Mạng Lệnh của Thiên Chúa về Thức Ăn của Loài Người

3,507 views

Mạng Lệnh của Thiên Chúa về Thức Ăn của Loài Người

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết:

Bấm vào đây để tải xuống phần âm thanh của bài giảng

 

Dẫn Nhập

Gần đây, có vài anh chị em đang sinh hoạt trong Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm đã đến với khu mạng www.timhieutinlanh.net và đồng thuận về việc chúng tôi rao giảng rằng, con dân Chúa không được vi phạm Mười Điều Răn; nhưng phản đối việc chúng tôi rao giảng rằng, con dân Chúa thời Tân Ước không cần phải kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước.

Vào năm 2007 chúng tôi đã có bài viết giải thích, vì sao con dân Chúa thời Hội Thánh không cần phải kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch nữa. Bài này được đăng trong mục Hỏi & Đáp của khu mạng timhieutinlanh.com/biengiao. Nay chúng tôi xin viết lại đầy đủ hơn để quý con dân Chúa dùng làm tài liệu tham khảo.

Trước hết, chúng ta cần phân biệt các thời kỳ khác nhau về thức ăn trong lịch sử loài người. Từ khi sáng thế đến nay, loài người đã trải qua bốn thời kỳ:

  • Thời kỳ loài người được sống trong vườn Ê-đen.
  • Thời kỳ loài người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen cho đến khi Cơn Nước Lụt.
  • Thời kỳ sau Cơn Nước Lụt cho đến khi Thiên Chúa thiết lập Cựu Ước.
  • Thời kỳ Cựu Ước.

Hiện nay, loài người đang ở trong thời kỳ Tân Ước. Thiên Chúa có những mạng lệnh rõ ràng, quy định các thức ăn cho con dân của Ngài trong mỗi thời kỳ.

Thời Kỳ Sống Trong Vườn Ê-đen

Đây là thời kỳ loài người chưa phạm tội, các thánh đồ của Chúa lúc bấy giờ chỉ có A-đam và Ê-va. Mạng lệnh của Thiên Chúa về thức ăn cho loài người và loài thú được Ngài phán truyền rất rõ ràng như sau:

“Thiên Chúa lại phán: Này! Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và mọi loài cây sinh quả có hạt giống; ấy sẽ là thức ăn cho các ngươi! Còn mọi vật sống của đất, mọi chim trời, và mọi côn trùng bò trên đất có hồn sống thì Ta đã ban cho mọi thứ cỏ xanh làm thức ăn! Thì có như vậy.” (Sáng Thế Ký 1:29-30).

Trong thời kỳ này không có sự phân biệt giữa loài vật tinh sạch và loài vật không tinh sạch. Loài người ăn các loại cỏ (rau) có hột và các loại trái cây có hột. Loài thú ăn mọi thứ cỏ xanh. Thánh Kinh không cho chúng ta biết thời kỳ này kéo dài bao lâu.

Thời Kỳ Bị Đuổi Khỏi Vườn Ê-đen cho đến khi Cơn Nước Lụt

Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội thì họ bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Từ đó, tội lỗi ngày càng gia tăng, cho đến khi Thiên Chúa dùng một Cơn Nước Lụt toàn cầu để hủy diệt các loài thú và loài người, ngoại trừ gia đình tám người của Nô-ê và những thú vật cùng ông lánh nạn trên chiếc tàu, mà ông đã vâng lời Thiên Chúa xây dựng trong 120 năm. Thời kỳ này kéo dài khoảng 1.700 năm. Dù trong thời kỳ này đã có sự phân biệt giữa các loài vật tinh sạch với các loài vật không tinh sạch (Sáng Thế Ký 7:2) nhưng sự phân biệt này chỉ áp dụng cho việc dâng sinh tế lên Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 8:20), không áp dụng cho thực phẩm của loài người. Trong suốt thời kỳ này, Thiên Chúa không hề cho phép loài người ăn thịt. Vì thế, thức ăn của loài người và loài thú vẫn như trong thời kỳ trước, lúc loài người còn sống trong vườn Ê-đen: Loài người ăn các loại cỏ (rau) có hột và các loại trái cây có hột. Loài thú ăn mọi thứ cỏ xanh.

Thời Kỳ sau Cơn Nước Lụt cho đến khi Thiên Chúa Thiết Lập Cựu Ước

Sau Cơn Nước Lụt, liền sau khi gia đình Nô-ê và các loài thú vật ra khỏi tàu, thì Thiên Chúa đã truyền cho Nô-ê mạng lệnh thay đổi về thức ăn của loài người, như sau:

“Bất cứ vật gì cử động mà có sự sống thì sẽ là đồ ăn cho các ngươi như mọi thứ rau xanh mà Ta đã ban cho các ngươi. Nhưng thịt có sự sống, có máu, thì các ngươi đừng ăn.” (Sáng Thế Ký 9:3-4).

So sánh Sáng Thế Ký 9:3 với nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Bản Dịch King James có kèm theo mã số Strong, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa của từng chữ được dùng trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh:

Genesis 9:3
כלH3605רמשׂH7431אשׁרH834הואH1931חיH2416לכם יהיהH1961לאכלהH402כירקH3418עשׂבH6212נתתיH5414לכם אתH853כל׃H3605

Genesis 9:3
EveryH3605moving thingH7431thatH834livethH2416shall beH1961meatH402for you; even as the greenH3418herbH6212have I givenH5414you(H853)all things.H3605

  • “kôl” H3605 = Mỗi một, tất cả (every).
  • “remeś” H7431 = bò, lướt tới: như chim bay trên trời, như cá lội dưới nước (moving).
  • “’ăsher” H834 = vật chi (thing that).
  • “chay” H2416 = sống (live, living).
  • “hâyâh” H1961 = là (be).
  • “’ôklâh” H402 = thức ăn, đồ ăn (food, meat).

Rõ ràng, mạng lệnh của Thiên Chúa bao gồm mọi loài thú vật sống động, không ngoại trừ những loài thú vật không tinh sạch, nhưng ngoại trừ loài thú vật đã chết (không sống động) và ngoại trừ việc ăn huyết. Vì thế, thức ăn của loài người trong thời kỳ này bao gồm các loài cỏ có hột, các loài trái cây có hột, và thịt các loài thú đang sống được làm cho ráo huyết khi xẻ thịt. Thời kỳ này kéo dài khoảng 1.100 năm.

Thời Kỳ Cựu Ước

Thời kỳ này bắt đầu từ khi Thiên Chúa ban hành Mười Điều Răn và luật pháp tại núi Si-na-i (năm 1446 TCN) và kéo dài cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá (năm 27) [1]. Trong thời kỳ này, Thiên Chúa một lần nữa phán truyền mệnh lệnh thay đổi về thức ăn của loài người (Lê-vi Ký 7:22-27; Lê-vi Ký 11). Loài người vẫn được ăn thịt nhưng ngoài việc kiêng cữ thịt thú vật đã chết ngạt và kiêng cữ huyết, thì có thêm việc kiêng cữ mỡ và thịt các loài thú vật không tinh sạch. Thời kỳ này kéo dài khoảng 1475 năm (không có năm 0 giữa năm 1 TCN và năm 1 CN).

Thời Kỳ Tân Ước

Thời kỳ này bắt đầu liền sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá vào năm 27 và kéo dài cho đến ngày hôm nay. Trong thời kỳ này, thức ăn dành cho loài người giống như trước thời Cựu Ước, bao gồm các loài cỏ có hột, các loài trái cây có hột, và thịt các loài thú vật đang sống được xẻ thịt và làm cho ráo huyết, chỉ ngoại trừ huyết, thịt thú vật chết ngạt, và các thức ăn đã được dâng cúng cho thần tượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16; 15:29).

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16

9 Ngày hôm sau, họ đã lên đường và khi họ đã đến gần thành, Phi-e-rơ đã lên trên mái nhà để cầu nguyện, vào khoảng giờ thứ sáu. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ sáu bắt đầu vào khoảng 11 giờ trưa.]

10 Người đã rất đói và thèm ăn. Người ta đang chuẩn bị thức ăn thì một cơn ngất trí đến trên người.

11 Người đã thấy bầu trời mở ra, và có vật dụng kia giáng xuống trước người. Nó giống như tấm vải lớn, bốn góc được buộc lại, thả xuống đất.

12 Trong đó là hết thảy những thú bốn chân của đất, những thú rừng, những côn trùng bò trên đất, và những chim trời.

13 Đã xảy ra, có tiếng phán với người: Hỡi Phi-e-rơ! Hãy trỗi dậy! Làm thịt và ăn.

14 Nhưng Phi-e-rơ đã thưa: Lạy Chúa! Không thể nào! Vì tôi chẳng bao giờ ăn thứ gì chẳng sạch hoặc ô uế.

15 Tiếng phán lại đến với người lần thứ nhì: Những vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, ngươi chớ xem là chẳng sạch.

16 Sự ấy xảy ra đến ba lần; và vật dụng ấy bị thu lại lên trời.

“Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã thuận ý: chẳng gán gánh nặng nào khác cho các anh chị em ngoài những điều cần thiết. Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm. Các anh chị em giữ mình khỏi những sự ấy thì sẽ thực hành tốt. Kính chúc bình an!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29).

Trong khải tượng Chúa ban cho Sứ Đồ Phi-e-rơ, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16 chúng ta nhận thấy những ý nghĩa sau đây:

  • Đức Chúa Trời đã làm sạch mọi thứ không tinh sạch, từ loài vật cho đến loài người. Đức Chúa Trời ba lần lập lại cùng một lời phán với Phi-e-rơ: “Những vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, ngươi chớ xem là chẳng sạch.”
  • Từ đó trở đi, người Do-thái không được coi khinh các dân tộc khác là ô uế, không tinh sạch vì cớ họ không chịu cắt bì.
  • Cũng không còn sự phân biệt các loài thú vật tinh sạch hoặc không tinh sạch. Các loài thú vật đều được dùng làm thực phẩm cho loài người như trước thời kỳ Cựu Ước.

Thẩm Quyền Tuyệt Đối của Đức Chúa Trời

Qua sự hiện thấy của Phi-e-rơ chúng ta học được một điều là: Khi Đức Chúa Trời muốn, Ngài có thể làm bất cứ điều gì, kể cả thay đổi các định luật, các quy chế… Nói cho cùng, Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng cho nên Ngài muốn làm gì thì làm. Nhưng Ngài là tình yêu, cho nên bất cứ những gì Ngài làm đều không đi ngược lại thuộc tính yêu thương của Ngài, vì thế, Đức Chúa Trời là “thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời!” Đức Chúa Trời tùy theo từng giai đoạn trong lịch sử loài người mà ban hành những mệnh lệnh khác nhau về cùng một sự việc. Thánh Kinh dạy rõ những điều sau đây:

  • Trong các thời kỳ trước thời kỳ Cựu Ước, không hề có chuyện ngăn cấm anh chị em ruột kết hôn lẫn nhau; nhưng từ thời kỳ Cựu Ước đến nay thì anh chị em ruột không được kết hôn lẫn nhau.
  • Trong các thời kỳ trước Cơn Nước Lụt, loài người không được ăn thịt; nhưng từ sau Cơn Nước Lụt loài người được phép ăn thịt.
  • Trong thời kỳ Cựu Ước, loài người không được phép ăn thịt các loài thú vật không tinh sạch, thú vật chết ngạt, mỡ và huyết. Trong thời kỳ Tân Ước, loài người chỉ bị cấm ăn huyết, thú vật chết ngạt, và thức ăn đã dâng cúng thần tượng.
  • Trong thời kỳ Cựu Ước, ai vi phạm trầm trọng luật pháp của Thiên Chúa thì bị dân chúng ném đá cho đến chết; nhưng trong thời kỳ Tân Ước thì Đấng Christ đã gánh thay án chết cho mọi tội nhân.
  • Trong thời kỳ Cựu Ước, chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm của dân I-sơ-ra-ên mới có thể mỗi năm một lần vào nơi chí thánh trong Đền Thờ dưới đất, để làm lễ chuộc tội cho con dân Chúa, ngoài ra, không một ai có thể vào trong nơi chí thánh. Trong thời kỳ Tân Ước, sau khi Đức Chúa Jesus Christ, là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, đã vào nơi chí thánh trên trời một lần để làm lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại, thì tất cả những ai tin nhận sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đều được tự do vào trong nơi chí thánh trên trời (trong tâm thần).

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus…” (Hê-bơ-rơ 10:19).

Vì Sao Có Sự Khác Biệt về Các Loài Thú Vật Tinh Sạch và Không Tinh Sạch?

Dù Thánh Kinh không nói rõ nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, sau khi loài người phạm tội, tội lỗi vào trong thế gian làm cho mọi loài xác thịt bị thoái hóa và dẫn đến sự chết. Hậu quả là, có những loài thú vật mang nhiều mầm bệnh, nhất là những loài ăn tạp, ăn cả phân hoặc xác chết các loài khác. Những loài thú đó bị xem là không tinh sạch, không thể dâng làm sinh tế lên Thiên Chúa.

Đến khi Thiên Chúa cho phép loài người được ăn thịt trong thời kỳ sau Cơn Nước Lụt thì Ngài vẫn chưa ban hành lệnh cấm ăn thịt các loài thú vật không tinh sạch, có lẽ, vì lúc đó hệ thống miễn nhiễm của loài người chưa bị thoái hóa nhiều. Đến thời kỳ Cựu Ước thì mọi loài xác thịt đã bị suy thoái nhiều, các loài thú vật không tinh sạch thì càng mang thêm những mầm bệnh, còn loài người thì hệ thống miễn nhiễm cũng đã quá suy yếu. Vì thế, luật cấm anh chị em ruột kết hôn lẫn nhau và luật cấm ăn thịt các loài thú vật không tinh sạch được ban hành. Ngày nay, y khoa biết được: anh chị em ruột kết hôn lẫn nhau sẽ sinh ra con cái bị nhược trí, rối loạn thần kinh hoặc dị tật; các sinh vật mà Thánh Kinh xếp loại không tinh sạch là những sinh vật có chứa nhiều mầm bệnh, như: sán sơ mít trong thịt heo, chất cholesterol xấu trong các loài tôm, cua…

Tuy nhiên, thời Tân Ước, Chúa đã phán rõ ràng ba lần về các loài thú vật không tinh sạch, rằng Ngài đã làm cho chúng trở nên tinh sạch. Vì thế, con dân Chúa có thể dùng “vật gì cử động mà có sự sống” làm thức ăn theo tinh thần của Sáng Thế Ký 9:3; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15 và 15:29; nghĩa là: ăn mọi thứ thịt nhưng không ăn thịt chưa ráo máu, không ăn thịt thú vật chết ngạt, không ăn huyết, và không ăn các thức ăn đã dâng cúng cho thần tượng.

Nhờ Đâu Các Loài Thú Vật Không Tinh Sạch Được Trở Nên Tinh Sạch?

Đức Chúa Trời đã làm điều đó qua sự Ngài chấp nhận huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì cớ loài người phạm tội mà muôn vật dưới quyền cai trị của loài người bị họa lây, cho nên, khi sự cứu chuộc tội lỗi của loài người được hoàn tất thì muôn vật cũng được tinh sạch:

“Vì chúng ta biết rằng, cả muôn vật cùng than thở và cùng chịu khó nhọc cho đến ngày nay.” (Rô-ma 8:22).

“…và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.” (Cô-lô-se 1:20).

Muôn vật, trong đó có loài người, được trở nên tinh sạch nhờ vào huyết của Đức Chúa Jesus Christ, nhờ đó mà muôn vật mới có thể phục hòa với Đấng Christ. Tuy nhiên, với loài người, thì mỗi người phải tiếp nhận sự thánh hóa và phục hòa mà Đấng Christ đã ban cho. Ngài đã ban cho sự tha tội, Ngài đã làm cho mỗi người được tinh sạch khỏi tội lỗi, nhưng mỗi người phải nhận lãnh cho chính mình.

Lý Luận của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm

Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm và một vài giáo hội khác cho rằng khải tượng của Sứ Đồ Phi-e-rơ chỉ có ý nghĩa, rằng Đức Chúa Trời đã làm cho dân ngoại được tinh sạch chứ không phải các loài thú vật. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Nếu Đức Chúa Trời vẫn không cho phép loài người ăn thịt các loài thú vật không tinh sạch thì tại sao Đức Chúa Trời lại bảo Phi-e-rơ hãy làm thịt và ăn các loài thú vật không tinh sạch. Nếu Đức Chúa Trời chỉ muốn truyền lệnh cho Phi-e-rơ đừng kỳ thị dân ngoại, xem họ là ô uế nữa, thì Ngài không cần bảo Phi-e-rơ hãy làm thịt và ăn các loài thú không tinh sạch. Ngài chỉ cần trực tiếp phán bảo ông hãy đi giảng Tin Lành cho dân ngoại, như Đức Chúa Jesus Christ đã phán cùng toàn thể môn đồ trong Ma-thi-ơ 28:19 “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh”, hoặc cho ông có sự mạc khải tương tự như Ngài đã ban cho Sứ Đồ Phao-lô, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:9-10 “Đang ban đêm, Phao-lô thấy khải tượng; có một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt mình, nài xin rằng: Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi. Phao-lô vừa thấy khải tượng đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng Chúa gọi chúng ta rao truyền Tin Lành ở đó.” Hơn nữa, Phi-e-rơ nhận được khải tượng trong khi ông đang đói và thèm ăn.

Đức Chúa Trời đã dùng cơ hội đó để dạy cho Hội Thánh, thông qua Phi-e-rơ, rằng huyết của Đấng Christ đã làm cho muôn vật được tinh sạch để muôn vật có thể phục hòa cùng Đấng Christ. Phủ nhận sự kiện các loài thú không tinh sạch đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch là phủ nhận ba lần lời phán của Đức Chúa Trời: “Những vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, ngươi chớ xem là chẳng sạch” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15), đồng thời phủ nhận luôn các câu Thánh Kinh sau đây:

“Chẳng phải vật gì vào miệng làm cho một người không tinh sạch; nhưng điều gì ra từ miệng, điều ấy mới làm cho một người không tinh sạch.” (Ma-thi-ơ 15:11).

“Bởi vì, mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài, [mọi sự đầy dẫy của Thiên Chúa,] và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.” (Cô-lô-se 1:19-20).

“Thực tế, mọi sự chắc chắn là tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì là tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.” (Tít 1:15).

“Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa là tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ.” (I Ti-mô-thê 4:4).

Nếu trong thời Tân Ước vẫn còn phân biệt các loài thú vật tinh sạch hoặc không tinh sạch thì trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29 Đức Thánh Linh đã phán rằng: Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt cùng các loài thú vật không tinh sạch… Nếu quả thật vẫn còn có sự phân biệt tinh sạch và không tinh sạch thì không có lý do gì Đức Thánh Linh nhắc đến máu và thú vật chết ngạt mà lại không nhắc đến các loài thú vật không tinh sạch. Chúng ta cũng nhận thấy, trong thời kỳ Tân Ước mỡ cũng không còn bị cấm ăn, bởi vì, trong thời kỳ Tân Ước sự biệt riêng mỡ để dâng lên Thiên Chúa cũng không còn nữa. Huyết vẫn bị cấm ăn vì trong huyết có sự sống và thú vật bị chết ngạt vẫn bị cấm ăn vì khi thú vật bị chết ngạt thì huyết vẫn còn trong thân thể chúng.

Thái Độ Nên Có của Con Dân Chúa Đối Với Các Thức Ăn

Thánh Kinh đã dạy rõ cho con dân Chúa thái độ nên có đối với các thức ăn:

  • Không được ăn huyết.
  • Không được ăn thịt thú vật chết ngạt.
  • Không được ăn các thức ăn đã dâng cúng cho thần tượng.
  • Ngoài ra, mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, tức là, đối với con dân Chúa, không còn sự phân biệt tinh sạch và không tinh sạch đối với các loài thú vật dùng làm thức ăn: “Thực tế, mọi sự chắc chắn là tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì là tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.” (Tít 1:15).

Về sau, trong các thư tín, Sứ Đồ Phao-lô cũng dạy rằng, luật phân biệt các thức ăn tinh sạch với thức ăn không tinh sạch chẳng còn áp dụng cho tín đồ nữa. Tuy nhiên, nếu ai muốn tiếp tục kiêng cữ thì cứ kiêng cữ nhưng đừng xét đoán người không kiêng cữ. Theo Phao-lô, người kiêng cữ là người có đức tin yếu đuối (vì không dám tin vào khải tượng Chúa đã tỏ ra cho Phi-e-rơ):

Rô-ma 14:1-6

1 Các anh chị em hãy tiếp nhận người yếu đức tin, nhưng không phải để đánh giá những ý tưởng đắn đo.

2 Người thì thật sự tin mình có thể ăn được mọi thứ, nhưng người yếu đuối thì ăn rau.

3 Người ăn chớ khinh dể người không ăn và người không ăn chớ phán xét người ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp nhận người ấy. [Tiếp nhận người ăn lẫn người không ăn.]

4 Ngươi là ai mà phán xét tôi tớ của người khác? Người ấy đứng hay ngã là việc đối với chủ của người ấy. Nhưng người ấy sẽ được giữ cho đứng, vì Đức Chúa Trời có thể làm cho người ấy được giữ cho đứng.

5 Người thì thật sự phán đoán ngày này hơn ngày khác. Người khác thì phán đoán mọi ngày như nhau. Mỗi người hãy tin chắc trong tâm trí của mình.

6 Người giữ ngày, giữ vì Chúa. Người không giữ ngày, vì Chúa, người ấy không giữ. Người ăn, ăn vì Chúa, vì người ấy tạ ơn Đức Chúa Trời. Người không ăn, vì Chúa, người ấy không ăn và tạ ơn Đức Chúa Trời.

(Sự giữ ngày nói đến trong những câu trên đây không phải là sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn của Đức Chúa Trời mà con dân Chúa trong mọi thời đại phải vâng giữ, kể cả thời ngàn năm bình an, nhưng là sự giữ ngày kiêng ăn, là điều Thánh Kinh không quy định, cho nên, ai muốn kiêng ăn vào ngày nào thì cứ kiêng ăn vào ngày đó. Ngay cả sự kiêng ăn, Thánh Kinh cũng không đặt thành điều răn, ngoại trừ việc kêu gọi tội nhân kiêng ăn trong sự ăn năn tội và kêu gọi con dân Chúa kiêng ăn để đuổi những thứ quỷ dữ.)

I Ti-mô-thê 4:1-5

1 Nhưng Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, một số người sẽ từ bỏ đức tin mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.

2 Chúng nói những lời nói dối trong sự giả hình, làm cho lương tâm của chúng chai lì.

3 Chúng cấm cưới gả, kiêng các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên cho những ai tin và biết lẽ thật nhận lấy với lời cảm tạ.

4 Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa là tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ.

5 Vì mọi vật ấy được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.

Nhờ Lời Đức Chúa Trời tức là nhờ lời Ngài đã phán ba lần cùng Sứ Đồ Phi-e-rơ: “Những vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, ngươi chớ xem là chẳng sạch.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15). Nhờ lời cầu nguyện tức là nhờ lời mà chúng ta cảm tạ Chúa khi nhận lãnh thức ăn.

Kết Luận

Mỗi con dân Chúa là một Đền Thờ của Đức Chúa Trời có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể mình. Vì là Đền Thờ của Chúa, đã được rưới bằng huyết của Chúa rồi (Khải Huyền 1:5), nên thân thể của chúng ta trở nên rất thánh. Vật chi đụng vào chúng ta thì cũng trở nên thánh:

“…sẽ trở nên một bàn thờ rất thánh. Bất cứ vật gì đụng đến bàn thờ thì sẽ nên thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:37).

Các thức ăn không thể làm ô uế chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy như vậy:

“Chẳng phải vật gì vào miệng làm cho một người không tinh sạch; nhưng điều gì ra từ miệng, điều ấy mới làm cho một người không tinh sạch.” (Ma-thi-ơ 15:11).

Ngay cả người chồng hay người vợ chưa tin Chúa mà bằng lòng sống chung với chúng ta sau khi chúng ta tin nhận Chúa, và con cái của chúng ta có với họ, cũng đều nhờ chúng ta mà được nên thánh:

“Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.” (I Cô-rinh-tô 7:14).

(Sự nên thánh này không phải là sự nên thánh để được cứu rỗi, tức là sự được tha tội và làm cho sạch tội, mà là sự được Đức Chúa Trời biệt riêng [2] họ ra để chúng ta có thể sống chung với họ. Nếu họ không ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì họ vẫn ở trong địa vị bị hư mất đời đời. Câu Thánh Kinh này cũng không hàm ý cho phép con dân Chúa được kết hôn với người chưa tin Chúa. Đây là trường hợp của những cặp vợ chồng không tin Chúa, nhưng sau đó, một trong hai người tin nhận Chúa.)

Dù trong thời Tân Ước, các loài thú vật đều đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch, nhưng không phải thức ăn nào cũng có ích cho chúng ta. Có người bị dị ứng với một số thức ăn và tham ăn thì sẽ làm hại sức khỏe. Vậy, chúng ta kiêng cữ một số thức ăn là vì nó không hợp với khẩu vị của chúng ta hoặc không hợp với thể chất của chúng ta, chứ không phải vì tin rằng ăn thức ăn đó là vi phạm luật pháp của Thiên Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh luôn dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
09/10/2012

Ghi Chú

[1] Xem bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[2] Chữ thánh ngoài nghĩa tinh sạch còn có nghĩa là biệt riêng ra cho một mục đích nào đó.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/