NYTTN: Khôn Khéo và Đơn Sơ

3,963 views

Khôn Khéo và Đơn Sơ

Huỳnh Christian Timothy

Ma-thi-ơ 10:16 ghi lại lời Chúa phán dạy các môn đồ khi Chúa sai họ đi rao giảng Tin lành như sau: “Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.” Để hiểu biết ý nghĩa lời phán này của Chúa và áp dụng vào trong nếp sống Đạo, trước hết, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ ngữ “khôn khéo” và “đơn sơ” trong nguyên ngữ Hy-lạp [1].

Từ ngữ “khôn khéo” được dịch từ chữ “phronimos,” (G5429), phiên âm Việt ngữ: /ph-ró-nê-mót-s/, có nghĩa là thận trọng, cân nhắc lợi hại trước khi quyết định nói hay làm một điều gì. Để có thể cân nhắc lợi hại thì phải biết quan sát và dựa vào kinh nghiệm để phân tích, đánh giá sự việc, tức là khôn ngoan và khéo léo. Khôn khéo như rắn là biết tránh né những kẻ có thể làm hại mình. Loài rắn, khi phát hiện sự có mặt của các giống chim ăn thịt thì lập tức trườn vào trong các bụi rậm hoặc hang hốc để ẩn mình.

Từ ngữ “đơn sơ” được dịch từ chữ “akeraios,” (G185), phiên âm Việt ngữ: /a-kê-rái-ot-s/, có nghĩa là thuần khiết như rượu hoặc kim loại nguyên chất, không bị pha trộn; tinh sạch, không nhiễm tội; đơn sơ; ngây thơ; vô hại. Đơn sơ như chim bồ câu là ngay thẳng, thành thật; không vờ vĩnh, không dụ dỗ; không cố ý khiến cho người khác hiểu lầm.

Như vậy, lời phán trong Ma-thi-ơ 10:16 của Chúa dạy cho các môn đồ của Ngài cách thức ứng xử với những ai ghét họ, có ý muốn làm hại họ, và dạy cho họ cách thức rao giảng Tin Lành.

Con dân Chúa không thuộc về thế gian, cho nên, đương nhiên bị thế gian ghét (Giăng 15:18-21). Thế gian luôn luôn ngược đãi, vu oan, giá họa cho con dân Chúa và chế giễu đức tin của họ. Con dân Chúa phải biết tránh xa những kẻ muốn bách hại mình. Con dân Chúa không được chống cự kẻ dữ, khi bị đuổi bắt ở nơi này thì phải bỏ trốn qua nơi khác (Ma-thi-ơ 5:39; 10:23). Con dân Chúa khi bị chế giễu đức tin thì im lặng bỏ đi, không tranh cãi (Ma-thi-ơ 7:6; 10:14; I Cô-rinh-tô 11:6), không cho thêm cơ hội để kẻ ác nói lời phạm thượng và không chọc giận chúng để chúng tấn công mình.

Con dân Chúa khi rao giảng Tin Lành thì phải hoàn toàn để cho Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh hành động qua mình, đặt lời nói vào môi miệng mình (Ma-thi-ơ 10:19-20; 28:20; Lu-ca 21:15). Con dân Chúa không làm bộ đứng về phía người nghe, dèm chê những người khác; không đem lợi vật chất ra để dụ dỗ người ta tin Chúa; không cố ý khiến cho người nghe hiểu lầm rằng, chỉ cần tin Chúa thì họ không còn phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống; không dấu người nghe cái giá một người phải trả khi quyết định đi theo Chúa; không dùng tài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan thế gian trong khi rao giảng (I Cô-rinh-tô 2:4-6). Con dân Chúa phải luôn ngay thẳng rao giảng Tin Lành y như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh, không thêm, không bớt.

Câu phán của Chúa: “Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói,” ngoài ý nghĩa thế gian hung bạo đối với các môn đồ của Chúa như bầy sói đối với những con chiên, còn hàm ý rằng, các môn đồ phải sống như thế nào để thế gian nhận ra họ là chiên của Chúa.

Điều này dường như nghịch lý nhưng lại là thực tế: Thế gian ghét các môn đồ của Chúa nhưng các môn đồ của Chúa phải tỏ cho thế gian biết họ là môn đồ của Ngài (Giăng 13:35). Họ phải là muối của đất và ánh sáng của thế gian [2], cho dù có phải trả giá bằng chính sự tự do và mạng sống của họ.

Có không ít người lạm dụng câu phán trên đây của Chúa để im lặng trước những sự bất công. Họ cho rằng sự im lặng là thái độ khôn khéo như rắn. Tuy nhiên, Chúa không dạy các môn đồ của Chúa có thái độ khiếp nhược trước bạo quyền. Trước khi con dân Chúa im lặng trước bạo quyền thì con dân Chúa có bổn phận nói lên lẽ phải để bênh vực chính mình và những nạn nhân của sự áp bức bất công. Chỉ sau khi tiếng nói công chính đã được nói lên rồi thì con dân Chúa mới im lặng trước bạo quyền.

Khi Đức Chúa Jesus Christ bị tát tai trước Tòa Công Luận, Ngài đã không im lặng đưa luôn má còn lại cho kẻ đánh Ngài, mà Ngài hỏi ngược lại hắn: “Nếu Ta nói sai, ngươi hãy chỉ ra chỗ sai; còn nếu Ta nói đúng, sao ngươi đánh Ta” (Giăng 18:23)? Khi Sứ Đồ Phao-lô bị đánh trước Tòa Công Luận, ông đã không im lặng, mà lên án ngược lại kẻ ngồi ghế xét xử ông: “Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông; ông ngồi để xử đoán tôi theo luật pháp, mà lại không kể luật pháp, biểu người đánh tôi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:3)!

Cũng có không ít người lạm dụng câu phán trên đây của Chúa, I Cô-rinh-tô 11:16, và I Phi-e-rơ 4:8 để im lặng trước sự phạm tội không chịu ăn năn của những người xưng mình là tín đồ hoặc tôi tớ Chúa trong Hội Thánh hoặc im lặng trước sự rao giảng tà giáo của các giáo sư giả và tiên tri giả trong Hội Thánh. Họ đã quên các mệnh lệnh của Chúa về cách cư xử với những kẻ ở trong Hội Thánh mà phạm tội (I Ti-mô-thê 5:1-2, 20; Giu-đe 22-23), với những kẻ có tội mà không chịu ăn năn (Ma-thi-ơ 18:15-17; I Cô-rinh-tô 5:11-13), và với những giáo sư giả, tiên tri giả, cùng những kẻ theo tà giáo (Tít 3:10-11; II Giăng 10-11).

Nguyện Đức Thánh Linh giúp ơn cho các con dân của Chúa hiểu đúng và áp dụng đúng ý nghĩa của sự khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim bồ câu! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
6.5.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?ck6tw573b60yx7h

Ghi Chú

[1] Xem nghĩa và nghe cách phát âm một từ ngữ Hy-lạp: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001 (thay thế G0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra, thí dụ: G5429, G185).

[2] “Thiên Chức của Hội Thánh:” https://www.timhieutinlanh.com/?p=2310