Điều Răn: Lấy Danh Chúa Làm Chơi

4,076 views

Lấy Danh Chúa Làm Chơi

“Đừng làm ô danh thánh Ta, thì Ta sẽ được tôn thánh giữa dân I-sơ-ra-ên: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho các ngươi nên thánh…” (Lê-vi-ký 22:32).

Đức Chúa Jesus dạy chúng ta rằng, mỗi khi cầu nguyện hãy nhân danh Ngài thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nhận:

“Và bất cứ điều gì các ngươi xin trong danh Ta, Ta sẽ làm cho để Cha được vinh hiển nơi Con. Nếu các ngươi xin bất cứ điều gì trong danh Ta, Ta sẽ làm cho.” (Giăng 14:13-14).

Sứ Đồ Phao-lô cũng dạy rằng hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu (Rô-ma 10:13). Đối với người chưa tin, được cứu là được cứu khỏi hình phạt đời đời trong hoả ngục; còn đối với người đã tin Chúa, được cứu là được cứu khỏi ảnh hưởng của các đồn lũy của tội lỗi, hay cứu khỏi sự đe dọa tính mạng, khỏi bệnh tật, khỏi sự cám dỗ của ma quỷ, v.v. Danh Chúa Jesus do đó là sức mạnh thuộc linh của chúng ta để chống cự với thế lực bóng tối. Cầu nguyện, kêu cầu trong danh Chúa Jesus tức là kêu gào chính Thiên Chúa Ngôi Hai để Ngài đứng trong vị trí của chúng ta mà cầu thay cho chúng ta với Chúa Cha. Do vậy Cơ-đốc nhân thường chấm dứt lời cầu nguyện của mình bằng câu nhân danh Chúa Jesus, Amen.” Gọi danh Thiên Chúa là một hành động nghiêm trọng nhất một người có thể làm trong đời này và đời sau.

Vì danh Chúa là tối trọng trong quan hệ giữa Cơ-đốc nhân và Thiên Chúa, là vũ khí đầy quyền năng của Cơ-đốc nhân chống lại thế lực tối tăm, danh Chúa phải được chúng ta ngưỡng trọng. Chính Chúa đã ra điều răn để bảo vệ danh Ngài:

“Ngươi sẽ không lấy danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi mà làm ra vô ích, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng kể vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm ra vô ích.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7).

Gọi danh Chúa làm chơi là phạm vào một trong Mười Điều Răn của Chúa ban, khiến người phạm tội mất đi quyền năng/sức sống từ Chúa, và hậu quả là người đó trở nên một Cơ-đốc nhân biểu kiến, nằm chờ ma quỷ đến đem đi.

Có nhiều hình thức gọi danh Chúa làm chơi: kêu tên Ngài trong khi rủa sả, trong sự chửi bới, hoặc vì quen miệng không có mục đích gì hết. Chúng tôi liệt kê sau đây vài hình thức gọi danh Chúa làm chơi:

1- Trời ơi! (Oh my God!)

2- Jesus! (Giê-su! Người Công giáo hay gọi “Giê-su ma”)

3- Gosh! (Đây là cách nói trại từ “God”)

4- Jeez! (Đây là cách nói trại từ “Jesus”)

Có một hình thức tinh tế hơn nữa để xúc phạm danh Chúa là dùng vai trò của Chúa, chân lý về Chúa, thuộc tính của Chúa, Hội Thánh, chức vụ thánh, vai trò tín đồ, v.v. trong các truyện hài hước. Cười là món quà Chúa ban cho loài người để đem lại một vài phút thư giãn về tinh thần và tâm lý. Hài hước có thể giúp cho người ta nhìn thấy được lẽ thật của một vấn đề. Hài hước là môi trường tốt đem lại sự cảm thông, xóa tan đi những ngăn cách vì xa lạ giữa con người với nhau, v.v… Tuy nhiên, như bất kỳ một sự ban cho nào khác của Đức Chúa Trời, nếu lạm dụng hoặc sử dụng một cách vô ý thức, hài hước trở thành tội lỗi. Hình thức xúc phạm tinh tế đó điển hình trong sự kiện sau đây:

Trong một sự tình cờ, chúng tôi nhận được ấn bản “Tin & Sống, Bộ Mới – Số 1 – Năm 2004 do “Liên Hữu Hội Thánh Báp-Tít Việt Nam” ấn hành. Ấn bản này có chủ đề: “Môn Đồ Hóa Tại Hội Thánh Địa Phương”. Phần lớn những bài viết đăng trong số “Tin & Sống” này là những bài bồi dưỡng tâm linh cho tín hữu hoặc huấn luyện công tác phát triển Hội Thánh rất quý giá. Nhưng khi xem đến trang 55 và 56 chúng tôi đọc thấy có ba mẩu “chuyện vui” dưới chủ đề “Phút Thư Giãn”. Trong cả ba mẩu “chuyện vui” đó, không một mẩu chuyện nào xứng đáng được nói ra bởi môi miệng của một thánh đồ. Mẩu chuyện thứ nhất và thứ nhì đã lấy danh Chúa và những điều căn bản nhất của Cơ-đốc giáo ra giễu cợt để mua vui. Mẩu chuyện thứ ba đã lấy chức vụ chăn bầy thiêng liêng ra để châm biếm. Có thể chủ tâm của người kể và người đăng là cống hiến cho độc giả những “phút thư giãn” tinh thần sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhưng nội dung của những mẩu chuyện đó khiến cho các thánh đồ phải rùng mình kinh sợ và đau lòng. Kinh sợ vì sự phạm thượng nghiêm trọng của câu chuyện và đau lòng vì những sự phạm thượng này không do người thế gian làm ra, mà là do chính những “anh em cùng đức tin” gây ra với sự đồng thuận vô tình hay hữu ý của những người lãnh đạo trong Ban Biên Tập “Tin & Sống”.

Chúng tôi có những nhận xét về mẩu chuyện thứ nhất – “Con Ngựa của Nhà Truyền Giáo” như sau :

1. Câu chuyện dùng những chữ như “Cảm tạ Chúa” và “Amen” như là lời hô hoán để đánh nhịp cho con ngựa chạy hay ngừng một cách máy móc. Đây là những âm thanh được người công nghĩa trong Chúa Jesus thốt ra từ đáy lòng trong sự tương giao mật thiết với Chúa, nhưng nó đã bị một người nào đó, có lẽ là người không/chưa tin Chúa, biến thành những tiếng động ngờ nghệch dùng để điều khiển thú vật. Tệ hơn nữa, câu chuyện phạm thượng này lại được một tờ báo Cơ-đốc đăng tải để giúp cho tín nhân một chút “thư giãn.”

2. Câu chuyện hàm ý rằng khi người đang cưỡi ngựa, là một kẻ khốn khổ đáng giúp, thốt lên tiếng “Cảm tạ Chúa” thì ông ta rớt ngay xuống vực thẳm vì “Cảm tạ Chúa” dùng để khiến con ngựa phóng tới trước và khi đó người và ngựa đang dừng lại (do người cưỡi ngựa thốt ra chữ “Amen”) chỉ cách vực thẳm 4 phân. Chúng ta biết được rằng Chúa nắm quyền trên sự sống và sự chết, trong sự phước hạnh cũng như đau khổ. Vì vậy Sứ Đồ Phao-lô khuyên Cơ-đốc nhân cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhưng trong bối cảnh của câu chuyện phạm thượng này, cái chết do rơi xuống vực thẳm là bất ngờ xảy đến trong khi lòng của người cưỡi ngựa đang muốn cảm tạ Chúa thật vì con ngựa đã dừng lại kịp trước miệng vực. Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng những chữ Cơ-đốc nhân dùng trong cầu nguyện, trong sự tôn vinh Chúa, được dùng một cách ngu xuẩn để điều khiển thú vật, và hậu quả của sự dùng này là cái chết bất ngờ và thảm khốc.

3- Câu chuyện ngụ ý nếu không nói “Cảm tạ Chúa” thì được sống (không rớt xuống vực thẳm). Đây là sự lừa dối tinh tế của ma quỷ muốn lôi kéo con người xa khỏi Chúa. Cảm tạ Chúa và tôn vinh Ngài là vũ khí của Cơ-đốc nhân chống lại ảnh hưởng tăm tối của thế lực bóng tối. Cho dù trong một nghịch cảnh nào đó, khi chúng ta không còn sức lực của con người để thốt ra lời cảm tạ Chúa, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa trong trí tưởng. Chúa Thánh Linh sẽ nghe thấy tiếng thổn thức của trái tim chúng ta mà cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8:26-27). Câu chuyện chống nghịch lại mầu nhiệm của sự tương giao giữa Chúa và người và điều ngạc nhiên nó được đăng tải trên tờ báo của một giáo phái lớn của Việt Nam.

4- Tồi tệ thêm nữa, câu chuyện cho biết chính nhà truyền giáo có đôi chân thật đẹp của Đức Chúa Trời là người truyền dạy cho người cưỡi ngựa những lời đó để sai khiến con ngựa (Rô-ma 10:15). Câu chuyện, do đó phủ lên đầy tớ Đức Chúa Trời một vai trò ngu xuẩn, ngờ nghệch.

Chúng tôi có những nhận xét về mẩu chuyện thứ nhì – “Chớ Bỏ Qua Sự Nhóm Lại” như sau:

1. Người chăn bị đem ra giễu cợt: bỏ thờ phượng để đi săn gấu, không hiểu sự cứu rỗi linh hồn là chỉ dành cho người chứ không bao gồm cả thú. Vị trí đặc biệt của con người trước Chúa đã bị đặt ngang hàng với loài thú. Chúng ta có thể nói rằng nền tảng cơ bản nhất của Thánh Kinh đã bị đem ra xuyên tạc, bóp méo, trộn lẫn với Phật giáo (cho rằng sự giác ngộ bao gồm cho cả loài thú). Công tác cảm hóa tội nhân của Đức Thánh Linh bị đem ra giễu cợt. Ý nghĩa của sự tin đạo, tái sinh bị đem ra giễu cợt.

2. Sự cầu nguyện là tương giao thiêng liêng mật thiết giữa tín nhân và Chúa bị đem ra giễu cợt: Gấu cũng biết cầu nguyện. Danh Thánh của Chúa Jesus bị gấu đem ra giễu cợt, châm biếm.

Trong mẩu chuyện thứ ba – “Những Cái Trứng Hư” dầu mức độ phạm thượng có ít trầm trọng hơn hai mẩu chuyện trên, nhưng điều đáng nói vẫn là sự xem thường, hoặc coi khinh chức vụ tôn quý nhận lãnh từ nơi Chúa của những người chăn bầy.

Cho đến nay, tức là đã hơn một năm rưỡi trôi qua kể từ khi số báo trên được phát hành, chúng tôi không biết là ban biên tập “Tin & Sống”:

– Có nhận được phản ứng nào từ phía độc giả về những mẩu chuyện xúc phạm danh Chúa và những nền tảng của đạo Chúa này hay không. Nếu có, quý vị đã hồi đáp ra sao?

– Đã đọc qua những câu chuyện này chưa. Nếu đã đọc, quý vị có nhận biết được sự phạm thượng trong đó? Và, quý vị có nhận thấy cần phải lên tiếng về vấn đề này?

Gọi danh Chúa làm chơi là một tội lỗi nghiêm trọng trong Hội Thánh. Những tội lỗi như thế này cần phải được công khai sửa chữa trên tầm mức tương đương. Nghĩa là, nếu những câu chuyện “thư giãn” này được đăng trên báo “Tin & Sống”, thì bài sửa đổi, khiển trách, sửa mình phải được đăng trên cùng một báo để làm gương cho tín nhân. Nếu tội lỗi như thế này được che đậy, thì quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Hội Thánh sẽ bị cắt đứt. Khi đó hội sẽ hết thánh và “hội thánh” sẽ trở nên một tổ chức tôn giáo, là hỗn hợp giữa “đạo” và đời như giáo hội Công giáo vậy.

Huỳnh Christian Timothy
16/09/2005