Hỏi & Đáp: Xức Dầu và Chuyển Lửa

2,715 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Xin hỏi anh Tim xức dầu có nghĩa gì? Tại sao các vị mục sư hay xức dầu cho con chiên, mà còn gọi là “xức dầu thánh” hay gọi là “chuyển lửa.” Chuyển lửa gì vậy? Cám ơn.

Đáp:

Trong Thời Cựu Ước, khi Đức Thánh Linh chưa giáng lâm, con dân Chúa không được báp-tem bằng Thánh Linh, thì nghi thức xức dầu tiêu biểu cho sự tuôn đổ Thánh Linh của Chúa trên người được Chúa chọn để thi hành các chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, vua.

Sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm và ngự trong lòng người tin Chúa, thì người tin Chúa đương nhiên được báp-tem bằng Thánh Linh, tức là được nhúng chìm trong Thánh Linh của Chúa. Việc đầy dẫy hay không đầy dẫy Thánh Linh tùy thuộc vào mỗi con dân Chúa. Hễ ai hết lòng tin cậy Chúa, vâng giữ các điều răn của Chúa, thì được đầy dẫy Thánh Linh, còn ai vẫn yêu mến thế gian, những sự thuộc về thế gian hơn là yêu mến Chúa, yêu mến Lời Chúa, vẫn chưa làm theo Lời Chúa, vẫn chưa từ bỏ tội, tức là vẫn còn “say rượu” của thế gian (Ê-phê-sô 5:18), thì đương nhiên không được đầy dẫy Thánh Linh. Mệnh lệnh của Chúa là “Hãy đầy dẫy Thánh Linh,” có nghĩa là, Thánh Linh đã được ban nhưng con dân Chúa phải tiếp nhận cho được đầy dẫy. Chúa không dạy con dân Chúa trong Hội Thánh phải cầu xin hay “xức dầu thánh” hay “chuyển lửa” để được đầy dẫy Thánh Linh.

Lời phán của Chúa trong Lu-ca 11:13 “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Thánh Linh cho người xin Ngài” là trước khi Ngài báp-tem cho Hội Thánh bằng Thánh Linh trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm. Tương tự như mệnh lệnh: “Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 11:5-6), là mệnh lệnh cũng chỉ có hiệu lực trước ngày Đức Thánh Linh giáng lâm.

Chúa chỉ chết một lần để cứu rỗi nhân loại và Chúa chỉ báp-tem bằng Thánh Linh một lần cho Hội Thánh của Chúa. Chúng ta không cần phải cầu xin Chúa chết chuộc tội cho chúng ta mà chúng ta chỉ cần tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Chúng ta không cần cầu xin Chúa báp-tem chúng ta bằng Thánh Linh, vì khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì chúng ta lập tức được Ngài ban cho năng quyền để trở nên con cái của Đức Chúa Trời, tức là ban đặc quyền và ban Thánh Linh cho chúng ta.

Thánh Kinh không dạy con dân Chúa trong Hội Thánh cầu xin cho được báp-tem bằng Thánh Linh, mà chỉ dạy con dân Chúa phải sống theo tâm thần, từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi. I Cô-rinh tô 12:11 ghi rõ, Đức Thánh Linh tùy ý mà ban phát ân tứ riêng cho mỗi người trong Hội Thánh, không phải hễ xin mà được:

Mọi điều đó là công việc của đồng một Đấng Thần Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.”

Hội Thánh cũng không hề dùng nghi thức xức dầu cho các chức vụ trong Hội Thánh; vì chính Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh ban chức vụ và ban Thánh Linh cho người thi hành chức vụ:

Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy” (Ê-phê-sô 4:11).

Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Riêng mỗi con dân Chúa thì đã được Đấng Christ xức dầu (ban Thánh Linh, báp-tem bằng Thánh Linh) cho cả ba thiên chức: tiên tri, thầy tế lễ, vua. Mỗi con dân Chúa được Ngài đổ đầy Thánh Linh để rao giảng Tin Lành (tiên tri), dâng thân thể mình lên Chúa và cầu thay cho Hội Thánh, cho dân tộc (thầy tế lễ), cai trị thân thể hay chết và đồng trị với Đấng Christ (vua).

Tuy nhiên, khi con dân Chúa đau ốm thì cần mời các trưởng lão đến, cùng nhau xưng tội, rồi các trưởng lão lấy dầu ô-li-ve xức cho người bệnh, cầu nguyện xin Chúa tha tội và chữa lành cho người bệnh (Gia-cơ 5:13-16). Đây là trường hợp người bệnh được Đức Thánh Linh cáo trách, cho biết, vì phạm tội mà bị bệnh (I Cô-rinh-tô 11:30). Các trường hợp đau ốm, hoạn nạn khác là do Chúa cho phép xảy ra, để thử thách con dân Chúa nhằm trui rèn đức tin của họ (như trường hợp ông Gióp), thì không cần xưng tội và xức dầu, mà chỉ cần cảm tạ Chúa và xin Chúa thêm sức cho mình chịu đựng.

Khi chúng ta đối diện với bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, thì chúng ta cần xét mình và xin Chúa giúp chúng ta xét mình để: nếu có tội thì ăn năn và xin Chúa tha thứ, chữa lành, giải cứu và cảm tạ Ngài; nếu không có tội thì cảm tạ Chúa và xin Chúa thêm sức để mình chịu đựng cho đến khi nghịch cảnh qua khỏi. Chúa hứa: Không có sự thử thách nào quá sức chúng ta. Ngài luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13).

Còn việc “chuyển lửa” thì tôi không biết chuyển lửa gì. Thánh Kinh hoàn toàn không dạy gì về việc chuyển lửa.

Lửa trong Thánh Kinh tiêu biểu cho hình phạt, như: Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hai con trai của A-rôn bị lửa thiêu hóa, như mỗi người sẽ bị muối bằng lửa, nếu không ăn năn (Mác 9:49), như cả thế gian được để dành cho lửa (II Phi-e-rơ 3:7).

Người thế gian thường gọi sự cảm xúc mạnh mẽ trong lòng một cách văn hoa là lửa lòng hoặc lửa của tim: lửa yêu, lửa giận, lửa ghen… Văn hóa Thế Vận Hội thì có truyền thống chuyển lửa được thắp bằng tia sáng mặt trời từ đền thờ nữ tà thần Hera (vợ của tà thần Zeus) đến quảng trường thi đấu của Thế Vận Hội. Phật Giáo thì có Lửa Tam Muội, trên lý thuyết là loại thân nhiệt do tu luyện mà thành, có thể dùng để chống chỏi khí hậu giá rét hoặc phát ra thiêu cháy ngoại vật. Chúng ta là con dân Chúa thì không nên theo các thói tục của thế gian đi ngược lại các ý nghĩa của Thánh Kinh, nhất là những thói tục có liên quan đến sự mê tín dị đoan của ngoại giáo.

Huỳnh Christian Timothy
12.8.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/download/c5eo73x4ejxafwa/HD_XucDauVaChuyenLua.pdf