Nước Trời (07): Công giá và Phần thưởng

3,197 views

Nhấp vào nút play ►để nghe


Ngụ ngôn về công giá trong vườn nho 

Trong ngụ ngôn về công giá trong vườn nho, Đức Chúa Jesus kể rằng có một người chủ đất sáng sớm đi ra ngoài để tìm người về làm việc trong vườn nho của ông, có lẽ lúc ấy đang vào mùa thu hoạch nho. Sau khi đã thỏa thuận công giá cho một ngày làm việc là một đơ-ni-ê, một số người làm công đã đến làm việc trong vườn nho của người chủ đất. Vào khoảng tám giờ sáng, người chủ đất đi ra chợ và nhìn thấy có những người “rãnh việc” nghĩa là những người chưa tìm được việc gì để làm hoặc vừa mới làm xong một việc vặt nào đó, như giúp các thương buôn bốc dỡ hàng hóa tại chợ… thì ông bảo họ hãy đến làm việc trong vườn nho của ông rồi ông sẽ trả công một cách phải chăng. Những người này bèn đi. Vào khoảng 11 giờ trưa và hai giờ chiều, người chủ đất lại trở ra chợ và tiếp tục thu nhận thêm hai nhóm công nhân khác. Lối bốn giờ chiều, nghĩa là chỉ còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì ngày làm việc chấm dứt, người chủ lại trở ra chợ và thu nhận nhóm người cuối cùng là những người cả ngày đã không có việc làm vì không có ai thuê mướn họ. Nghe đến đây, thính giả đã có thể mường tượng rằng không phải người chủ đất cần người làm nhưng vì ông có lòng thương xót, muốn giúp đỡ cho những người cả ngày đã không có ai thuê mướn.

Buổi tối đến, người chủ đất sai quản gia trả công cho những người làm việc trong vườn nho và những người vào làm sau được gọi ra trả công trước. Dù những người này chỉ làm việc không đầy một tiếng đồng hồ nhưng lại được trả công bằng một đơ-ni-ê, nghĩa là bằng với công giá của suốt một ngày lao-động cực nhọc. Không cần nói chúng ta cũng biết được nỗi vui mừng và biết ơn của những người làm công này to lớn biết là bao. Chắc chắn là những người vào làm công từ lúc sáu giờ sáng thấy vậy thì khấp khởi trong lòng, nghĩ rằng đến phiên mình sẽ được lãnh vài đơ-ni-ê. Tuy nhiên, khi đến lúc phát lương cho những người vào làm công từ lúc sáng sớm thì chủ đất sai trả cho họ mỗi người cũng chỉ một đơ-ni-ê. Những người này nhận tiền công xong bèn lầm bầm với chủ đất, phân bì rằng, nếu những người làm công chỉ một tiếng đồng hồ mà được trả công bằng một đơ-ni-ê thì họ là những người làm lụng cực nhọc từ sáng sớm, đáng phải lãnh được nhiều đơ-ni-ê hơn. Trong cái nhìn của họ, người chủ đất đã cư xử bất công. Tuy nhiên, người chủ đất đã nhắc lại giao ước về công giá mà họ đã thỏa thuận với chủ đất trước khi vào làm việc. Chiếu theo giao ước thì người chủ đất không hề cư xử bất công với họ. Tiếp theo, người chủ đất giải thích cho họ biết, sự hào phóng của ông với những người làm việc chỉ một tiếng đồng hồ không liên quan gì đến “hợp đồng lao động” giữa ông và những người vào làm việc lúc sáng sớm, mà là lòng tử tế của ông đối với những người “kém may mắn.” Những người vào làm sau kém phước hơn những người vào làm trước vì không có ai thuê mướn họ chứ không phải vì họ lười biếng không muốn làm việc. Họ đã kiên nhẫn đứng chờ ngoài chợ cho đến giờ cuối cùng của một ngày lao động chứng tỏ là họ tha thiết muốn được làm việc biết bao. Dù họ chỉ lao động không đầy một tiếng đồng hồ nhưng nhu cầu của gia đình họ thì cũng giống như những người đã vào làm từ sáng sớm. Người chủ đất nhìn thấy tấm lòng tha thiết muốn được làm việc của họ khi ông nhìn thấy họ vẫn còn kiên nhẫn chờ đợi cơ hội được làm việc, dù rằng thời gian làm việc đã sắp kết thúc. Ông cũng nhìn thấy được nhu cầu của họ là công giá trọn vẹn của một ngày lao động. Ông đã giúp cho họ có việc làm và ông đã trả công cho họ, không phải tùy theo công sức họ đã làm cho ông mà tùy theo nhu cầu của chính họ.

Ý nghĩa thực dụng

Căn cứ vào câu chuyện trao đổi giữa chàng trai trẻ giàu có với Đức Chúa Jesus và giữa Phi-e-rơ với Đức Chúa Jesus trước khi Ngài kể cho các môn đồ nghe ngụ ngôn về công giá trong vườn nho, chúng ta có thể tìm ra ý nghĩa thực dụng của ngụ ngôn này.

Trước hết, có một chàng trai trẻ giàu có (mà theo Lu-ca 18:18 thì anh ta là một quan chức) đến hỏi Chúa làm thế nào để được sự sống đời đời. Chúa trả lời là phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Khi anh ta nói với Chúa là anh đã vâng giữ đủ các điều răn của Chúa thì Đức Chúa Jesus chỉ ra cho anh ta thấy rằng anh chỉ mới vâng giữ điều răn của Chúa trên mặt chữ mà thôi, còn trên mặt nghĩa, anh ta vẫn chưa vâng giữ điều răn của Chúa, bởi vì anh ta vẫn còn thâu trử của cải cho mình trong khi quanh anh ta có biết bao nhiêu kẻ nghèo đói. Khi nghe Chúa phán bảo hãy về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo rồi đi theo Chúa, người quan trẻ giàu có đã buồn rầu bỏ đi. Đức Chúa Jesus nhân đó phán cùng các môn đồ rằng: Người giàu vào Nước Thiên Đàng còn khó hơn là lạc đà chui qua lỗ kim.

Khi nghe Chúa phán như vậy, Sứ Đồ Phi-e-rơ bèn thưa với Chúa rằng: Này, chúng tôi đã bỏ hết mọi sự mà đi theo thầy, vậy thì chúng tôi sẽ được chi? Và, Chúa đã hứa với Phi-e-rơ rằng: Khi Ngài ngự trên ngôi vinh hiển tái lâm thì cả mười hai sứ đồ sẽ được ngồi trên mười hai ngôi mà xét đoán, nghĩa là cai trị, mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Chúa nhấn mạnh đến một lẽ thật: Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu. Liền sau đó, Chúa kể ngụ ngôn về công giá trong vườn nho và kết luận: Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy.

Ý chính của câu chuyện là tấm lòng hào phóng của ông chủ đất nhưng ý chính của Đức Chúa Jesus khi thuật ngụ ngôn này cho các môn đồ là muốn cho họ hiểu rằng: Trong Nước Trời sẽ có những kẻ đầu trở nên rốt và những kẻ rốt trở nên đầu, không phải tùy thuộc vào công sức của họ trong khi phục vụ Nước Trời, mà tùy thuộc vào sự nhân từ thương xót và thánh ý của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta xem đời sống trên đất của mình là một ngày lao động, ông chủ đất là Đức Chúa Trời, công việc thu hoạch trong vườn nho là đem người chưa biết Chúa đến với Chúa, các thời điểm sáng sớm, 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, 2 giờ chiều và 5 giờ chiều là những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của chúng ta, đi từ trẻ đến già… thì chúng ta có thể luận giải như sau:

1. Những người làm công nhận lời làm việc cho ông chủ đất là những người tin nhận và đi theo hầu việc Chúa như Phi-e-rơ và các môn đồ khác.

2. Có những người tin nhận Chúa và khởi sự hầu việc Ngài từ khi còn trẻ như những người làm công trong vườn nho vào buổi sáng sớm. Có những người tin nhận Chúa và khởi sự hầu việc Ngài sau khi đã sống nửa cuộc đời hay quá nửa cuộc đời không biết Chúa. Cuối cùng, có những người gặp Chúa muộn màng trong cuộc đời mình và đã tận dụng những tháng năm còn lại trong đời mình để hầu việc Chúa. Những người này không trông mong gì sẽ được lãnh công xứng đáng như những người đã hầu việc Chúa trước họ. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng họ đã vui mừng và hết sức làm việc để tỏ ra xứng đáng với ân điển của Chúa. Nhiều khi, những người vào làm việc từ sáng sớm đã mỏi mệt, nay thấy có thêm người vào làm thì sẽ chậm tay, không còn hết lòng mà làm.

3. Đức Chúa Trời không bao giờ lường công chúng ta. Ngài là Đấng đã phán: “Chớ khớp miệng con bò trong khi nó đạp lúa,” thì chắc chắn công khó của chúng ta trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu. Chẳng những hễ ai hầu việc Chúa được Chúa tôn quý (Giăng 12:26) và trả công xứng đáng mà những người tiếp rước con dân, tôi tớ Chúa cũng được Chúa ban thưởng xứng đáng. Trong Ma-thi-ơ 10:40-42 Đức Chúa Jesus hứa chắc cho những ai tiếp đón các tôi tớ, con dân của Ngài thì sẽ được lãnh phần thưởng của người mà mình tiếp đón, nghĩa là: tiếp đón sứ đồ thì sẽ lãnh phần thưởng của sứ đồ, tiếp đón tiên tri thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, tiếp rước người công chính thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính… thậm chí, một chén nước lạnh tiếp đãi con dân Chúa cũng sẽ được Chúa ban thưởng.

4. Bên cạnh sự trả công xứng đáng cho những ai hầu việc Chúa, Đức Chúa Trời còn tùy theo lòng nhơn từ thương xót và thánh ý của Ngài mà Ngài ban cho một số người vượt trội hơn cả công sức mà họ đã bỏ ra để hầu việc Chúa. Việc làm đó của Đức Chúa Trời không hề vi phạm bản tính công chính của Ngài và cũng không vi phạm đến bất kỳ một giao ước hay lời hứa nào của Ngài đối với loài người.

Như vậy, nếu một người tin nhận Chúa và hầu việc Ngài từ khi còn thơ ấu cùng với một người tin nhận Chúa và hầu việc Chúa chỉ vài năm, thậm chí là vài tháng cuối cùng trong cuộc đời mình đều nhận lãnh sự vinh hiển giống nhau trong Nước Trời thì cũng không có gì là bất công mà càng tỏ ra sự nhân từ vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời.

Công giá và phần thưởng

Chúng ta cũng cần phân biệt giữa sự trả công và sự ban thưởng. Sự trả công là công giá trả cho người làm việc theo sự thỏa thuận trước giữa người chủ và người làm thuê. Có nhiều trường hợp, người làm thuê bỏ công sức ra để làm cho người chủ nhưng kết quả không thu hoạch được, người chủ vẫn phải trả công cho người làm thuê. Thí dụ như, một người được thuê đi ra gieo giống trên một cánh đồng, anh ta làm xong công việc gieo giống thì người chủ phải trả công cho anh ta. Người chủ có thể trả công cho anh ta đúng theo giao ước đã thỏa thuận hoặc trả hơn nhưng không thể trả kém. Nếu cuối ngày gieo giống, trời mưa lớn làm trôi hết hột giống, người chủ ruộng vẫn phải trả công cho người gieo giống. Sự ban thưởng thì khác với sự trả công. Sự ban thưởng có thể dựa trên lời hứa hay không dựa trên lời hứa nhưng sự ban thưởng hoàn toàn không có ý bù trả vào công sức làm việc của một người như sự trả lương mà dựa trên thành quả thu đạt được, dựa trên sự tận tâm của người làm, và dựa trên sự thỏa lòng của người chủ. Không thể nào có sự ban thưởng cho người thợ gieo giống sau khi cơn mưa đã làm trôi hết hạt giống mà anh ta đã gieo ra nhưng có thể sẽ có sự ban thưởng của người chủ ruộng khi nhìn thấy cánh đồng trĩu vàng, đều đặn, không có chỗ dày, chỗ thưa, thậm chí sát bờ ruộng vẫn có lúa mọc lên, chứng tỏ người gieo giống đã siêng năng và cẩn thận làm tròn công việc được thuê mướn.

Trong nguyên tác của Thánh Kinh Tân Ước tiếng Hy-lạp, danh từ tiền công và phần thưởng đều dùng chung một chữ (μισθός [misqo] /misthos/) nhưng tùy theo bối cảnh của câu văn mà mang ý nghĩa khác nhau. Trong ngụ ngôn trên đây thì có nghĩa là tiền công trả cho một người bỏ sức ra làm việc nhưng trong Ma-thi-ơ 5:12 và Khải Huyền 22:12 thì có nghĩa là phần thưởng tương xứng với thành quả của đời sống, của sự trung tín nhịn nhục, chịu khổ vì danh Chúa, vì sự phát triển của Nước Trời:

“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 5:11, 12)

“Kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa; kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế nữa; kẻ nào công bình, cứ làm điều công bình nữa; kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa! Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải Huyền 22:11, 12)

Chữ phần thưởng trong Thánh Kinh không hề chỉ có nghĩa là khen ngợi, phước hạnh mà còn bao gồm sự quở trách và hình phạt. Đối với người công bình thì phần thưởng là sự khen ngợi và phước hạnh. Đối với người không công bình thì phần thưởng là sự quở trách và hình phạt. Có lẽ, trong trường hợp này nên dịch “misqo” là “sự báo trả” thì dễ hiểu hơn. 

Kết luận

Cám ơn Chúa đã cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi và sự chết đời đời, ban cho chúng ta địa vị được làm con dân của Ngài, được hưởng sự sống đời đời, đồng thời còn ban cho chúng ta cơ hội được đồng công với Chúa trong công cuộc xây dựng Nước Trời.

Cám ơn Chúa là qua ngụ ngôn công giá trong vườn nho, chúng ta được khích lệ rằng, cho dù chúng ta khởi sự tin Chúa và hầu việc Ngài vào bất kỳ lúc nào trong cuộc đời của mình, thậm chí là vào giai đoạn cuối cùng của đời sống, không còn hầu việc Chúa được bao nhiêu, không còn làm chứng cho được nhiều người tin Chúa, nhưng Ngài cũng vẫn trả công cho chúng ta cách rời rộng theo sự giàu có và nhân từ vô lượng vô biên của Ngài. Miễn là chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa, bước vào làm việc trong vườn nho của Ngài.

Cám ơn Chúa là bên cạnh sự trả công Chúa còn có lời hứa ban thưởng: “Này, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm” (Khải Huyền 22:12).

Chúng ta hãy cùng nhau hết lòng, hết ý vâng theo lời khuyên của Đức Thánh Linh qua ngòi bút của Sứ Đồ Phao-lô:

“Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (I Cô-rinh-tô 15:58)

Huỳnh Christian Timothy
18/11/2007