Kiêu Ngạo và Khiêm Nhường

5,878 views

I. Định nghĩa:

Kiêu ngạo là sự khoe mình quá mức nhằm nâng mình lên trên người khác. Kiêu ngạo là tội lỗi. Sa-tan muốn hơn Đức Chúa Trời, loài người muốn bằng Đức Chúa Trời. Kiêu ngạo thường đi đôi với tham lam và dối trá.

Khiêm nhường là biết từ bỏ địa vị cao trọng của mình để hòa nhập với người khác hầu có thể nâng họ lên cùng một địa vị với mình. Khiêm nhường còn là nhận biết giá trị thật sự của mình để học tập nơi người hiểu biết hơn mình.

II. Hậu quả của sự kiêu ngạo:

1. Sự kiêu ngạo lừa gạt lòng người.

“Hỡi ngươi ở trong bộng đá lớn, choán trên đỉnh núi kia, cho mình là đáng sợ, lòng kiêu ngạo đã dối trá ngươi; dầu ngươi lót ổ mình cao như ổ chim ưng, Ta cũng làm cho ngươi từ đó rớt xuống, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Giê-rê-mi 49:16).

2. Sự kiêu ngạo khiến cho cứng lòng.

“Nhưng vì lòng người tự cao, và tính người cứng cỏi, làm một cách kiêu ngạo, nên người bị truất mất ngôi vua và lột hết sự vinh quang.” (Đa-ni-ên 5:20).

3. Sự kiêu ngạo gây ra tranh cạnh.

“Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều cãi lộn; còn sự khôn sáng ở với người chịu lời khuyên dạy.” (Châm Ngôn 13:10).

4. Bị Chúa gớm ghiếc, quở trách, rủa sả, chống cự, và đoán phạt.

“Chúa quở trách kẻ kiêu ngạo, là kẻ đáng rủa sả, hay lầm lạc các điều răn Chúa.” (Thi Thiên 119:21).

“Bất cứ ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt.” (Châm Ngôn 16:5).

“Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.” (Gia-cơ 4:6b).

5. Hay vi phạm các điều răn của Chúa.

“Chúa quở trách kẻ kiêu ngạo, là kẻ đáng rủa sả, hay lầm lạc các điều răn Chúa.” (Thi Thiên 119:21).

6. Bị sa ngã, thất bại.

“Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

III. Phước hạnh của sự khiêm nhường:

1. Được Đức Chúa Trời nâng đỡ.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nâng đỡ người khiêm nhường, đánh đổ kẻ ác xuống đất.” (Thi Thiên 147:6).

2. Được Đức Chúa Trời cứu rỗi.

“Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng con dân của Ngài. Ngài sẽ làm vinh hiển những người khiêm nhường trong sự cứu rỗi.” (Thi Thiên 149:4).

3. Được Đức Chúa Trời ban ơn.

“Quả thật Ngài nhạo báng kẻ hay nhạo báng; nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường.” (Châm Ngôn 3:34).

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.” (Gia-cơ 4:6b)

4. Được Đức Chúa Trời ở cùng và làm cho tươi tỉnh tâm thần.

“Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có tâm thần ăn năn đau đớn và khiêm nhường, để làm tươi tỉnh tâm thần của người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.” (Ê-sai 57:15).

5. Được Đức Chúa Trời sai người giảng Tin Lành.

“Thần của Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngự trên ta; vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã xức dầu cho ta, để giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến để rịt những kẻ vỡ lòng, để rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục” (Ê-sai 61:1).

6. Được tôn quý trong Nước Thiên Đàng.

“Vậy, bất cứ ai tự mình khiêm nhường như đứa trẻ này, người ấy sẽ là lớn hơn hết trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 18:4).

IV. Bản chất khiêm nhường của một người thật sự ở trong Chúa:

1. Bước đi cách khiêm nhường với Chúa.

“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện. Vậy, điều gì mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tìm kiếm nơi ngươi? Chẳng phải là làm sự công bình, yêu sự nhân từ, và bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi sao?” (Mi-chê 6:8).

2. Học khiêm nhường từ nơi Chúa.

“Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

3. Hầu việc Chúa cách khiêm nhường.

“Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt, và ở giữa sự thử thách mà người Do-thái đã lập mưu hại tôi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:19).

4. Ưa thích sự khiêm nhường.

“Hãy có cùng một ý tưởng với nhau! Đừng suy nghĩ những chuyện cao xa! Nhưng hãy hạ mình theo những người khiêm nhường! Chớ tự mình nên khôn sáng!” (Rô-ma 12:16).

5. Khiêm nhường hết mực, xem người khác là tôn trọng hơn mình.

“…với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu” (Ê-phê-sô 4:2).

“Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

6. Mặc lấy sự khiêm nhường.

“Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại!” (Cô-lô-se 3:12).

Kết luận:

Kiêu ngạo là bản chất của con người cũ. Một người thật sự ở trong Chúa sẽ không còn kiêu ngạo. Người đó đã được dựng nên mới. Bản chất của con người mới là khiêm nhường, hạ mình, xem người khác là tôn trọng hơn mình.

Huỳnh Christian Timothy