Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (06)

3,455 views

Điều Răn Thứ Nhất

Trung Tín với Thiên Chúa

Điều răn thứ nhất của Đức Chúa Trời là:

Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi, Đấng đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-3).

Điều răn thứ nhất của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-3 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-7.

Dân I-sơ-ra-ên được Môi-se nhận lệnh từ Thiên Chúa, dẫn họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Ai-cập), ra khỏi cuộc sống nô lệ, vào Thứ Năm, ngày 26, tháng Ba, năm 1446 TCN [1], nhằm ngày 15, tháng Một, năm 1 theo Lịch Thánh Kinh. Bốn mươi bảy ngày sau, vào Thứ Ba, ngày 12, tháng 5, năm 1446 TCN, nhằm ngày 3, tháng Ba, năm 1 theo Lịch Thánh Kinh, thì họ vào đến đồng vắng Si-na-i. Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1 chép:

Tháng thứ ba, sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, trong ngày đó, dân I-sơ-ra-ên đến nơi đồng vắng Si-na-i.”

Đại danh từ “đó” trong câu Thánh Kinh trên đây, chỉ về số thứ tự của ngày giống như số thứ tự của tháng, tức là số 3. Nhóm chữ “trong ngày đó” có nghĩa là trong ngày thứ ba của tháng thứ ba. Ngày 3, dân sự dựng lều, đóng trại. Ngày 4, Môi-se lên núi gặp Thiên Chúa và được Ngài phán dặn ông rằng, kể từ hôm đó, mọi người phải biệt riêng ba ngày, giữ mình thánh sạch, tức là kể từ ngày 4 cho đến ngày 6 tháng Ba, để ra mắt Thiên Chúa.

Sáng ngày 6 tháng Ba, đúng 50 ngày sau ngày Lễ Sa-bát Bánh Không Men, Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời giáng lâm trên đỉnh núi Si-na-i, phán truyền Mười Điều Răn của Ngài cho dân sự và tự tay Ngài ghi chép trên hai bảng đá. Đúng 1473 năm sau, vào Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 27, nhằm ngày 6 tháng Ba năm 1473 theo Lịch Thánh Kinh, Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh và ghi chép các điều răn của Đức Chúa Trời vào trong trí, trong lòng của con dân Chúa.

Chúng ta chú ý các điểm quan trọng sau đây:

1. Thiên Chúa dựng nên loài người và truyền các điều răn đầu tiên cho loài người vào một ngày Thứ Sáu: (Sáng Thế Ký 1 và 2). Các điều răn đầu tiên là: Hãy sinh sản, làm cho đầy dẫy đất, cai trị đất, cùng điều răn chớ ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác.

2. Thiên Chúa phán truyền Mười Điều Răn cho loài người cũng vào một ngày Thứ Sáu.

3. Thiên Chúa ghi chép các điều răn và luật pháp của Ngài vào lòng con dân Chúa cũng vào một ngày Thứ Sáu. Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh giáng lâm trên con dân Chúa, thành lập Hội Thánh, ngự trong thân thể mỗi con dân Chúa và ghi chép các điều răn, luật pháp của Thiên Chúa vào trí, vào lòng con dân Chúa, (xin đọc Thánh Kinh, sách Công Vụ Các Sứ Đồ 2, đối chiếu Hê-bơ-rơ 8:10).

Lễ Ngũ Tuần, tức là lễ kỷ niệm 50 ngày sau ngày Lễ Sa-bát Bánh Không Men, luôn luôn rơi vào ngày 6 tháng Ba của Lịch Thánh Kinh và Lịch Do-thái [1]. Lễ này kỷ niệm ngày Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn cho loài người qua chữ viết trên bảng đá mà cũng là kỷ niệm ngày Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh, ở lại trong thân thể của con dân Chúa, và ghi chép các điều răn, luật pháp của Đức Chúa Trời trong trí và trong lòng của con dân Chúa.

Mục đích của điều răn thứ nhất: Dạy cho chúng ta biết con dân của Chúa chỉ có một Thiên Chúa và họ không được chấp nhận các thần khác. Mọi hình thức công nhận bất cứ một thần nào khác đều bị Thiên Chúa nghiêm cấm.

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét ý nghĩa của Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-3:

Bấy giờ, Thiên Chúa phán mọi lời này: Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi, Đấng đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.”

Bấy giờ:” Có nghĩa là thời điểm liền sau khi dân I-sơ-ra-ên đã tụ họp dưới chân núi Si-na-i và sự vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ ra từ trên đỉnh núi.

Thiên Chúa phán mọi lời này,” tức là mười lời Thiên Chúa phán ra, để làm giao ước với những ai Ngài nhận làm con dân của Ngài, còn được gọi là Mười Điều Răn. Sau đó, chính Thiên Chúa chọn hai bảng đá, ghi khắc mười lời phán ấy trên hai bảng đá, và trao cho Môi-se. Tuy nhiên, khi Môi-se trở xuống chân núi, nhìn thấy dân I-sơ-ra-ên dùng vàng đúc thành tượng của một con bò, làm biểu tượng cho Thiên Chúa, thì ông nổi giận, ném vỡ hai bảng đá ấy. Thiên Chúa đòi Môi-se lên núi, đem theo hai bảng đá khác, rồi chính Thiên Chúa ghi khắc một lần nữa mười lời giao ước trên hai bảng ấy, và trao cho Môi-se, đem cất vào trong một cái rương, gọi là Rương Giao Ước.

Thiên Chúa xưng tên của Ngài là “Tự Hữu Hằng Hữu,” (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm là “Giê-hô-va,”) có nghĩa là “tự có và có đến mãi mãi,” và Thiên Chúa xưng rằng, Ngài chính là Đấng đã rút dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Thiên Chúa gọi Ê-díp-tô là “nhà nô lệ” của dân I-sơ-ra-ên, vì cớ dân Ê-díp-tô bắt dân I-sơ-ra-ên phải làm nô lệ cho họ khoảng 400 năm. Thiên Chúa nhắc cho dân I-sơ-ra-ên biết, Ngài chính là Đấng giải cứu họ, chứ không phải Môi-se và A-rôn, là hai anh em được Ngài dùng để lãnh đạo họ.

Thiên Chúa gọi chung toàn dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc đi theo dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô bằng đại danh từ “ngươi.” Điều đó bao gồm các nghĩa sau đây:

1. Thiên Chúa chọn dân I-sơ-ra-ên để làm một dân tộc thánh, tức là một dân tộc biệt riêng cho Ngài, để hầu việc Ngài:

Vì ngươi là một dân thánh cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, để làm một dân thuộc riêng về Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).

Thiên Chúa dùng dân I-sơ-ra-ên để ghi chép Lời của Ngài, là Thánh Kinh, cho nhân loại. Thiên Chúa ban cho nhân loại Đấng Cứu Rỗi, là Đức Chúa Jesus Christ, qua dân I-sơ-ra-ên. Thiên Chúa công bố Tin Lành về sự cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi qua dân I-sơ-ra-ên, bắt đầu với các sứ đồ và các môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ là những người I-sơ-ra-ên.

2. Thiên Chúa sát nhập các dân tộc khác vào dân I-sơ-ra-ên, nếu họ tin cậy Ngài và vâng phục Ngài.

3. Mười lời Thiên Chúa tuyên phán để làm giao ước với dân I-sơ-ra-ên cũng chính là tuyên phán với bất cứ dân tộc nào tin nhận Ngài và vâng giữ mười lời tuyên phán ấy. Mười lời tuyên phán ấy tức là Mười Điều Răn vừa là giao ước với một tập thể của những người được biệt riêng ra cho Thiên Chúa, vừa là giao ước với từng người trong tập thể ấy.

Nói cách khác, Mười Điều Răn được ban truyền cho tất cả những ai tin nhận và tôn thờ Thiên Chúa, không phân biệt thời đại, không phân biệt chủng tộc. Ai xưng nhận mình là con dân Chúa mà vi phạm Mười Điều Răn thì sẽ bị phán xét bởi luật pháp của Thiên Chúa. Còn đối với những người không tin Chúa thì họ vẫn bị hư mất vì sự phạm tội của họ:

Vì trước mặt Đức Chúa Trời, chẳng tư vị ai đâu. Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp phán xét.” (Rô-ma 2:11-12).

Bởi vì, dù những người không tin Chúa, không được đọc và học về Mười Điều Răn của Chúa thì lương tâm của họ vẫn biết điều gì là tội lỗi:

Dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy bảo, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy bảo đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì bênh vực mình.” (Rô-ma 2:14-15).

Chính vì thế mà trong Kỳ Tận Thế, Rương Giao Ước có chứa hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn, sẽ hiện ra từ trên trời, để Thiên Chúa dựa vào đó mà phán xét toàn thế gian.

Các dân tộc vốn giận dữ, nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đã đến: giờ đã tới, là giờ phán xét kẻ chết, thưởng cho tôi tớ Chúa là các đấng tiên tri, thưởng cho các thánh và các người kính sợ danh Chúa, thưởng cho kẻ nhỏ cùng kẻ lớn, và hủy phá những kẻ đã hủy phá thế gian. Đền thờ Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời, Rương Giao Ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:18-19).

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3 chính là cốt lõi của điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời:

Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.”

Vì Thiên Chúa có mặt khắp nơi nên bất cứ nơi nào cũng là “trước mặt” của Thiên Chúa; dù là nơi công cộng hay chốn riêng tư. Thiên Chúa không chấp nhận cho loài người và ngay cả các thiên sứ thờ phượng một ai khác ngoài Thiên Chúa. Nhóm chữ: “chớ có các thần khác” có nghĩa là chớ thờ phượng bất cứ một thần linh nào ngoài Thiên Chúa.

Thiên Chúa là thần linh duy nhất mà muôn loài phải kính sợ, tôn thờ, và vâng phục. Các thiên sứ là các thần linh do Thiên Chúa dựng nên. Có nhiều người thờ phượng thiên sứ và như vậy là vi phạm điều răn thứ nhất. Chính thiên sứ của Chúa cũng không chấp nhận sự thờ phượng của loài người:

Tôi hạ mình xuống tại chân người để thờ phượng người nhưng người phán với tôi rằng: “Hãy coi chừng, đừng làm vậy! Ta là tôi tớ đồng công với ngươi và với các anh em ngươi, là những người có chứng cớ của Đức Chúa Jesus. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời! Vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus là tinh thần của lời tiên tri.” (Khải Huyền 19:10).

Tôi, Giăng, thấy những việc ấy và nghe. Khi tôi đã nghe và thấy xong, tôi phủ phục để thờ phượng trước chân của thiên sứ đã tỏ ra cho tôi những sự ấy. Thì người nói với tôi: “Hãy coi chừng, đừng làm vậy; Vì ta là tôi tớ đồng công với ngươi và với anh em ngươi, là các tiên tri, cùng những kẻ giữ lời trong sách này. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời.” (Khải Huyền 22:8-9).

Sau khi Thiên Sứ Trưởng Lu-xi-phe dẫn theo một số đông các thiên sứ khác phản nghịch Thiên Chúa, thì Lu-xi-phe trở thành Sa-tan. Sa-tan có nghĩa là “kẻ chống nghịch.” Trong suốt dòng lịch sử của loài người, Sa-tan tạo ra các tôn giáo để khiến loài người thờ lạy Sa-tan qua các hình tượng tà thần. “Tà thần” có nghĩa là “thần linh xấu, thần linh gian ác, giả làm Thiên Chúa.” Thậm chí, Sa-tan còn tạo ra các tôn giáo mang danh Chúa và khiến người ta thờ lạy những hình tượng do tay người làm ra, gọi là “hình Chúa,” “tượng Chúa.” Sự thờ phượng bất cứ một thần linh nào khác không phải là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hoặc sự thờ phượng bất cứ một vật gì, kể cả một niềm đam mê, một ý tưởng, một chủ nghĩa… là sự vi phạm điều răn thứ nhất. Sự thờ phượng Thiên Chúa qua các hình tượng gọi là “hình Chúa,” ”tượng Chúa” là vi phạm điều răn thứ nhì.

Ngoài Sa-tan và các hình tượng, còn có một loại tà thần nữa mà hầu như người nào cũng thờ lạy; đó là thờ lạy chính mình, hoặc thờ lạy những người thân yêu trong gia đình của mình, hoặc thờ lạy những người nổi tiếng, như: các anh hùng dân tộc, các diễn viên, các ca sĩ, các nhà thể thao… Nếu chúng ta tôn trọng chính mình hay bất cứ một người nào hơn là Thiên Chúa, thì chúng ta vi phạm điều răn thứ nhất. Chúng ta phải biết tự trọng, tức là tự tôn trọng chính mình, không làm gì sai trái để bị chê cười. Chúng ta cũng phải biết tôn người đáng tôn, kính người đáng kính, vâng phục người đáng vâng phục… vì Chúa dạy như vậy. Nhưng chúng ta không thể yêu thương, tôn quý, vâng phục ai hơn là yêu kính và vâng phục Thiên Chúa. Đặc biệt là chúng ta không quỳ lạy thờ phượng bất cứ thần linh nào, bất cứ người nào khác hơn là Thiên Chúa. Chúng ta lại càng không thể chấp nhận cho người khác tôn thờ mình, biến mình thành thần tượng. Thánh Kinh ghi lại một gương cho chúng ta noi theo:

Dân chúng thấy sự Phao-lô đã làm, thì kêu lên bằng tiếng Li-cao-ni rằng: Các thần đã lấy hình loài người mà xuống cùng chúng ta. Chúng tôn Ba-na-ba là Giu-bi-tê, còn Phao-lô là Mẹt-cu-rơ, vì là người đứng đầu giảng đạo. Thầy cả của thần Giu-bi-tê có miếu nơi cửa thành, đem bò đực và tràng hoa đến trước cửa, muốn đồng lòng với đoàn dân dâng một tế lễ. Nhưng hai sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô hay điều đó, xé áo mình, sấn vào giữa đám đông, mà kêu lên rằng: Hỡi các bạn, sao làm điều đó? Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi; chúng ta giảng Tin Lành cho các ngươi, để cho lìa bỏ các thần hư không kia, mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó. Trong các đời trước đây, Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình, dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng. Tuy sứ đồ nói như vậy, chỉ vừa đủ ngăn trở dân chúng dâng cho mình một tế lễ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:11-18).

Mọi sự yêu thương, tôn quý, ca tụng người khác dành cho chúng ta, chúng ta đều dâng lên Chúa bằng cách nói rằng: Mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa!

Cuối cùng, sự tham mê tiền bạc, sắc đẹp, địa vị, quyền lực, danh tiếng, ma túy, chủ nghĩa, triết học… hay bất cứ một sự ghiền, nghiện nào cũng đều là biến những sự đó thành tà thần. Sự thờ phượng bao gồm lòng say mê, tôn kính, tin rằng đối tượng mình thờ phượng có thể ban ơn, giáng họa cho mình, quỳ lạy đối tượng ấy, dâng lễ vật lên đối tượng ấy, cầu nguyện với đối tượng ấy, đặt để đối tượng ấy làm mục đích và sự nương cậy trong đời sống mình, và sẵn sàng hy sinh cho đối tượng ấy.

Xứ Ê-díp-tô, nơi dân I-sơ-ra-ên sống đời nô lệ tiêu biểu cho đời sống đau khổ trong tội lỗi của loài người mà không ai có thể tự mình thoát ra được. Chính Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã nhập thế làm người, mang tên Jesus (Jesus có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi), giải cứu chúng ta ra khỏi cuộc đời nô lệ cho tội lỗi, giải cứu chúng ta ra khỏi hậu quả của tội lỗi là hình phạt chịu khổ đời đời trong hỏa ngục; và khiến chúng ta trở nên con dân của Ngài, được ở trong Hội Thánh của Ngài. Vì thế, chúng ta không thể hết lòng yêu kính, tin cậy, và thờ phượng ai khác hay sự gì khác ngoài Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, có nhiều người mang danh là con dân Chúa nhưng tôn thờ bản thân họ, hoặc cha mẹ, con cái, hoặc thú vui tội lỗi… thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Lại có nhiều người tôn thờ mục sư, linh mục, giáo hoàng thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Khi chúng ta vì bất cứ ai hay bất cứ sự gì mà sẵn sàng làm nghịch lại Lời Chúa, thì chúng ta đã biến người ấy hay sự ấy thành tà thần. Khi chúng ta hết lòng vâng theo Lời Chúa cho dù phải nghịch lại gia đình, xã hội, thì chúng ta không có thần khác trước mặt Thiên Chúa.

Nguyện rằng, trong lòng của chúng ta không có thần nào khác hơn là Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. A-men!

Ghi Chú

[1] TCN = Trước Công Nguyên, tức là trước năm 1. 1446 TCN là 1446 năm trước năm 1. Xem tiết mục “Năm Do-thái: 2315” trong bài này: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49

[2] Lịch Thánh Kinh bắt đầu từ khi Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 12. Lịch Do-thái bắt đầu trước khi dân Do-thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô 2314 năm. Năm 1 của Lịch Thánh Kinh nhằm năm 2315 của Lịch Do-thái, nhằm năm 1446 TCN. Xem tiết mục “Năm Do-thái: 3787” trong bài này: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49