Khải Huyền 3:15: Lời Cảnh Cáo Nghiêm Trọng

4,477 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Khải Huyền 3:14-22

14 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Lao-đi-xê: Đây là những lời phán của Đấng A-men: Chứng Nhân Thành Tín và Chân Thật; Đấng Khởi Đầu Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời:

15 Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng!

16 Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.

17 Vì ngươi nói rằng: Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả; mà không biết rằng ngươi khốn khó, thảm thương, nghèo thiếu, mù lòa và lõa lồ.

18 Ta khuyên ngươi hãy mua từ nơi Ta: vàng đã thử lửa để ngươi trở nên giàu có, áo xống trắng để ngươi được mặc và nỗi hổ thẹn về sự lõa lồ của ngươi không lộ ra. Hãy thoa mắt ngươi với thuốc thoa mắt để ngươi được thấy.

19 Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và cải hối.

20 Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta.

21 Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta như Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai Ngài.

22 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.

Cách nay khoảng 2,266 năm, Hoàng Đế An-ti-ốt Đệ Nhị của Si-ri (286-246 TCN) cho xây dựng một thành phố bên bờ sông Lycus của miền Tiểu Á và đặt tên theo tên của hoàng hậu, là Lao-đi-xê. Lao-đi-xê là một danh từ ghép, có nghĩa là “công chính cho nhân dân”, (lao = nhân dân; đi-xê = công chính). Vài năm sau đó, Hoàng Hậu Lao-đi-xê đã ra tay đầu độc Hoàng Đế An-ti-ốt Đệ Nhị để đưa con riêng của mình lên ngôi vua.

Thành phố Lao-đi-xê được bao quanh bởi các nông trại trù phú lại nằm trên giao lộ của các thành phố lớn cho nên dễ trở thành một trung tâm thương mại và tài chính quan trọng.

Vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, Lao-đi-xê thuộc về Đế Quốc La-mã và trở thành một trong những thành phố giàu có nhất thế giới thời bấy giờ.

Dân chúng tại Lao-đi-xê đa số là người Si-ri và người Do-thái đến từ Ba-bi-lôn. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, khi Giăng viết sách Khải Huyền, có ước chừng 7,500 gia đình Do-thái sống tại Lao-đi-xê. Những gia đình Do-thái này nắm trong tay quyền kiểm soát phần lớn các hoạt động tài chính và thương mại.

Lao-đi-xê có những đặc điểm như sau:

1. Là một trung tâm tài chính và ngân hàng lớn.

2. Là một trung tâm may mặc nổi tiếng, chuyên sản xuất các áo choàng dệt bằng lông chiên màu đen.

3. Là một trung tâm y dược với các suối nước nóng chứa nhiều khoáng chất chữa được nhiều thứ bệnh. Nổi tiếng nhất là các loại thuốc xức tai và xức mắt được xuất cảng đi khắp nơi trên thế giới.

Trong thành phố giàu có Lao-đi-xê này có một Hội Thánh “giàu có” của Đấng Christ!

Hội Thánh Lao-đi-xê

Hội Thánh Lao-đi-xê có thể do nhà truyền giáo Ê-pháp-ra thành lập trong thời gian ông hầu việc Chúa tại Hội Thánh Cô-lô-se. Cô-lô-se cách Lao-đi-xê khoảng 8 dặm (17 km) về phía Đông. Ban đầu, Hội Thánh Lao-đi-xê nhóm họp trong nhà của một tín đồ tên là Nim-pha, và vị giám mục đầu tiên tên là A-chíp (Cô-lô-se 4:15, 17).

Trong bảy Hội Thánh Đức Chúa Jesus truyền cho Sứ Đồ Giăng viết thư, Hội Thánh Lao-đi-xê là Hội Thánh giàu có nhất nhưng không có một điểm nào đáng khen đối với Chúa. Trái lại, Chúa đã dùng những lời quở trách rất nặng đối với Hội Thánh Lao-đi-xê. Lời nhận xét chung của Chúa đối với Hội Thánh Lao-đi-xê là:

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng!” (Khải Huyền 3:15).

Những tính từ “lạnh” và “nóng” trong câu này được dùng để chỉ cái lạnh như băng giá và cái nóng như nước sôi. Trạng thái không nóng mà cũng không lạnh được gọi là “hâm hẩm”. Về phương diện thuộc linh:

  • “nóng” là từ bỏ thế gian, mỗi ngày liều mình vác thập tự giá mình, đi theo Chúa (Mác 8:34).
  • “lạnh” là mê mải chạy theo đời này, bỏ quên sự cứu rỗi đã nhận được trong Đấng Christ (II Ti-mô-thê 4:10).
  • “hâm hẩm” là thái độ của người tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ nhưng chọn lối sống thỏa hiệp với thế gian thay vì sống theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Đây là thái độ làm nô lệ hai chủ (Ma-thi-ơ 6:24; Lu-ca 16:13).

Điều quan trọng và đáng sợ trong câu nói của Đức Chúa Jesus là Ngài biết công việc của Hội Thánh. Không ai có thể qua mắt được Chúa. Những hào nhoáng, lễ nghi, mục vụ rộn ràng bên ngoài không thể nào che đậy được sự hâm hẩm bên trong của một Hội Thánh.

Một Hội Thánh hâm hẩm có thể giàu có về cơ sở vật chất, đông đảo tín đồ, với nhiều ban ngành và chương trình hoạt động sôi nổi nhưng bên trong không có lòng sốt sắng kính yêu, thờ phượng Chúa.

Một Hội Thánh hâm hẩm được hình thành bởi những tín đồ hâm hẩm, và phần lớn là được dẫn dắt bởi những người lãnh đạo cũng hâm hẩm.

Đặc điểm của Hội Thánh Lao-đi-xê

Dựa vào lời quở trách của Đức Chúa Jesus đối với Hội Thánh Lao-đi-xê, chúng ta nhận thấy những đặc điểm về tình trạng hâm hẩm thuộc linh của Hội Thánh này như sau:

1. Khoe khoang sự giàu có vật chất mà không nhận biết tình trạng nghèo khó thuộc linh. Hội Thánh Lao-đi-xê nương cậy vào của cải đời này nhưng không biết thâu chứa tài sản mình vào kho chứa ở trên trời.

“Đừng thu chứa của cải trên đất cho các ngươi; nơi có mối mọt và sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm đào khoét và lấy trộm. Nhưng hãy thu chứa của cải trên trời cho các ngươi; nơi chẳng có mối mọt, cũng chẳng có sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm chẳng đào khoét cũng chẳng lấy trộm. Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng của các ngươi cũng sẽ ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:19-21).

2. Là nơi sản xuất áo choàng danh tiếng nhưng lại lõa lồ, xấu hổ về thuộc linh. Hội Thánh Lao-đi-xê không nương cậy vào sự thánh hóa bởi Lời Chúa và quyền năng của Đức Thánh Linh nhưng đã nương cậy vào những việc làm công đức của mình.

“Này, Ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình để không bước đi lõa lồ và bị người ta nhìn thấy sự hổ thẹn mình.” (Khải Huyền 16:15).

3. Là nơi bào chế thuốc xức mắt danh tiếng nhưng lại đui mù về thuộc linh. Hội Thánh Lao-đi-xê đã để cho thần của đời này làm cho mù lòng mình.

“Nhưng nếu ngay cả Tin Lành của chúng tôi là đã bị che khuất, thì ấy là đã bị che khuất trong những kẻ bị hư mất. Trong họ, Đức Chúa Trời của đời này [Sa-tan] đã làm mù lý trí của những kẻ chẳng tin để chẳng chiếu sáng họ sự chói sáng của Tin Lành của sự vinh quang của Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 4:3-4).

Lời cảnh cáo của Đấng Christ.

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng! Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:15-16).

Người Lao-đi-xê hơn ai hết hiểu rõ lời cảnh cáo này của Đức Chúa Jesus. Thành phố Lao-đi-xê có hơn hai trăm nhà tắm chữa bệnh nhờ vào các suối nước nóng có chứa nhiều khoáng chất. Nhưng nước từ các suối này không thể uống được vì mức độ khoáng chất quá cao. Để cung cấp nước uống cho Lao-đi-xê, chính quyền La-mã đã làm một đường ống dẫn nước từ một suối nước cách thành phố 5 dặm về phía Nam. Dầu vậy, mức độ vôi trong nước khá cao. Nước ra từ nguồn suối thì mát lạnh nhưng khi về đến thành phố qua đường ống dẫn đã trở thành hâm hẩm bốc ra mùi tanh của chất vôi khiến rất khó uống, trừ khi được đun nóng lên.

Tình trạng thuộc linh của Hội Thánh Lao-đi-xê đối với Đấng Christ cũng giống như nước uống hâm hẩm đối với người dân Lao-đi-xê.

Lời cảnh cáo “Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” là một lời cảnh cáo nghiêm trọng.

Cơ hội cuối cùng

Cảm tạ Chúa vì sự nhân từ còn đến đời đời của Ngài. Với một Hội Thánh hoàn toàn không có một ưu điểm nào hết như Hội Thánh Lao-đi-xê Ngài vẫn ban cho cơ hội ăn năn.

“Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và cải hối.” (Khải Huyền 3:19).

Mục đích của sự quở trách là khiến cho kẻ có lỗi nhận biết lỗi và ăn năn, vì vậy, sự quở trách phát xuất từ tình yêu.

Kết luận

Người tín đồ hâm hẩm ưa thích thế gian và những sự thuộc về thế gian. Tình trạng hâm hẩm phát sinh khi người tín đồ xem trọng những phước hạnh vật chất Chúa ban cho mình hơn là chính Chúa. Vì xem trọng những phước hạnh vật chất cho nên người tín đồ sẵn sàng hạ thấp các tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa để thỏa hiệp với thế gian mong thu góp và bảo vệ những danh tiếng, quyền thế, của cải trong đời.

Câu hỏi dành cho mỗi chúng ta hôm nay đó là:

  • Chúng ta nương cậy nơi của cải và sự giàu sang của đời này hay chúng ta đang thâu trữ vào kho ở trên trời?
  • Chúng ta nương cậy nơi việc làm công đức của mình hay chúng ta nương cậy nơi sự thánh hóa của Lời Chúa và quyền năng của Đức Thánh Linh?
  • Chúng ta có nhìn ra sự nghèo khó, lõa lồ thuộc linh của mình để chạy đến với tình yêu và sự nhân từ của Chúa hay sự ham mến thế gian đã làm cho mắt thuộc linh của chúng ta bị mù?

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

10/12/2006