Hỏi & Đáp: Thấy Chúa

2,702 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20 cho biết: Chẳng ai đối diện với Đức Chúa Trời mà còn tồn tại. Thế nhưng trong Thánh Kinh có nhiều trường hợp con người đối diện với Chúa mà vẫn không sao, như: Áp-ra-ham, Gia-cốp, hoặc ngay cả những người đã tiếp xúc với Đức Chúa Jesus. Phải chăng Chúa đã giảm bớt sự vinh quang của Ngài trong các trường hợp đó?

Sự hiện thấy của Ê-sai (Ê-sai 6:1-10) và sự hiện thấy của Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ ) là giống hay khác với các trường hợp nêu trên?

Đáp:

Điều trước hết chúng ta cần ghi nhớ, đó là: Lời Chúa là chân lý! Dù Lời Chúa được các tôi tớ loài người của Ngài ghi chép lại nhưng chính Đức Thánh Linh đã thần cảm cho họ viết ra [1]. Bởi thế, tất cả những lẽ thật đã được khẳng định trong Lời Chúa, thì đúng y như vậy. Trong đó, có lẽ thật: “Không ai thấy mặt Thiên Chúa mà còn sống!”

“Ngài lại phán rằng: Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20)

Chúng ta biết câu phán này chỉ áp dụng riêng cho loài người ở trong thân xác đang chết vì tội lỗi, không áp dụng cho các thiên sứ của Chúa, vì chính Đức Chúa Jesus phán:

“Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì Ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha Ta, là Đấng ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:10).

Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng người thuộc về Chúa sẽ được thấy mặt Chúa, sau khi họ được phục sinh trong một thân thể mới giống như Ngài:

“Còn tôi, tôi sẽ được thấy mặt Ngài trong sự công chính; Tôi sẽ thỏa lòng khi tôi được thức dậy với hình dáng giống như Ngài.” (Thi Thiên 17:15 – Dịch sát nghĩa).

“Họ sẽ thấy mặt Ngài và tên Ngài sẽ ở trên trán họ” (Khải Huyền 22:4 – Bản Dịch Ngôi Lời) [2].

Như vậy, không ai trong thân thể xác thịt đang chết có thể thấy mặt Thiên Chúa mà còn sống. Bây giờ chúng ta hãy đi qua một số các trường hợp “thấy Chúa” được ghi lại trong Thánh Kinh:

Áp-ra-ham: Nhiều lần Thánh Kinh ghi lại sự kiện Thiên Chúa hiện ra phán cùng Áp-ra-ham nhưng không ghi rõ Ngài đã hiện ra như thế nào, duy trong lần Ngài hiện ra để báo cho Áp-ra-ham biết về việc Ngài sẽ tiêu diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, thì có ghi rõ: Ngài và các thiên sứ của Ngài hiện ra trong hình dáng của loài người (Sáng Thế Ký 18). Ngoài ra, Các nhà giải kinh cho rằng, khi Thánh Kinh dùng từ ngữ “Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va” thì chỉ về Thiên Chúa Ngôi Con, tức là Đức Chúa Jesus trước khi nhập thế làm người để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, đã lấy hình người hiện ra để tiếp xúc với loài người cách trực tiếp. Vì Thiên Chúa Ngôi Con là phát ngôn viên của Thiên Chúa, tức Ngôi Lời của Thiên Chúa, cho nên trong mọi sự giao tiếp với loài người để bày tỏ thánh ý của Thiên Chúa thì đều do Ngài đảm nhận, dù là trong thời Cựu Ước hay là trong thời Tân Ước trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm.

Vậy chúng ta có thể hiểu rằng, Thiên Chúa đã lấy hình người hiện ra cùng Áp-ra-ham, thậm chí ăn uống cùng ông, vì thế ông không nhìn thấy mặt thật vinh quang của Thiên Chúa.

Gia-cốp: Câu nói của Gia-cốp được ghi lại trong Sáng Thế Ký 32:30 là một câu tôn vinh Chúa và ghi lại kỷ niệm ông được tiếp xúc với Chúa:

“Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Thiên Chúa đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu.”

Quả thật Chúa có hiện ra như một người để vật lộn với Gia-cốp và rất có thể Gia-cốp đã nhìn thẳng vào mặt của “người” vật lộn với mình. Dầu vậy, đó chỉ là hình người mà Thiên Chúa đã dùng để tiếp xúc với Gia-cốp, không phải là mặt thật vinh quang của Ngài. Các nhà giải kinh cho rằng chính Thiên Chúa Ngôi Con đã lấy hình người hiện ra với Gia-cốp để đổi tên của ông và ban phước cho ông. Sự kiện Gia-cốp vật lộn với Thiên Chúa khi Ngài hiện ra trong xác thịt loài người và Gia-cốp thắng hơn, khiến cho chúng ta thấy Gia-cốp có một sức mạnh vượt trội con người bình thường. Chúng ta có thể tin rằng, khi Thiên Chúa lấy hình người hiện ra để sinh hoạt giữa loài người thì Ngài chỉ hiện ra trong thân xác của một con người trung bình trên phương diện thể lực và diện mạo.

Môi-se: Chính trong lời tường thuật của Xuất Ê-díp-tô Ký 33:21-23 đã khẳng định là Môi-se chỉ nhìn thấy phía sau sự vinh quang của Chúa chứ ông không nhìn thấy mặt Ngài:

“Đức Giê-hô-va lại phán: Đây có một chỗ gần ta, ngươi hãy đứng trên hòn đá; khi sự vinh quang Ta đi ngang qua, Ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay Ta che ngươi, cho đến chừng nào Ta đi qua rồi.Ta sẽ rút tay lại, và ngươi thấy phía sau Ta; nhưng thấy mặt Ta chẳng được.”

Tuy nhiên, trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11 lại chép rằng, Thiên Chúa mặt đối mặt phán với Môi-se:

“Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình. Đoạn, Môi-se trở về trại quân, còn kẻ hầu trẻ của người, tên là Giô-suê, con trai của Nun, không ra khỏi Trại.”

Sự kiện “mặt đối mặt” không có nghĩa là Môi-se nhìn thấy mặt Chúa, bởi vì trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:4 cũng chép về sự kiện Thiên Chúa đối mặt phán cùng dân I-sơ-ra-ên:

“Đức Giê-hô-va tại trên núi từ giữa lửa, đã đối diện phán cùng các ngươi.”

Nhưng trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:12, 15 lại ghi rõ:

“Từ trong lửa, Đức Giê-hô-va phán cùng các ngươi; các ngươi nghe một tiếng nói, nhưng không thấy một hình trạng nào; chỉ nghe một tiếng mà thôi.”

“Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình cho lắm, vì các ngươi không có thấy một hình trạng nào trong ngày Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, từ nơi giữa lửa phán cùng các ngươi, tại Hô-rếp.”

Vì vậy, mặt đối mặt với Thiên Chúa, nghe tiếng Ngài phán, chỉ có nghĩa là đối diện với sự hiện diện của Ngài được thể hiện qua sấm vang, lửa cháy, mây đen kịt,v.v., và nghe Ngài phán nhưng không có nghĩa là “nhìn thấy mặt Ngài.”

Ê-sai: Sự kiện Ê-sai nhìn thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang là ông nhìn thấy Chúa trong khải tượng, tương tự như Sứ Đồ Giăng nhìn thấy Chúa trong khải tượng được ban cho ông để ông ghi chép sách Khải Huyền. Nhìn thấy Chúa trong khải tượng là một sự nhận thức trong thuộc linh, không liên quan gì đến con mắt của thân thể xác thịt. Hơn nữa, Ê-sai không nói là ông nhìn thấy mặt Chúa. Về sau, Sứ Đồ Giăng, qua sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã giải thích rằng, Ê-sai đã nhìn thấy sự vinh quang của Đấng Christ khi Ngài chưa nhập thế làm người:

“Ê-sai nói những điều đó, khi người thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài” (Giăng 12:41 – Bản Dịch Ngôi Lời) [3].

Ê-tiên: Trước khi tử đạo, Chấp Sự Ê-tiên đã nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi và thấy Đức Chúa Con đứng bên hữu Đức Chúa Cha:

“Nhưng người, được đầy dẫy Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Chúa Jesus đứng bên hữu Đức Chúa Trời”  (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55).

Thánh Kinh ghi rõ là Ê-tiên chỉ nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa và nhìn thấy hình dáng của Chúa Con bên hữu Chúa Cha nhưng không nói ông nhìn thấy mặt Chúa Cha hay mặt Chúa Con. Sự thấy này của Ê-tiên cũng là sự thấy trong khải tượng, tức là một sự nhận thức thuộc linh, không qua các giác quan của xác thịt, vì ông thấy “các tầng trời mở ra.”

Giăng: Trong Khải Huyền 1:14 ghi lại Sứ Đồ Giăng nhìn thấy mắt của Đấng Christ, nghĩa là ông nhìn thấy mặt Ngài; và Giăng thấy đây là thấy Đấng Christ trong sự vinh quang vốn có của Ngài trong thiên đàng. Có thể nói, Giăng là người duy nhất được Thánh Kinh ghi rõ là ông nhìn thấy mắt của Thiên Chúa Ngôi Con, cùng nghĩa với nhìn thấy mặt Thiên Chúa trong sự vinh quang của Ngài. Dầu vậy, Giăng không chết, có lẽ, vì sự nhìn thấy này chỉ là trong khải tượng chứ không phải bởi con mắt xác thịt mà Giăng nhìn thấy.

Các sứ đồ trên núi hóa hình: Ngoài ra, chúng ta có trường hợp các sứ đồ nhìn thấy mặt Đấng Christ chiếu sáng trên núi hóa hình:

“Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jesus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẽ lên núi cao. Ngài biến hóa trước mặt các người ấy mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng” (Ma-thi-ơ 17:1, 2).

Sự nhìn thấy này là sự nhìn thấy bằng con mắt xác thịt vì “Ngài biến hóa trước mặt các người ấy.” Tuy nhiên, nếu mặt Chúa đã sáng lòa như mặt trời thì không thể nào các sứ đồ có thể nhìn thấy mặt Ngài.

Thấy Ta tức là đã thấy Cha: Đức Chúa Jesus khẳng định:

“… Hỡi Phi-líp, Ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết Ta! Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng, xin chỉ Cha cho chúng tôi” (Giăng 14:9 – Bản Dịch Ngôi Lời) [5]?

Sự thấy ở đây không có nghĩa là thấy mặt vinh quang của Đức Chúa Jesus hay là mặt Đức Chúa Cha giống như mặt Đức Chúa Jesus khi Ngài ở trong thân thể xác thịt loài người. Chữ “thấy” Đức Chúa Jesus dùng ở đây là nói đến sự nhận thức về bản tính, quyền phép, và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người, như danh xưng “Em-ma-nu-ên” của Ngài (nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta).

Thánh Kinh cho chúng ta biết, khi Đức Chúa Con nhập thế làm người thì Ngài đã từ bỏ sự vinh quang của Thiên Chúa để mang lấy hình thể của loài được dựng nên:

“Ngài vốn có hình Thiên Chúa, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:6, 7).

Tiên Tri Ê-sai đã báo trước, khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người thì Ngài chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ:

“Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được” (Ê-sai 53:2).

Thành ngữ “chẳng có hình dung” nói đến sự kiện một người không có dung mạo và hình thể đáng cho người khác chú ý và ưa thích.

Tóm lại: “Không ai có thể nhìn thấy mặt Thiên Chúa mà còn sống” có nghĩa là không một con người nào trong thân thể xác thịt đang chết có thể nhìn thấy mặt Chúa mà còn sống. Tuy nhiên, một ngày kia, những kẻ thuộc về Chúa sẽ được nhìn thấy mặt Ngài và được mang danh Ngài trên trán của mình, khi họ đã có cùng một thân thể phục sinh vinh quang như thân thể phục sinh của Đấng Christ. Ngày ấy sẽ không còn bao xa nữa. Ngày ấy sẽ là ngày mà: chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau, mặt chúng ta và mặt Chúa, và sẽ biết như Chúa đã biết chúng ta vậy [4].

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta ân điển cao trọng này. Chúng ta hãy cùng nhau sống xứng đáng với tình yêu và sự ban cho của Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
07.10.2011

Ghi chú

[1] II Phi-e-rơ 1:20, 21 “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào từng bởi ý một người nào, nhưng những người thánh của Thiên Chúa đã cảm động bởi Thánh Linh mà nói ra.” (Bản Dịch Phan Khôi Hiệu Đính 2011: http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/bible)

[2] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/27

[3] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/42

[4] I Cô-rinh-tô 13:12 “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.”

[5] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/44