Hỏi & Đáp: Hình Tượng

3,864 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Kính gửi anh Tim:

Các hình tượng trưng bày (không phải tượng tà thần như tượng Ông Địa, Phật Quan Âm…) nhằm mục đích giáo dục hoặc tiêu khiển: Em nghĩ việc này Chúa không cấm theo mấy suy luận sau (bản thân em không thích và cũng không hề ủng hộ cho việc chưng tượng):

  • Chúa chỉ cấm đúc, tạc (làm ra tượng đúc, tượng chạm), hầu việc và thờ lạy tượng thôi. Việc lau chùi, sơn quét khi tượng bẩn, cũ do thời gian không phải là hầu việc tượng chẳng qua cũng chỉ như làm vệ sinh cái bàn cái ghế thôi, chỉ khi nào bưng nước, cắm hoa hay thay quần áo cho nó… mới gọi là hầu việc tượng!

  • Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, — dựng nó lên trong nơi kín nhiệm! cả dân sự phải đáp: A-men” (Phục truyền 27:15)! Theo em, đây là các tượng tà thần vì có vế sau “dựng nó lên trong nơi kín nhiệm (để thờ)”. Nếu nói Chúa gớm ghiếc hết tất cả các hình tượng thì không ổn lắm vì có ít nhất bốn hay năm loại tượng mà Chúa không gớm ghiếc, đó là: Chê-ru-bim, sư tử, bò, bọ và có thể cả con rắn nữa!

Đáp:

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau phân tích điều răn thứ nhì (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012):

Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, hoặc hình dạng nào ở trên trời, hoặc ở nơi đất thấp, hoặc ở trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy chúng nó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:8-9).

Điều răn thứ nhì bao gồm ba cấm lệnh:

1. Cấm lệnh thứ nhất: Chớ làm tượng chạm cho mình, hoặc hình dạng nào ở trên trời, hoặc ở nơi đất thấp, hoặc ở trong nước dưới đất.

Những hình dạng ở trên trời, ở nơi đất thấp, ở trong nước dưới đất mà Chúa cấm không cho loài người làm tượng, được liệt kê trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:16-18, như sau:

  • hình dạng của tà thần nào,

  • hình thể của người nam hay người nữ nào,

  • hình thể của con thú nào đi trên đất,

  • hình thể của vật nào có cánh bay trên trời,

  • hình thể của loài côn trùng nào bò trên đất,

  • hình thể của con cá nào ở trong nước dưới đất.

Chúng ta cũng nên lưu ý là trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:16-18 không hề nói đến lý do vì sao Chúa cấm làm tượng theo các hình dạng đã liệt kê. Ngài chỉ cấm loài người làm ra tượng theo các hình dạng ấy. Ngài không phán: Các ngươi không được làm tượng theo các hình dạng ấy để thờ!

2. Cấm lệnh thứ nhì: Chớ quỳ lạy những hình tượng ấy, tức là chớ thờ phượng chúng.

3. Cấm lệnh thứ ba: Chớ hầu việc những hình tượng ấy, tức là chớ làm ra một việc gì giúp ích cho chúng.

Kế tiếp, chúng ta nhận thấy mạng lệnh cấm làm tượng khác với mạng lệnh cấm thờ tượng và mạng lệnh cấm hầu việc tượng:

1. Một người không làm ra tượng vẫn có thể thờ lạy tượng và hầu việc tượng.

2. Một người không làm ra tượng, không thờ lạy tượng, vẫn có thể hầu việc tượng.

Hầu việc tượng bao gồm tất cả những việc làm nào nhằm mang lại ích lợi cho tượng, như: vận chuyển, tắm rửa, lau chùi, sơn phết, tu bổ, lưu trử, trưng bày, quảng cáo, mua bán… Bởi vì, tất cả những hành động đó giúp ích cho sự tồn tại của tượng, tôn vinh tượng, và trực tiếp ủng hộ những người làm tượng, những người thờ tượng.

Hãy so sánh ba điều cấm trong điều răn thứ nhì với thí dụ sau đây. Thí dụ, chính phủ ra lệnh cấm: “Dân chúng không được trồng cần sa, không được hút cần sa, và không được mua bán cần sa.”

Chúng ta thấy rõ:

1. Một người không trồng cần sa vẫn có thể hút cần sa và mua bán cần sa.

2. Một người không trồng, không hút cần sa vẫn có thể mua bán cần sa.

3. Một người không trồng, không hút, không mua bán cần sa nhưng lưu trử, bảo quản, vận chuyển, quảng cáo cần sa… thì cũng trực tiếp ủng hộ những người trồng, hút, và mua bán cần sa.

Sau cùng, chúng ta phải nhận thức rằng, Đức Chúa Trời là Đấng đặt ra pháp luật cho chúng ta. Ngài đứng trên pháp luật do Ngài đặt ra, nghĩa là, Ngài không bị trói buộc bởi pháp luật ấy. Thí dụ, một ông chủ hãng quy định giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi cho công nhân. Công nhân nào liên tục vi phạm quy định ấy sẽ bị đuổi việc. Tuy nhiên, ông chủ hãng không bị ràng buộc bởi quy định ấy. Ông có thể đến muộn về sớm, thậm chí không đến hãng. Ông cũng có thể cho phép một công nhân nào đó được đến muộn, về sớm so với các công nhân khác, bởi một lý do riêng mà có thể chỉ có ông và người ấy biết. Tất cả đều nằm trong ý muốn của ông chủ và ông làm như vậy trong mục đích bảo vệ và phát triển công ty của ông.

Đức Chúa Trời cấm loài người làm tượng nhưng có những trường hợp Đức Chúa Trời bảo loài người làm tượng. Chỉ khi nào Đức Chúa Trời bảo loài người làm tượng, thì loài người mới được làm tượng. Và chỉ những ai được Chúa phán truyền cho việc làm tượng thì họ mới được phép làm, và họ phải làm đúng theo chỉ thị của Chúa. Đức Chúa Trời gớm ghiếc những tượng do loài người bởi ý riêng làm ra.

Xét về Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15, từ ngữ được dịch là “nơi kín nhiệm” trong Thánh Kinh Việt ngữ là chữ “בסתר,” H5643 trong tiếng Hê-bơ-rơ, chuyển ngữ quốc tế là (sithrâh), phiên âm quốc tế là /sith-raw’/, phiên âm tiếng Việt là /sít-rô/. Từ ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau:

  • nơi bí mật, nơi kín nhiệm, nơi trú ẩn;

  • nơi được che phủ, như nơi có mái che, màn che, vách che;

  • nơi được bảo vệ.

Vì thế, Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15 nên được hiểu như sau:

Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm, hoặc trong nơi được che phủ, hoặc ở nơi được bảo vệ! Cả dân sự phải đáp: A-men!

Những người tạc tượng hoặc đúc tượng theo các hình dạng mà Chúa đã liệt kê trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:16-18 là những người bị rủa sả. Bị rủa sả tức là bị Đức Chúa Trời không ban phước mà chỉ giáng họa.

Những tượng chạm hay tượng đúc do họ làm ra là những vật gớm ghiếc đối với Chúa, vì Chúa không bảo họ làm. Chúng được làm ra bởi tay người thợ, không có sự thần cảm của Chúa; theo ý riêng của loài người, không theo ý Chúa; dùng cho những mục đích của loài người, không phải dùng cho mục đích của Chúa.

Những tượng đó có thể được đặt trong những nơi kín đáo, bí mật, công chúng không nhìn thấy, như trong các hang núi, trong các phòng riêng tư gia; hoặc được đặt trong những nơi có mái che, có vách che, có màn che, như trong các đền đình, chùa miếu, các phòng khách tư gia, các văn phòng làm việc; hoặc được đặt tại những nơi công cộng được sự bảo vệ của luật pháp, như công viên, khu thương mãi, khu du lịch…

Ngoài ra, “nơi kín nhiệm” còn có thể là tấm lòng yêu mến hình tượng của một người. Khi một người ưa thích một hình tượng nào đến nỗi chịu tốn kém tiền bạc để mua sắm nó, đặt để nó vào những nơi trang trọng trong nhà, trong vườn để nhìn ngắm vẻ đẹp của nó, trong khi Lời Chúa nghiêm cấm việc làm ra các tượng như vậy (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:16-18), thì người ấy đã đem tượng vào nơi kín nhiệm nhất của họ!

Có lẽ, một trong những lý do Chúa cấm làm ra các loại hình tượng, dù là khi làm, người làm không cố ý làm ra để thờ lạy, là bởi vì, ma quỷ sẽ lợi dụng các hình tượng đó để khiến người ta thờ lạy hình tượng, biến chúng thành thần tượng. Chúng ta đã nghe biết bao câu chuyện về chỗ này có tượng khóc ra nước mắt, chỗ kia có tượng khóc ra máu, v.v.. Trong những ngày cuối cùng, Sa-tan còn khiến cho tượng của AntiChrist biết nói và có năng lực giết người (Khải Huyền 13:15)!

Huỳnh Christian Timothy
10.8.2013