Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (16)

4,135 views

Điều Răn Thứ Chín

Chớ Nói Chứng Dối

Điều răn thứ chín của Đức Chúa Trời là:

Ngươi chớ nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16).

Điều răn thứ chín của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:20.

Điều răn thứ chín dạy chúng ta không được nói chứng dối. Nói chứng dối là một phương diện của sự nói dối.

Tội nói dối có lẽ là tội có nhiều người phạm nhất với số lần phạm cũng nhiều nhất. Tội nói dối cũng xưa như lịch sử của loài người. Thánh Kinh cho chúng ta biết, loài người đã đi vào bất hạnh ngay từ buổi đầu sáng thế, bởi một lời nói dối của Sa-tan. Điều răn thứ chín cấm loài người nói chứng dối nghịch kẻ lân cận mình, không phải chỉ cấm việc nói dối khi làm chứng về người khác trong một phiên tòa, mà là áp dụng cho mỗi lời nói của chúng ta về người khác trong mọi nơi, mọi lúc. Khi chúng ta nói về một người nào đó, dù là nói trong tòa án hay ngoài tòa án, là chúng ta làm chứng về người ấy; vì thế, nếu chúng ta nói một điều gì không thật về người ấy là chúng ta đã nói chứng dối nghịch người ấy.

Sự nói chứng dối có thể là vì ác ý, muốn làm hại hoặc trả thù người khác, có thể là vì thiện ý muốn bảo vệ hoặc tôn cao người khác, và cũng có thể là vì không biết rõ sự thật. Trước khi đi vào chi tiết của sự nói chứng dối chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các từ ngữ được dùng trong điều răn thứ chín.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh từ ngữ “kẻ lân cận mình” bao gồm những ai thân thuộc, quen biết hoặc có mối tương quan xã hội nào đó với chúng ta: là cha mẹ, là vợ chồng, là người yêu, là anh chị em, là bạn bè, là người hàng xóm, là người cộng sự, hoặc là người cùng quốc tịch. Từ ngữ này còn có một ý bao quát là “người khác,” tức là bất cứ ai ngoài chính mình. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Thiên Chúa cấm chúng ta nói chứng dối về người khác. Dĩ nhiên, điều răn thứ chín không hàm ý là chúng ta có thể nói chứng dối về chính mình. Trong Lê-vi ký 6:1-7, Thiên Chúa cấm sự nói dối và thề dối:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán với Môi-se rằng:

2 Khi nào ai mắc tội phạm đến Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hoặc nói dối cùng người lân cận mình về đồ vật gửi hay là tin mà giao cho, hoặc về một tài vật trộm cắp, hoặc giật lấy của người lân cận mình;

3 hoặc nếu nhặt được một của mất mà nói dối về của đó, hoặc thề dối về một trong các việc người ta phạm tội được;

4 khi nào đã phạm và mắc lỗi như vậy, thì phải trả lại vật mình đã ăn cắp, hoặc vật đã giật lấy, hoặc vật đã tin gửi cho, hoặc vật làm mất nhặt được,

5 hoặc về các món người đã thề dối: người phải bồi thường nguyên lại và phụ thêm một phần năm giá trị mà giao cho chủ vật đó ngày nào mình dâng của lễ chuộc sự mắc lỗi.

6 Tùy theo sự đánh giá của ngươi, người ấy phải bắt trong bầy một chiên đực không có tì vết, dẫn đến thầy tế lễ mà dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để làm của lễ chuộc sự mắc lỗi mình;

7 thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì lỗi người sẽ được tha, bất luận lỗi nào người đã mắc.

Trong Lê-vi Ký 19:11, Thiên Chúa cấm sự nói dối và lường gạt:

“Các ngươi chớ trộm cắp, chớ nói dối, và chớ lừa đảo nhau.”

Từ ngữ “nói” được dùng trong điều răn thứ chín không phải là động từ “nói” thông thường mà là một từ ngữ biến thể từ một động từ gốc, có nghĩa là “nhìn chăm chú,” với nghĩa rộng là “thuật lại điều đã thấy và biết.” Những lời được thuật lại đó được gọi là “lời chứng.” Như vậy, “nói chứng dối” có nghĩa là thuật lại không đúng sự thật những gì mình đã thấy và biết.

Như đã trình bày trên đây, chúng ta có thể cố ý hoặc vô ý mà nói chứng dối. Trong trường hợp cố ý nói chứng dối thì có ba lý do:

1. Cố ý nói chứng dối để hãm hại hoặc trả thù người khác. Người phạm tội này có mục đích muốn làm hại người khác và cũng có thể tự mình tạo ra chứng cớ giả để khiến cho lời chứng dối của mình được xem là thật.

2. Cố ý nói chứng dối để tôn cao hoặc lấy lòng người khác. Đây là thói quen của những người ưa xu nịnh.

3. Cố ý nói chứng dối để tự bảo vệ hoặc thủ lợi cho mình. Người phạm tội này có thể là vì muốn trốn tránh trách nhiệm về một việc làm sai trái nào đó của mình mà đổ tội của mình cho người khác hoặc không muốn bí mật của mình bị tiết lộ. Người phạm tội này cũng có thể là vì được mua chuộc để làm chứng dối cho ai đó hoặc vì sự nói chứng dối về một điều gì đó đem lại quyền lợi cho mình.

Trường hợp vô ý nói chứng dối xảy ra khi chúng ta quan sát không kỹ, hoặc nhớ không hết các dữ kiện, hoặc hiểu không đúng sự kiện mà mình chứng kiến. Sự biểu diễn của các nhà ảo thuật điển hình cho sự kiện khả năng quan sát của loài người rất có giới hạn. Nếu một nhân chứng được hỏi rằng, anh ta có thấy nhà ảo thuật đưa tay ra khoảng không trước mặt thì lập tức một bông hồng xuất hiện trên tay của ông ta hay không, thì nhân chứng buộc phải nói là có thấy. Tuy nhiên, chúng ta biết đó không phải là sự thật. Ngoài ra, còn có trường hợp nhân chứng không thấy hoặc không biết hết diễn tiến của một sự kiện, cho nên, lời làm chứng không hoàn toàn đúng sự thật. Tục ngữ có câu: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật,” mà chúng ta có thể dùng để nói lên tính cách nghiêm trọng của sự làm chứng. Chúng ta hãy xét qua các thí dụ dưới đây:

1. Một người bị bệnh mù màu không thể làm chứng một cách trung thực về những điều liên quan đến màu sắc. Thủ phạm có thể mặc áo màu đỏ khi gây án nhưng người chứng lại nói là thủ phạm mặc áo màu xám.

2. Một người giúp thổi bụi trong mắt của người khác có thể bị nhìn thấy là đang hôn người khác.

3. Trong các loại thuốc trị bệnh chúng ta thường thấy có những loại thuốc mà khi uống vào có thể làm cho người ta buồn ngủ. Nếu chúng ta giới thiệu công dụng chữa bệnh của thuốc mà không nói đến tác động phụ làm buồn ngủ của thuốc thì chúng ta chỉ mới nói một nửa sự thật. Điều đó có thể khiến gây ra tai nạn chết người nếu bệnh nhân uống thuốc và ngủ gục trong khi lái xe. Cho dù chúng ta vô ý không nói đến tác động phụ của thuốc nhưng sự vô ý đó vẫn có thể đem lại hậu quả làm thiệt hại người khác.

Chúng ta sẽ mang tội nói chứng dối về chính mình khi chúng ta nói về mình một cách không trung thực. Sự nói chứng dối về chính mình có thể là kết quả của sự khoác lác và kiêu ngạo. Khoác lác là nói dối khiến cho người ta tin cậy mình hoặc tôn trọng mình. Kiêu ngạo là thổi phồng một lẽ thật, tức là nói dối dựa trên một lẽ thật, khiến cho người ta tin cậy mình hoặc tôn trọng mình. Sự nói chứng dối về chính mình cũng có thể là nhằm để tự bảo vệ hoặc thủ lợi cho mình. Con dân Chúa dựa vào sức toàn năng của Chúa bảo vệ mình và không hề thủ lợi mà chỉ vui nhận sự ban cho từ nơi Chúa.

Trên phương diện thuộc linh, một người phạm tội nói chứng dối về chính mình khi xưng nhận mình là con dân của Thiên Chúa mà không sống đúng theo Lời Chúa:

“Nếu chúng ta nói mình có sự giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.” (I Giăng 1:6).

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:4).

“Nếu có ai nói rằng: Tôi yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì ấy là kẻ nói dối. Vì ai chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” (I Giăng 4:20).

Chúng ta sẽ mang tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta “làm chứng” hoặc thuật lại những điều không có thật về Chúa.

Thông thường người ta hay nói: “Chúa phán với tôi” như thế này, “Chúa phán với tôi” như thế nọ, nhưng thật ra, đó chỉ là những ý tưởng của chính họ chứ không phải là lời phán của Chúa. Một người vẫn còn sống theo những sự ưa muốn của xác thịt, chưa chịu vâng theo các điều răn của Chúa thì không thể nghe được Chúa phán điều gì khác hơn là “Hãy ăn năn!” Ngoài ra, cũng có thể họ nghe tiếng nói của Ma Quỷ mạo làm tiếng Chúa. Con dân chân thật của Chúa, là những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và sống theo Lời Chúa, thì không bị tiếng nói của xác thịt hoặc tiếng nói của Ma Quỷ dẫn dụ. Con dân chân thật của Chúa được nghe sự phán dạy của Chúa mỗi ngày trong cuộc sống qua Lời của Chúa là Thánh Kinh và mỗi mệnh lệnh riêng tư của Chúa phán trong tâm trí họ cũng đều dựa trên các lẽ thật của Thánh Kinh.

Nhiều người có thói quen nói chứng dối về Chúa với mục đích muốn tôn cao Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không cần những lời dối trá của loài người để được vinh hiển. Trái lại, những lời nói chứng dối về Thiên Chúa làm xúc phạm Ngài. Người ta cũng có thể nói chứng dối về Chúa để tỏ ra rằng mình được Thiên Chúa ban ơn cách đặc biệt. Những lời nói chứng dối về Thiên Chúa cũng có thể dựa trên một số chi tiết có thật nhưng được thổi phồng lên.

Đặc biệt, trong công tác rao giảng Tin Lành, chúng ta sẽ phạm tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta chỉ nói đến các phước hạnh về sự tin Chúa mà không nói đến cái giá phải trả khi đi theo Chúa. Chúng ta cần ghi nhớ: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật.” Chúa không bao giờ hứa sự giàu có hoặc sức khỏe cho những ai theo Chúa, cho nên, chúng ta sẽ phạm tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta kêu gọi người ta tin Chúa để được thoát nghèo hoặc được chữa lành bệnh tật. Mục đích của sự tin Chúa là để được cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, để không bị hư mất đời đời trong hỏa ngục mà được vui sống đời đời trong Chúa; còn sự được thoát nghèo hoặc được chữa lành bệnh tật là tùy thuộc nơi ý muốn của Chúa dành cho từng cá nhân.

Có lẽ tội nói chứng dối về Chúa nghiêm trọng nhất là nếp sống không đúng với Lời Chúa của chúng ta. Chúng ta nói đến sự đổi mới, nói đến quyền phép của Thiên Chúa, nói đến tình yêu trong Chúa, nói đến sự thánh khiết, công bình trong Chúa… nhưng nếu đời sống chúng ta nghịch lại những tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Chúa, vi phạm các điều răn của Ngài, thì chúng ta đã nói chứng dối về Ngài; bởi vì, nếp sống của chúng ta khiến cho người ta kết luận là Chúa không có quyền năng thay đổi chúng ta!

Nói chứng dối tức là nói dối. Đức Chúa Jesus gọi Ma Quỷ là cha của sự nói dối (Giăng 8:44), vì thế, tất cả mọi lời nói dối đều ra từ Ma Quỷ, dù là một lời nói dối mà chúng ta cho rằng không gây hại cho ai hoặc chỉ nhằm để an ủi người khác; và những ai ưa thích nói dối thì người đó là con cái của Ma Quỷ. Thật ra, không có một lời nói dối nào mà không gây hại cho ai. Bất cứ lời nói dối nào cũng trước hết là vi phạm tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa. Thiên Chúa là lẽ thật cho nên một lời nói không thật là sự xúc phạm đến phẩm chất của Thiên Chúa. Con dân Chúa không thể dùng lời nói dối để mua vui hoặc an ủi người khác. Thánh Kinh dạy:

“Chớ nói lời tục tĩu, chớ giễu cợt, chớ giả bộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:4).

Tất cả những lời nói dối đều là những lời dữ vì vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy:

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29).

Thánh Kinh lên án những kẻ nói dối và hình phạt của kẻ nói dối mà không ăn năn là hư mất đời đời trong hỏa ngục (Khải Huyền 21:8). Thánh Kinh cũng dạy con dân Chúa phải từ bỏ sự nói dối:

“Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.” (Ê-phê-sô 4:25).

“Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới, là người được đổi ra mới trong sự hiểu biết, theo hình ảnh Đấng dựng nên người ấy.” (Cô-lô-se 3:9-10).

Là con dân Chúa, chúng ta đã được Thiên Chúa “định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:29), đã được Đức Thánh Linh tái sinh thành người mới “tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24); vì thế, chúng ta phải nhờ ơn Chúa để sống một nếp sống sao cho trong miệng của chúng ta “không tìm thấy sự gian trá” như Đức Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng ta (I Phi-e-rơ 2:22); và trong ngày chúng ta vào trong cõi đời đời thì được xác chứng rằng, trong miệng chúng ta “chẳng có lời gian trá nào hết” (Khải Huyền 14:5).

Những ai phạm tội nói chứng dối và nói dối hãy đến với Chúa, ăn năn tội và xưng tội với Ngài, để được Ngài tha tội và làm cho sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:9). Chúng ta hãy cầu xin Chúa đem mọi sự dối trá ra khỏi chúng ta và gìn giữ chúng ta không vô ý phạm tội nói chứng dối và nói dối.

Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, giúp chúng ta hiểu biết và sống đúng theo Lời Chúa mỗi ngày. A-men!

Ghi Chú

1.Lời tục tỉu: Những lời thô tục, dâm dật.

2. Giễu cợt: Những lời chọc cười không đem lại bổ ích hay gây dựng; nói như là một người thiếu hiểu biết; điển hình là các “danh hài” Việt Nam ngày nay.

3. Giả bộ tầm phào: Những lời tục tỉu được trá hình dưới hình thức một lời hai ý kiểu “đố tục giảng thanh” hoặc “đố thanh giảng tục,” điển hình là thơ của bà Hồ Xuân Hương. Nhiều “mục sư” Việt Nam ngày nay đã đưa sự “giễu cợt” và “giả bộ tầm phào” vào trong bài giảng, biến chức vụ “cho chiên ăn” thành vai “hề thuộc linh.”