Nước Trời (08): Sự kêu gọi và sự lựa chọn

3,635 views

Nhấp vào nút play ►để nghe


Ngụ ngôn về tiệc cưới

Đức Chúa Jesus đã bắt đầu ngụ ngôn bằng một câu xác định, rõ ràng, và quen thuộc: “Nước thiên đàng giống như…” vì thế, mỗi nhân vật và sự kiện trong ngụ ngôn tiêu biểu cho các nhân vật và sự kiện có liên quan đến Nước Trời.

Nhà vua tổ chức tiệc cưới cho con tiêu biểu cho sự kiện Đức Chúa Trời thiết lập Nước Trời. Khách được mời dự tiệc là những người được mời vào Nước Trời.

Trước hết, Tin Lành về Nước Trời được rao giảng cho dân Israel là dân tộc có một giao ước đặc biệt với Đức Chúa Trời. Các tiên tri, các sứ đồ, và ngay cả chính Đức Chúa Jesus đã tập trung rao giảng, mời gọi người Israel đến với Nước Trời nhưng họ đã từ chối và còn sát hại những người rao giảng Tin Lành cho họ. Thậm chí, họ còn giết chết Đức Chúa Jesus là Đấng cứu chuộc nhân loại. Vì sự từ chối lời mời vào Nước Trời và hành động hung ác của dân Israel mà Đức Chúa Trời đã trừng phạt dân tộc này. Năm 70, đế quốc La-mã đã tàn sát dân cư thành Jerusalem, tàn phá đền thờ đến nỗi không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá khác y như lời tiên tri của Đức Chúa Jesus trước đó 40 năm. Lịch sử ghi lại, máu của dân Israel chảy tràn trên đường phố chính của Jerusalem lên đến khớp chân ngựa. Sau đó, Tin Lành, tức lời mời vào Nước Trời, được rao giảng cho dân ngoại và suốt gần hai ngàn năm qua đã có vô số người trong mọi thế hệ từ trong muôn dân, muôn nước tiếp nhận lời mời gọi của Đức Chúa Trời.

Phần cuối của ngụ ngôn là một chi tiết nỗi bật đáng chú ý. Trong số những người khách tiếp nhận lời mời và đã vào tận phòng tiệc, có một người không mặc áo lễ và đã bị nhà vua sai người bắt trói, quăng ra ngoài chỗ tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Người khách không mặc lễ phục là hình ảnh của những người tin nhận Tin Lành của Nước Trời nhưng không vâng theo quy luật của Nước Trời; là những người thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ nhưng lại không vâng theo lời phán dạy của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh. Theo phong tục của vùng Trung Đông, vua chúa hoặc các nhà quyền quý khi mở tiệc khoản đãi thường cung cấp cho khách dự tiệc những bộ lễ phục, dưới hình thức những chiếc áo khoác ngoài, có mang huy hiệu của mình. Người khách dự tiệc nào từ chối mặc lễ phục của chủ tiệc là có ý khinh chê và làm nhục chủ tiệc. Một người như vậy, lập tức biến thành kẻ thù của chủ tiệc và sẽ bị cư xử như kẻ thù.

Mặc lễ phục trong tiệc cưới có thể mang hai ý nghĩa sau đây:

1. Mặc lấy Đấng Christ để bước vào Nước Trời, nghĩa là nương cậy vào sự công nghĩa của Đấng Christ. Mặc lấy Đấng Christ là tin nhận sự cứu rỗi mà Đấng Christ đã làm cho chúng ta:

“Nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó. (Rô-ma 13:14)

“Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy.” (Ga-la-ti 3:27)

Có nhiều người tin nhận và thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời nhưng lại khước từ chiếc áo công nghĩa của Đấng Christ. Những người như vậy, đi vào Nước Trời với chiếc áo công nghĩa do họ tự tạo ra, tức là họ dựa vào những việc làm công đức, vào nếp sống sùng đạo, vào thành quả hầu việc Chúa, vào sự ép xác, hành xác… của chính họ.

2. Mặc lấy người mới, để bước vào Nước Trời, nghĩa là dứt khoác từ bỏ nếp sống tội và cương quyết sống một nếp sống mới thánh khiết theo lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Mặc lấy người mới là giữ gìn sự cứu rỗi mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta, là thể hiện đức tin bằng hành động. Điều này chúng ta phải tự mình quyết định và Đấng Christ sẽ giúp sức cho chúng ta (Phi-líp 4:16):

“… và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.” (Ê-phê-sô 4:24)

“… mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn.” (Cô-lô-se 3:10)

“Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhơn từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.  Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Cô-lô-se 3:12-14)

Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời

Qua ngụ ngôn về tiệc cưới, chúng ta thấy sự mời gọi nhân loại vào Nước Trời được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất dành riêng cho người Israel. Giai đoạn thứ nhì dành cho muôn dân, muôn nước. Trong cuộc nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước, Đức Chúa Jesus đã tuyên bố: “Sự cứu rỗi bởi người Do-thái mà đến!” (Giăng 4:22) với hai ngụ ý:

1. Đấng Cứu Thế đã nhập thế làm người qua chi phái Giu-đa của dân tộc Israel để đem sự cứu rỗi đến cho toàn thể nhân loại, vì thế: sự cứu rỗi bởi người Do-thái mà đến.

2. Tin Lành về sự cứu rỗi được các sứ đồ của Chúa là những người Do-thái công bố, cho nên: sự cứu rỗi bởi người Do-thái mà đến.

Qua các mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus mà chúng ta biết sự mời gọi nhân loại vào Nước Trời trong thời Tân Ước được phân chia thành hai giai đoạn. Trong thời gian Chúa thi hành chức vụ trên đất, Ngài đã sai 12 sứ đồ đi rao giảng Tin Lành và dặn họ không được rao giảng cho dân ngoại, kể cả dân Sa-ma-ri là người Do-thái lai, mà chỉ đến cùng “những con chiên lạc mất của nhà Israel mà thôi” (Ma-thi-ơ 10:5,6). Tuy nhiên, sau khi Chúa phục sinh và trước khi Chúa thăng thiên, Ngài đã phán dạy các sứ đồ phải đi khắp thế gian, rao giảng Tin Lành cho muôn dân, nhân danh Đức Cha, Đức Con, Đức Thánh Linh làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ vâng giữ những điều Chúa đã truyền (Ma-thi-ơ 28: 29, 20; Mác 16:15; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Rô-ma 11 cũng cho chúng ta biết vì cớ dân Israel chống nghịch Chúa Cứu Thế mà Đức Chúa Trời đã công bố sự cứu rỗi cho dân ngoại và sau khi số dân ngoại được cứu đủ số thì cả dân Israel sẽ được cứu (Rô-ma 11:25, 26).

Trong chương trình  và ý định của Đức Chúa Trời sự kêu gọi vào Nước Trời là cho toàn thể nhân loại. Hai câu Thánh Kinh sau đây làm chứng cho điều ấy:

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)

“Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.” (II Ti-mô-thê 2:4)

Sự kêu gọi này của Đức Chúa Trời không giới hạn trong thời Tân Ước, nghĩa là ngay cả trước khi Đấng Christ nhập thế để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại thì Đức Chúa Trời cũng đã kêu gọi nhân loại đến với Nước Trời. Hê-bơ-rơ 11 ghi lại cho chúng ta những tấm gương sáng của những người đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời.

Dù Đức Chúa Trời có quyền muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cứu ai thì cứu nhưng Ngài đã yêu thương thế gian và muốn cho mọi người được cứu. Vì thế, sự kêu gọi vào Nước Trời chắc chắn được ban cho tất cả mọi người trong mọi thế hệ. Chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời đã kêu gọi A-bên, Hê-nóc, Gióp, Áp-ra-ham… như thế nào, chúng ta chỉ biết họ là những người đã đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời và vâng theo lời Ngài cho nên chắc chắn là họ có phần trong Nước Trời.

Thực ra, với tâm trí hạn hẹp của chúng ta, chúng ta không thể nào hiểu thấu đáo chương trình và ý định của Đức Chúa Trời. Việc quan trọng là chúng ta cần tin vào lời của Đức Chúa Trời và làm theo để được cứu. Chính sự kiện chúng ta được tái sinh, được tương giao với Đức Chúa Trời sau khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, và sống theo lời Chúa chứng minh Đức Chúa Trời có thật và mọi lời của Ngài trong Thánh Kinh là thật.

Sự lựa chọn của Đức Chúa Trời

Trong ngụ ngôn về tiệc cưới chúng ta thấy những người khách được mời trước đã khinh thường đặc ân của nhà vua, đồng thời khinh thường chính nhà vua khi họ đưa ra các lý do để từ chối đến dự tiệc. Tất cả những lý do được đưa ra chỉ là những cái cớ chung chung cốt để từ chối. Thậm chí, có những người hung dữ đánh đập và giết đi các đầy tớ của vua. Đó cũng chính là hình ảnh về sự phản ứng của nhiều người khi được nghe rao giảng về Tin Lành. Họ nêu ra các lý do bận rộn trong cuộc sống để từ chối tiếp nhận Tin Lành. Nguyên nhân sâu kín là những người này khinh thường sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời đang mời gọi họ tiếp nhận, đồng thời họ cũng khinh thường Đức Chúa Trời, không xem Ngài là Đấng tể trị muôn loài vạn vật. Họ sẵn sàng tôn kính và vâng phục vua chúa của thế gian. Họ sẽ vui mừng, hãnh diện nếu được vua chúa của thế gian mời dự tiệc nhưng họ khinh thường đặc ân của Đức Chúa Trời và khinh thường chính Ngài. Đã vậy, lại có những kẻ thù nghịch với Đức Chúa Trời và đạo của Ngài cho nên bắt giết những sứ giả của Ngài. Những người như vậy, dù đã được gọi nhưng không được chọn mà còn phải gánh lấy sự báo trả kinh khiếp của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét!

Những người được mời sau bao gồm tất cả mọi thành phần thấp kém trong xã hội. Câu “bất luận dữ lành” cho biết những người này được mời gọi vào Nước Trời là do lòng thương xót của Đức Chúa Trời chứ không phải do một giao ước đặc biệt nào của Đức Chúa Trời đối với họ như tuyển dân Israel cũng không do nơi phẩm chất đạo đức của họ. Trong số những khách nhận lời mời này có một người không mặc áo lễ, nghĩa là không vâng theo mệnh lệnh của vua. Số phận của anh ta là bị đuổi ra khỏi phòng tiệc. Đây là hình ảnh của những người đã tiếp nhận sự mời gọi của Đức Chúa Trời nhưng không vâng theo tiêu chuẩn được cứu rỗi hoặc tiêu chuẩn sống thánh khiết của Đức Chúa Trời, cho nên cuối cùng cũng bị loại bỏ khỏi Nước Trời. Một người tin Chúa, gia nhập Hội Thánh nhưng không nương cậy vào huyết chuộc tội của Đấng Christ mà dựa vào những bài kinh cầu, những buổi dự lễ, những sự dâng hiến, những việc làm lành, lời cầu bầu của bà Ma-ri và các thánh, v.v. nghĩa là bất cứ một điều gì ngoài huyết của Đấng Christ hoặc tiếp tục sống trong tội, ham mến thế gian… không vâng theo lời Chúa dạy thì trong ngày cuối cùng chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi Nước Trời.

Như vậy, Đức Chúa Trời chỉ chọn những ai tin nhận và vâng theo lời Ngài. Đức tin phải được thể hiện bằng hành động vâng phục. Đức tin không được thể hiện bằng hành động vâng phục là đức tin chết! Đức tin ấy không cứu được ai (Gia-cơ 2:14-26).

Kết luận

Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời là cho tất cả mọi người. Những ai khước từ lời kêu gọi của Đức Chúa Trời sẽ không được vào Nước Trời. Những ai khinh thường ân điển của Đức Chúa Trời lại còn chống nghịch Ngài sẽ bị trừng phạt thích đáng. Những ai đã tiếp nhận lời mời gọi của Chúa nhưng lại dựa vào công đức của mình hoặc sự cầu thay của người khác cũng không được vào Nước Trời. Những ai tin nhận Chúa nhưng không chịu dứt khoát với tội lỗi, những ai sống nếp sống vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi cho thần tài (Ma-môn) cũng sẽ bị ném ra khỏi Nước Trời.

Đức Chúa Jesus khẳng định:

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23)

Cả thế gian đều được Đức Chúa Trời mời gọi đến với sự cứu rỗi, đến với sự sống đời đời trong Nước Trời. Người xưng nhận mình tin Chúa cũng nhiều, nhưng cuối cùng, chỉ có ít người được chọn, là những người tin nhận và vâng phục Chúa để ứng nghiệm lời tiên tri của Đấng Christ: “Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.”

Huỳnh Christian Timothy
02/12/2007