NYTTN: Hôn Nhân: Lễ Nghi

11,286 views

Huỳnh Christian Timothy

30.5.2013
Hôn Nhân: Lễ Nghi

“Lễ” là sự trân trọng, tôn kính. “Nghi” là khuôn mẫu, hình thức bên ngoài. “Lễ nghi hôn nhân” là hình thức để bày tỏ sự trân trọng, tôn kính đối với hôn nhân. Thánh Kinh không quy định lễ nghi hôn nhân nhưng Thánh Kinh cũng không bác bỏ một số lễ nghi hôn nhân theo phong tục của một số dân tộc.

Thánh Kinh cho chúng ta biết: Thiên Chúa đưa người nữ đến với người nam và người nam tiếp nhận người nữ làm vợ mình. Thánh Kinh không ghi lại một chi tiết nào về lễ nghi hôn nhân của đôi vợ chồng đầu tiên trên đất.

Sau đó khoảng 2088 năm [1], khi Áp-ra-ham tìm vợ cho con trai mình là I-sác, thì chúng ta thấy Thánh Kinh ghi lại một số chi tiết về việc chọn dâu và rước dâu (Sáng Thế Ký 24):

  • Nhà trai cử người đến nhà gái, mang theo lễ vật.

  • Khi nhà gái đồng ý gả con thì nhà trai trao lễ vật cho nhà gái: (1) Nữ trang bằng bạc và vàng, cùng với quần áo được tặng cho cô gái. (2) Các lễ vật đáng giá khác được trao cho anh và mẹ của cô gái.

  • Rê-be-ca được gia đình chúc phước và lên đường đến nhà chồng tương lai.

  • Trước khi gặp mặt chồng tương lai, Rê-be-ca che mặt bằng một tấm khăn mõng.

  • I-sác dẫn Rê-be-ca vào chỗ ở của mẹ mình (đã qua đời) và nhận làm vợ, yêu thương nàng.

Kế tiếp, Thánh Kinh ghi lại câu chuyện “ở rễ” của Gia-cốp, con trai thứ của I-sác (Sáng Thế Ký 29):

  • Gia-cốp đề nghị sẽ làm việc bảy năm cho La-ban để được nhận con gái của La-ban là Ra-chên làm vợ.

  • Sau kỳ hạn làm việc bảy năm, La-ban tổ chức một bữa tiệc, mời hàng xóm đến dự để gả con gái cho Gia-cốp.

Từ Gia-cốp, mười hai người con trai được sinh ra và trở thành tổ phụ của mười hai chi phái I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên bị dân Ai-cập bắt làm nô lệ suốt 400 năm, trước khi được Thiên Chúa giải cứu và nhận làm một dân tộc được biệt riêng cho Ngài. Trong thời gian sống tại Ai-cập, chắc là dân I-sơ-ra-ên cũng tiêm nhiễm văn hóa của Ai-cập, điển hình là việc dùng tượng bò con đúc bằng vàng để so sánh với Thiên Chúa, và như vậy, ít nhiều gì lễ nghi hôn nhân của dân I-sơ-ra-ên cũng mang một số chi tiết của lễ nghi hôn nhân Ai-cập. Chúng tôi sẽ có một bài biên khảo về lễ nghi hôn nhân của dân I-sơ-ra-ên.

Sang thời Tân Ước thì Thánh Kinh cho chúng ta biết, Đức Chúa Jesus Christ tham dự tiệc cưới của một người I-sơ-ra-ên. Thậm chí, Ngài còn làm phép lạ, hóa nước dùng để rửa chân thành rượu trong tiệc cưới (Giăng 2). Chúa cũng dùng thí dụ về những nữ đồng trinh chờ đón chàng rễ để dự tiệc cưới (Ma-thi-ơ 25). Hai chi tiết này hàm ý, Chúa chấp nhận nghi lễ hôn nhân của người I-sơ-ra-ên vào thời bấy giờ.

Khải Huyền 19 nói đến lễ cưới của Chiên Con, tức là sự kết hợp mầu nhiệm giữa Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh.

Câu hỏi đặt ra cho con dân Chúa ngày nay là, nên tổ chức lễ nghi hôn nhân như thế nào? Dưới đây là vài gợi ý:

  • Nếu đôi bên nam nữ đều không còn cha mẹ hoặc bên nữ không còn cha mẹ, thì hai người chỉ cần trước mặt Thiên Chúa, nhận nhau làm chồng, làm vợ. Sau đó, vâng theo quy định khai báo kết hôn của chính quyền địa phương. Nếu muốn, có thể tổ chức tiệc cưới, mời hàng xóm và thân hữu đến dự.

  • Nếu bên nữ còn cha mẹ thì bên nam nên cử người đến với cha mẹ bên nữ để xin cưới. Người đại diện bên nam có thể là một trưởng bối trong họ hoặc một trưởng lão trong Hội Thánh.

  • Sự tổ chức lễ cưới “trong nhà thờ” là không cần thiết nhưng cũng không phải là không nên. Đó là sự tự do chọn lựa của người trong cuộc. Ngay cả người chủ lễ cũng không cần thiết nhưng nếu có cũng không phải là không nên. Nên nhớ, điều cơ bản là người nam và người nữ, trước mặt Thiên Chúa nhận nhau làm chồng, làm vợ. Các lễ nghi chỉ là thứ yếu, không có cũng không sao. Nếu có thì nên tránh rườm rà, tốn kém, nhất là tránh những nghi thức tiêm nhiễm mê tín dị đoan hoặc bắt nguồn từ ngoại giáo; điển hình là việc tặng trầu cau. Điều gì không biết chắc thì đừng làm. Thường thì người chủ lễ là người chăn hoặc trưởng lão trong Hội Thánh. Địa điểm tổ chức là nơi nhóm họp thờ phượng Chúa của Hội Thánh, nhà riêng, nhà hàng hoặc một nơi công cộng.

  • Trong tiệc cưới, người tham dự có thể uống rượu, bia nhưng đừng để xảy ra cảnh say rượu. Tránh phí phạm tiền bạc và công sức. Tránh tổ chức trong những nhà hàng có chứa hình tượng hoặc có bàn thờ tà thần.

  • Lời tuyên nhận làm chồng, làm vợ có thể theo ý sau đây:

Nam: Trước mặt Thiên Chúa Hằng Hữu, anh là (Nguyễn Văn A) nhận em là (Trần Thị B) làm vợ. Anh nguyện sẽ yêu thương em và hy sinh cho em như Đấng Christ yêu thương và hy sinh cho Hội Thánh.

Nữ: Trước mặt Thiên Chúa Hằng Hữu, em là (Trần Thị B) nhận anh là (Nguyễn Văn A) làm chồng. Em nguyện sẽ yêu thương và vâng phục anh như Hội Thánh yêu thương và vâng phục Đấng Christ.

* Thay thế tên (Nguyễn Văn A) và (Trần Thị B) bằng họ và tên của chú rễ và cô dâu.

  • Sau lời tuyên nhận làm chồng, làm vợ, đôi vợ chồng mới nên cùng nhau dự Tiệc Thánh và dâng lời cầu nguyện cảm tạ Chúa, đồng thời, hứa nguyện với Chúa sẽ nuôi dưỡng con cái trong Lời Chúa để chúng được biết Chúa và tin nhận Chúa.

Trên hết mọi ý kiến, vẫn là sự mỗi cá nhân tự mình cầu nguyện, tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong mọi việc.

Huỳnh Christian Timothy

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/vum9821iqrxu62c/NYTTN_2013-5-30_HonNhanLeNghi.pdf

Bấm vào đây để đọc các bài “Những Ý Tưởng Trong Ngày” khác:
http://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209