Sai Lầm Nghiêm Trọng Trong Một Số Bản Dịch Thánh Kinh Việt Ngữ

3,205 views

Tin Lành của Đức Chúa Trời đến Việt Nam vào năm 1911 qua mục vụ của các nhà truyền giáo thuộc Hội Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance – viết tắt là C&MA). Năm 1926 bản dịch Việt ngữ toàn bộ Thánh Kinh đầu tiên được ấn hành và lưu dụng trong các Hội Thánh Việt Nam cho đến ngày nay. Bản dịch này do Giáo Sĩ Cadman khởi xướng với sự cộng tác chính của nhà văn Phan Khôi và thường được biết đến với tên gọi “Bản Dịch Phan Khôi” hoặc “Bản Dịch Cadman.” Năm 1996, với sự yểm trợ của Thánh Kinh Hội Quốc Tế (International Bible Societies), Pastor Lê Cao Quý đã cho sửa đổi lỗi chính tả, thay thế một số từ ngữ cổ trong bản dịch này và ấn hành 50,000 cuốn tại Việt Nam. Tiếp theo đó, bản hiệu đính này được Thánh Kinh Hội Quốc Tế cho tái bản ở nước ngoài. Dầu vậy, từ ngữ và lối hành văn trong bản hiệu đính vẫn còn cổ điển, khó hiểu đối với người Việt hiện đại; nhiều chỗ dịch chưa sát ý với nguyên tác của Thánh Kinh. Bản Dịch Cadman/Phan Khôi vẫn được Thánh Kinh Hội Quốc Tế tiếp tục hiệu đính.

Từ năm 1982 đến nay, nhiều bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ đã được ra đời: “Bản Diễn Ý,” “Bản Phổ Thông (tức ‘Niềm Hy Vọng’),” “Bản Dịch Mới,” “Bản Diễn Thơ,” “Bản Hiện Đại…” Xét chung: về mặt ngôn ngữ thì các bản dịch này quả có sử dụng từ ngữ và lối hành văn hiện đại, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận ý nghĩa của câu văn. Tuy nhiên, về mặt trung thực với nguyên tác của Thánh Kinh thì các bản dịch này vẫn còn nhiều khiếm khuyết và cùng phạm hai lỗi lầm quan trọng là bỏ đi danh xưng CHRIST của Đức Chúa Jesus và sửa đổi lời phán của Đức Chúa Jesus trong Giăng 2:4 và 19:26.

Trong hai câu Thánh Kinh trên, Đức Chúa Jesus gọi bà Ma-ri là: “Hỡi đàn bà kia…” nhưng các nhà phiên dịch viện cớ con gọi mẹ như vậy là không lễ phép cho nên đã ngang nhiên sửa thành “Thưa mẹ…” Vì thiếu sự tôn trọng Lời Chúa, vì không hiểu ý nghĩa và mục đích của sách Giăng (là sách bày tỏ thần tính của Đấng Christ, cho nên lời phán của Đức Chúa Jesus với bà Ma-ri là lời phán của Đấng Tạo Hóa với loài thọ tạo chứ không phải của một người con đối với một người mẹ) cho nên các dịch giả đã ngang nhiên sửa đổi Lời Chúa. Hành động đó chẳng khác nào lên án Đức Chúa Jesus không biết lễ phép và thậm chí là bất hiếu. Hành động đó chẳng khác nào cho rằng Đức Thánh Linh đã không biết trước được gần hai ngàn năm sau Tin Lành đến Việt Nam và dân Việt Nam rất hiếu kính cha mẹ, không thể nào chấp nhận sự kiện con gọi mẹ là “đàn bà,” để mà thần cảm cho Sứ Đồ Giăng viết “Thưa mẹ…” thay vì “Hỡi đàn bà kia…”

Lý do các nhà phiên dịch những bản dịch nói trên loại bỏ danh xưng CHRIST là vì: “khó dịch.” Vì “khó dịch” mà bỏ đi danh xưng vô cùng quan trọng của Đức Chúa Jesus là lý do không thể chấp nhận. Việc dịch Thánh Kinh không phải giống như việc dịch các tác phẩm của loài người. Việc dịch Thánh Kinh phải hoàn toàn dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Khi đã dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh thì không việc gì “khó” đến nỗi không thể hoàn thành. Hầu hết các danh xưng trong Thánh Kinh không hề được phiên dịch mà chỉ phiên âm. Nếu không thể viện lý do khó dịch mà bỏ đi các danh xưng như: Pha-ra-ôn, Nê-bu-cát-nết-xa… thì lại càng không thể bỏ đi danh xưng CHRIST. Danh xưng CHRIST đã được phiên âm thành “Cơ-đốc,” “Ki-tô” mà bất kỳ một người Việt Nam nào cũng có thể phát âm được. Một vài nhà phiên dịch bào chữa rằng họ đã dịch “Jesus Christ” thành “Chúa Cứu Thế Giê-su.” Bào chữa như vậy chỉ càng tỏ ra họ không hiểu biết gì về danh xưng CHRIST. Nói tóm lại, những bản dịch nào loại bỏ danh xưng CHRIST là những bản dịch anti-Christ (chống nghịch Đấng Christ). Những bản dịch như vậy không thể được sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Những bản dịch nào sửa lời phán của Chúa từ “Hỡi đàn bà kia…” thành “Thưa mẹ…” cũng là những bản dịch không có sự thần cảm của Đức Thánh Linh.

Người Israel khi chép Thánh Kinh, mỗi khi chép sai một chữ thì họ phải hủy bỏ chính trang có chữ bị chép sai và ba trang liền trước đó. Nếu lỗi bị phát hiện trể thì ba trang tiếp liền theo trang chép sai cũng bị hủy bỏ. Trước khi viết đến các danh xưng của Đức Chúa Trời thì họ phải đặt bút xuống và đi rửa tay ba lần. Thiết tưởng, người đón nhận trách nhiệm phiên dịch Lời Chúa cần phải có tinh thần tôn kính Lời Chúa (vì chính Chúa còn làm cho Lời Chúa được tôn cao hơn cả Danh Chúa – Thi Thiên 138:2) và phải hết lòng nương cậy quyền năng của Đức Thánh Linh trong khi phiên dịch thay vì dùng sự khôn ngoan của xác thịt và thỏa hiệp với văn hóa thế tục. Con dân Chúa, nên từ chối đọc những bản dịch anti-Christ và những bản dịch dám sửa đổi, thêm, bớt, không trung thực với Lời Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
21/02/2009