Sống Đạo Là Gì?

7,853 views
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Huỳnh Christian Timothy
15.07.2012
Dẫn Nhập
Sống Đạo là thể hiện đức tin qua hành động trong cuộc sống mỗi ngày, tức là sống đúng theo ý Chúa đã được bày tỏ qua Lời Chúa. Đạo tức là ý Chúa đã được truyền cho chúng ta và ghi chép lại trong Thánh Kinh. Sống Đạo bao gồm ba phương diện: (1) tiếp tục chịu sự thánh hóa bởi Đức Thánh Linh; (2) hết lòng làm tròn những điều Chúa giao phó; và (3) trung tín với Chúa cho đến chết.

Tiếp Tục Chịu Sự Thánh Hóa Bởi Đức Thánh Linh
Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức: (1) Chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là công chính, nghĩa là chúng ta không còn phải gánh trách nhiệm về mọi tội lỗi của mình. (2) Chúng ta được Đức Chúa Jesus Christ dùng máu Ngài rửa sạch tội của chúng ta. (3) Chúng ta được Đức Thánh Linh tái sinh và ban cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời, tức là được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ.
Con người được dựng nên mới đó, tức là linh hồn được sống lại trong một tâm thần mới vẫn còn sống trong thân thể xác thịt cũ, cho nên, chúng ta cần phải tiếp tục được thánh hóa. Sự thánh hóa do Đức Thánh Linh chủ động và chúng ta phải hết lòng tiếp nhận.
Đức Thánh Linh thánh hóa chúng ta bằng cách:
  1. Ban Thánh Linh của Ngài cho chúng ta để chúng ta trở nên giống như Đức Chúa Trời trong bản chất, tức là giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24); giống như Đấng Christ trong mọi việc làm, tức là làm như Đấng Christ đã làm (I Giăng 2:6).
  2. Dùng lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17) bằng cách dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13), tức là ban sự khôn ngoan thông sáng cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu rõ Lời Chúa và ban các ân tứ cho chúng ta để chúng ta có năng lực sống và giúp các anh chị em khác cũng sống đúng theo Lời Chúa.
Sự thánh hóa xảy ra mỗi ngày trong từng khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Bổn phận của chúng ta là sốt sắng và sẵn lòng tiếp nhận sự thánh hóa của Đức Thánh Linh.
Hết Lòng Làm Tròn Những Điều Chúa Giao Phó
Chúng ta được Đức Thánh Linh thánh hóa để trở nên giống như Đức Chúa Trời về bản chất và giống như Đấng Christ trong mọi hành động. Mỗi hành động của chúng ta là sự thể hiện bản chất thánh khiết Chúa ban cho chúng ta. Mỗi hành động của chúng ta kể từ sau khi được dựng nên mới phải là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta:
Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”(Ê-phê-sô 2:10).
Bởi vì:
… chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả”(Rô-ma 14:7-8).
Ngay cả những tâm tư, tình cảm và ước muốn của chúng ta cũng chính là những điều mà Thiên Chúa cảm động chúng ta vừa muốn, vừa làm theo thánh ý tốt lành của Ngài: “Vì ấy chính Thiên Chúa cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).
Trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn dọn lòng bằng cách: “… phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen,” thì chúng ta phải nghĩ đến (Phi-líp 4:8). Kế tiếp, chúng ta dùng lời Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta. Chúng ta không nên làm bất cứ một điều gì theo ý riêng của mình. Mỗi một việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta luôn luôn đáp ứng đủ ba điều kiện sau đây:
  1. Đó là việc đem lại ích lợi, nhất là ích lợi cho người khác, tức là việc làm không đem lại thiệt hại cho ai.
  2. Đó là việc làm đem lại sự gây dựng, tức là việc làm khiến cho mọi người được vững mạnh trong đức tin.
  3. Đó là việc làm tôn vinh Chúa, tức là việc làm thể hiện sự yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa.
Thiếu một trong ba điều kiện nêu trên thì không phải là việc lành. Lời Chúa dạy rõ:
Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt”(I Cô-rinh-tô 10:23).
Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm”(I Cô-rinh-tô 10:31).
Mặc dù I Cô-rinh-tô 10:23 nói về các thức ăn nhưng I Cô-rinh-tô 10:31 cho phép chúng ta áp dụng sự dạy dỗ của nó vào trong mọi sự. Những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, từ sự tôn vinh Chúa, rao truyền danh Chúa cho đến lòng bố thí cũng chính là những của lễ chúng ta dâng lên Chúa mỗi ngày:
Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).
Vì thế, trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta phải hết lòng mà làm như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người:
Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”(Cô-lô-se 3:23).
Trung Tín Cho Đến Chết
Trung tín cho đến chết chỉ có một ý nghĩa vô cùng đơn giản, đó là: sống theo Lời Chúa dạy cho đến khi chúng ta chết, cho dù là chết bằng cách nào, chết vì lý do gì. Chúng ta có thể chết bất ngờ vì một tai nạn, vì một cơn đột quỵ. Chúng ta có thể chết vì tuổi già, vì bệnh tật. Chúng ta có thể chết vì bị bách hại đức tin. Trước khi chết, chúng ta có thể phải trải qua những hoạn nạn, thử thách, đau khổ… mà chúng ta phải cậy ơn Chúa để có thể chịu đựng và luôn đứng vững trong đức tin. Bởi vì, ân điển của Chúa là trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta:
Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ”(II Cô-rinh-tô 12:9-10).
Bởi vì, trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta có thể làm được mọi sự:
Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự”(Phi-líp 4:13).
Năng Lực Thắng Cám Dỗ và Tội Lỗi
Trong thực tế của nếp sống Đạo điều mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày là sự cám dỗ phạm tội. Tội lỗi đầu tiên vào trong thế gian, mở đầu cho tất cả mọi tội lỗi, là qua lời cám dỗ Ma Quỷ dùng để xúi giục tổ phụ của loài người không vâng lời Thiên Chúa. Khi Đức Chúa Jesus nhập thế làm người để thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi thì Ma Quỷ cũng ba lần ra sức cám dỗ Ngài phạm tội. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng, hầu hết những sự cám dỗ phạm tội đều do Ma Quỷ chủ động.
Trước hết, chúng ta tránh không đặt mình vào trong môi trường bị cám dỗ. Chúng ta cần xa lánh tất cả những cơ hội, những nơi chốn là nguồn gốc của những sự cám dỗ chúng ta phạm tội. Khi đối diện với cám dỗ thì chúng ta lập tức bỏ chạy, bất kể hậu quả sẽ như thế nào. Mục đích của chúng ta là giữ mình thánh sạch trong mọi nơi, mọi lúc. Nếu sự cám dỗ đã xâm nhập tâm trí của chúng ta thì chúng ta phải lập tức nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để xua đuổi nó.
Trong Mác 16:17 ghi lại lời phán của Chúa rằng, hễ ai tin Ngài thì sẽ được ban cho các dấu lạ và một trong các dấu lạ ấy, là lấy danh Ngài mà trừ quỷ. Dùng danh Chúa để trừ quỷ bao gồm việc chúng ta đuổi quỷ ra khỏi những người bị quỷ nhập và đuổi quỷ đang vây quanh chúng ta, tìm cách cám dỗ chúng ta phạm tội. Giả sử chúng ta đang bị cám dỗ phạm tội tà dâm thì chúng ta hãy lớn tiếng nhân danh Chúa để xua đuổi sự cám dỗ ấy. Chúng ta có thể nói:“Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho sự cám dỗ phải lui ra khỏi ta ngay lập tức. A-men!”
Cũng sẽ có những lúc sự cám dỗ quá mạnh mẽ, là lúc chúng ta gặp những con quỷ gan lì, cố gắng ra sức chống trả (tham khảo Đa-ni-ên:12-13; Ma-thi-ơ 17:21) thì chúng ta cần phải kêu cầu danh Chúa để được cứu (Rô-ma 10:13). Chúng ta có thể kêu cầu Chúa giải cứu chúng ta, như sau: “Lạy Đức Chúa Jesus Christ, xin cứu con ra khỏi sự phạm tội tà dâm. A-men!”
Chúng ta gọi đích danh của từng sự cám dỗ, của từng loại tội khi chúng ta dùng danh Chúa để xua đuổi nó hoặc kêu cầu danh Chúa để xin Chúa giải cứu chúng ta. Chúng ta có thể thay thế hai chữ “tà dâm” trong các thí dụ trên đây bằng bất cứ tên gọi nào khác của những sự cám dỗ và tội lỗi: tham lam, kiêu ngạo, dối trá, ghiền thuốc lá, ghiền rượu, ghiền ma túy, ghiền cờ bạc, nói tục, chửi thề, nóng giận, hỗn láo, bất hiếu, vv…
Kết Luận
Sống Đạo chính là thờ phượng Chúa trong tâm thần và lẽ thật (Giăng 4:24). Trong tâm thần: Mỗi một ý nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta đều hướng về Chúa và vì sự vinh quang của Chúa. Trong lẽ thật: Mỗi một ý nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta đều đúng theo Lời Chúa, vì Lời Chúa là lẽ thật, là khuôn mẫu cho tất cả mọi sự. Khi chúng ta thờ phượng Chúa trong tâm thần và lẽ thật thì Chúa sẽ ban cho chúng ta năng lực của chính Ngài để chúng ta có thể sống một đời sống dư dật và đắc thắng trong Đấng Christ, đến nỗi, không một điều gì, kể cả sự chết có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương của Ngài (Rô-ma 8:38-39).
Để có thể sống Đạo một cách trọn vẹn, chúng ta cần dâng thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên cho Chúa:
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”(Rô-ma 12:1-2).
Trong địa vị và chức vụ thầy tế lễ Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta (Khải Huyền 1:6), chúng ta hãy mỗi ngày hai bận, sáng sớm và chiều tối, dâng thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Dân Số Ký 28:3-4). Nhờ đó mà chúng ta sống một nếp sống Đạo dư dật và đắc thắng trong Đức Chúa Jesus Christ.
Ghi Chú: Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.