2008 – Tiên Tri Giê-rê-mi

5,897 views

Nhấp vào nút play  ►để nghe

Phần 1

Phần 2


I. Bối Cảnh Lịch sử Nước Giu-đa thời Giê-rê-mi

Vào khoảng năm 931 TCN, sau khi Vua Sa-lô-môn qua đời, Rô-bô-am, con trai của Sa-lô-môn được toàn dân Y-sơ-ra-ên tôn lên làm vua (I Các Vua 12). Tuy nhiên, vì cớ tội ác thờ tà thần của Sa-lô-môn mà Đức Chúa Trời đã lấy 10 chi phái ra khỏi quyền cai trị của Rô-bô-am và lập Giê-rô-bô-am, một tôi tớ của Sa-lô-môn, làm vua của 10 chi phái này. Từ đó Y-sơ-ra-ên phân chia thành hai vương quốc. Vương quốc phía Nam được gọi là “Giu-đa” gồm chi phái Giu-đa, chi phái Bên-gia-min và những người thuộc các chi phái khác đang sống tại các thành của Giu-đa. Vương quốc phía Bắc bao gồm 10 chi phái còn lại của Y-sơ-ra-ên và giữ nguyên tên nước là “Y-sơ-ra-ên.”

Sau khi lên làm vua 10 chi phái của Y-sơ-ra-ên, Giê-rô-bô-am sợ dân sự đi đến Giê-ru-sa-lem thờ phượng Chúa trong đền thờ sẽ trở lòng quay lại cùng Rô-bô-am nên ông cho đúc hai tượng bò vàng, để tại Bê-tên và Đan, tạo lập nhiều nơi thờ tự trên các nơi cao, phong chức tế lễ cho những người không thuộc dòng Lê-vi, và tự mình làm công việc dâng hương trên bàn thờ trong ngày đại lễ thờ phượng do chính ông đặt ra. Như vậy, Giê-rô-bô-am tái lập sự thờ phượng Đức Chúa Trời qua hình tượng và theo ý riêng trong vương quốc Y-sơ-ra-ên (I Các Vua 12) mà sau này vương quốc Giu-đa cũng bắt chước trong các triều đại của những ông vua xấu. Trong khi đó, tại vương quốc Giu-đa phía Nam, Rô-bô-am và dân Giu-đa phạm tội thờ thần Át-tạt-tê, thậm chí dung dưỡng cho những kẻ đồng tính luyến ái trong các đền thờ tà thần và phạm những sự gớm ghiếc với họ (I Các Vua 14). Trong suốt 60 năm kế tiếp, những cuộc Nam chinh Bắc chiến liên tục xảy ra giữa hai vương quốc anh em.

Vương quốc Y-sơ-ra-ên tồn tại 209 năm qua 20 triều đại, dân chúng liên tục thờ lạy thần tượng, không có một vua nào của Y-sơ-ra-ên biết kính sợ Đức Chúa Trời. Nổi bật nhất là dưới triều đại A-háp với sự chuyên quyền của Hoàng Hậu Giê-sa-bên. Trong 21 năm cầm quyền, A-háp đã để cho Giê-sa-bên lộng quyền biến sự thờ lạy tà thần Ba-anh và Át-tạt-tê thành quốc giáo, đến nổi các hệ thống thầy tế lễ cho hai tà thần này có lúc lên đến 850 người được ăn uống trong cung hoàng hậu (I Các Vua 18:19). Năm 722 TCN Đức Chúa Trời đã dùng đế quốc A-si-ri tiêu diệt nước Y-sơ-ra-ên. Những người còn sống sót bị lưu đày qua A-si-ri.

Vương quốc Giu-đa cũng đi theo thói tục thờ lạy thần tượng của vương quốc Y-sơ-ra-ên (II Các Vua 17:19). Tuy nhiên, nhờ có nhiều vua tốt biết kính sợ Đức Chúa Trời cho nên sự đoán phạt đến chậm hơn là vương quốc Y-sơ-ra-ên. Tính từ triều đại của Rô-bô-am cho đến triều đại của Giô-si-a, là khi Giê-rê-mi được Chúa dấy lên làm tiên tri, vương quốc Giu-đa trải qua 292 năm với 16 đời vua. Trong đó, có 231 năm dưới sự cai trị của bảy ông vua tốt, biết kính sợ Chúa [5]. Giô-si-a là ông vua tốt thứ tám và là ông vua tốt cuối cùng, cai trị Giu-đa trong 31 năm trước khi bị tử trận trong cuộc chiến với Pha-ra-ôn Nê-cô của Ai-cập vào năm 608 TCN.

Giô-si-a lên ngôi vua lúc mới tám tuổi (639 TCN – 608 TCN). Tám năm sau, ở lứa tuổi 16, Giô-si-a đã có lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và năm 20 tuổi ông khởi sự công cuộc thanh tẩy vương quốc Giu-đa khỏi sự thờ lạy thần tượng. Công tác thanh tẩy này kéo dài trong suốt sáu năm, do chính Giô-si-a giám sát, bao gồm sự triệt hạ những nơi thờ phượng tà thần trên cao, phá dỡ các bàn thờ và tượng Ba-anh, A-sê-ra, những trụ thờ mặt trời… trên toàn vương quốc (II Sử Ký 34). Thánh Kinh chép về Giô-si-a như sau:

“Trước Giô-si-a, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình, mà tríu mến Đức Giê-hô-va, làm theo trọn vẹn luật pháp của Môi-se; và sau người cũng chẳng có thấy ai giống như người nữa.” (II Các Vua 23:25).

Vào năm thứ 18 triều Giô-si-a, trong khi tu bổ đền thờ theo lệnh vua, người ta tìm được sách luật pháp của Môi-se trong đền thờ và đem đọc cho vua nghe. Vừa nghe đọc các lời của luật pháp Giô-si-a liền xé quần áo mình, ra lệnh cho thầy tế lễ và quần thần đến gặp nữ Tiên Tri Hun-đa để cầu vấn Đức Chúa Trời. Tiên tri trả lời rằng: Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành mọi tai vạ đã ghi chép trong sách luật pháp trên vương quốc Giu-đa vì cớ tội lỗi thờ thần tượng của dân sự. Tuy nhiên, hình phạt đó sẽ giáng xuống sau khi Giô-si-a bình an qua đời (II Các Vua 22). Giô-si-a bèn ra lệnh triệu tập toàn dân để đọc sách luật pháp cho họ nghe, thay mặt dân sự, ông tái lập sự hứa nguyện với Đức Chúa Trời và buộc toàn dân phải thờ phượng Đức Chúa Trời (II Sử Ký 34).

Điểm cần ghi nhớ trong lịch sử của vương quốc Giu-đa, là: Trong suốt 55 năm dưới triều Ma-na-se (hai triều đại trước Vua Giô-si-a), ông vua này đã phạm tội và quyến dụ dân Giu-đa phạm tội thờ thần tượng, xem sao, bói toán, đồng cốt, dâng con trai của mình làm của lễ thiêu cho tà thần, giết người vô tội khắp Giê-ru-sa-lem, dựng tượng tà thần trong đền thờ của Đức Chúa Trời, đến nổi Đức Chúa Trời phán về ông, rằng: “làm ác hơn mọi điều dân A-mô-rít đã làm trước người” (II Các Vua 21:12). Vì thế, Đức Chúa Trời quyết định đoán phạt vương quốc Giu-đa như Ngài đã đoán phạt vương quốc Y-sơ-ra-ên 83 năm trước đó. Tuy nhiên, với lòng thương xót, Đức Chúa trời vẫn ban cho vương quốc Giu-đa cơ hội để ăn năn như Ngài cũng đã ban cơ hội cho vương quốc Y-sơ-ra-ên (II Các Vua 17:13). Chính vì thế, Giê-rê-mi được Đức Chúa Trời dấy lên để làm tiên tri trong suốt 40 năm, kêu gọi dân Giu-đa ăn năn tội, trở lại đầu phục Đức Chúa Trời. Đáng tiếc thay, Giu-đa cũng cứng lòng như Y-sơ-ra-ên cho đến ngày tai họa giáng xuống mở đầu cho hơn 2,500 năm con cháu Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp phải vong quốc, lưu lạc tha hương khắp đất và trở thành “một sự kinh hải, tục ngữ, và tiếu đàm” trong các dân tộc mà Chúa sẽ dẫn họ đến (Phục Truyền Luật lệ Ký 28:37)!

II. Giê-rê-mi: Con người và sứ mạng

1. Xuất thân: Giê-rê-mi là con của một thầy tế lễ tên là Hinh-kia, kiều ngụ tại A-na-tốt, một tiểu thôn thuộc vùng đất được chia cho chi phái Bên-gia-min nằm về phía Đông Bắc của Giê-ru-sa-lem khoảng chừng ba km. Cha của Giê-rê-mi khác với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hinh-kia phục vụ tại Giê-ru-sa-lem đương thời, vì nếu không, Giê-rê-mi 1:1 chắc phải ghi rằng: “Giê-rê-mi con trai của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hinh-kia.” Chúng ta không biết Giê-rê-mi bước vào chức vụ năm bao nhiêu tuổi. Một số nhà giải kinh cho rằng lúc đó Giê-rê-mi đã được khoảng 23 tuổi, một số khác cho rằng lúc đó Giê-rê-mi chỉ vào khoảng 14, 15 tuổi. Căn cứ vào lời đáp của Giê-rê-mi với Đức Chúa Trời (1:6) chúng ta biết lúc được Chúa gọi Giê-rê-mi phải dưới tuổi thành niên của người Do-thái, tức dưới 20 tuổi (Dân Số Ký 14:29). Trọn đời của Giê-rê-mi ông vâng theo lời Chúa phán, sống độc thân (16:2).

Tên Giê-rê-mi trong nguyên tác Hê-bơ-rơ có hai lối đánh vần khác nhau. Lối thứ nhất có nghĩa là: “Đức Chúa Trời thiết lập.” Lối thứ hai có nghĩa là “Người bị Đức Chúa Trời ném xuống.” Theo lối đánh vần nào thì ý nghĩa của tên Giê-rê-mi cũng đều xứng hợp với sứ mạng và sứ điệp của ông. Ông được Đức Chúa Trời thiết lập từ trước khi ông được hình thành trong bụng mẹ để “làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng, nghịch cùng cả đất nầy, nghịch cùng các vua Giu-đa, các quan trưởng nó, các thầy tế lễ, và dân trong đất” (1:18). Sứ điệp của ông là: Dân Giu-đa nếu không ăn năn tội sẽ bị Đức Chúa Trời “ném đi, ném lại trong các nước thiên hạ” vì tội lỗi của họ (15:4).

2. Sứ mạng: Vào năm 626 TCN, một năm sau khi Giô-si-a khởi công thanh tẩy Giu-đa thì Đức Chúa Trời kêu gọi Giê-rê-mi vào chức vụ tiên tri. Dân Giu-đa về mặt ngoài, “trọn đời Giô-si-a, chúng hằng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ họ, chẳng lìa bỏ Ngài” (II Sử Ký 34:33) nhưng đó chỉ là sự thay đổi về hình thức vì cớ Giô-si-a buộc họ phải dẹp tà thần và thờ lạy Đức Chúa Trời. Về mặt trong, dân Giu-đa không hề có sự thay đổi và Đức Chúa Trời đã dùng Giê-rê-mi để xét nghiệm họ:

“Ta đã lập ngươi làm kẻ thử và đồn lũy giữa dân ta, đặng ngươi nhận biết và dò xem đường lối nó. Chúng nó thảy đều bạn nghịch quá lắm, đi dạo nói xấu, cứng như đồng như sắt, làm những sự bại hoại.” (6:27, 28)

Sứ mạng của Giê-rê-mi trước hết là xét nghiệm dân Giu-đa để phơi bày mọi tội lỗi của họ; kế tiếp, ông mạnh mẽ lên án tội lỗi của họ; và sau cùng, dốc lòng kêu gọi họ ăn năn để được Đức Chúa Trời tha thứ.

Trong công tác xét nghiệm dân Giu-đa, Giê-rê-mi tìm thấy:

“Hãy đi dạo các đường phố Giê-ru-sa-lem, và nhìn xem, Hãy dò hỏi tìm kiếm nơi các chợ, thử có thấy một người chăng, nếu có một người làm sự công bình, tìm sự trung tín, thì Ta sẽ tha thứ cho thành ấy. Dầu chúng nó nói rằng: Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống! ấy cũng là thề dối! Hỡi Đức Giê-hô-va, há chẳng phải mắt Ngài đoái xem sự trung tín sao?… Ngài đánh chúng nó, chúng nó chẳng biết lo buồn, Ngài diệt đi, chúng nó chẳng chịu dạy dỗ. Chúng nó tự làm cứng mặt mình hơn vầng đá, chẳng khứng trở lại. Tôi bèn nói: Đó thật là kẻ nghèo hèn, ngu muội, vì không biết đường lối của Đức Giê-hô-va, luật pháp của Đức Chúa Trời mình. Tôi sẽ đến cùng những người sang trọng mà nói với họ, vì họ biết rõ đường lối của Đức Giê-hô-va, sự công bình của Đức Chúa Trời mình… Song, những người nầy hợp ý cùng nhau mà bỏ ách dứt dây!” (5:1-5)

“Vì trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến người rất lớn, đều tham lam; từ kẻ tiên tri cho đến thầy tế lễ, đều làm sự giả dối.” (6:13)

“Ngài đã vun trồng họ; họ đã đâm rễ, lớn lên và ra trái. Miệng họ ở gần Ngài, song lòng họ cách xa Ngài.” (12:2)

Trong công tác lên án tội lỗi, Giê-rê-mi không hề rụt rè hay khoan nhượng. Từ cung điện cho đến các cửa thành, ông mạnh mẽ và trung thực rao truyền trước mặt các tiên tri, các thầy tế lễ, và các vua cũng như khi ông rao truyền cho dân chúng. Ông còn ghi chép lại thành sách để đọc cho dân chúng nghe tại cửa đền thờ và các cửa thành:

“Nầy, các ngươi cậy những lời phỉnh phờ chẳng có ích gì. Các ngươi há chẳng trộm cướp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối, dâng hương cho Ba-anh, đi theo thần khác, là thần mình không biết hay sao?” (7:8-9).

“Đức Giê-hô-va phán: Trong thời đó, người ta sẽ bới xương của các vua Giu-đa, xương của các quan trưởng, xương của các thầy tế lễ, xương của các tiên tri, và xương của các dân cư Giê-ru-sa-lem ra khỏi mồ mả. Người ta sẽ phơi những xương ấy ra dưới mặt trời, mặt trăng, và cơ binh trên trời, tức là những vật mà họ đã yêu mến, hầu việc, bước theo, tìm cầu, và thờ lạy. Những xương ấy sẽ chẳng được thâu lại, chẳng được chôn lại; sẽ như phân trên mặt đất. Mọi kẻ sót của họ hàng gian ác ấy còn lại trong mọi nơi ta đã đuổi chúng nó đến, chúng nó sẽ cầu chết hơn là sống, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (8:1-3).

“Sao các ngươi nói được rằng: Chúng ta là khôn sáng, có luật pháp Đức Giê-hô-va ở với chúng ta? Nhưng, nầy, ngọn bút giả dối của bọn thông giáo đã làm cho luật pháp ấy ra sự nói dối! Những kẻ khôn sáng bị xấu hổ, sợ hãi, và bị bắt. Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn ngoan nó là thể nào? Vậy nên, Ta sẽ ban vợ chúng nó cho kẻ khác, ruộng chúng nó cho chủ mới; vì từ kẻ rất nhỏ cho đến người rất lớn, ai nầy đều tham lam; từ tiên tri cho đến thầy tế lễ, ai nầy đều làm sự gian dối.

Chúng nó rịt vết thương cho con gái dân Ta cách sơ sài, nói rằng: Bình an, bình an! mà không bình an chi hết. Chúng nó làm ra sự gớm ghiếc, há lấy làm xấu hổ ư? đã chẳng xấu hổ chút nào, lại cũng không thẹn đỏ mặt. Vậy nên chúng nó sẽ ngã với những người vấp ngã. Đến ngày thăm phạt, chúng nó sẽ bị lật đổ, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Thật, Ta sẽ diệt hết chúng nó. Chẳng còn trái nho trên cây nho; chẳng còn trái vả trên cây vả; lá sẽ khô rụng; những điều Ta đã ban cho, sẽ bị cất lấy!” (8:8-13)

Và cuối cùng, trong công tác kêu gọi ăn năn, ông dốc nước mắt ra để nài nỉ dân tộc ông trở lại với Chúa để tránh họa diệt vong. Giê-rê-mi hy sinh hạnh phúc cá nhân và hiến cả cuộc đời của ông chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là đem dân tộc đến với sự ăn năn chân thật từ trong đáy lòng của họ. Trong sứ điệp, ông luôn nhấn mạnh, nếu dân sự ăn năn thì Đức Chúa Trời sẽ tiếp nhận họ trong ân điển nhưng có lẽ ông cũng cảm nhận được rằng họ không hề nghĩ đến chuyện ăn năn:

“Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm. Ôi! ước gì tôi có một cái quán khách bộ hành trong đồng vắng! để tôi được bỏ dân ta mà đi xa khỏi họ; vì họ thảy đều là kẻ tà dâm, ấy là một bọn quỉ trá.” (9:1, 2).

III. Hai khuôn mặt của Giê-rê-mi

Trong suốt 40 năm, qua năm triều vua Giu-đa, Giê-rê-mi phải đối diện với những điều sau đây:

– Không lập gia đình (16:2)

– Bị người nhà, bạn bè, và đồng hương chống nghịch, mưu giết (11:21; 12:6; 20:10)

– Bị đánh đòn và bị giam cầm (20:2; 37:15, 16; 40:1)

– Sách bị đốt (36:23)

– Bị ném xuống hố (38:6)

– Theo truyền thuyết, sau khi bị Giô-ha-nan bắt đem qua Ai-cập, Giê-rê-mi tiếp tục lên án tội lỗi của dân Giu-đa đang lánh nạn tại Ai-cập (44) và ông đã bị dân Giu-đa ném đá chết tại Tác-pha-nết.

Dù bị đối xử bất công và phải trải qua nhiều nghịch cảnh, Giê-rê-mi vẫn vững vàng như “cột sắt, tường đồng,” tận trung làm tròn sứ mạng được Đức Chúa Trời giao phó.

Sứ điệp của Tiên Tri Giê-rê-mi là hiện thân của sự thánh khiết, công chính, và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời đối với dân Giu-đa nói riêng và đối với loài người nói chung. Vì thánh khiết và công chính nên Đức Chúa Trời không thể chấp nhận tội lỗi và Ngài phải tiêu diệt tội nhân. Vì nhân từ nên Đức Chúa Trời cho phép tội nhân một thời hạn để ăn năn tội và được Ngài tha thứ. Dân Giu-đa không nhìn thấy Đức Chúa Trời nhưng họ có thể nhìn thấy sự thánh khiết, công chính, và nhân từ của Ngài qua con người và sứ điệp của Giê-rê-mi. Nếu dân Giu-đa tiếp nhận sứ điệp của Giê-rê-mi là họ tiếp nhận sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Nhưng dân Giu-đa đã chống nghịch sứ điệp của Giê-rê-mi nghĩa là họ đã khước từ ân điển của Chúa và chỉ còn sự đoán phạt kinh khiếp đến từ sự thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời dành cho họ mà thôi.

1. Khuôn mặt nghịch cùng dân sự: Sứ mạng của Giê-rê-mi là lên án tội lỗi của toàn thể dân tộc ông, từ vua, quan, thầy tế lễ, cho đến dân trong cả đất. Vì thế, ông đã trở nên người đối nghịch với tất cả mọi người. Trong thực tế, không phải cá nhân Giê-rê-mi lên án dân tộc ông mà là qua ông Đức Chúa Trời lên án họ:

Ta sẽ rao sự xét đoán Ta nghịch cùng chúng nó, vì mọi điều ác chúng nó đã làm; bởi chưng chúng nó đã lìa bỏ Ta, đốt hương cho các thần khác, và thờ lạy việc tay mình làm ra. Vậy, ngươi hãy thắt lưng, chờ dậy, bảo cho chúng nó mọi sự mà Ta truyền cho ngươi.” (1:16, 17a).

Chúa phán: “Ta sẽ rao sự xét đoán Ta nghịch cùng chúng nó” và liền ngay đó, Chúa bảo Giê-rê-mi: “Vậy, ngươi hãy thắt lưng, chờ dậy, bảo cho chúng nó mọi sự mà Ta truyền cho ngươi.” Vì thế, những lời Giê-rê-mi nghịch cùng dân sự chính là những lời Đức Chúa Trời nghịch cùng dân sự. Lý do khiến cho Chúa xét đoán nghịch cùng dân Giu-đa cũng như dân Y-sơ-ra-ên là “vì mọi điều ác chúng nó đã làm” và những điều ác họ đã làm là:

a) Lìa bỏ Chúa: nghĩa là không còn thờ phượng Chúa nữa, hoặc thờ phượng Chúa theo ý riêng, thờ phượng Chúa mà không vâng theo lời Chúa phán dạy. Khi Vua Giê-rô-bô-am của Y-sơ-ra-ên cho dựng tượng bò vàng, lập bàn thờ tại những nơi cao, phong chức tế lễ cho những người không thuộc dòng Lê-vi để bảo vệ ngôi vị của mình, ông đã lìa bỏ Chúa. Điểm cần chú ý là Giê-rô-bô-am không thờ lạy thần khác. Ông thờ lạy Đức Giê-hô-va qua hình tượng bò vàng và theo cách thức của riêng ông (I Các Vua 12:26-33).

Ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa cũng có hiện tượng thờ phượng Chúa theo ý riêng, thờ phượng Chúa mà không vâng theo lời Chúa phán dạy. Điển hình là việc tôn kính cái gọi là “hình Chúa.” Người ta trang trọng treo những tấm hình của một người đàn ông tóc dài phủ vai trong nhà thờ, nơi nhà riêng và tôn kính chúng nó, gọi đó là “hình của Đức Chúa Jesus,” rồi chỉ vào đó, dạy cho con cháu của mình đó là “hình của Đức Chúa Jesus!” Người ta không biết rằng mình đã lấy ảnh tượng mà sánh với Chúa:

“Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với ai? Lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được?” (Ê-sai 40:18).

Thánh Kinh ghi rõ:

“Chính lẽ tự nhiên há chẳng dạy cho anh em biết đàn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao?” (I Cô-rinh-tô 11:14).

Thế mà người ta ngang nhiên vẽ hình Chúa với bộ tóc dài và con dân Chúa từ đời này sang đời kia tôn kính những tấm hình đó.

Thánh Kinh cũng ghi:

“Phàm người đàn ông cầu nguyện hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình… Vả, đàn ông là hình ảnh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì không nên trùm đầu.” (I Cô-rinh-tô 11:4, 7).

Nhưng có những tấm hình gọi là hình Chúa, và có những bộ phim mà nhân vật đóng vai Chúa lại trùm khăn trên đầu.

Lý do đầu tiên khiến cho người ta tạo ra sự thờ phượng, hầu việc Chúa theo ý riêng có lẽ chính là vì muốn bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Dân sự của Chúa vì thiếu hiểu biết Lời Chúa nên nghe theo sự sai trái của những người lãnh đạo! Một khi đã lìa bỏ Chúa thì việc làm kế tiếp đương nhiên sẽ là “đốt hương cho các thần khác.”

b) Đốt hương cho các thần khác: Dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa ngày xưa đốt hương cho nhiều tà thần, trong đó nỗi bật nhất là Ba-anh (11:13), A-sê-ra (II Các Vua 21:3), và Nữ Vương Trên Trời (7:18; 44:17-19, 25). Đốt hương cho các thần khác tức là thờ phượng các thần khác như thờ phượng Đức Chúa Trời qua sự dâng hương và cúng tế, thấm chí dâng con đầu lòng làm của lễ thiêu cho Ba-anh.

Ngày nay, trong Hội Thánh cũng có những người sau khi thờ phượng, hầu việc Chúa theo ý riêng, nghĩa là sau khi lìa bỏ Chúa, đã đốt hương cho các thần khác, nghĩa là thờ phượng các thần khác. Những thần khác điển hình trong thế kỷ 21 này là “Thần Tôi,” Thần Tài, Thần Tình Dục (bao gồm những quan hệ bất chính với người khác và sự say mê đủ loại văn hóa phẩm khiêu dâm), và Thần Bằng Cấp!

c) Thờ lạy việc tay mình làm ra: nghĩa là sấp mình thờ lạy những hình tượng tà thần do chính mình tạo ra, làm nhục hình ảnh của Đức Chúa Trời trong loài người.

Ngày nay, người ta thờ lạy những thành quả tinh thần lẫn vật chất như tài sản, danh tiếng, địa vị, chức vụ, quyền thế… tranh dành được qua sự thờ phượng và hầu việc Chúa theo ý riêng.

2. Khuôn mặt khóc cho dân sự: Dù mạnh mẽ lên án dân tộc của mình về những hành vi gian ác chống nghịch Đức Chúa Trời của họ nhưng Giê-rê-mi rất yêu thương họ. Ông van xin, cầu thay cho họ ngay cả khi Đức Chúa Trời bảo ông đừng cầu xin cho họ nữa:

“Cho nên ngươi chớ vì dân nầy mà cầu thay; đừng vì nó mà cất tiếng khấn vái cầu nguyện, cũng đừng cầu thay cùng ta, vì ta sẽ chẳng nghe ngươi.” (7:16)

“Vậy ngươi chớ cầu thay cho dân nầy; chớ vì chúng nó lên tiếng kêu cầu; vì khi chúng nó nhơn cớ hoạn nạn mà kêu đến Ta, Ta chẳng thèm nghe.” (11:14)

“Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng: Chớ cầu sự lành cho dân nầy.” (14:11)

Giê-rê-mi van xin Chúa:

“Hỡi Đức Giê-hô-va, chúng tôi nhìn biết điều ác chúng tôi và tội lỗi của tổ phụ chúng tôi, vì chúng tôi đều phạm tội nghịch cùng Ngài. Xin hăy vì danh Ngài, chớ chán chúng tôi, và chớ để nhục ngôi vinh hiển của Ngài! Xin Ngài nhớ lời giao ước với chúng tôi mà chớ hủy.” (14:20, 21)

Dầu vậy, khi ông rao truyền lời Chúa cho dân tộc ông, họ đã cư xử với ông như sau:

“Các thầy tế lễ, các tiên tri, và cả dân sự đều nghe Giê-rê-mi truyền những lời ấy trong nhà Đức Giê-hô-va. Khi Giê-rê-mi nói xong mọi điều Đức Giê-hô-va đă truyền mình nói cho cả dân sự, thì các thầy tế lễ, các tiên tri, và cả dân sự đều bắt lấy người và nói rằng: Ngươi chắc sẽ chết!” (26:7, 8)

Trong tất cả các tiên tri của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, Giê-rê-mi là người đã khóc vì tội ác và sự hủy diệt của dân tộc mình hơn ai hết. Chúng ta hãy cùng nhau đọc những lời than khóc của ông và hãy biết rằng, những giọt nước mắt của Giê-rê-mi đổ ra cho dân tộc của ông là hình ảnh của những giọt nước mắt của chính Đức Chúa Trời đã và đang khóc cho tội lỗi và sự hư mất của mỗi một linh hồn tội nhân không chịu ăn năn, không chịu đón nhận ân điển cứu rỗi của Ngài:

“Ôi! tôi đau lòng, đau lòng! Cơn đau đớn quặn thắt lòng tôi; lòng đương bối rối trong tôi. Tôi không thể làm thinh! Hỡi linh hồn tôi, vì mầy nghe giọng kèn và tiếng giặc giã.”
(4:19)

Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm.” (9:1)

“Mắt ta hao mọ̀n vì chảy nước mắt, ḷòng ta bối rối; Gan ta đổ trên đất, vì sự hủy diệt con gái dân ta. Vì con trẻ và các con đương bú, ngất đi nơi các đường phố trong thành.” (Ca Thương 2:11)

“Mắt tôi chảy ḍòng nước, vì gái dân tôi mắc diệt vong. Mắt tôi tuôn nước mắt, không thôi cũng không ngớt, Cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va đoái xem, từ trên trời ngó xuống.” (Ca Thương 3:48-50)

Thật vậy, nỗi đau đớn của Giê-rê-mi chính là nỗi đau đớn của Đức Chúa Trời vì Ngài phán cùng ông rằng:

“Ngươi khá bảo cho chúng nó lời nầy: Mắt Ta rơi lụy đêm ngày chẳng thôi; vì gái đồng trinh của dân Ta bị tồi tàn, bị thương rất là đau đớn.” (14:17)

Kết luận

Bài học lịch sử về vương quốc Giu-đa trong đời Giê-rê-mi và sứ điệp của ông tiêu biểu cho thực trạng của nhân loại và mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với tội nhân. Đặc biệt, trong thời đại của chúng ta, có thể nói là thời đại cuối cùng của mọi thời đại, khi tội lỗi đang ngập tràn cả thế gian và các dấu hiệu về sự Chúa đến đang dồn dập xảy ra: các điềm lạ trên trời, thiên tai, chiến tranh, đói kém, dịch lệ, Christ giả, tiên tri giả, đạo đức suy đồi đến nỗi hàng triệu thai nhi bị giết mỗi ngày và luật pháp hợp thức hóa hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái, cùng sự bội đạo kinh khủng hơn bao giờ hết khi các giáo hội mang danh Chúa bác bỏ thần tính của Đấng Christ, bác bỏ thẩm quyền của Thánh Kinh, lấy danh Đấng Christ ra khỏi Thánh Kinh, chấp nhận những người chăn đồng tính luyến ái hoặc thay đổi giống tính… thì sứ điệp của Giê-rê-mi hơn bao giờ hết là một sứ điệp sống động, cấp thiết mà mỗi con dân Chúa cần phải tích cực rao truyền cho Hội Thánh và thế giới.

Riêng đối với dân tộc Việt Nam, con dân Chúa người Việt chính là những nhà tiên tri, những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời được Chúa đặt ra giữa lòng dân tộc với nhiệm vụ cầu thay, rao giảng, kêu gọi dân tộc Việt Nam ăn năn, quay về với nguồn cội thiên thượng để nhận lại quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời trước khi cơn đại nạn vô tiền khoáng hậu giáng xuống trên toàn thể nhân loại (Ma-thi-ơ 24:21).

Chú Thích

[1] Mục vụ của Giê-rê-mi bắt đầu vào năm thứ 13 đời Vua Giô-si-a (1:2), tức năm 626 TCN và chấm dứt với cái chết của ông khoảng vài năm sau khi Ba-by-lôn tiêu diệt Giê-ru-sa-lem năm 586 TCN.

[2] “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biện luận cùng Ngài, Ngài thật công bình; dầu vậy, tôi còn muốn biện luận cùng Ngài. Sao đường lối những kẻ ác được thạnh vượng? Sao những người gian trá được yên ổn?”

[3] “Cớ sao sự đau đớn của tôi cứ còn hoài? Cớ sao vết thương của tôi không chữa được mà nó không chịu khỏi? Ngài đối với tôi hẳn như cái khe giả dối, cái suốt tắt mạch hay sao?”

[4] Bức Tường Than Khóc (The Wailling Wall) là di tích còn sót lại của thành Giê-ru-sa-lem sau khi thành này bị quân đội La-mã tàn phá vào năm 70. Đây là bức tường phía Tây, có bề cao 57m và bề dài 488m, được Vua Hê-rốt cho xây dựng vào năm 19 TCN.

[5] 40 năm dưới triều đại A-sa, 25 năm dưới triều đại Giô-sa-phát, 40 năm dưới triều đại Giô-ách, 29 năm dưới triều đại A-ma-xia, 52 năm dưới triều đại A-xa-ria, 16 năm dưới triều đại Giô-tham, 29 năm dưới triều đại Ê-xê-chia, và cuối cùng thêm 31 năm dưới triều đại Giô-si-a (I & II Các Vua).

Huỳnh Christian Timothy
Người Việt Về Nguồn 2008
Westminster, California, USA
08/06/2008