Quốc Thái Dân An

2,672 views

Quốc Thái Dân An

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Quốc thái, dân an là niềm mơ ước muôn đời của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Thái là thái bình, an là an lạc. Quốc thái, dân an là đất nước được thanh bình, thịnh vượng, không có chiến tranh hoặc thiên tai, dân chúng trong nước được sống trong an vui, ấm no, và hạnh phúc.

Từ ngàn xưa đến nay, quốc gia nào, dân tộc nào cũng hướng về những quyền lực siêu nhiên để tìm cầu quốc thái dân an, vì thế, lịch sử cho thấy có những tôn giáo trở thành quốc giáo của nhiều quốc gia. Kể từ thế kỷ 20 cho đến nay, những tư tưởng và chủ nghĩa, thậm chí kiến thức về khoa học cũng trở thành một thứ quốc giáo. Nói cách khác, những tôn giáo, tư tưởng, chủ nghĩa, và kiến thức khoa học đã trở thành các thần linh, các quyền lực tối thượng mà mọi dân tộc nương cậy vào đó để mưu cầu quốc thái dân an.

Riêng đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, từ các thời Đinh, Lê, Lý, Trần đã có tục triều đình tế Trời vào đầu năm âm lịch để cầu xin cho quốc thái dân an. Trong dân gian thì nhà nhà có bàn thờ Trời, gọi là bàn thờ Ông Thiên. Sự kiện này cho thấy dân tộc Việt Nam có ý thức về Đức Chúa Trời và đức tin vào Đức Chúa Trời. Vào năm 1803, Vua Gia Long cho thiết lập một đàn tế Trời lộ thiên, gọi là “Đàn Nam Giao”. Mỗi năm, vào thượng tuần tháng hai âm lịch thì triều đình làm lễ tế Trời. Vua phải đến trước ba ngày, trai tịnh để chuẩn bị cho tế lễ. Khi vào lễ, vua từ chỗ ở gọi là Trai Cung, ngồi trên kiệu gọi là Ngự Liễn, được quân lính khiêng lên đài; có từ 1000 đến 5000 người, gọi là Ngự Đạo, mặc lễ phục sặc sỡ đi theo. Khi tế, vua là chủ tế và có 128 văn võ sinh đứng múa. Đại lễ bắt đầu từ 2 giờ sáng và kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Tục tế Nam Giao chấm dứt với vị vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại.

Văn hóa Việt cho thấy, dân tộc Việt Nam rất khao khát quốc thái dân an nhưng lịch sử Việt chỉ ghi lại toàn là chiến tranh và loạn lạc, nước mất và nhà tan. Hơn 4000 năm lịch sử của Việt Nam là hơn 4000 năm của khổ đau! Cho đến bao giờ và bằng cách nào để đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta được thực sự quốc thái dân an?

Tác giả của Thi Thiên 33 đã ghi lại một chân lý tuyệt vời cho mọi dân tộc: “Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Chúng ta không thể biết chắc người nào đã viết ra Thi Thiên 33, cũng không biết Thi Thiên này đã được viết ra trong hoàn cảnh nào, hoặc vào thời điểm nào. Mặc dù bài thơ này được chép chung trong quyển thứ nhất các bài thơ của Đa-vít và được đặt ở giữa hai bài thơ có ghi tên ông, nhưng trong phần mở đầu của bài thơ không hề ghi tên tác giả. Bài thơ cũng không đề cập đến những nghi thức thờ phượng của I-sơ-ra-ên hay lịch sử của dân tộc này. Nội dung của bài thơ hoàn toàn có tính tổng quát, có thể áp dụng chung cho mọi dân tộc.

Có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, nghĩa là nhận thức đúng về Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (tự có và còn đến mãi mãi) và chọn lựa chỉ thờ phượng một mình Ngài. Vì Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho nên Ngài là Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, không ai có thể sánh với Ngài và mọi vinh hiển đều quy về Ngài. Lời phán của Ngài được ghi lại trong Thánh Kinh như sau:

“…Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài Ta không có Thiên Chúa nào khác.” (Ê-sai 44:6).

“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ấy là danh Ta. Ta chẳng nhường sự vinh quang của Ta cho một ai khác, cũng không nhường sự tôn vinh của Ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8).

Dân tộc Việt Nam dầu có ý thức về Thiên Chúa và biết cầu khẩn Thiên Chúa nhưng suốt lịch sử mấy ngàn năm vẫn sống trong bất hạnh là vì chưa có nhận thức đúng về Chúa nên chưa biết thờ phượng chỉ một mình Ngài. Bên cạnh sự tôn kính, kêu cầu Đức Chúa Trời, người Việt Nam còn tin tưởng và thờ lạy vô số các thần tượng, còn thực hành nhiều hủ tục mê tín, dị đoan… là những điều vi phạm luật thánh khiết của Đức Chúa Trời. Người Việt Nam cần đến với Thánh Kinh để học biết về Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Khi các thần tượng vô tri, vô giác bị dẹp bỏ và chỉ có Đức Chúa Trời được tôn cao trong lòng người Việt Nam, thì đất nước Việt Nam mới thật sự “có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa” mình.

Được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chọn làm cơ nghiệp, nghĩa là sống đẹp ý Chúa, vâng giữ luật pháp của Ngài nên được Ngài chọn để sống đời đời với Ngài và vui hưởng tình yêu cùng những sự bình an, vinh hiển, giàu có vô lượng của Ngài.

Quốc thái dân an không phải là một sáo ngữ hay một niềm không tưởng. Lời của Đức Chúa Trời đã khẳng định: “Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Trong những ngày đầu của một năm mới này, chúng ta hãy dọn lòng, đến với Chúa, kêu cầu sự nhân từ thương xót của Ngài tiếp tục dàn trải trên quê hương và dân tộc Việt Nam chúng ta. Xin Chúa cho dân tộc chúng ta sớm nhận biết và thờ phượng chỉ một mình Chúa. Xin cho dân tộc Việt Nam được bước vào một ngàn năm quốc thái dân an dưới quyền cai trị của Đấng Christ và cùng có mặt với các dân tộc khác trong trời mới, đất mới của cõi đời đời!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

18/02/2007