật nhân quả và xảy ra theo phương diện phán xét để kết án gọi là hình phạt. Mỗi một hành động tội lỗi đều phát sinh ra hậu quả tự nhiên đem lại đau khổ và sự chết của thể xác còn gọi là sự chết thứ nhất. Hậu quả hình phạt là án phạt của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân. Hậu quả hình phạt xảy ra trong đời này và trong cõi đời đời. Thánh Kinh ghi lại rất nhiều trường hợp Đức Chúa Trời xử phạt tội nhân trong đời này, như: A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen; A-đam phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn; Ê-va phải chịu thêm đau đớn trong khi sinh nở. Dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch bị Chúa sai rắn lửa đến cắn. A-na-nia và Sa-phi-ra phạm tội nói dối bị Chúa lấy mạng. Vua Hê-rốt kiêu ngạo bị thiên sứ đánh và bị trùng đục mà chết. Thuật sĩ Ba-Giê-su cản trở Phao-lô giảng đạo bị phạt mù mắt…

Ngoài sự phán xét và trừng phạt trong đời này, mỗi tội nhân còn phải chịu sự phán xét và trừng phạt trong cõi đời đời. Trong ngày phán xét đó, mọi kẻ không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ được gọi sống lại và ứng hầu trước tòa phán xét. Đức Chúa Trời sẽ xét xử mỗi người và trừng phạt mỗi người trong hỏa ngục tùy theo những tội lỗi đã làm, đó là hậu quả hình phạt chung cuộc, còn gọi là sự chết thứ hai (Khải Huyền 20:11-15).

Một người lái xe vượt đèn đỏ khiến xảy ra tai nạn giao thông, làm cho mình và người khác bị thương, đó là hậu quả tự nhiên của sự vi phạm luật giao thông. Sau khi được xuất viện, người lái xe phải ra tòa để chịu xét xử và trừng phạt về hành vi phạm luật của mình, đó là hậu quả hình phạt của sự vi phạm luật giao thông.

Mọi người có thể tránh khỏi hậu quả hình phạt của tội lỗi khi ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng không ai có thể tránh khỏi hậu quả tự nhiên của tội lỗi, cho dù sự phạm tội là vô tình, không có chủ ý. Thánh Kinh dạy: Nếu chúng ta xưng tội mình thì Chúa là Đấng thành tín và công bình sẽ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:9); tuy nhiên, Thánh Kinh cũng dạy: Hễ ai gieo giống chi thì sẽ gặt giống ấy (Ga-la-ti 6:7). Chúa tha thứ sự phán xét và trừng phạt cho tội nhân có lòng ăn năn thống hối nhưng hậu quả tự nhiên của tội lỗi là bất công và đau khổ luôn luôn xảy ra khi có sự phạm tội! Ngày nào còn tội lỗi, ngày đó bất công và đau khổ vẫn tồn tại.

Kết luận

Tội lỗi là sự thể hiện của điều ác. Điều ác là sự chống nghịch lại điều Thiện. Đức Chúa Trời là Thiện cho nên mọi sự chống nghịch Đức Chúa Trời, chống nghịch thánh ý của Ngài là những hình thức của điều ác. Đức Chúa Trời không tạo ra điều ác nhưng Ngài cho phép điều ác được thể hiện để thiên sứ và loài người có thể tự do chọn lựa hoặc là tiếp nhận tình yêu của Ngài, hoặc là chối bỏ tình yêu của Ngài. Chọn lựa tiếp nhận tình yêu của Chúa là chọn lựa tin cậy và ở trong tình yêu đời đời của Ngài. Chọn lựa chối bỏ tình yêu của Chúa là chọn lựa chống nghịch lại các luật lệ của Chúa và chính Chúa, là tội lỗi.

Lòng kiêu ngạo đã khiến cho Satan và loài người chống nghịch Chúa. Satan thì muốn hơn Đức Chúa Trời, loài người thì muốn bằng Đức Chúa Trời. Một số thiên sứ theo Satan chống nghịch Chúa vì muốn được sống theo ý riêng, không lệ thuộc vào các luật lệ của Đức Chúa Trời. Mọi người sinh ra trong thế gian chống nghịch Chúa cũng vì muốn sống theo ý riêng.

Hậu quả của tội lỗi là hỗn loạn, bất công, và đau khổ… cuối cùng là hình phạt đời đời trong hỏa ngục.

Huỳnh Christian Timothy
23/09/2007