Người chăn và bầy chiên

5,176 views

I. Người chăn

Điều kiện để trở thành một người chăn bầy của Chúa không phải chỉ cần đi vào trường thần học bốn năm, đủ điểm tốt nghiệp, được giáo hội “phong chức”. Nếu như thế thì các sứ đồ của Chúa, trong đó có những người đánh cá, thất học như Phi-e-rơ và Giăng (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13) sẽ không bao giờ được trở thành những người chăn bầy. Cách đây không lâu, có một người xin ghi danh theo học các trường Thần Học Việt Nam tại Mỹ đã bị các trường này từ chối vì chỉ mới tốt nghiệp lớp chín, chưa tốt nghiệp lớp 12. Với tiêu chuẩn đó, e rằng hầu hết các sứ đồ của Đức Chúa Jesus không thể ghi tên nhập học các trường thần học này.

Điều kiện duy nhất để được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy là: Yêu Chúa hơn tất cả mọi sự! Sách Giăng 21:15-17 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Jesus sau khi sống lại đã hiện ra bên bờ biển Ti-bê-ri-át và ba lần hỏi ông Phi-e-rơ rằng: Ngươi yêu ta chăng? Mỗi một lần, Phi-e-rơ đều trả lời rằng: Lạy Chúa! Chúa biết rằng con yêu Chúa! Và mỗi một lần Chúa đều giao trách nhiệm chăn bầy cho Phi-e-rơ.

Cá nhân tôi không phủ nhận lợi ích của các trường thần học, nhưng cá nhân tôi cũng được chứng kiến nhiều về những tai hại mà các trường thần học mang lại cho Hội Thánh ngày nay. Khi các trường thần học cũng như các tổ chức khác của Hội Thánh chạy theo tri thức, sự khôn ngoan, mánh khoé tâm lý của thế tục thay vì hoàn toàn đặt mình dưới sự dẫn dắt và vận hành của Đức Thánh Linh thì lập tức trở thành công cụ của Satan để đánh phá Hội Thánh ngay từ bên trong. Xưa nay, tà thuyết đi vào Hội Thánh qua các trường thần học.

Dựa vào lời Chúa, chúng ta biết chắc: lòng yêu Chúa hơn tất cả mọi sự là điều kiện duy nhất để trở thành người chăn bầy của Chúa. Sự khôn ngoan và năng lực để chăn bầy đến bởi Đức Thánh Linh. Một người yêu Chúa hơn tất cả mọi sự thì sẽ say mê lời Chúa. Một người say mê lời Chúa thì sẽ nhận được những sự lạ lùng trong lời Chúa để chăm sóc bầy chiên của Ngài. Không một trường thần học nào có thể thay thế được trường thần học của Đức Thánh Linh, do chính Ngài phán dạy:

“13 Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. 14 Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi. 15 Mọi sự Cha có, điều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi vậy.”  (Giăng 16:13-15).

Phẩm chất của người chăn bầy được chính Đức Chúa Jesus tuyên phán: “Người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:11). Người Việt Nam chúng ta không lạ gì hình ảnh mục đồng và những bầy gia súc. Đó là một hình ảnh nên thơ, đã được phổ vào thơ, vào nhạc, vào hội họa. .. nhưng ở vùng Trung Đông, cho đến thời đại hôm nay, đời sống của những người chăn chiên rất là gian khổ và hiểm nguy. Phần lớn địa thế của Trung Đông là những vùng hoang mạc, núi non chớn chở, đầy dẫy thú dữ đói mồi như sư tử, gấu, chó sói… Ngày thì nắng gắt, nóng bức, đêm thì giá lạnh. Những người chăn chiên vừa phải tìm các cánh đồng cỏ xanh tốt gần nơi có nước cho bầy chiên, vừa phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, vừa phải chiến đấu với thú dữ và cả quân trộm cướp lúc nào cũng tìm cách cướp phá và hủy diệt bầy chiên. Người chăn liều sự sống của mình để bảo vệ bầy chiên khỏi sự hiểm nguy của thiên nhiên, khỏi sự bách hại của dã thú và quân trộm cướp đã đành, nhưng đôi khi người chăn hiền lành còn phải liều sự sống vì muốn cứu những con chiên khờ dại  ham vui, bỏ bầy sa vào hang hố…

Dầu vậy, tất cả những hiểm nguy gian khổ mà người chăn chiên vùng Trung Đông đối diện cũng chỉ mới minh họa được phần nào những hiểm nguy và gian khổ mà người chăn bầy của Chúa phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống.

Đối với những bầy chiên của Chúa:

(1) Ma quỷ như sư tử rống đi rình mò chung quanh, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (I Phi-e-rơ 5:8). Đây là những trường hợp cám dỗ, thử thách đến trong đời sống của tín đồ. Người chăn phải siêng suốt cầu thay cho đức tin và sự an toàn của bầy chiên.

(2) Kẻ trộm tìm cách dẫn dụ và bắt chiên về để giết và hủy diệt (Giăng 10:10). Đây là trường hợp tà thuyết, tà giáo, giáo sư giả, tiên tri giả dùng lời êm tai để dẫn dụ chiên. Người chăn phải cậy Đức Thánh Linh để rao giảng, trình bày lẽ thật của lời Chúa và dùng lời Chúa để chỉ ra những tà giáo, tà thuyết.

(3) Quân cướp thì tấn công thẳng vào người chăn và cướp hết hoặc làm tan lạc cả bầy chiên (Mác 14:27; Lu-ca 10:30). Sự tấn công của quân cướp thuộc linh là sự tấn công trực tiếp của Satan vào trong người chăn. Sự tấn công đó xuất hiện dưới nhiều hình thức: qua sự cám dỗ về tiền bạc, tiện nghi đời sống, danh tiếng, địa vị, chức vụ, bằng cấp, tình cảm và sắc đẹp… qua sự thử thách như thiếu thốn vật chất, yếu đuối về sức khoẻ, bách hại về tự do, và cả sự vô ơn, ngổ nghịch của bầy chiên…

Trong mọi sự đó, một người chăn hiền lành sẽ chịu đựng và hy sinh cho sự sống còn của bầy chiên, cho dù có phải mất đi những tiện nghi trong đời sống hay ngay cả chính mạng sống của mình. Đó là phẩm chất cao quý của một người chăn chân chính, có Đấng Christ làm đầu và có thể nói với bầy chiên như Phao-lô mà không thẹn với lòng: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy!” (I Cô-rinh-tô 11:1)

Người chăn không phải chỉ làm tròn bổn phận được Đức Chúa Trời giao phó mà còn làm gương tốt cho cả bầy chiên. Người chăn bước vào chức vụ vì yêu Chúa, yêu chiên, vui lòng phục vụ, hy sinh chứ không phải bước vào chức vụ vì bị ép tình hay vì lợi nhơ bẩn:

“2 hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, 3 chẳng phải quản trị phần trách nhậm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy. 4 Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.” (I Phi-e-rơ 5:2-4)

 II. Bầy chiên

Đức Chúa Jesus phán: “Chiên ta nghe tiếng ta! Ta quen nó và nó và nó theo ta!” (Giăng 10:27), đó chính là tiêu chuẩn để nhận biết chiên thật của Chúa. Không phải hễ bất kỳ ai nói rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! thì là chiên của Ngài, mà chỉ những ai nghe tiếng Chúa và làm theo lời Chúa mới thật sự là chiên của Chúa (Ma-thi-ơ 7:21). Chiên thật của Chúa luôn vâng phục người chăn, kính trọng người chăn, và chia sẻ nhu cầu vật chất với người chăn:

“Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em. (Hê-bơ-rơ 13:17)

“Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12)

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình.” (I Ti-mô-thê 5:17, 18)

“Kẻ nào mà người ta dạy đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó.” (Ga-la-ti 6:6)

Sự vâng phục người chăn là sự vâng phục trong lẽ thật của lời Chúa. Nguyên tắc “thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn vâng lời người ta” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29) luôn được áp dụng trong sự vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên chúng ta. Có những trường hợp người chăn và bầy chiên không đồng ý với nhau về một vấn đề nào đó, mà ý kiến của người chăn không ngược lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh, thì bầy chiên có bổn phận phải phục tùng người chăn.

Thánh Kinh dạy con dân Chúa phải vâng phục thẩm quyền Chúa đặt để trên mình: công dân vâng phục quan quyền, vợ vâng phục chồng, con cái vâng phục cha mẹ, tôi tớ vâng phục chủ, tín đồ của Chúa kính sợ Chúa mà vâng phục lẫn nhau (Rô-ma 13:1; Ê-phê-sô 5:21 – 6:6; Cô-lô-se 3:18-22; Tít 2:9; 3:1) và sự vâng phục đó được thể hiện “như là vâng phục Đấng Christ” (Ê-phê-sô 6:5). Sự vâng phục của bầy chiên đối với người chăn, vì vậy là yếu tố đầu tiên trong mối quan hệ giữa bầy chiên với người chăn. Không có sự vâng phục của bầy chiên, người chăn không thể chu toàn nhiệm vụ.

Sự kính trọng người chăn phải đi đôi với sự vâng phục người chăn. Thật ra, mệnh lệnh của Chúa dành cho Hội Thánh là: “Hãy kính mọi người” (I Phi-e-rơ 2:17); “Hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3) chứ không riêng gì đối với người chăn. Tuy nhiên, sự kính trọng người chăn còn được Chúa đặt trong thẩm quyền của người chăn; nghĩa là tôi tớ Chúa có quyền bắt người khác phải tôn trọng mình: “Dẫu rằng chúng tôi có thể bắt anh em tôn trọng chúng tôi, vì là sứ đồ của Đấng Christ, song cũng chẳng cầu vinh hiển đến từ loài người, hoặc từ nơi anh em, hoặc từ nơi kẻ khác” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6). Lời Chúa nhấn mạnh, sự kính trọng ngưòi chăn xứng đáng của Chúa phải được nhân lên “bội phần” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17).

Trong thực tế, nhiều bầy chiên, nhiều con chiên không có sự kính trọng người chăn như lời dạy của Chúa. Thời gian không cho phép tôi liệt kê hết những sự đau lòng như vậy ra đây nên tôi chỉ nêu lên hai trường hợp điển hình: Có những Hội Thánh trể nãi trong việc cung lương cho người chăn. Có những tín đồ xem nhà của người chăn là kho phế thải; họ đem cho người chăn những thức ăn dư thừa, những vật dụng đã hư hõng, xuống cấp. Tôi muốn nói, những thứ mà có ai đem cho họ thì họ sẽ nổi giận!

Sự chia sẻ nhu cầu vật chất cho người chăn là mệnh lệnh Chúa ban truyền cho Hội Thánh và mệnh lệnh đó là “phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia” cho người dạy đạo mình (I Ti-mô-thê 5:17). Người không làm tròn mệnh lệnh này là những người ăn trộm của Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 3:8) và lường công của tôi tớ Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 5:18).

Người Do-thái lưu lạc khắp nơi trên thế giới trong hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng hễ nơi nào có 10 tráng đinh (tuổi từ 21 đến 60) có công ăn việc làm thì họ dâng 1/10 thu nhập của mình để nuôi một người giảng đạo. Nhiều Hội Thánh ở Nam Hàn khởi đầu với mười tín đồ có công ăn việc làm. Họ dâng 1/10 để cung lương cho người chăn và dâng trội hơn 1/10 để chi phí các nhu cầu khác trong Hội Thánh.

Vì Hội Thánh của Đức Chúa Trời ăn cắp công quỹ và lường công người chăn cho nên bị mất phước và nếu không ăn năn thì sẽ bị đoán phạt.

Kết luận

Mối quan hệ giữa người chăn và bầy chiên phản chiếu mối quan hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Đấng Christ chăm sóc Hội Thánh qua các người chăn chân thật. Hội Thánh vâng phục và tôn trọng Đấng Christ qua những người chăn Chúa đặt để trong Hội Thánh. Câu “ban cho có phước hơn nhận lãnh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35) cần được áp dụng triệt để vào trong mối quan hệ thiêng liêng giữa người chăn và bầy chiên.

Khi người chăn hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh ngay cả phương tiện sống và mạng sống cho bầy chiên, rao giảng trung thực lời Chúa, làm gương tốt cho cả bầy; khi bầy chiên vâng phục, kính trọng người chăn và biết “lấy trong hết thảy của cải mình” mà chia sẻ với người chăn thì Hội Thánh sẽ được ơn, tăng trưởng mạnh mẽ trong ân điển và phước hạnh của Đức Chúa Trời.

Huỳnh Christian Timothy
10/06/2007