Hỏi & Đáp: Ma-thi-ơ 27:46 Có Nghĩa Gì?

5,076 views

Nhấp vào đây để download và in bài này

Hỏi:

Không biết tại sao trước khi Chúa chết thì Chúa lại nói: “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni?” Em không hiểu câu đó, xin anh giải thích cho em. Thanks.

tcchinhan

Đáp:

Thánh Kinh trong nguyên tác được ghi chép bằng ba thứ tiếng: Hê-bơ-rơ (Hebrew), Hy-lạp (Greek) và A-ra-mai (Aramaic). A-ra-mai là thứ tiếng được thông dụng trong dân Israel từ thời bị lưu đày tại Ba-by-lôn (cuối thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên); và đến thời của Đức Chúa Jesus đã trở thành ngôn ngữ thường nhật của người Israel. Theo các học giả về Thánh Kinh thì: các sách trong Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, ngoại trừ một phần nhỏ trong các sách Sáng Thế Ký (31:47), Ê-xơ-ra (4:8 – 6:18; 7:12-26), Đa-ni-ên (2:4b – 7:28) và Giê-rê-mi (10:11) được viết bằng tiếng A-ra-mai; các sách trong Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp. Có một số học giả cho rằng sách Ma-thi-ơ có lẽ được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng A-ra-mai.

Câu Chúa kêu khi bị đóng đinh trên thập tự giá: “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni?” hoặc “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma sa-bách-ta-ni?” như được ghi lại trong Ma-thi-ơ 27:46 và Mác 15:34 chính là câu mở đầu của Thi Thiên 22. Chúng ta hãy liệt kê cả ba câu Thánh Kinh dưới đây để tiện đối chiếu:

“Eli, Eli, lamah azabthani?” (Thi Thiên 22:1)
“Eli” là tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi.”
“lamah” là tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “tại sao? cớ gì?”
“azabthani” là tiếng Canh-đê (Chaldee – người Ba-by-lôn) và có nghĩa là “Ngài đã lìa bỏ tôi.”

“Eli, Eli, lama sabachthani?” (Ma-thi-ơ 27:46)
“Eli” là tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi.”
“lama” là tiếng Hy-lạp dùng để phiên âm “lamah.”
“sabachthani” là tiếng Hy-lạp dùng để phiên âm “azabthani.”

“Eloi, Eloi, lama sabachthani?” (Mác 15:34)
“Eloi” là tiếng A-ra-mai và có nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi.”
“lama” là tiếng Hy-lạp dùng để phiên âm “lamah.”
“sabachthani” là tiếng Hy-lạp dùng để phiên âm “azabthani.”

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu những điểm khác biệt giữa ba câu Thánh Kinh. Chính Đức Chúa Jesus tuyên bố: “Kinh Thánh làm chứng về Ta” (Giăng 5:39) và Lu-ca 24:27 chép: “Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh;” cho nên, chúng ta có thể tin rằng: Khi Chúa cất tiếng kêu trên thập tự giá, Ngài đã lập lại nguyên văn Thi Thiên 22:1 bằng tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Canh-đê, để những lời tiên tri trong Thi Thiên 22 về Ngài được ứng nghiệm một cách chính xác trong từng chi tiết. Có thể nói, hầu hết các nhà giải kinh đều công nhận Thi Thiên 22 chứa đựng nhiều lời tiên tri về Đấng Christ. Chính Hê-bơ-rơ 2:12, 13 đã đặt Thi Thiên 22:22 và Ê-sai 8:17, 18 vào môi miệng của Đức Chúa Jesus: “Khi Ngài có phán: Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; và ngợi khen Chúa ở giữa hội. Ngài lại phán: Ta sẽ phó thác Ta cho Chúa. Lại phán: Ta đây, Ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ta.”

Ma-thi-ơ đã ghi lại tiếng kêu của Chúa bằng cách giữ nguyên hai chữ “Eli” trong tiếng Hê-bơ-rơ nhưng phiên âm hai chữ “lamah” và “azabthani” sang tiếng Hy-lạp (điểm này có thể chứng minh được sách Ma-thi-ơ được viết bằng tiếng Hy-lạp). Mác thì dùng “Eloi” của tiếng A-ra-mai thay thế cho “Eli” và phiên âm hai chữ “lamah” và “azabthani” sang tiếng Hy-lạp. Cả hai ông đều giải thích ý nghĩa lời kêu của Chúa trong tiếng Hy-lạp là: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Về ý nghĩa của tiếng kêu thì đã rõ ràng nhưng câu hỏi được đặt ra là, tại sao Đức Chúa Jesus đã kêu lên như vậy?

Có người cho rằng, trong giây phút Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá thì thần tính đã lìa khỏi Ngài, bấy giờ Đức Chúa Jesus chỉ còn lại nhân tính mà thôi, cho nên Ngài đã kêu lên như vậy. Quan điểm này không đúng. Nếu trên thập tự giá Đức Chúa Jesus chỉ là người mà không phải là Đức Chúa Trời thì cái chết của Ngài chỉ có thể cứu được một người mà thôi; vì mạng sống của một người, dù là một người vô tội, có giới hạn. Một mạng sống có giới hạn chỉ có thể chết thay cho một mạng sống có giới hạn khác nhưng một mạng sống vô hạn, mạng sống của Đức Chúa Trời, thì có thể chết thay cho toàn thể các mạng sống giới hạn.

Đức Chúa Cha đã từng xác chứng về Đức Chúa Jesus rằng: “Này là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5; Mác 1:11; Lu-ca 3:22). Phi-líp 2:8 chép rằng: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” I Phi-e-rơ 2:22 chép rằng: “Ngài không hề phạm tội.” Cho nên, chúng ta biết chắc rằng: Ngay cả khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài vẫn hoàn toàn là “con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” của Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, cùng một lúc đó, Đức Chúa Jesus gánh hết mọi trách nhiệm về tội lỗi của toàn thể nhân loại (quá khứ, hiện tại và tương lai) và chịu hình phạt vì tất cả những tội lỗi đó. Nói cách khác, Đức Chúa Jesus không phạm tội nhưng nhận lãnh hình phạt thay cho toàn thể nhân loại phạm tội:

– Đức Chúa Jesus chịu đau đớn về phần thể xác và chịu chết về phần thể xác để thể xác của người tin nhận sự chuộc tội của Ngài được sống lại (Giăng 6:40).

– Đức Chúa Jesus chịu đau đớn về phần thuộc linh (tâm thần và linh hồn – Ma-thi-ơ 26:38; Giăng 12:27) và chịu ngăn cách với Đức Chúa Cha (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9) để những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài được trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

Vì thế, Đức Chúa Jesus phải gánh lấy trọn vẹn sự rủa sả và đoán phạt từ Đức Chúa Cha thay cho toàn thể nhân loại: “Khi một người nào phạm tội đáng chết, thì hãy giết nó, và treo lên trụ hình, thây nó chớ để treo trên trụ hình cách đêm, song phải chôn trong nội ngày đó; vì kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả… “ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23). Trong sự rủa sả và đoán phạt đó có sự từ bỏ của Đức Chúa Cha: “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (Ê-sai 59:1, 2). “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài“ (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Vì sự gian ác và tội lỗi của nhân loại mà Đức Chúa Cha đã từ bỏ Đức Chúa Con và đã giáng hình phạt tội lỗi của nhân loại một cách công chính, không tư vị trên Đức Chúa Con:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.  Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau buồn...” (Ê-sai 53:3-10)

Tiếng kêu thống thiết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” dạy cho chúng ta một lẽ thật quan trọng trong Thánh Kinh: Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ và không tư vị ai hết, ngay cả Con Một rất yêu dấu của Ngài (Rô-ma 2:11; Ga-la-ti 6:7). Nếu Đức Chúa Cha đã “lấy làm vừa ý mà làm tổn thương” Con Một rất yêu dấu của Ngài để bày tỏ sự thánh khiết và công chính của Ngài đối với tội nhân thì thử hỏi Ngài sẽ cư xử như thế nào đối với những ai không chịu ăn năn từ bỏ tội để tiếp nhận ân điển cứu chuộc của Đấng Christ? Và, thử hỏi Ngài sẽ cư xử như thế nào đối với những ai miệng thì nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà đời sống thì vẫn đắm chìm trong tội lỗi?

Huỳnh Christian Timothy
15/07/2010