Hiện Tượng 2012 và Thời Tận Thế – Chương Một: Văn Minh Maya

3,788 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để in hoặc tải về máy của bạn bài viết này

Bấm vào đây để vào trang download audio

PHẦN I
Những Yếu Tố Tạo Nên Hiện Tượng 2012

Chương Một: Văn Minh Maya

I. Người Maya

Danh từ Maya trong tiếng Tây-ban-nha (Spanish), ngôn ngữ chính thông dụng tại Trung Mỹ, phát âm là “ma-da,” có nghĩa là “hoa cúc trắng” nhưng thực tế chưa thấy có một tài liệu nào xác định ý nghĩa của danh từ này khi được dùng để gọi dân tộc Maya. Maya là một dân tộc bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau, thuộc nền văn minh Trung Mỹ (Mesoamerica). Trung Mỹ được định nghĩa là phần giữa của Mỹ Châu, trải dài từ  phía nam Mễ-tây-cơ (Mexico), đi qua: Guatemala, Belize, El Salvador, vùng đất phía tây Honduras, bao gồm những vùng đất thấp dọc Thái Bình Dương của Nicaragua cho đến vùng đất tây bắc Costa Rica, (Hình 01 – Vị trí Trung Mỹ). Nền văn minh Trung Mỹ có trước thời kỳ Columbus khám phá ra Mỹ Châu (1492) và bao gồm ít nhất là 11 văn minh khác nhau mà trong đó văn minh Maya nỗi bật nhất. Văn minh Maya nỗi bật nhất là vì người Maya là chủng tộc duy nhất có chữ viết phát triển trọn vẹn cùng với sự phong phú của các ngành mỹ thuật, kiến trúc và các hệ thống thiên văn, toán học.

Theo các tài liệu khảo cổ đã được đúc kết và hệ thống thì người Maya xuất hiện tại Trung Mỹ vào khoảng 1,800 TCN (Trước Công Nguyên) [01]. Có nhiều khám phá khảo cổ học gần đây lại cho thấy người Maya có thể có mặt vào một thời điểm sớm hơn nữa, vào khoảng 2,600 TCN [02]. Thời kỳ nền văn minh Maya phát triển rực rỡ là từ khoảng năm 250 CN đến 900 CN (Công Nguyên) với những công trình xây dựng các đền đài, dinh thự và các thành phố, song song với sự phát triển mạnh về nông nghiệp. Các công trình xây dựng danh tiếng nhất là những kim tự tháp thang cấp (kiến trúc hình khối tam giác với các bậc thang đi từ dưới lên tới đỉnh – Hình 03).

Ngành khảo cổ học phân chia các di tích Maya thành ba thời kỳ:

1. Thời kỳ tiền cực thịnh (Pre-Classic period): 2000 TCN – 200 TCN
2. Thời kỳ cực thịnh (Classical period): 200 TCN – 900 CN
3. Thời kỳ hậu cực thịnh (Post-Classic period): 900 CN – 1500 CN [03]

Suốt thời gian hai trăm năm của thế kỷ thứ 8 và thứ 9, văn minh Maya bỗng nhiên khựng lại rồi suy thoái dần cho đến khi hoàn toàn biến mất vào khoảng năm 1,500 mà ngày nay các nhà sử học vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Vào khoảng năm 800, dân số Maya lên đến ước chừng từ năm cho tới mười bốn triệu người nhưng đến khoảng năm 900 thì chỉ còn lại khoảng 10 hay 20 phần trăm số đó. Sự xuất hiện và biến mất của văn minh Maya cho đến ngày nay vẫn là một huyền nhiệm, không ai có thể giải thích được. [04]

 

Hình 01 – Vị trí Trung Mỹ (Mesoamerica – phần màu xanh lá cây)

Hình 02 – Khu vực tập trung văn minh Maya, giới hạn bởi đường viền màu đỏ


Source: http://www.lost-civilizations.net/images/mayan/pyramidlisa.jpg

 Hình 03 – Các kiến trúc Kim Tự Tháp Thang Cấp

Nền văn minh Maya biến mất nhưng người Maya vẫn còn. Ngày nay, có khoảng bảy triệu người Maya sống tại Guatemala, miền nam Mễ-tây-cơ, bán đảo Yucatan của Mễ-tây-cơ, Belize, El Salvador, và miền tây Honduras; trong đó, tại Yucatan có khoảng 350,000 người [05].

Người Maya rất giỏi về thiên văn và toán học. Họ biết sử dụng số “0” trong các phép toán, (trong khi thế giới tây phương chỉ biết đến số “0” vào thế kỷ 13), và tạo ra nhiều bộ lịch rất chính xác chỉ bằng sự quan sát thiên tượng với mắt trần, phối hợp với các phép tính. Lịch của người Maya có tính chính xác đến mức mỗi 6,000 ngàn năm mới có sự sai biệt một ngày. Sự chính xác đó hơn xa sự chính xác của các hệ thống lịch được chúng ta dùng ngày hôm nay [06]. Người Maya cùng lúc sử dụng nhiều bộ lịch khác nhau, không phải riêng biệt như cách chúng ta dùng âm lịch và tây lịch nhưng mà phối hợp chúng với nhau để tạo ra cách tính thời gian vô cùng chính xác.

II. Hệ Thống Số Đếm Maya

Người Maya dùng một hệ thống số đếm ngũ phân và nhị thập phân, nghĩa là dựa trên hệ số 5 và hệ số 20, thay vì hệ thống số đếm thập phân, dựa trên hệ số 10,  như chúng ta ngày nay. Dưới đây là các “chữ số” của hệ ngũ phân và nhị thập phân Maya:

Hình 04 –  Số đếm của người Maya [07]

Hình 05 – Số đếm lớn hơn 100 của người Maya [08]

Chúng ta thấy người Maya dùng hình vỏ sò biểu thị số “0,” dùng một dấu chấm để biểu thị một đơn vị, dùng một dấu gạch để biểu thị năm đơn vị. Khi viết theo lối đứng như các hình trên đây, chúng ta thấy: hàng thứ nhất là hàng đơn vị (từ 0 đến 19), hàng thứ hai là hàng chục, giá trị của các chữ số khi đứng ở hàng thứ hai bằng giá trị của nó khi đứng ở hàng thứ nhất nhân cho 20; tương tự như vậy cho các hàng còn lại. Vì vậy, dấu chấm ở hàng thứ ba mang giá trị 400 (20X20) và khi đứng ở hàng thứ tư thì mang giá trị 8,000 (400X20). Khi so sánh khái niệm về số “0” và hệ thống số đếm trên đây của người Maya, được hình thành và sử dụng cách nay hơn 2,000 năm, với khái niệm về số “0” của thế giới tây phương, được người Ai-cập giới thiệu cho cách đây có 800 năm, khiến chúng ta thấy được nét độc đáo của văn minh Maya.

III. Lịch Maya

Như bao nhiêu dân tộc khác, người Maya cần có lịch để biết thời vụ canh nông và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tuy nhiên, người Maya vượt trội mọi dân tộc khác trong lãnh vực tính lịch và làm lịch. Người Maya tính lịch bằng cách quan sát sự di chuyển của các vì tinh tú ứng với thời tiết trên đất. Họ làm ra ít nhất là 20 bộ lịch khác nhau, trong đó, có ba bộ thông dụng nhất, dùng hổ tương với nhau để biết khi nào g
ieo trồng, khi nào tổ chức tế thần và để ghi chép lịch sử theo đường thẳng thời gian.

1. Bộ lịch thứ nhất, được gọi là “Tzolkin,” có nghĩa là “đếm các ngày” còn được gọi là “chu kỳ thánh,” bao gồm 260 ngày, chia đều cho 13 tháng. Đây là bộ lịch được xem là lâu đời nhất trong các bộ lịch của nhân loại, được người Maya dùng tham khảo để tổ chức các ngày lễ cúng thần và tham khảo trong sự bói toán. Không ai biết chắc vì sao lịch Tzolkin chỉ có 260 ngày. Có giả thuyết cho rằng, 260 ngày là thời gian trung bình của một thai nhi sống trong lòng mẹ (từ khi người mẹ tắt kinh vì đậu thai cho đến khi thai nhi chào đời); và lịch Tzolkin là kết quả do các bà mụ đã lập ra một phép tính để đoán ngày sinh của sản phụ. Cũng có giả thuyết cho rằng, lịch Tzolkin được thành lập dựa trên chu kỳ gieo gặt mùa màng, (chính yếu là bắp), trung bình là 260 ngày từ ngày gieo đến ngày gặt. Giả thuyết thứ ba, có lẽ hợp lý nhất, đó là, tại vĩ tuyến 15 độ bắc của vùng Mesoamerica, cứ mỗi 260 ngày thì mặt trời xuất hiện chính xác tại thiên đỉnh (nghĩa là ngay điểm cao nhất của bầu trời đối với trái đất); cho nên người Maya đã căn cứ vào đó để làm ra lịch Tzolkin [09].

2. Bộ lịch thứ nhì, được gọi là Haab, gồm 365 ngày chia cho 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, cộng thêm một tháng dư, chỉ có 5 ngày. Như chúng ta thấy trên đây, người Maya dùng hệ số đếm nhị thập phân nhưng không ai biết rõ vì sao họ chọn dùng như vậy. Phải chăng, vì họ dùng cả mười ngón tay và mười ngón chân để đếm? Và, phải chăng, họ dựa vào đó mà thiết lập một tháng có 20 ngày? Trong lịch Haab, mỗi ngày đều được đặt tên; có hai mươi tên riêng biệt cho hai mươi ngày nhưng năm ngày trong tháng dư được đặt ở cuối năm thì không có tên. Người Maya tin rằng đây là những ngày cực xấu trong một năm, có thể đem lại nhiều bất hạnh mà ngay cả các thần linh cũng không thể can thiệp. Người Maya tính được trái đất phải mất 365.2422 ngày mới giáp một vòng quay chung quanh mặt trời nhưng không dùng sự tính toán này để điều chỉnh lịch Haab. Họ chỉ tính toán, ghi chú và lưu trử trong văn khố mà thôi [10]

Lịch Tzolkin được phối hợp với lịch Haab và cứ mỗi 52 năm thì đồng nhất với lịch Haab, nghĩa là ngày một tháng một của hai lịch trùng nhau. Người Maya dùng một bánh xe với 260 răng cưa, mỗi răng cưa tương ứng với một ngày trong lịch Tzolkin để khớp với một bánh xe khác có 366 răng cưa, mỗi vị trí giữa hai răng cưa tương ứng với một ngày trong lịch Haap. Khi đặt ngày một tháng một của lịch Haab khớp với ngày một tháng một của lịch Tzolkin rồi quay bánh xe của lịch Haab 52 vòng thì hai bánh xe sẽ trở lại vị trí ban đầu, hai ngày đầu năm của hai lịch trùng khớp với nhau.

Hình 06 – Minh họa sự phối hợp giữa lịch Tzolkin và lịch Haap [11]

3. Bộ lịch thứ ba, không thấy gọi bằng tên trong tiếng Maya mà chỉ thấy các tài liệu dùng tên tiếng Anh “Long Count,” nghĩa là “sự đếm lâu dài” để gọi.  Hai bộ lịch Tzolkin và Haab là hai bộ lịch tái diễn theo chu kỳ. Lịch Tzolkin tái diễn sau mỗi 13 tháng với 260 ngày, lịch Haab tái diễn sau mỗi 18 tháng với 360 ngày cộng với năm ngày của tháng dư. Hai bộ lịch này phối hợp với nhau hoàn thành một “vòng lịch” (calendar round) có thời gian là 52 chu kỳ của lịch Haab, tương đương với 52 năm theo lịch của chúng ta ngày nay. Người Maya có khái niệm rất rõ về thời gian được biểu diễn theo đường thẳng, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai, cho nên, họ đã làm ra bộ lịch Long Count để ghi chép các sự kiện lịch sử và ghi chép các dự phóng hoặc tiên đoán về tương lai theo mô hình đường thời gian (time line) là mô hình rất thông dụng với chúng ta ngày nay. Bởi đó, lịch Long Count Maya không hề có sự tái diễn; nó chỉ có ngày bắt đầu và ngày chấm dứt. Lịch Long Count Maya được tính bằng các đơn vị như sau:

  • Ngày (Kin)
  • Tháng (Winal), gồm 20 ngày
  • Năm (Tun), gồm 18 tháng = 360 ngày
  • Hai chục năm (Katun), gồm 360 tháng = 7,200 ngày
  • Bốn trăm năm (Baktun), gồm 7200 tháng = 144,000 ngày

Lịch Long Count Maya được tính bằng cách phối hợp hệ ngũ phân (5 base), hệ thập bát phân (18 base) và hệ nhị thập phân (20 base), cho nên, khi chuyển sang ký hiệu chữ số La-mã chúng ta đang dùng ngày nay thì giá trị của các số được viết ra hoàn toàn khác với giá trị của hệ số thập phân mà chúng ta quá quen thuộc. Như đã trình bày trong phần Hệ Thống Số Đếm Maya trên đây, chúng ta thấy: số “0” được biểu diễn bằng ký hiệu vỏ sò, dấu chấm biểu hiện cho một đơn vị, dấu gạch biểu hiện cho 5 đơn vị, khi một ký hiệu được mang sang hàng chục thì giá trị của nó được nhân cho 20. Hãy xem thí dụ dưới đây:

0.0.0.0.1 = 1
0.0.0.0.5 = 5
0.0.0.1.5 = 25
0.0.0.2.0 = 40

Khi hàng chục lên đến 18 thì sẽ trở về số “0” và hàng trăm sẽ bắt đầu với một chấm mà giá trị bằng giá trị của chính nó khi đứng ở hàng chục nhân cho 20 (18X20=360 đơn vị). Khi hàng trăm lên đến 18 sẽ trở về số không và hàng ngàn sẽ bắt đầu với một chấm mà giá trị bằng giá trị của chính nó khi đứng ở hàng trăm nhân cho 20 (360X20=7,200). Như vậy: 0.0.1.0.0 = 360 và 0.1.0.0.0 = 7,200 chứ không phải là 400 và 8,000 như cách đếm số đã được minh họa trong hình 05 trên đây.

  • Ngày thứ nhất của lịch Long Count Maya được viết như sau: 0.0.0.0.1
  • Ngày cuối cùng của lịch Long Count được viết như sau: 13.0.0.0.0

Hình 07 – Số đếm dùng trong lịch Long Count dựa trên hệ thập bát phân và nhị thập phân [08]

Theo minh họa trên đây chúng ta thấy trị giá các cột số được tính rồi cộng lại theo hàng dọc, như sau:

 

một chấm 360X20
=7200

một chấm 18X20=360

một chấm 18X20=360

một vỏ sò 0X20=0

một chấm 1X20=20

một chấm 1X20=20

hai chấm
2X20=40

ba chấm
3X20=60

một chấm, một gạch 6X20=120

một vỏ sò 0X20=0

một vỏ sò 0X20=0

một vỏ sò 0X20=0

một vỏ sò =0

một chấm =1

một chấm =1

một chấm =1

hai chấm =2

một vỏ sò =0

một chấm =1

một vỏ sò =0

 

Lịch Long Count Maya bắt đầu vào một ngày mà theo tín ngưỡng của người Maya là ngày thế giới được tái tạo từ sau lần tận thế trước đó. Người Maya tin rằng thế giới của chúng ta đang ở vào cuối thời kỳ thứ năm và cũng là thời kỳ cuối cùng của vũ trụ, mỗi thời kỳ tồn tại bằng chiều dài của lịch Long Count Maya: 5,125 năm [12].  Năm thời kỳ của vũ trụ gộp chung lại bằng 25,625 năm thành một ngày của thiên hà, tương đương với một chu kỳ của thái dương hệ chúng ta quay giáp một vòng chung quanh tâm điểm của thiên hà [13]! Không ai biết được vì sao người Maya cho rằng lịch Long Count Maya bắt đầu vào một ngày thế giới được tái tạo; nhưng theo Thánh Kinh thì cách nay khoảng 5,000 năm, Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế giới bằng một cơn nước lụt lớn; sau đó, gia đình Nô-ê gồm tám người nhờ tin lời Chúa đóng một chiếc tàu lớn mà được sống sót cùng với các loài thú vật Đức Chúa Trời dẫn vào tàu với họ. Phải chăng, ngày khởi đầu của lịch Long Count Maya chính là ngày gia đình Nô-ê ra khỏi tàu? Theo sự đồng thuận của nhiều nhà khảo cứu thì ngày khởi đầu của lịch Long Count Maya tương ứng với ngày 11 tháng 8 năm 3,114 TCN, so với tây lịch (Gregorian Calendar) mà chúng ta đang dùng. Lịch Long Count kéo dài suốt 5,125 năm và nếu đúng là nó đã bắt đầu vào ngày 11 tháng 8 năm 3,114 TCN thì nó sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. Đây chính là bộ lịch làm khởi phát Hiện Tượng 2012, dẫn đến các phong trào nghiên cứu Lịch Maya, nghiên cứu nền văn minh Maya và du lịch “thánh địa” Maya.

Có thật, lịch Long Count Maya đã tính trước ngày tận thế? Chúng ta sẽ luận bàn một cách chi tiết trong phần II của cuốn sách này: Các Quan Điểm và Tín Ngưỡng về Tận Thế của Nhân Loại.

Kỳ tới: Lịch Âm Dương Trung Hoa.

 

Huỳnh Christian Timothy

 

Tham Khảo

[01] Nature.com: http://www.nature.com/nature/journal/v260/n5552/abs/260579a0.html

[02] Ambergriscaye.com: http://ambergriscaye.com/pages/mayan/mayasites.html

[03] Reference.com: http://www.reference.com/browse/wiki/Mesoamerican_chronology

[04] Synthia Andrew and Colin Andrews. The Complete Idiot’s Guide to 2012. New York: Alpha, 2008, Page 126.

[05] Friendsofmayainc.org: http://www.friendsofmayainc.org/english/neworganization.html

Lost-civilizations.net: http://www.lost-civilizations.net/mayan-history-page-2.html

[06] Wsu.edu: http://wsu.edu/~dee/CIVAMRCA/MAYAS.HTM

[07] Wikimedia.org: http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Maya_numerals

[08] Mayacalendar.com:  http://www.mayacalendar.com/f-mayamath.html

[09] Wikipedia.org:  http://en.wikipedia.org/wiki/Maya_calendar

[10] Wikipedia.org:  http://en.wikipedia.org/wiki/Haab

[11] Mayacalendar.com:  http://www.mayacalendar.com/f-cuenta.html

[12] Adishakti.org:  http://www.adishakti.org/mayan_end_times_prophecy_12-21-2012.htm

[13] Theorderoftime.com: http://www.theorderoftime.com/science/galactic.html