Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (10)

5,126 views

Điều Răn Thứ Tư

Tôn Thánh Ngày Thứ Bảy Làm Ngày Sa-bát

Điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời là:

Hãy nhớ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó. Ngươi hãy lao động và làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi; ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, hoặc khách ở trong các cửa của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

Điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:12-15.

Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải nhớ đến ngày Sa-bát và phải thánh hóa ngày ấy. Đây là điều răn thường bị con dân Chúa vi phạm nhất.Ý Nghĩa, Nguồn Gốc, và Mục Đích của Ngày Sa-bát

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của danh từ Sa-bát. Trong tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ được dùng để ghi chép Thánh Kinh Cựu Ước, danh từ “sa-bát” có nghĩa là nghỉ ngơi, không lao động, không làm việc để kiếm sống bao gồm việc mua bán, không làm việc để tạo tiện nghi cho cuộc sống bao gồm các việc xây dựng và sửa chữa.

Sa-bát không có nghĩa là nghỉ ngơi để lấy sức như vẫn thường bị lầm tưởng, mà chỉ đơn giản có nghĩa là ngưng làm việc, ngưng làm một điều gì đó vì đã hoàn tất hoặc vì không muốn tiếp tục làm. Khi được hiểu đúng nghĩa như vậy, thì sẽ không gây ra sự thắc mắc là tại sao Thiên Chúa lại cần phải nghỉ ngơi để lấy sức! Tuy nhiên, sự nghỉ lao động trong ngày Sa-bát mỗi tuần thực sự khiến cho thân thể xác thịt của loài người được phục hồi sức mạnh. Đức Chúa Jesus cho biết “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người” (Mác 2:27). Vì thế, nghỉ lao động trong ngày Sa-bát Thứ Bảy là một ơn phước Chúa ban cho loài người.

Sáng Thế Ký 2:3 và Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11 cho chúng ta biết Thiên Chúa “ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh” cho nên ngày Sa-bát, hay ngày nghỉ chính là ngày thứ bảy trong tuần lễ.

Nếu xét tổng quát về nội dung và ý nghĩa của mười điều răn, chúng ta sẽ thấy ba điều răn đầu tiên nói đến bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên họ và giải cứu họ. Sáu điều răn sau cùng nói đến bổn phận của loài người đối với nhau. Riêng điều răn thứ tư vừa là bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa vừa là bổn phận của loài người đối với chính mình. Đối với Thiên Chúa, ngày Thứ Bảy được biệt riêng (làm ngày thánh) để loài người tương giao với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, được Ngài ban phước một cách đặc biệt. Đối với loài người, trong ngày Thứ Bảy họ được nghỉ lao động, được tạm gác những sự khó nhọc trong đời sống lại để nhận lấy ơn phước đặc biệt Chúa ban trong sự gần gũi tương giao với Chúa, và thông công với nhau.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận như sau: Ngày Sa-bát được chính Đức Chúa Trời dựng nên trong công trình sáng tạo trời đất. Ngày Sa-bát được thiết lập trước khi điều răn và luật pháp được ban hành. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần lễ. Ngày Sa-bát được Đức Chúa Trời ban phước và đặt làm ngày thánh, tức là một ngày biệt riêng ra. Ngày Sa-bát có nghĩa là ngày nghỉ làm việc. Ngày Sa-bát được dựng nên vì loài người, cũng như trời đất và muôn vật được dựng nên vì loài người.

Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta “hãy nhớ ngày Sa-bát” vì ngay từ ban đầu, khi thế gian được sáng tạo, chính Thiên Chúa đã lập ra ngày Sa-bát sau sáu ngày Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật, và ban phước cho ngày ấy. Đó là ngày thứ bảy, hợp với sáu ngày sáng tạo, làm thành một tuần lễ bảy ngày, như chúng ta có ngày hôm nay:

Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày thứ bảy Ngài nghỉ mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ mọi việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:1-3).

Ngày Thứ Nhất còn được gọi là “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” không phải là ngày Sa-bát. Trong tiếng Hán Việt, “chủ” và “chúa” đều cùng một nghĩa là đứng đầu, hoặc cầm quyền, hoặc cai trị. “Nhật” là ngày. Vậy, “Chủ Nhật” hoặc “Chúa Nhật” là ngày đứng đầu của một tuần lễ, tức là ngày Thứ Nhất. Cách gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là “Chủ Nhật” hoặc “Chúa Nhật” là cách gọi của người Trung Quốc mà người Việt chúng ta bắt chước gọi theo. Cách gọi đó không có trong Thánh Kinh. Tương tự như cách gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế” (Vua Trên Cao) cũng là cách gọi của người Trung Quốc mà người Việt bắt chước theo. Thánh Kinh không hề gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế.” Danh từ “Thượng Đế” đã được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và Việt Nam dùng để gọi các tà thần, chúng ta không nên dùng để gọi Thiên Chúa. Thánh Kinh không hề dạy rằng ngày Sa-bát Thứ Bảy đã đổi sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật hoặc Chúa Nhật. Thánh Kinh cũng không bao giờ gọi ngày Thứ Nhất là ngày Sa-bát.

Trong Thánh Kinh chỉ có danh từ “ngày của Chúa” để chỉ về ngày Thiên Chúa phán xét thế gian. Nhưng Thánh Kinh nhiều lần gọi ngày Sa-bát, tức là ngày Thứ Bảy trong tuần, là “ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,” “ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu;” [1]. Chính Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là “ngày Sa-bát Ta” [2]. Thánh Kinh không bao giờ gọi ngày Thứ Nhất là ngày của Thiên Chúa.

Chính Đức Chúa Jesus Christ xưng nhận: Ngài là Chúa của ngày Sa-bát, tức là ngày Sa-bát thuộc về Ngài và Ngài chính là Thiên Chúa đã gọi ngày Sa-bát là “ngày Sa-bát của Ta” [2] trong Cựu Ước:

Vì Con Người là Chúa ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5).

Đức Chúa Jesus Christ đã dựng nên ngày Sa-bát vì “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật gì đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1:3). Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của ngày Sa-bát, ngày Sa-bát thuộc về Ngài, đã được Ngài thánh hóa và ban phước. Vì thế, không ai có quyền thay đổi hoặc bỏ đi ngày Sa-bát của Chúa.

Mục đích chính của sự Chúa dựng nên ngày Sa-bát, tức là ngày “nghỉ lao động,” là để thân thể của loài người và gia súc được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động mệt mỏi; đồng thời để loài người được nhóm hiệp, thông công với nhau, và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, cùng nhau đón nhận các ơn phước từ Thiên Chúa:

Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” (Mác 2:27).

Lời Chúa phán rõ: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” chứ không phải chỉ vì riêng dân tộc I-sơ-ra-ên. Vì thế, ơn phước của ngày Sa-bát được ban cho mọi dân tộc, sự nghỉ lao động trong ngày Sa-bát được áp dụng cho mọi dân tộc, sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát là bổn phận của mọi dân tộc.

Ngày Sa-bát bắt đầu từ khi mặt trời vừa khuất bóng vào chiều Thứ Sáu và kéo dài cho đến khi mặt trời khuất bóng vào chiều Thứ Bảy. Vì thời điểm mặt trời khuất bóng ở các nơi trên mặt đất không giống nhau, và cho dù cùng một địa điểm nhưng thời điểm mặt trời khuất bóng cũng khác nhau mỗi mùa, thậm chí có khi là mỗi ngày; cho nên, chúng ta có thể chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Sáu, là thời điểm trung bình mặt trời khuất bóng tại Giê-ru-sa-lem, làm thời điểm bắt đầu ngày Sa-bát và chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy làm thời điểm kết thúc ngày Sa-bát.

Lời Chúa dạy con dân Chúa giữ ngày Sa-bát trong những nơi họ ở, nên con dân Chúa có thể theo ngày giờ địa phương để giữ ngày Sa-bát:

Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Vì ngày Sa-bát thuộc về Chúa, Chúa là chủ của ngày Sa-bát, cho nên không một ai có quyền đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, tức ngày Thứ Nhất, hay là bỏ đi sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn thứ tư. Các giáo hội dạy rằng, vì Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại vào ngày Thứ Nhất nên ngày Sa-bát đã chuyển từ ngày Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ đã không bị đóng đinh vào chiều một ngày Thứ Sáu và sống lại vào sáng sớm của một Chủ Nhật như các giáo hội dạy. Sự thật là Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh vào sáng một ngày Thứ Tư, chết vào lúc chiều, sống lại vào chiều một ngày Thứ Bảy, rồi hiện ra cho các môn đồ vào sáng Chủ Nhật. Ngài đã thật sự ở trong lòng đất đúng ba ngày và ba đêm y theo lời tiên tri của Ngài. Các chi tiết trong Thánh Kinh và trong lịch sử La-mã đã xác định ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh [3].

Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40).

Cho dầu Đức Chúa Jesus Christ có sống lại vào Chủ Nhật thì đó cũng không là lý do để bất cứ ai tự ý đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa phải nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa kỷ niệm sự phục sinh của Chúa vào Chủ Nhật. Thậm chí, Thánh Kinh cũng không hề dạy con dân Chúa phải kỷ niệm sự giáng sinh hay sự phục sinh của Chúa, mà chỉ truyền cho con dân Chúa phải kỷ niệm sự chết của Chúa qua Tiệc Thánh. Quan trọng hơn hết là Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa ngưng tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy! Trái lại, chính Đức Chúa Jesus Christ dạy dân I-sơ-ra-ên hãy cầu nguyện để ngày AntiChrist tấn công thành Giê-ru-sa-lem sẽ không xảy ra vào một ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 24:20). Thánh Kinh cũng cho biết trong Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, con dân Chúa khắp nơi trên đất vẫn nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt Ta.” (Ê-sai 66:23).

Những ngày Sa-bát và những ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

Chúng ta để ý rằng, Lời Chúa nói “mọi xác thịt”“dân sự của đất,” là bao gồm muôn dân trên đất, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên.

Nhớ ngày Sa-bát có nghĩa là, hãy nhớ rằng, ngày Sa-bát có từ ban đầu khi Chúa mới dựng nên các tầng trời và đất; hãy nhớ rằng chính Chúa đã dựng nên ngày Sa-bát và ban phước cho ngày Sa-bát; hãy nhớ rằng chính Chúa cũng nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát; hãy nhớ rằng ngày Sa-bát là của Chúa.

Điều răn thứ tư không thiết lập ngày Sa-bát mà là truyền cho chúng ta nhớ đến ngày Sa-bát đã được Thiên Chúa lập ra từ khi sáng thế, và truyền cho chúng ta thánh hóa ngày ấy.

Thánh hóa ngày Sa-bát có nghĩa là chúng ta biến ngày Sa-bát thành một ngày thánh, một ngày thuộc về Chúa, được chúng ta dùng theo thánh ý của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta nghỉ lao động kiếm sống, nghỉ lao động tạo tiện nghi cho cuộc sống. Sự lao động mà Chúa muốn chúng ta nghỉ trong ngày Sa-bát bao gồm cả việc mua bán, xây dựng, sửa chữa. Nhưng Chúa không hề cấm chúng ta làm những việc lành trong ngày Sa-bát, như: cứu một gia súc bị nạn, chữa bệnh cho một người (Ma-thi-ơ 12:10-12).

Ngoài việc ngưng lao động trong ngày Sa-bát, chúng ta còn phải nhóm hiệp với nhau để thờ phượng Chúa. Trong Hê-bơ-rơ 10:25 ghi lại mệnh lệnh của Chúa, dạy rằng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm lại:

Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và anh em thấy ngày ấy càng gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Trong suốt Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ truyền cho chúng ta nhóm lại vào trong các ngày Sa-bát. Thánh Kinh không hề truyền cho con dân Chúa phải nhóm hiệp vào Chủ Nhật hay là một ngày nào khác không phải là ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội. Tiếc thay, ngày nay có biết bao nhiêu người xưng mình là con dân Chúa mà họ không nhớ đến ngày Sa-bát, không tôn thánh ngày Sa-bát, không nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. Trái lại, họ vẫn lao động và kiếm tiền trong ngày Sa-bát.

Không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Phạm điều răn của Đức Chúa Trời tức là phạm tội. Phạm tội mà không ăn năn thì sẽ không được Chúa tha tội. Người không được Chúa tha tội thì phải bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Chúng ta là những con dân chân thật của Chúa, chúng ta nhớ ngày Sa-bát của Chúa, tức là ngày Thứ Bảy, và thánh hóa nó, tức là chúng ta không lao động kiếm sống, không lao động xây cất hoặc sửa chữa, không mua bán trong ngày Sa-bát; nhưng chúng ta cùng nhau nhóm hiệp để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, cùng nhau làm những việc lành trong danh Chúa.

Bảy Điều Quan Trọng Chúa Dạy về Ngày Sa-bát

Thánh Kinh ghi lại một cách rõ ràng bảy điều quan trọng Chúa dạy cho chúng ta về ngày Sa-bát.

1. Thiên Chúa ban thức ăn cho con dân Chúa gấp hai vào ngày Thứ Sáu để chúng ta không phải làm việc kiếm sống vào ngày Thứ Bảy:

Hãy suy nghĩ rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, đến ngày Thứ Sáu Ngài lại cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Trong ngày Thứ Bảy, mỗi người phải ở yên chỗ mình, chớ ai ra khỏi nhà.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29).

Ngay trước khi Thiên Chúa ban truyền Mười Điều Răn, thì Ngài đã truyền cho con dân Chúa không được làm việc kiếm sống vào ngày Thứ Bảy và Ngài hứa ban thức ăn cho họ có đủ ăn vào ngày Thứ Bảy. Câu: “mỗi người phải ở yên chỗ mình, chớ ai ra khỏi nhà,” có nghĩa là ở yên, không đi ra khỏi nhà để kiếm ăn, chứ không phải hoàn toàn không được ra khỏi nhà. Bởi vì, trong ngày Sa-bát con dân Chúa vẫn ra khỏi nhà đi nhóm hiệp thờ phượng Chúa theo lệnh truyền của Thiên Chúa, làm các việc lành như Đức Chúa Jesus Christ đã làm. Khi cần, thì ra khỏi nhà để tham dự chiến tranh, như khi dân I-sơ-ra-ên trong ngày Thứ Bảy đã ra khỏi nhà, đi vòng quanh thành Giê-ri-cô bảy lần (Giô-suê 6:4, 15).

Ngày nay, những người sống nghề nông thì không nên canh tác trong ngày Sa-bát, những người lao động làm thuê, làm muớn, hoặc mua bán thì không nên làm việc hoặc mua bán trong ngày Sa-bát, đối với công nhân làm việc trong các hãng xưởng thì phải yêu cầu chủ cho mình được nghỉ làm ngày Sa-bát. Chắc chắn, Chúa sẽ ban đủ nhu cầu mỗi ngày cho chúng ta khi chúng ta vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa; Chúa sẽ mở đường cho chúng ta có một việc làm không phạm ngày Sa-bát, nếu chúng ta hết lòng tin cậy và phó thác cuộc sống mình trong bàn tay Chúa. Đây là vấn đề đức tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta có tin rằng Chúa có quyền năng để bảo vệ và chăm sóc chúng ta hay không? Chúng ta có yêu Chúa đủ để hy sinh, chịu khổ, và ngay cả chịu chết để vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa hay không? Hãy thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa và tình yêu của chúng ta đối với Ngài, thì Ngài sẽ bày tỏ quyền năng và phép lạ của Ngài trên chúng ta.

Đặc biệt, những người làm các nghề như: quân lính, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y tá, chuyên viên kỹ thuật, lao công…), nhân viên chăm sóc các cô nhi viện, các viện dưỡng lão… là những nghề liên quan đến phúc lợi chung, có tính cách chăm sóc, bảo vệ, và cứu giúp thì có thể thay phiên nhau để làm việc trong ngày Sa-bát; vì trong ngày Sa-bát được phép làm việc lành. Tuy nhiên, tiền lương trong ngày đó nên tặng hết cho những người nghèo khó, khốn cùng. Đó cũng là một việc làm lành.

2. Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là Lễ Nghỉ và truyền cho con dân Chúa nghỉ lao động để nhóm hiệp trong ngày Sa-bát:

Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Thánh Kinh biệt riêng ngày Thứ Bảy làm ngày Lễ Nghỉ mỗi tuần để tôn vinh Thiên Chúa. Loài người phải nghỉ lao động trong ngày Thứ Bảy để nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa. Mệnh lệnh “đừng làm một công việc gì” có nghĩa là đừng mua bán, đừng lao động kiếm sống, đừng lao động tạo tiện nghi cho cuộc sống, như: vận chuyển hàng hóa, dọn dẹp, sửa chữa, giặt giũ… Nhưng con dân Chúa có thể làm những việc lành, cứu giúp loài người lẫn loài vật, cho gia súc ăn uống… (Ma-thi-ơ 12:12).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, trong suốt cả Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ truyền lệnh cho con dân Chúa nhóm hiệp vào các ngày Sa-bát. Ngài không hề truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp vào một ngày nào khác. Vì thế, mệnh lệnh của Đức Thánh Linh trong Hê-bơ-rơ 1:25-26 truyền cho con dân Chúa “chớ bỏ qua sự nhóm lại” tức là truyền cho con dân Chúa chớ bỏ qua sự nhóm lại trong mỗi ngày Sa-bát:

Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và anh em thấy ngày ấy càng gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy. Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa…”

Chỉ cần nói dối mà không ăn năn thì sẽ ở trong hỏa ngục. Thế thì, người cứ vi phạm ngày Sa-bát mà không ăn năn thì sẽ ra sao?

Những người vi phạm ngày Sa-bát là những người làm cho ngày Sa-bát bị ô uế, nên chính họ cũng trở thành ô uế, đáng gớm ghiếc. Những người vi phạm ngày Sa-bát còn là những người không tin nơi Lời Chúa; họ trở thành những kẻ chẳng tin. Những người vi phạm ngày Sa-bát cũng có thể là vì hèn nhát, không dám sống theo Lời Chúa, vì sợ bị gia đình và giáo hội bắt bớ. Phần của những kẻ hèn nhát, chẳng tin, đáng gớm ghiếc là hỏa ngục:

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những người giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta… (Ê-sai 56:6).

Còn những kẻ hèn nhát, những kẻ chẳng tin, những kẻ đáng gớm ghiếc, những kẻ giết người, những đĩ đực, những thầy pháp, những kẻ thờ thần tượng, và bất cứ những kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và lưu huỳnh cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8).

Việc con dân Chúa cùng nhau nhóm hiệp trong ngày Sa-bát để thờ phượng Chúa, nghe giảng Lời Chúa, và thông công với nhau là điều chúng ta không nên bỏ qua.

3. Thiên Chúa gọi sự giữ ngày Sa-bát là dấu hiệu đời đời dành cho con dân của Ngài, để tỏ ra họ là một dân thánh:

Phần ngươi, hãy nói với dân I-sơ-ra-ên rằng: Nhất là các ngươi hãy giữ ngày Sa-bát Ta, vì là một dấu giữa Ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng Ta, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm cho các ngươi nên thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13).

Ấy vậy, dân I-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày Sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho Ta cùng dân I-sơ-ra-ên, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày Thứ Bảy Ngài ngưng làm việc và nghỉ ngơi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16-17).

Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát Ta làm một dấu giữa Ta và chúng nó, để chúng nó biết rằng, Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biệt chúng nó ra thánh.” (Ê-xê-chi-ên 20:12).

Có nhiều người cho rằng ngày Sa-bát là dấu hiệu giữa Thiên Chúa và dân I-sơ-ra-ên, không liên quan gì đến Hội Thánh. Nhưng chính Thánh Kinh nói rõ, những người không phải dân I-sơ-ra-ên, sau khi tin nhận Chúa thì được kết hiệp làm một với những người I-sơ-ra-ên tin nhận Chúa:

Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng nhóm lại dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, Ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó. (Ê-sai 56:8).

Rô-ma 11:16-26

16 Nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh; và nếu rễ là thánh, thì các nhánh cũng thánh.

17 Nếu như có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve,

18 thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, mà là cái rễ chịu đựng ngươi.

19 Ngươi sẽ nói rằng: Các nhánh đã bị cắt đi, để ta được tháp vào chỗ nó.

20 Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi.

21 Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa.

22 Vậy hãy xem sự nhân từ và sự nghiêm ngặt của Thiên Chúa: sự nghiêm ngặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhân từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhân từ Ngài: nếu không, ngươi cũng sẽ bị chặt.

23 Về phần họ, nếu không ghì mài trong sự chẳng tin, thì cũng sẽ được tháp; vì Đức Chúa Trời có quyền lại tháp họ vào.

24 Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tính mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tính, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!

25 Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm này, kẻo anh em tự cho mình khôn ngoan chăng. Ấy là một phần dân I-sơ-ra-ên đã rơi vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ;

26 rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Đấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp;

Ê-phê-sô 2:11-16

11 Vậy, anh em, theo xác thịt là người ngoại, bị những kẻ xưng mình là người chịu cắt bì bởi tay người ta, gọi anh em là người không chịu cắt bì, hãy nhớ lại lúc trước,

12 trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân I-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, không có sự trông cậy và vô thần trong thế gian.

13 Nhưng trong Đấng Christ Jesus, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ máu Đấng Christ mà được gần rồi.

14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách,

15 chấm dứt sự thù nghịch, luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, trong xác thịt Ngài. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài,

16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời.

Thiên Chúa nhóm hiệp các dân khác cùng chung với dân I-sơ-ra-ên. Dân thánh của Thiên Chúa bao gồm dân I-sơ-ra-ên và mọi dân tộc. Trong dân thánh của Thiên Chúa không có sự phân biệt giữa dân I-sơ-ra-ên với các dân không phải là I-sơ-ra-ên. Xin đọc và nghe bài giảng này: “Địa Vị của Những Người Được Cứu” [4].

4. Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là của Ngài. Vì thế, không ai có quyền thay đổi hay hủy bỏ ngày Sa-bát:

Nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10).

Ai nấy phải tôn kính cha mẹ mình và giữ những ngày Sa-bát của Ta: Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi.” (Lê-vi Ký 19:3).

Các ngươi phải giữ những ngày Sa-bát của Ta, và tôn kính nơi thánh của Ta. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:30).

Hãy giữ những ngày Sa-bát của Ta, và tôn kính nơi thánh của Ta. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 26:2).

Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 12:8, đối chiếu: Mác 2:28 và Lu-ca 6:5).

Trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, muôn dân trên đất vẫn phải giữ ngày Sa-bát và cùng nhau thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt Ta.” (Ê-sai 66:23).

Những ngày Sa-bát và những ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

5. Tất cả những ai không thuộc về dân I-sơ-ra-ên, khi tin nhận Thiên Chúa thì đều vâng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa:

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta, thì Ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ Ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6-7).

6. Thiên Chúa truyền lệnh cho con dân Chúa phải giữ những ngày Sa-bát của Ngài và tôn kính đền thờ của Ngài:

Các ngươi phải giữ những Sa-bát của Ta, và tôn kính nơi thánh của Ta. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:30)

Những ngày Sa-bát của Thiên Chúa là mỗi ngày Thứ Bảy và nơi thánh của Thiên Chúa, tức đền thờ của Thiên Chúa, chính là thân thể của mỗi chúng ta:

Các anh em chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh em sao? Vì có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính các anh em là đền thờ.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).

Các anh em chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong các anh em, là Đấng mà các anh em đã nhận bởi Thiên Chúa, và các anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Bởi vì các anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể và tâm thần mình đã thuộc về Đức Chúa Trời mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Vì thế, trong mỗi ngày Sa-bát chúng ta phải nghỉ lao động, để cho thân thể chúng ta được nghỉ ngơi, và cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa.

7. Thiên Chúa hứa ban phước cho những ai giữ ngày Sa-bát:

Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).

Thiên Chúa hứa ban những ơn phước đặc biệt cho những ai vâng giữ ngày Sa-bát của Ngài. Những ai không vâng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa thì không được hưởng các ơn phước ấy. Chắc chắn là sự không vâng giữ ngày Sa-bát sẽ làm cho thiệt hại sức khoẻ của chúng ta. Quan trọng hơn hết, sự không vâng giữ ngày Sa-bát là sự phạm điều răn của Chúa, là tội lỗi.

Không làm theo Lời Chúa là phạm tội. Phạm tội mà không ăn năn thì sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Một người đã hiểu biết Lời Chúa mà không làm theo thì sẽ không còn có tế lễ nào chuộc tội dành cho người ấy:

Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Chúng ta là con dân Chúa, chúng ta phải đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa, chứ chúng ta không làm theo những sự dạy dỗ không đúng với Thánh Kinh của các giáo hội hay của bất cứ ai.

Cách Giữ Ngày Sa-bát

Vì ngày Sa-bát là một dấu do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta, để chứng tỏ Ngài đã thánh hóa chúng ta, biệt riêng chúng ta ra làm con dân của Ngài, nên chúng ta phải vâng giữ ngày Sa-bát. Sự giữ ngày Sa-bát bao gồm những việc chúng ta không nên làm và những việc chúng ta nên làm trong ngày Sa-bát.

Không Nên Làm

1. Mọi người và mọi súc vật không nên làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; Lê-vi Ký 23:3; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:14). Sự không làm việc được nói đến là sự không lao động để kiếm sống, kể cả việc trồng trọt, gặt hái; không lao động để tạo tiện nghi cho cuộc sống, như việc dọn dẹp, sửa chữa, thậm chí ngay cả việc nhặt củi để đun bếp (Dân Số Ký 15:32-36).

2. Không mua bán trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 10:31; 13:15-17).

3. Không mang vác nặng trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 13:19; Giê-rê-mi 17:21).

4. Không làm theo ý riêng (Ê-sai 58:13).

5. Không bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 23:3; Hê-bơ-rơ 10:25).

Nên Làm

1. Nhóm hiệp để thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa trong ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 23:3; Ma-thi-ơ 12:5; Lu-ca 4:16; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14, 44; 17:2; Hê-bơ-rơ 10:25).

2. Dâng hiến lên Chúa trong ngày Sa-bát (Dân Số Ký 28:9-10).

3. Đọc Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:16; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:27; 15:21).

4. Giảng Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:31; 6:6; 13:10; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14, 15, 44; 16:13; 17:2; 18:4).

5. Làm những việc thiện có tính cách chăm sóc, bảo vệ, cứu giúp, chữa lành, thăm viếng lẫn nhau, rao giảng Tin Lành… Giải quyết những nhu cầu thiết thực như ăn uống, giải trí, thông công với gia đình, bạn bè, bảo vệ tài sản trong lúc cấp bách, kể cả chiến đấu trong chiến tranh trong ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:1, 12; Lu-ca 13:15-16; 14:1, 5; Giăng 9:14; Giô-suê 6:15). Trong các hoạt động thăm viếng, ăn uống, giải trí… chúng ta tránh việc mua bán, như mua thức ăn, thức uống, mua vé vào cửa các nơi giải trí. Trong việc chuẩn bị thức ăn trong ngày Sa-bát thì tránh cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Tốt nhất là chuẩn bị vào chiều Thứ Sáu và hâm nóng lại để ăn vào ngày Thứ Bảy. Nhớ đổ xăng cho xe vào trước ngày Sa-bát để có đủ xăng đi thăm viếng, nhóm hiệp với Hội Thánh.

Những Lời Ngụy Biện Chống Việc Giữ Ngày Sa-bát

Ngụy là không thật. Biện là lý luận để cãi lại. Ngụy biện là dựa vào những lý luận không đúng, không thật để tranh cãi về một điều gì đó.

Trong các giáo hội mang danh Chúa có nhiều lời ngụy biện chống lại việc con dân Chúa tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy, vâng giữ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Dưới đây là một số lời ngụy biện mà con dân Chúa thường gặp:

Ngụy biện 1: Hội Thánh sống trong Thời Ân Điển, không còn ở dưới luật pháp nên không cần giữ Mười Điều Răn của Thời Cựu Ước.

Phản biện:Sống trong ân điển có nghĩa là nhờ ân điển (tức là nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho loài người tội lỗi, bội nghịch, đầy gian ác) mà được tha tội chứ không phải sống mà tha hồ phạm tội. Không còn ở dưới luật pháp là không còn bị luật pháp buộc tội, vì Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta, chứ không phải là tha hồ phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh dạy rõ:

Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 7:19).

Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp. (Rô-ma 3:31).

Nếu nói rằng Hội Thánh không cần phải giữ Mười Điều Răn của Thời Cựu Ước thì không lẽ con dân Chúa được có các thần khác, được làm các hình tượng, được thờ phượng và hầu việc các hình tượng, được lấy danh Chúa làm ra vô ích, được bất hiếu với cha mẹ, được phạm tội giết người, được ngoại tình, được trộm cắp, được làm chứng dối, và được tham muốn những điều thuộc về người khác?

Ngụy biện 2: Điều răn thứ tư chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên, không áp dụng cho dân ngoại.

Phản biện: Thánh Kinh không hề dạy rằng chỉ có chín điều răn trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là áp dụng cho tín đồ dân ngoại, còn điều răn thứ tư thì áp dụng riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Trái lại, Lời Chúa dạy rõ:

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta…” (Ê-sai 56:6).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt ta.” (Ê-sai 66:23).

Những ngày Sa-bát và những ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

Mặt khác, chính Lời Chúa phán rằng, Ngài kết hiệp dân ngoại với dân I-sơ-ra-ên làm một:

Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng nhóm lại dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, Ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó. (Ê-sai 56:8).

Trong Hội Thánh của Chúa không có phân biệt chủng tộc:

Tại đây không còn chia ra người Do-thái hoặc người Hy-lạp; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em hết thảy đều làm một.” (Ga-la-ti 3:28).

Tại đây không còn phân biệt người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.” (Cô-lô-se 3:11).

Lời ngụy biện trên đây rõ ràng đã nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa.

Ngụy biện 3: Thánh Kinh Tân Ước chỉ nhắc đến chín điều răn khác mà không nhắc đến điều răn thứ tư, nên Hội Thánh không cần phải giữ điều răn thứ tư.

Phản biện: Thực tế, Thánh Kinh Tân Ước chỉ không nhắc lại một phần của điều răn thứ nhì, là phần “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình” và “cũng đừng hầu việc chúng nó;” nhưng Thánh Kinh Tân Ước có nhắc đến điều răn thứ tư rất là nhiều lần. Thánh Kinh Tân Ước dạy cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của ngày Sa-bát và trong ngày Sa-bát con dân Chúa được phép làm mọi việc lành. Nếu ngày Sa-bát đã bị bỏ đi thì Đức Chúa Jesus Christ cần gì phải dạy cho con dân Chúa làm việc lành trong ngày Sa-bát? Và Đức Chúa Jesus Christ cần gì phải dạy cho dân chúng thành Giê-ru-sa-lem hãy cầu nguyện cho ngày Anti-Christ tấn công thành Giê-ru-sa-lem không rơi vào ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 24:20)?

Theo ngụy biện trên đây thì ngày nay con dân Chúa được tha hồ làm tượng và hầu việc tượng, vì Thánh Kinh Tân Ước không nhắc đến lệnh cấm này. Chúng ta biết rõ, không bao giờ có chuyện đó.

Ngụy biện 4: Nếu giữ ngày Sa-bát thì cũng phải giữ luôn các luật về Sa-bát. Vậy, Hội Thánh phải ném đá những người không giữ ngày Sa-bát.

Phản biện: Đúng là luật pháp của Đức Chúa Trời lên án tử hình người vi phạm ngày Sa-bát, và luật pháp của Đức Chúa Trời cũng lên án tử hình những đứa con hỗn láo, không vâng phục cha mẹ, những kẻ phạm tội ngoại tình… Nhưng ngày nay Hội Thánh không ném đá những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời vì chúng ta đang sống trong Thời Ân Điển. Có nghĩa là: Bởi ân điển mà Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay án chết cho mọi tội nhân. Vì thế, tội nhân không còn bị ném đá khi vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Còn việc tội nhân có tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời hay không là tự do lựa chọn của mỗi người. Ai ăn năn tội và tiếp nhận ân điển của Chúa thì được thoát khỏi mọi sự đoán phạt. Ai không ăn năn tội, không tiếp nhận ân điển của Chúa thì sẽ bị phán xét trong ngày sau rốt về mỗi việc làm tội lỗi của mình và bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Ngụy biện 5: Chúng ta không biết ngày nào trong tuần lễ thực sự là ngày Thứ Bảy Sa-bát, vì nhiều ngàn năm đã trôi qua, lịch của loài người đã nhiều lần thay đổi.

Phản biện: Đúng là lịch của loài người đã nhiều lần thay đổi nhưng chưa bao giờ có sự thay đổi thứ tự các ngày trong một tuần lễ. Từ khi Thiên Chúa dựng nên trời đất và ngày Thứ Bảy Sa-bát cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ thi hành mục vụ trên đất là một khoảng thời gian dài trên 4000 năm. Thế nhưng, vào thời điểm Thiên Chúa nhập thế làm người, đi lại trên đất và giữ ngày Sa-bát, thì ngày Sa-bát vẫn là ngày Thứ Bảy. Thánh Kinh ghi rõ: Đức Chúa Jesus Christ vào trong các nhà hội vào ngày Sa-bát; Đức Chúa Jesus Christ rao giảng, chữa bệnh, và đuổi quỷ trong ngày Sa-bát; các môn đồ của Chúa bứt bông lúa mì để ăn trong ngày Sa-bát; Phao-lô và các sứ đồ của Chúa nhóm hiệp và giảng Lời Chúa trong ngày Sa-bát…

Từ ấy đến nay, trong suốt gần 2000 năm, dân I-sơ-ra-ên, bởi sự giao phó của Thiên Chúa, vẫn giữ đúng cho toàn thể loài người ngày Thứ Bảy Sa-bát qua bộ lịch Do-thái, là bộ lịch có trước khi Thiên Chúa nhập thế làm người, do chính Thiên Chúa ban hành cho họ vào năm 1446 TCN, như đã được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Ngày Thứ Bảy mà loài người đang có trong mọi bộ lịch ngày nay, bất kể thuộc dân tộc nào, cũng đều đúng là ngày Thứ Bảy Sa-bát.

Ngụy biện 6: Chúng ta không thể giữ đúng ngày Sa-bát Thứ Bảy vì múi giờ của chúng ta khác với múi giờ của I-sơ-ra-ên.

Phản biện: Thiên Chúa không hề dạy con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát theo múi giờ của I-sơ-ra-ên. Trái lại, Lời Chúa dạy con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát trong mọi nơi họ ở, có nghĩa là theo múi giờ địa phương:

Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Nên nhớ, điều răn thứ tư được ban truyền khi dân I-sơ-ra-ên còn đang ở trong xứ Ai-cập là nơi cách Giê-ru-sa-lem một múi giờ.

Ngụy biện 7: Ngày Sa-bát đã đổi từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, vì Chúa đã sống lại vào Chủ Nhật.

Phản biện: Thánh Kinh không hề dạy ngày Sa-bát đã đổi sang Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy Chúa sống lại vào Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa phải nhóm hiệp trong ngày Chúa sống lại hoặc phải biến ngày Chúa sống lại thành ngày Sa-bát.

Sự thật là Chúa chết vào chiều một ngày Thứ Tư. Ngài đã ở trong lòng đất đúng ba ngày ba đêm rồi sống lại vào chiều một ngày Sa-bát. Thánh Kinh và các chi tiết lịch sử đã chứng minh như vậy, xin đọc bài: “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” [5]. Chúa đã sống lại vào một buổi chiều Sa-bát Thứ Bảy và hiện ra cho các môn đồ vào buổi sáng sớm của ngày Thứ Nhất (tức Chủ Nhật).

Ngụy biện 8: Giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là theo tà giáo.

Phản biện: Tà giáo là giáo lý dạy không đúng với lẽ thật của Thánh Kinh. Sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là theo đúng điều răn của Chúa trong Thánh Kinh. Vậy, sao có thể gọi sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là theo tà giáo? Tại sao sự vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời bị gọi là theo tà giáo?

Thực tế là có một số giáo hội mang danh Chúa, kêu gọi con dân Chúa giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy nhưng họ lại giảng dạy nhiều thứ tà giáo. Vì thế, nhiều người hiểu lầm là những ai giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là theo tà giáo. Chúng ta giữ ngày Sa-bát nhưng chúng ta không theo các giáo hội dạy tà giáo. Chúng ta không theo một giáo hội nào cả, mà chỉ theo Chúa và theo Lời Chúa.

Chính sự rao giảng chống lại sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo Thánh Kinh mới là tà giáo. Con dân Chúa phải tránh xa những kẻ rao giảng tà giáo (Tít 3:10).

Ngụy biện 9: Chúng ta chỉ cần làm việc sáu ngày rồi nghỉ một ngày, không cần thiết phải là ngày Thứ Bảy trong tuần.

Phản biện: Điều răn của Chúa không hề nói chúng ta được tùy ý muốn chọn làm việc ngày nào và chọn nghỉ ngày nào. Chính Chúa đã thiết lập ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát và ra lệnh cho chúng ta làm việc trong sáu ngày nhưng nghỉ vào ngày Thứ bảy. Ngày Sa-bát là của Chúa, không phải của chúng ta. Chúa là chủ của ngày Sa-bát, không phải chúng ta. Chúng ta không có quyền định ngày nào là ngày Sa-bát.

Hơn nữa, điều răn của Chúa là con dân Chúa phải nhóm hiệp trong ngày Sa-bát. Nếu trong Hội Thánh có bảy người, mỗi người tự ý làm việc trong sáu ngày rồi nghỉ một ngày theo ý thích mình, thì ngày nào là ngày Sa-bát để Hội Thánh nhóm hiệp?

Ngụy biện 10: Không ai có thể giữ được ngày Sa-bát vì hiện nay cả thế gian đều lấy Chủ Nhật làm ngày nghỉ. Buộc con dân Chúa nghỉ ngày Sa-bát Thứ Bảy là chất gánh nặng lên con dân Chúa.

Phản biện: Luật lệ, sở thích, phong tục của thế gian không có quyền trên các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Là con dân Chúa, chúng ta thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:19). Là con dân Chúa, chúng ta không theo thế gian mà phạm tội nghịch lại Thiên Chúa. Chúng ta sẽ có khó khăn, bắt bớ từ thế gian khi chúng ta hết lòng sống theo Lời Chúa. Nhưng Chúa sẽ ban ơn, thêm sức cho chúng ta, và mở đường cho chúng ta ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13).

Sự giữ các điều răn của Thiên Chúa, trong đó có sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn thứ tư, là phước hạnh.

Xin hãy khiến tôi đi trong đường của các điều răn Ngài, vì tôi lấy làm vui vẻ tại đó.” (Thi Thiên 119:35).

Tôi sẽ vui vẻ trong các điều răn Ngài, mà tôi yêu mến.” (Thi Thiên 119:47).

Bởi đó tôi yêu mến các điều răn Ngài hơn vàng, hơn cả vàng ròng.” (Thi Thiên 119:127).

Thật vậy, chính Lời Chúa khẳng định rằng, các điều răn của Chúa chẳng phải là nặng nề:

Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề… (I Giăng 5:3).

Chúa hứa ban phước cho những ai giữ ngày Sa-bát:

Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).

Là con dân Chúa, chúng ta nên siêng năng đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong Lời Chúa là Thánh Kinh:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8).

Chúng ta không nên theo truyền thống hay sự dạy dỗ không có trong Thánh Kinh mà nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa:

Sự chúng nó thờ lạy Ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra. Các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, mà giữ lời truyền khẩu của loài người!” (Mác 7:7-8).

Các giáo hội tự xưng là Hội Thánh của Chúa nhưng họ giảng dạy nghịch lại Lời Chúa. Nhiều người xưng mình là con dân Chúa, thậm chí, xưng mình là người giảng dạy Lời Chúa, nhưng họ là sói đội lốt chiên, là tín đồ giả, không phải là con dân chân thật của Chúa:

Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến với các ngươi, nhưng bề trong thật là muông sói hay cắn xé.” (Ma-thi-ơ 7:15).

Con dân chân thật của Chúa là những người nghe, tin, và cẩn thận làm theo mọi lời của Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa phán rõ:

Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:3-4).

Con dân Chúa không giữ ngày Sa-bát hay các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời để được sự cứu rỗi, nhưng con dân Chúa giữ ngày Sa-bát cùng các điều răn và luật pháp của Chúa vì yêu mến Chúa, hiểu biết Lời Chúa, vâng theo ý Chúa. Không giữ ngày Sa-bát có thể không khiến cho một người mất đi sự cứu rỗi, nếu người ấy chưa nhận biết lẽ thật về ngày Sa-bát; nhưng chắc chắn là người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời:

Vì Ta nói thật với các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

Ý Nghĩa của Rô-ma 7:4-6 và Cô-lô-se 2:16-17

Thánh Kinh dạy rõ, con dân Chúa có bổn phận phải vâng giữ mọi điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời như đã chép trong Thánh Kinh, kể cả điều răn thứ tư về việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Thế thì, chúng ta hiểu thế nào về những câu Thánh Kinh trong Rô-ma 7:4-6 và Cô-lô-se 2:16-17?

Hỡi anh em ta, anh em cũng như vậy, bởi thân thể của Đấng Christ, anh em đã chết về luật pháp, để thuộc về người khác, tức là người đã từ kẻ chết sống lại, để cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời. Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả là sự chết. Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp để hầu việc theo cách mới của thần linh, chớ không theo cách cũ của văn tự.” (Rô-ma 7:4-6).

Vì vậy, chớ để ai phán xét anh em về sự ăn hay sự uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ, hoặc của một ngày mặt trăng mới, hoặc của những ngày Sa-bát; ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17).

Thiết tưởng Ga-la-ti 5:4 sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề cho chúng ta:

Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.”

Phao-lô viết thư quở trách Hội Thánh Ga-la-ti không phải vì họ sống đời sống tốt đẹp, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng ông quở trách họ vì họ cậy vào việc vâng giữ các điều răn của Chúa để được cứu rỗi! Nội dung chính của thư Ga-la-ti lên án việc nhờ cậy việc làm công đức để được cứu rỗi; nhưng trong đoạn 5, Phao-lô khuyên Hội Thánh Ga-la-ti phải bước theo Thánh Linh, trừ bỏ các việc làm tội lỗi của xác thịt, nghĩa là phải sống theo điều răn của Đức Chúa Trời.

Phân đoạn Rô-ma 7:4-6 nói đến việc Cơ-đốc nhân được thoát khỏi món nợ đã gây ra đối với luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng không có nghĩa là luật pháp và điều răn không còn, vì “luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành” (Rô-ma 7:12). Một người bị luật pháp nhốt tù vì vi phạm luật pháp, khi được trả tự do vì có người khác tình nguyện gánh thay hình phạt, không có nghĩa là người ấy có quyền vi phạm luật pháp. Luật pháp vẫn còn đó, nhưng người ấy không còn bị chế tài bởi luật pháp, vì sự phạm pháp của người ấy đã có người gánh thế. Nếu người ấy lại phạm pháp, thì lập tức sẽ bị luật pháp chế tài. Sự tự do chúng ta có trong Chúa là sự thoát khỏi hình phạt của luật pháp, thoát khỏi sự cám dỗ phạm tội bởi những điều luật pháp ngăn cấm; và được ban cho thánh linh để chúng ta có thể vâng giữ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Cô-lô-se 2:16-17 khuyên Cơ-đốc nhân chớ để cho bất cứ ai phán xét mình về những nghi lễ của Do-thái Giáo, đặc biệt chớ để cho ai phán xét mình về việc giữ những ngày Sa-bát trong bảy kỳ lễ hội của Cựu Ước. Những ngày Sa-bát được nói đến trong câu 16 theo văn mạch là những ngày Sa-bát thuộc về lễ nghi (danh từ Sa-bát ở hình thức số nhiều), không phải là ngày Sa-bát cuối tuần. Ngày Sa-bát cuối tuần chỉ về công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời còn những ngày Sa-bát lễ nghi chỉ về những điều Đấng Christ sẽ làm cho con dân Chúa. Khi Đấng Christ đến thì những ngày Sa-bát lễ nghi đó không cần phải thực hiện nữa nhưng con dân Chúa vẫn phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, bao gồm điều răn thứ tư: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” tức là nhớ và tôn thánh ngày Sa-bát cuối tuần.

Cô-lô-se 2:16-17 không dạy rằng con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nhưng dạy rằng con dân Chúa giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy hay những ngày Sa-bát của bảy kỳ lễ hội là giữ theo đúng ý nghĩa Chúa dạy chứ không giữ theo lối hình thức và truyền khẩu của người Pha-ri-si. Đức Chúa Jesus là tấm gương sáng cho chúng ta về việc chớ để bất cứ ai xét đoán chúng ta về việc giữ ngày Sa-bát theo tiêu chuẩn và luật lệ do loài người đặt ra.

Là tín đồ của Đấng Christ, chúng ta không bị ràng buộc phải làm một điều gì đó để được cứu rỗi, ngoại trừ thật lòng ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Một người thật sự ăn năn tội là một người dứt khoát không muốn sống trong tội, không muốn phạm tội. Khi chúng ta thật sự ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì Ngài tái sinh chúng ta. Tái sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời tái tạo dựng chúng ta thành một tạo vật mới bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và ban cho chúng ta Thánh Linh để chúng ta có thể sống một đời sống mới “vừa muốn, vừa làm theo ý tốt Ngài,” bởi sự thêm sức của Ngài. Vì thế, tín đồ của Đấng Christ không vâng giữ điều răn và luật pháp để được cứu rỗi, nhưng vâng giữ điều răn và luật pháp của Chúa vì đó là bản chất của một người được dựng nên mới trong Chúa. Một người chân thật yêu kính Chúa, sống cho Chúa sẽ luôn luôn vâng giữ tất cả những gì học được từ trong Lời Chúa, là Thánh Kinh:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Nhưng bất cứ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con của Thiên Chúa, là ban cho những ai tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sinh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sinh bởi Thiên Chúa vậy.” (Giăng 1:12-13)

Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói với ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Linh mà sinh, thì không được vào Vương Quốc Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì sinh bởi xác thịt là xác thịt; bất cứ điều gì sinh bởi Đấng Thần Linh là thần.” (Giăng 3:5-6).

Vì ấy chính Thiên Chúa cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Chúng ta không vâng giữ điều răn và luật pháp để được cứu, nhưng chúng ta được cứu để sống theo, để vui thỏa trong điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Đó cũng là ý nghĩa của câu phán:

Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17).

Thiên Chúa đến thế gian làm người, chịu chết thay cho loài người, cứu loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, làm trọn sự hình phạt tội lỗi trên thân thể xác thịt của Ngài. Cùng một lúc, Ngài ban cho những ai ăn năn tội, tin nhận Ngài sức mạnh của Thiên Chúa để họ sống đúng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, làm cho vững bền luật pháp của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ là, Tiên Tri Ê-sai và Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đã tiên tri trước trong một ngàn năm bình an, ngày Sa-bát và các nghi thức tế lễ sẽ được tái lập. Và, dân sự trên đất, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, sẽ thờ phượng Chúa trong những ngày Sa-bát:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt Ta.” (Ê-sai 66:23).

Những ngày Sa-bát và những ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

Ghi Chú

[1] Xuất Ê-díp-tô Ký 16:25; 20:10; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:14; Nê-hê-mi 9:14;

[2] Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13; Lê-vi Ký 19:3; Ê-sai 56:4; 58:13; Ê-xê-chi-ên 20:12-13, 16, 20-21, 24; 22:8, 26; 23:38; 44:24.

[3] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=217

[4] http://timhieuthanhkinh.net/?p=1457

[5] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=217