Hãy Cảm Tạ Mà Vào Các Cửa Ngài

4,130 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Hãy vào trong các cửa của Ngài với lời cảm tạ! Hãy vào trong các hành lang của Ngài với lời tôn vinh! Hãy cảm tạ Ngài, tôn kính danh của Ngài! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời.” (Thi Thiên 100:4-5).

Thi Thiên 100 là bài hát cảm tạ của con dân Chúa. Người chưa biết Chúa không thể hiểu và cũng không thể chấp nhận bài Thi Thiên này.

Tâm trí tự nhiên của loài người luôn luôn phân chia những gì xảy ra trong cuộc sống của mình vào một trong hai loại: phước hạnh hoặc hoạn nạn. Và, cũng theo lẽ tự nhiên, loài người tìm kiếm, đón nhận phước hạnh nhưng kinh sợ và tránh né hoạn nạn. Đối với con dân Chúa, phước hạnh hay hoạn nạn là hai mặt của một lẽ thật. Lẽ thật đó là:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Miễn là chúng ta thật sự yêu mến Chúa, đáp lại lời kêu gọi của Ngài, bước ra khỏi thế gian để vào trong Nước Trời, thì cho dù hoạn nạn có đến trong đời sống chúng ta, chắc chắn Đức Chúa Trời:

  • sẽ dùng hoạn nạn để rèn luyện chúng ta: “Này, Ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc; Ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn.” (Ê-sai 48:10).
  • sẽ dùng hoạn nạn để đem chúng ta ra khỏi hoạn nạn: “Thiên Chúa dùng sự hoạn nạn mà cứu kẻ bị hoạn nạn, và nhờ sự hà hiếp mà mở lỗ tai của người.” (Gióp 36:15).

I. Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài

Vì “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” cho nên tất cả những cánh cửa mà chúng ta, là những người yêu mến Chúa, bước vào trong cuộc đời của mình, đều là những cửa phước hạnh. Vì thế, chúng ta bước vào với lòng cảm tạ. Thánh Kinh nói đến ít nhất là tám cửa phước hạnh mà chúng ta thường gặp trên bước đường theo Chúa.

1. Cửa khó nghèo

“Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ!(Ma-thi-ơ 5:3).

Trong nguyên tác của Thánh Kinh “khó nghèo” là:

a) Không nương cậy nơi của cải, vật chất của thế gian. Nhìn biết nhu cầu thuộc linh của chính mình không thể được giải quyết bằng của cải đời này. Sự khao khát trong tâm linh của chúng ta phải hướng về thiên đàng, không hướng về thế gian.

b) Khiêm nhường, hạ mình, nhận biết sự trần truồng thiếu thốn của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Có những người khó nghèo về vật chất nhưng lại rất kiêu ngạo trong tâm linh.

2. Cửa than khóc

“Phước cho những ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi!” (Ma-thi-ơ 5:4).

Khi chúng ta biết ăn năn than khóc về tội lỗi của mình, chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ của Đức Chúa Trời và Thần An Ủi sẽ ngự vào tâm linh của chúng ta. Khi chúng ta biết than khóc về tội lỗi của người thân, của dân tộc, chúng ta sẽ được an ủi khi họ được cứu. Trong cuộc sống hiện tại, nhiều khi chúng ta phải than khóc vì những bất công và đau khổ… nhưng Thần An Ủi sẽ đến vỗ về, an ủi chúng ta, và một ngày kia, chính Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi nước mắt của chúng ta. (Khải Huyền 21:4).

3. Cửa nhu mì

“Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất! (Ma-thi-ơ 5:5).

Nhu mì không phải là hèn nhát hay đầu hàng trước bạo lực. Nhu mì là nhẫn nhịn, chịu đựng mọi bất công để đưa dắt tội nhân đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nhu mì là thuộc tính của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:29). Người nhu mì sẽ hưởng phần trong cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

4. Cửa đói khát sự công bình

“Phước cho những ai đói khát sự công bình, vì họ sẽ được no đủ!” (Ma-thi-ơ 5:6).

Đói khát nói đến nhu cầu thiết thực và quan trọng nhất trong cuộc sống. Trong thuộc linh, đói khát sự công bình là khao khát cho tội lỗi của mình được giải quyết. Chỉ khi tội lỗi được giải quyết, mặc cảm tội lỗi tiêu tan, chúng ta mới có được sự bình an trong tâm linh. Trên một phương diện khác, đứng trước những bất công xảy ra mỗi ngày trong xã hội, chúng ta khao khát sự công bình. Một ngày kia, chúng ta sẽ thấy sự công bình được thi hành trọn vẹn khi Đức Chúa Trời “trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm…” (Rô-ma 2:6).

5. Cửa hay thương xót

“Phước cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7).

Lòng thương xót thật sự là chúng ta đồng cảm sự đau khổ của người khác như chính chúng ta đang ở trong sự đau khổ đó. Lòng thương xót khiến chúng ta dâng hiến tiền bạc, công sức để xoa dịu những sự đau đớn của người khác như Đức Chúa Jesus đã mô tả trong Ma-thi-ơ 25:34-40. Lòng thương xót còn là thương xót cho những linh hồn chưa biết Chúa đang chết mất trong tội lỗi mà nỗ lực rao giảng Tin Lành cho họ. Đặc biệt là đối với dân tộc của chúng ta. Phao-lô đã bày tỏ lòng thương xót của ông đối với dân tộc I-sơ-ra-ên của ông như sau:

Rô-ma 9:1-4

1 Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong thánh linh:

2 Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn!

3 Vì tôi mong rằng, chính mình bị dứt bỏ khỏi Đấng Christ thay cho những anh chị em của tôi, những người thân của tôi, theo xác thịt.

4 Những người ấy là dân I-sơ-ra-ên, dân được sự làm con nuôi, sự vinh quang, các giao ước, luật pháp, sự phụng sự, và các lời hứa.

6. Cửa trong sạch

“Phước cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:8).

Kẻ có lòng trong sạch là kẻ không để cho những sự ô uế của tội lỗi vương vấn trong lòng mình. Ai còn giữ những sự sau đây thì chưa có lòng trong sạch và sẽ không được thấy Đức Chúa Trời:

Các việc làm của xác thịt được tỏ ra, ấy là: Ngoại tình, tà dâm, ô uế, phóng đãng, thờ hình tượng, dùng ma túy, thù nghịch, cãi lẫy, ganh tị, thịnh nộ, cạnh tranh, chia rẽ, phe đảng, ganh ghét, giết người, say rượu, thác loạn, cùng các sự khác giống như vậy. Về các sự ấy tôi nói trước với các anh chị em, như tôi đã nói rồi. Những ai phạm các sự ấy thì sẽ không được hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa.” (Ga-la-ti 5:19-21).

“Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.” (Hê-bơ-rơ 12:14).

7. Cửa hòa thuận

“Phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!” (Ma-thi-ơ 5:9).

Trước khi làm cho người khác hòa thuận thì chính chúng ta phải hòa thuận với Đức Chúa Trời và sống hòa thuận với mọi người.

“Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người!” (Rô-ma 12:18).

“Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những sự làm cho hòa thuận và những sự gây dựng lẫn nhau.” (Rô-ma 14:19).

Làm cho người hòa thuận không chỉ là giúp cho mọi người hòa thuận với nhau mà còn là giúp cho mọi người hòa thuận với Đức Chúa Trời, nghĩa là giúp họ nghe, hiểu và tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời.

Làm cho người hòa thuận, đặc biệt là hòa thuận với chúng ta, còn có nghĩa là chúng ta phải gánh chịu những hy sinh cần thiết, như Đức Chúa Jesus đã hy sinh để chúng ta có thể hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

“Và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.” (Cô-lô-se 1:20).

“Thật vậy, có sự thua bại giữa các anh chị em vì các anh chị em thưa kiện lẫn nhau. Sao các anh chị em chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao các anh chị em chẳng chịu sự gian lận là hơn?” (I Cô-rinh-tô 6:7).

8. Cửa bắt bớ

Phước cho những ai bị bách hại vì sự công bình! Vì Vương Quốc Trời là của họ! Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta người ta sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi. Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi. (Ma-thi-ơ 5:10-12).

Chịu khổ vì danh Chúa là một vinh dự và ơn phước rất lớn trong đời sống của người đi theo Chúa. Người đi theo Chúa chắc chắn sẽ bị thế gian bắt bớ, và Chúa đã phán trước như vậy:

Nếu các ngươi vẫn ra từ thế gian có lẽ thế gian vẫn yêu thích sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không còn ra từ thế gian mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi cớ ấy, thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lời Ta đã nói với các ngươi, tôi tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bách hại Ta thì họ cũng bách hại các ngươi. Nếu họ đã giữ lời của Ta thì họ cũng sẽ giữ lời của các ngươi.(Giăng 15:19-20).

Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn. Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.” (I Phi-e-rơ 4:13-14).

II. Hãy tôn vinh mà vào hành lang Ngài

Cửa dẫn vào hành lang. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài mở cửa cho chúng ta cho nên chúng ta mới có cơ hội để vào trong hành lang của nhà Ngài. Tại trong hành lang của nhà Ngài là những phước hạnh mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta. Chúng ta tôn vinh Chúa vì những điều mà chúng ta nhận được trong hành lang của Ngài.

“Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Thiên Chúa tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ.” (Thi Thiên 84:10).

1. Được no nê vật tốt lành của nhà Chúa (mọi dâng hiến của chúng ta được Chúa ban lại cho chúng ta)

“Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, để ở nơi hành lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no nê vật tốt lành của nhà Chúa, là đền thánh của Ngài.” (Thi Thiên 65:4).

Các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời ăn thức ăn thánh trong hành lang của Đền Tạm (Lê-vi Ký 6:16, 26).

2. Được trổ bông (đời sống có kết quả, vinh hiển trong Chúa)

“Những ai được trồng trong nhà của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ trổ hoa trong các hành lang của Thiên Chúa chúng ta.” (Thi Thiên 92:13).

3. Được uống rượu (vui mừng, thỏa lòng về kết quả đời sống theo Chúa)

“Nhưng những kẻ có gặt sẽ ăn hoa lợi mình, và tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; những kẻ có hái nho sẽ uống rượu mình trong hành lang của nơi thánh Ta.” (Ê-sai 62:9).

4. Được chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Chúa Trời

“Sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nổi lên từ chê-ru-bim, đứng nơi ngạch cửa nhà; nhà đầy mây, và hành lang đầy sự chói sáng của vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 10:4).

“Thần cất ta lên và đem ta vào nơi hành lang trong; và, này, vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đầy nhà.” (Ê-xê-chi-ên 43:5).

Kết luận

Trong mùa Lễ Cảm Tạ năm nay, chúng ta hãy cùng nhau học thuộc lòng Thi Thiên 100 và biến mỗi ngày trong đời sống mình là những cơ hội để cảm tạ Chúa. Bất kỳ một cánh cửa nào Chúa cho phép mở ra trong cuộc đời của chúng ta, kể cả những khi tai ương hoạn nạn, kể cả những khi vì danh Chúa mà bị bách hại, sỉ nhục, thậm chí mất mạng… cũng đều dẫn chúng ta vào trong hành lang phước hạnh đời đời của Đức Chúa Trời.

“Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời.” (Thi Thiên 100:5).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

26/11/2006