NCKHTTK I Cô-rinh-tô 3:9-15

2,945 views

Những Chỗ Khó Hiểu Trong Thánh Kinh
Được Cứu Dường Như Qua Lửa Có Nghĩa Gì?
I Cô-rinh-tô 3:9-15

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/file/jp1bs4k2yodxzsw/NCKHTTK_I_Corinhto_3_9-15.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDYxNDk5MDFf/NCKHTTK_I_Corinhto_3_9-15.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/nckhttk-i-co-rinh-to-3_9-15

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa; các anh chị em là ruộng Thiên Chúa cày, nhà Thiên Chúa xây.

10 Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng, mà có người khác xây cất lên trên; nhưng ai nấy phải chú ý về sự mình xây cất lên trên {nền đó} như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nếu có người lấy vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày đến sẽ công bố nó; nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm giá trị công việc của mỗi người.

14 Nếu công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai bị thiêu hủy thì bị mất, nhưng người ấy sẽ được cứu, dường như qua lửa.

Đây là phân đoạn Thánh Kinh thường được các giáo sư giả dùng để bảo vệ cho tà giáo: Họ bẻ cong ý nghĩa chân thật của Lời Chúa trong phân đoạn này, để dạy rằng: “Người đã tin Chúa, nếu trở lại sống trong tội thì chỉ bị mất phần thưởng, nhưng vẫn được cứu.” Họ cho rằng, nếp sống tội lỗi, tùy theo mức độ nặng nhẹ, là: gỗ, cỏ khô, hoặc rơm rạ; còn nếp sống thánh khiết cũng tùy theo mức độ, là: vàng, bạc, hoặc đá quý. Họ dạy rằng, người nào tin nhận Chúa rồi mà vẫn sống trong tội thì mọi việc làm của người ấy không có giá trị, sẽ bị thiêu hủy trong lửa thử nghiệm của Chúa, người ấy không có phần thưởng, nhưng vẫn được cứu.

Tuy nhiên, Lời Chúa đã nói rất rõ: Tiền công của tội lỗi là sự chết! (Rô-ma 6:23). Người phạm tội thì sẽ gánh lấy hậu quả của sự phạm tội là sự chết, tức là sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Để được thoát khỏi hình phạt của tội lỗi thì tội nhân phải thật lòng ăn năn, tức là hối tiếc việc mình đã phạm tội và quyết tâm từ bỏ tội, đồng thời tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nếu chỉ tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà không thật lòng ăn năn tội, tức không hoàn toàn từ bỏ nếp sống tội lỗi, thì người như vậy không có sự cứu rỗi.

Hai phân đoạn Thánh Kinh sau đây khẳng định rằng, người đã tin Chúa mà quay về sống trong tội thì không có sự cứu rỗi; và cũng là câu trả lời rõ ràng cho tà giáo dạy rằng: “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn:”

Hê-bơ-rơ 6:4-8

4 Bởi vì những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời lành của Thiên Chúa và năng lực của đời sau,

6 nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ nên mới trở lại vào trong sự ăn năn; vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, công khai sỉ nhục Ngài.

7 Một đám đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho người cày cấy, thì được hưởng phước từ Đức Chúa Trời.

8 Nhưng nếu nó chỉ sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và sẽ bị rủa. Sự cuối cùng của nó là bị đốt.

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa,

27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.

28 Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai hay ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót,

29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì các anh chị em hãy nghĩ xem, kẻ ấy đáng bị hình phạt nặng hơn biết bao!

Chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này: Chúng ta phải được cứu rồi mới có thể hầu việc Chúa để được Ngài ban thưởng. Hễ ai còn sống trong tội thì chưa được cứu, vì người đang sống trong tội là người chưa ăn năn. Ăn năn là chấm dứt sự phạm tội, là quay trở lại với sự thánh khiết của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, để được Ngài xưng là công chính và ban cho năng lực đắc thắng tội lỗi.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chân thật của I Cô-rinh-tô 3:9-15.

9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa; các anh chị em là ruộng Thiên Chúa cày, nhà Thiên Chúa xây.

Sứ Đồ Phao-lô ví sánh ông và các bạn của ông như là những người cùng lao động với Thiên Chúa trong công việc xây dựng và phát triển Hội Thánh, là công việc mà ông ví như công việc canh tác ruộng vườn hoặc xây dựng nơi ở. Chúng ta chú ý là trong câu này, Phao-lô dùng danh từ “Theos” /Thê-ốt/ là danh từ trong tiếng Hy-lạp được dùng để chỉ về Thiên Chúa; nhưng ông không kèm theo mạo từ xác định. Vì thế danh từ Theos trong câu này không dùng để chỉ về Đức Chúa Cha, nhưng chỉ chung cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

Công việc xây dựng và phát triển Hội Thánh là công việc của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là ý muốn, chương trình, và sự ban ơn của Đức Cha; sự hy sinh, lãnh đạo, và làm gương của Đức Con; sự ban năng lực, dẫn dắt, và bảo vệ của Đức Thánh Linh.

Hội Thánh là ruộng vườn thuộc linh của Thiên Chúa, được các sứ đồ, các trưởng lão cùng Thiên Chúa chăm sóc để sinh ra kết quả tốt. Hội Thánh là chỗ ở thuộc linh của Thiên Chúa, được các sứ đồ, các trưởng lão cùng Thiên Chúa xây dựng, để nên trọn vẹn trong Vương Quốc Đời Đời.

10 Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng, mà có người khác xây cất lên trên; nhưng ai nấy phải chú ý về sự mình xây cất lên trên {nền đó} như thế nào.

Riêng bản thân Phao-lô, ông đã cậy nhờ ân điển Đức Chúa Trời ban cho ông, để lập nền tảng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, cũng như ở các nơi khác. Trong mục vụ thiết lập nền tảng cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, có nhiều anh chị em khác đồng công (cùng lao động) với Phao-lô, nhưng ông là người dẫn dắt họ trong mục vụ, như người thợ cả khôn sáng dẫn dắt những người thợ dưới quyền mình hoàn thành công việc xây dựng nền nhà. Việc còn lại là mỗi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tự quyết định về việc mỗi người sẽ xây dựng như thế nào trên nền đã được lập.

Nền tảng của Hội Thánh phải là Đức Chúa Jesus Christ. Nền tảng của Hội Thánh không thể là một cá nhân nào hay một tổ chức nào, dù đó là một giáo phái mang danh Chúa.

Công tác xây dựng không phải chỉ là nếp sống mỗi ngày của con dân Chúa, mà là sự dự phần của con dân Chúa vào trong công việc xây dựng và phát triển Hội Thánh. Con dân Chúa có bổn phận sống thánh khiết theo Lời Chúa để được nhận lãnh sự sống đời đời. Nếu có ai lỡ phạm tội thì phải ăn năn tội, xưng tội với Đức Chúa Trời để được tha thứ và được làm cho sạch mọi điều không công bình:

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

Người nào cứ phạm tội mà không ăn năn, thì sẽ không có sự cứu rỗi như Lời Chúa đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-29. Không thể nào người cứ sống trong tội mà được cứu, vì sự cứu rỗi dựa trên sự ăn năn và đức tin.

Con dân Chúa có bổn phận sống thánh khiết theo Lời Chúa: Yêu kính Chúa, vâng giữ các điều răn của Chúa, tin cậy Chúa trong mọi sự; yêu người lân cận như chính mình; yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình. Nếu không có nếp sống như thế thì không phải là con dân của Chúa, chưa ở trong sự cứu rỗi, mà vẫn còn ở trong sự hư mất đời đời vì vẫn còn sống trong tội.

Phải thật sự là con dân Chúa, có nếp sống thánh khiết thì mới có thể dự phần trong công tác xây dựng Hội Thánh. Nếu vẫn còn đang sống trong tội, thì chưa phải là con dân chân thật của Chúa, chưa được làm chi thể trong thân thể của Chúa, thì làm sao có thể dự phần vào việc xây dựng Hội Thánh? Một người sau khi được cứu, được gia nhập vào Hội Thánh của Chúa thì sẽ tự mình quyết định đóng góp trong công tác xây dựng Hội Thánh như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jesus Christ.

Hội Thánh chỉ có một nền duy nhất là Đức Chúa Jesus Christ. Sự chết chuộc tội của Ngài đem lại sự cứu rỗi cho Hội Thánh. Lời dạy của Ngài khiến cho Hội Thánh hiểu biết về Đức Chúa Trời và chương trình, ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Hội Thánh phải được xây dựng trên đức tin vào Đấng Christ. Đấng Christ là nền của Hội Thánh, không ai có thể thay thế bằng một nền nào khác.

12 Nếu có người lấy vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày đến sẽ công bố nó; nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm giá trị công việc của mỗi người.

Vàng, bạc, và đá quý là các loại vật liệu quý giá và bền chắc. Gỗ, cỏ khô, rơm rạ là các loại vật liệu rẽ tiền, không bền chắc. Mỗi thứ đều có công dụng riêng trong việc xây dựng. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dùng hình ảnh các loại vật liệu dùng trong xây dựng, để so sánh với phẩm chất và giá trị những công việc do con dân Chúa làm ra trong cuộc đời này.

Là con dân Chúa, chúng ta vừa là những người lính chiến, vừa là những công nhân xây dựng. Ê-phê-sô 6:10-18 dạy chúng ta trang bị và tận dụng các khí giới của Đức Chúa Trời để chiến đấu [1]. I Cô-rinh-tô 3:9-15 dạy chúng ta về sự lựa chọn các loại vật liệu trong công tác xây dựng. Sự xây dựng của con dân Chúa bao gồm tất cả những việc làm lành:

  • Đem lại ích lợi cho bản thân và người khác (I Cô-rinh-tô 10:23).

  • Gây dựng bản thân và người khác (I Cô-rinh-tô 10:23).

  • Làm vinh hiển Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31).

Cùng một việc làm mà giá trị và sự còn lại lâu dài của việc ấy có thể là vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô, hoặc rơm rạ. Vàng, bạc, và đá quý là những việc làm có ích, gây dựng, tôn vinh danh Chúa và được chúng ta hết lòng mà làm (Cô-lô-se 3:23). Gỗ, cỏ khô, và rơm rạ cũng là những việc làm có ích, gây dựng, tôn vinh danh Chúa nhưng không được chúng ta hết lòng mà làm, chỉ làm cho có làm, hoặc chỉ làm để tìm kiếm vinh quang cho chính mình, hoặc lầm bầm, than thở, không vui trong khi làm.

Công tác xây dựng Hội Thánh đòi hỏi con dân Chúa hy sinh, dâng hiến thì giờ, tiền bạc, khả năng, công sức. Giá trị của sự hy sinh, dâng hiến không tùy thuộc vào mức độ hay số lượng, mà tùy thuộc vào tấm lòng: lòng yêu Chúa, yêu người, thuận phục, hiến dâng, và gắng hết sức trong mọi việc.

Người đàn bà góa nghèo khổ, chỉ dâng hiến lên Chúa có hai đồng tiền bằng một phần tư xu, nhưng giá trị của hai đồng tiền ấy là toàn bộ tài sản của bà.

Mác 12:41-44

41 Đức Chúa Jesus ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào rương đựng tiền dâng như thế nào. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền vào.

42 Có một người đàn bà góa nghèo kia đến, bỏ vào hai đồng tiền ăn một phần tư xu.

43 Ngài gọi các môn đồ của Ngài và phán với họ: Thật vậy! Ta nói với các ngươi rằng, người đàn bà góa nghèo này đã bỏ tiền vào nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào rương đựng tiền dâng.

44 Vì tất cả họ đã bỏ vào của dư mình, còn bà đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.

Sự dâng hiến của những người giàu chỉ là bỏ ra một phần dư thừa trong tài sản của họ, nhưng sự dâng hiến của người đàn bà góa nghèo là sự hy sinh tất cả những gì bà có để nuôi mình. Sự dâng hiến của bà chính là sự dùng vàng, bạc, đá quý mà xây trên nền Đấng Christ.

Thiên Chúa xem xét mỗi việc làm của chúng ta một cách công chính để định phần thưởng cho chúng ta. Sự xem xét ấy được ví như lửa thử nghiệm. Mỗi việc làm lành của chúng ta đều sẽ qua lửa thử nghiệm của Thiên Chúa. Những việc được chúng ta hết lòng mà làm sẽ còn lại; những việc chúng ta làm lấy có, làm để tìm kiếm sự vinh quang cho bản thân, hoặc làm mà không vui lòng đều sẽ bị thiêu hủy.

Ngày công bố giá trị việc làm của mỗi con dân Chúa chính là ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Vì trong ngày ấy, Đức Chúa Jesus Christ mang theo tiền công để trả cho mỗi người tùy theo việc làm của họ (Khải Huyền 22:12).

Chúng ta có thể hiểu rằng, sự kiện Chúa xét nghiệm mỗi việc làm của chúng ta xảy ra ngay khi chúng ta đang làm việc ấy, nhưng ngày công bố kết quả sự xét nghiệm là ngày Chúa đến để đem chúng ta ra khỏi thế gian.

14 Nếu công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

Danh từ “tiền công” trong I Cô-rinh-tô 3:14 cũng cùng là danh từ “tiền công” trong Khải Huyền 22:12. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ này vừa có nghĩa là tiền công, tức là lương trả cho người được thuê làm việc, vừa có nghĩa là “phần thưởng” dùng theo nghĩa kết quả đương nhiên của sự lao động chăm chỉ và vất vả. Ngoài ra, nó còn có nghĩa là hình phạt cho những việc làm xấu, như trong II Phi-e-rơ 2:13.

15 Nếu công việc của ai bị thiêu hủy thì bị mất, nhưng người ấy sẽ được cứu, dường như qua lửa.

Thiên Chúa được xưng là “như một đám lửa thiêu đốt” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24). Vì thế, sự xét nghiệm của Chúa về việc làm của con dân Chúa được ví như lửa thử nghiệm. Bất cứ việc làm nào không hết lòng mà làm, không vui lòng mà làm, hoặc chỉ làm để tìm kiếm vinh quang cho bản thân đều sẽ bị sự công chính và thánh khiết của Chúa thiêu hủy. Những việc ấy là gớm ghiếc trước Chúa.

Người được cứu dường như qua lửa là người được cứu mà trọn đời sống không làm ra những việc lành có giá trị để được Chúa trả công. Mọi việc làm của người ấy, dù bề ngoài vẫn là những việc có ích, gây dựng, tôn vinh danh Chúa, nhưng bề trong thì thiếu tấm lòng. Người ấy vẫn ở lại trong sự cứu rỗi, vì chúng ta được cứu không bởi việc làm của chúng ta, nhưng người ấy hoàn toàn không được Chúa trả công gì cả, vì những việc làm của người ấy không còn lại trong lửa thử nghiệm của Chúa. Người ấy thực sự giống như một người được cứu thoát khỏi căn nhà bị cháy, chỉ giữ được mạng sống nhưng toàn bộ tài sản bị thiêu rụi.

Những người được cứu dường như qua lửa là những người thuộc hạng bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 5:19; Lu-ca 7:28).

Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 15:57-58 chép:

Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy làm công việc của Chúa cách dư dật luôn; vì biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.”

Trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta là những chiến binh đắc thắng mà cũng là những công nhân xây dựng thành công, vì chính Đấng Christ ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta có thể làm được mọi sự trong Ngài:

Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Vì thế, chúng ta chỉ cần hết lòng làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10) và dâng mọi vinh quang lên Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được tiền công và phần thưởng lớn từ nơi Chúa trong ngày Chúa hiện ra.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ quý ông bà anh chị em để mỗi người luôn được ơn và sức mới, đồng công, hiệp sức với nhau, trong cùng một tâm tình mà hầu việc Chúa qua từng việc làm trong nếp sống mỗi ngày. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/10/2016

Ghi Chú

[1] http://timhieuthanhkinh.net/chu-giai-e-phe-so-6_10-24/

Tải xuống PDF bài này tại đây: https://od.lk/fl/MV8xNzgxNjc4OF8

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.