Hỏi & Đáp: Tâm Hồn, Tấm Lòng, Tư Tưởng, Thần Trí, Tâm Linh, Tâm Thần, Lương Tâm

8,081 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Bấm vào đây để download bài viết này cho Kindle

Hỏi:

Tâm hồn, tấm lòng, tư tưởng, thần trí,  tâm linh, tâm thần, lương tâm, cái nào giống cái nào? cái nào khác cái nào? Lương tâm chai lì là không nhạy cảm hoặc thờ ơ với lời cáo trách?

Đáp:

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa thông dụng của những danh từ được nêu ra trong câu hỏi trên đây, rồi sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của chúng khi được dùng trong Thánh Kinh Việt ngữ. Có một trở ngại lớn khi xét đến việc dùng các danh từ này trong Thánh Kinh Việt ngữ. Đó là, chúng ta chưa có sự thống nhất trong việc chuyển dịch các từ ngữ trong Thánh Kinh sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, các từ điển tiếng Việt cũng không định nghĩa cách rõ ràng những danh từ này, và lý do là vì: Việt Nam chưa có một Hàn Lâm Viện để thống nhất việc chuẩn định ngôn ngữ Việt.

Hiện tại, trong công tác phiên dịch Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, cá nhân tôi cậy ơn Chúa để ít ra thiết lập một tiêu chuẩn chung trong việc dùng từ cho Bản Dịch Ngôi Lời. Đây là một việc làm khó khăn, không thể nào thực hiện nếu không có sự ban ơn của Chúa. Vì vậy, tôi khẩn thiết xin quý con dân Chúa đang đọc những dòng này, nhớ đến công việc của tôi mà dâng lời cầu thay. Công tác phiên dịch Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời nhằm đem lại cho dân tộc Việt Nam một bản dịch Thánh Kinh thật sát nghĩa với nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, qua lối văn Việt hiện đại. Những phần đã phiên dịch sẽ được phổ biến trên Internet, tại website: http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net. Kính mong quý con dân Chúa ghé xem và email góp ý. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phổ biến những trang phiên dịch bao gồm 4 phần: (1) Phần nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp; (2) Phần dịch từ chữ qua chữ với tính chất văn phạm trong nguyên ngữ; (3) Phần dịch sát nghĩa; và (4) Phần chú giải; theo như mẫu dưới đây, để quý con dân Chúa tiện tham khảo và góp ý.

Bây giờ, chúng ta hãy liệt kê các danh từ trên đây và một vài danh từ có liên quan đến chúng, cùng với định nghĩa của các từ điển: “Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh, và “Từ Điển Tiếng Việt” của Hoàng Văn Hành và Nguyễn Vũ. Định nghĩa của “Hán Việt Từ Điển” được nêu ra trước; kế tiếp là định nghĩa của “Từ Điển Tiếng Việt;” và sau cùng là định nghĩa chi tiết của tác giả bài này, áp dụng trong việc phiên dịch Thánh Kinh và biên soạn các tài liệu thần học, giải kinh bằng Việt ngữ.

Tâm:

  • Trái tim – Ngày xưa tưởng lầm rằng trái tim là chỗ nghĩ ngợi, lo lắng, nên phàm cái gì thuộc về nghĩ ngợi, lo lắng đều gọi là tâm.
  • 1. Quả tim. 2. Điểm ở giữa (trung tâm). 3. (nghĩa bóng) Tình cảm của con người. Khẩu phật tâm xà.

Chữ “tâm” theo nghĩa đen là “trái tim,” theo nghĩa bóng là chức năng cảm xúc và ưa thích của bản ngã con người, còn được gọi là “lòng” hay “tấm lòng.” Theo nhận thức của triết học đông phương thì tấm lòng có bảy mối cảm xúc và sáu mối ưa thích, gọi là “thất tình” và “lục dục.”

Thất tình là các cảm xúc trong lòng: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, và muốn. Các hoạt động và trạng thái cảm xúc được gọi chung là “tâm hồn.”

Lục dục là các sự ưa thích đến từ các cảm xúc trong lòng, tức là “ý,” và đến từ các nhận thức của năm giác quan: nghe, thấy, ngửi, nếm, sờ chạm. Các hoạt động và trạng thái ưa thích được gọi chung là “tâm thần.”

Từ ngữ “tâm linh” gọi chung các hoạt động và trạng thái của “tâm hồn” và “tâm thần.”

Trong Thánh Kinh, chữ “tâm” hay “lòng” hay “tấm lòng” được dùng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi được dùng theo nghĩa bóng thì nói đến toàn bộ chức năng của linh hồn: lý trí, tình cảm, và ý chí; tức là các hoạt động nhận thức, suy luận, phân tích, cảm xúc, và quyết định. Như vậy, chữ “tâm” hay “lòng” hay “tấm lòng” khi được dùng theo nghĩa bóng trong Thánh Kinh thì cùng nghĩa với “bản ngã,” tức “linh hồn.”

Lương tâm:

  • Cái thiện tâm của người ta sẵn có
  • Yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình. Con người có lương tâm. Lương tâm nhà nghề. Lương tâm cắn rứt. Táng tận lương tâm.

“Lương” là tốt lành. “Lương tâm” là khả năng của tấm lòng (linh hồn) trong sự nhận biết những điều tốt lành.

Theo Thánh Kinh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng tốt lành [1], cho nên, những gì tốt lành đều ra từ Thiên Chúa. Các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa đã được ban cho loài người, và được ghi chép trong Thánh Kinh, là những điều tốt lành. Nhận biết những điều tốt lành tức là nhận biết các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Loài người do Thiên Chúa tạo dựng, cho nên, loài người có bổn phận phải vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa và làm cho vững bền luật pháp của Ngài.

Người đã tin nhận Chúa không giữ điều răn và luật pháp để được cứu; nhưng vì họ đã được cứu rỗi bởi đức tin và ân điển, cho nên, họ không còn sống trái nghịch điều răn mà vi phạm luật pháp của Thiên Chúa nữa. Sự vâng giữ điều răn và luật pháp của Thiên Chúa là bằng chứng tỏ ra bên ngoài cho mọi người, mọi thiên sứ, mọi ma quỷ nhận biết một người đã thực sự ăn năn, từ bỏ tội, và đã được cứu rỗi. Có như vậy, thì một người mới có thể có lương tâm tốt và sống đúng với lương tâm tốt:

“Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành” (Rô-ma 7:12).

“Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp(Rô-ma 3:31).

“Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Thiên Chúa(I Cô-rinh-tô 7:19).

“Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người” (I Giăng 2:3, 4).

Một tấm lòng (linh hồn) có khả năng nhận biết, vâng phục các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được gọi là lương tâm tốt, lương tâm thanh sạch [2].

Một tấm lòng (linh hồn) không nhận biết các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa cách rõ ràng, vì thiếu sự đọc, nghe, và suy ngẫm Lời Chúa, bị gọi là lương tâm yếu đuối [3].

Một tấm lòng (linh hồn) có khả năng nhận biết các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa mà vẫn vi phạm các điều ấy, bị gọi là lương tâm ô uế [4].

Một tấm lòng (linh hồn) không còn khả năng nhận biết các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa bị gọi là lương tâm chai lì [5] hoặc lương tâm xấu [6].

Lương tâm yếu đuối chỉ có thể được làm cho mạnh mẽ bởi Lời của Chúa [7].

Lương tâm xấu và ô uế chỉ có thể được rửa sạch bởi huyết của Đấng Christ [8].

Tâm hồn:

  • Tâm tư và linh hồn.
  • Ý nghĩ và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người (nói tổng quát). Người có tâm hồn thi sĩ.

Cả hai định nghĩa trên đây đều mơ hồ. Như đã trình bày ở trên, từ ngữ “tâm hồn” được dùng để nói đến các sự ưa thích của linh hồn là những sự ưa thích đến từ các cảm xúc trong lòng, gọi là “ý,” và đến từ các nhận thức của năm giác quan: nghe, thấy, ngửi, nếm, sờ chạm.

Tâm linh:

  • Cái trí tuệ tự có trong lòng người.
  • Trí sáng suốt ở trong tâm, có khả năng biết trước chuyện gì sắp xảy ra. Tâm linh nhạy cảm.

Cả hai định nghĩa trên đây đều mơ hồ. Như đã trình bày ở trên, từ ngữ “tâm linh” được dùng để gọi chung các sinh hoạt của linh hồn.

Tâm thần:

  • Như chữ: Tâm tư (những điều nghĩ ngợi trong lòng).
  • 1. Tâm trí, tinh thần. Tâm thần bấn loạn. 2. Bệnh tâm thần (nói tắt). Khoa tâm thần.

Từ ngữ “tâm thần” được dùng để nói đến các mối cảm xúc của linh hồn, như: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, và muốn, còn gọi là “tinh thần.” Riêng theo cách dùng trong Thánh Kinh, “tâm thần” là phần bản thể thuộc linh của loài người. Tâm thần được tạo nên khi Thiên Chúa thổi vào bản thể xác thịt của loài người thần linh của Ngài [9]. Chính phần tâm thần này làm cho loài người được giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật [10]. Nhờ tâm thần mà loài người mới có thể tương giao và thờ phượng Thiên Chúa.

Sau khi loài người phạm tội, tâm thần bị ô uế vì tội lỗi nên không còn tương giao được với Thiên Chúa, thay vào đó, lại tương giao với các tà linh và thờ phượng chúng nó. Khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ, thì Thiên Chúa lập tức tái sinh tâm thần và linh hồn của người ấy [11]. Từ đó, người đã được tái sinh mới có thể tương giao với Thiên Chúa, thờ phượng Ngài bằng tâm thần, và thờ phượng Ngài theo lẽ thật, tức là theo Lời của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh [12], bằng cách dâng thân thể và đời sống của mình lên cho Chúa [13].

Những nghi thức thờ phượng Chúa không có trong Thánh Kinh đều là sự thờ phượng Chúa không theo lẽ thật, mà chỉ theo các truyền thống của loài người đã được lập ra trong các tổ chức tôn giáo. Điều cần ghi nhớ là, tất cả các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa do loài người lập ra đều không phải là Hội Thánh của Chúa, dù trong các tổ chức đó có mặt các con dân chân thật của Chúa. Không một nơi nào trong Thánh Kinh cho phép loài người lập ra các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa. Trái lại, Lời Chúa quở trách sự chia bè, chia phái trong Hội Thánh:

“Hỡi Anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ. Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao” (I Cô-rinh-tô 1:10-13)?

Tâm trí:

  • Không có từ ngữ này trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh.
  • Tình cảm và sự suy nghĩ của con người trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó (nói tổng quát). Công việc bề bộn xâm chiếm hết tâm trí. Tâm trí đang để ở đâu đâu.

Sự nhận thức của linh hồn thông qua các giác quan của bản thể xác thịt.

Tấm lòng:

  • Trong tiếng Hán Việt không có từ ngữ “tấm lòng.”
  • Bụng dạ. Tấm lòng vàng.

Nghĩa bóng của chữ “tâm,” cùng nghĩa với “bản ngã,” tức “linh hồn.”

Thần trí:

  • Trí tuệ như thần.
  • Tinh thần và trí tuệ nói chung.

1. Sự nhận thức của linh hồn thông qua trực giác của tâm thần, không liên quan gì đến năm giác quan của bản thể xác thịt. 2. Sự suy nghĩ và quyết định của linh hồn dựa trên các nhận thức đó. 3. Trí tuệ của Thiên Chúa. 4. Trí tuệ đến từ Thiên Chúa.

Tư tưởng:

  • Cái hiện tượng về ý thức, do kinh nghiệm và tư lự mà phát sinh ra.
  • Ý nghĩ riêng của mỗi người. Nhà tư tưởng. Tư tưởng hệ.

Chức năng suy tưởng (suy là lý luận để giải thích, tưởng là ý nghĩ) của linh hồn dựa trên các nhận thức đến từ bản thể xác thịt và tâm thần.

Sự khác nhau giữa tâm thần và linh hồn:

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người, Ngài:

  • lấy bụi đất nắn nên thân thể vật chất của loài người;
  • thổi thần linh của Ngài vào thân thể vật chất đó, khiến cho: (1) thân thể bụi đất trở thành thịt và huyết; (2) thần linh của Ngài trở thành thân thể thuộc linh của loài người, tức tâm thần; (3) linh hồn được phát sinh;
  • người trở nên một loài có linh hồn sống.

Vì Thiên Chúa là sự sống, cho nên, được giao tiếp với Thiên Chúa thì có sự sống, bị cắt đứt mối giao tiếp với Thiên Chúa là sự chết. Linh hồn sống là linh hồn có sự giao tiếp với Thiên Chúa. Linh hồn chết là linh hồn bị cắt đứt mối tương giao với Thiên Chúa, vì chống nghịch Ngài khi vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài.

Thân thể vật chất giúp cho loài người giao tiếp với thế giới vật chất. Thân thể vật chất có năm giác quan: nghe, thấy, ngửi, nếm, và sờ chạm để cung cấp các dữ kiện về thế giới vật chất cho linh hồn. Thân thể vật chất là phương tiện để thực hiện các ý muốn của linh hồn trong thế giới vật chất.

Tâm thần là thân thể thiêng liêng của loài người, nhờ đó loài người có thể giao tiếp với thế giới thuộc linh, bao gồm: Thiên Chúa, các thiên sứ, thế giới của ma quỷ, và tâm thần của những người khác. Tâm thần là thân thể thuộc linh, giúp thực hiện các ý muốn của linh hồn trong thế giới thuộc linh. Tâm thần ở bên trong và ở cùng khắp thân thể xác thịt. Tâm thần có trực giác, tương tự như năm giác quan của thân thể xác thịt, để cung cấp các dữ kiện về thế giới thuộc linh cho linh hồn. Nhờ trực giác của tâm thần mà linh hồn nhận biết Thiên Chúa và thánh ý của Ngài, tạo nên tiêu chuẩn sống gọi là lương tâm. Nhờ lương tâm mà đức tin nơi Thiên Chúa được phát sinh và tăng trưởng trong tâm thần. Nhờ đức tin mà linh hồn biết đầu phục và thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế:

“…những người thờ phượng thật: sẽ thờ phượng Cha trong tâm thần và lẽ thật. Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật”(Giăng 4:23, 24 – Bản Dịch Ngôi Lời [14].

Linh hồn là bản ngã thiêng liêng, là sự sống có ý thức, có cá tính, ra từ Thiên Chúa, là cái “tôi” đích thực của loài người. Linh hồn ở trong tâm thần mà tâm thần ở trong thân thể xác thịt, cho nên, linh hồn cũng ở trong thân thể xác thịt. Linh hồn tiếp nhận các dữ kiện về thế giới thuộc thể qua năm giác quan của thân thể xác thịt, và tiếp nhận các dữ kiện về thế giới thuộc linh qua trực giác của tâm thần. Sau khi tiếp nhận các dữ kiện thì linh hồn làm công việc tư duy, tức suy tưởng. Tư tưởng là tất cả những gì linh hồn suy tưởng. Trong tiến trình suy tưởng, linh hồn nhận thức các dữ kiện, phân tích các dữ kiện, cảm xúc các dữ kiện, đánh giá các dữ kiện, rồi quyết định việc phải làm đối với các dữ kiện. Khi đã có quyết định, tức là ý chí, thì linh hồn ra lệnh cho thân thể xác thịt và thân thể thiêng liêng (tâm thần) hành động.

Trong con người đã bị sa bại vì tội lỗi, con người sống theo sự đòi hỏi của xác thịt. Dù có một số người có ý thức đạo đức cao, hoặc vì sợ hình phạt của xã hội, cố gắng kìm giữ những đòi hỏi của xác thịt trái nghịch với lương tâm, không làm ra các hành động sai trái; nhưng trong tư tưởng, họ vẫn phạm tội! Bên cạnh đó, tâm thần đã bị sa bại trong tội lỗi không còn nhận được năng lực từ Thiên Chúa, cho nên, không có đủ sức mạnh để thắng được những cám dỗ của tội lỗi. Trái lại, tâm thần còn bị các tà linh chiếm ngự và xúi giục khiến cho thờ phượng các tà thần, có khi còn bị chúng hành hạ, điều khiển thân xác làm ra những việc kinh khiếp và đau khổ. Cả một thế lực kinh khiếp của: chủ quyền, thế lực, “cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời” [15] đang hành động trong những người có tội, cho nên, nếu không đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì không ai có thể thoát ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và sức mạnh của “vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch” [16]. Cuối cùng, sau khi qua đời, người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ sẽ hư mất đời đời trong hỏa ngục:

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài”(II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng, và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8 – Bản Dịch Ngôi Lời) [17].

Vì hậu quả của tội lỗi mà sự chết đến với loài người và muôn vật trong thế gian. Thánh Kinh cho biết có hai sự chết. Sự chết thứ nhất là sự chết của thân thể xác thịt. Khi tâm thần và linh hồn rời khỏi thân thể xác thịt thì tâm thần về lại nơi Thiên Chúa là Đấng đã ban nó [18], linh hồn thì vào nơi tạm giam là âm phủ để chờ ngày phán xét [19], còn thân thể xác thịt bị phân hủy và trở về với bụi đất [18], [20]. Đến ngày phán xét chung cuộc, Thiên Chúa sẽ gọi mọi xác chết sống lại, linh hồn hội nhập trở lại với thân thể vật chất vừa được gọi sống lại đó và chịu sự phán xét của Thiên Chúa về mọi tội lỗi đã làm ra. Sau sự phán xét, cả linh hồn và thân thể xác thịt của người không có sự cứu rỗi phải vào nơi hồ lửa, chịu khổ đời đời, đó là sự chết thứ hai [21].

Đối với những ai, đang khi còn sống trong thân thể xác thịt mà thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và trung tín sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa dạy, thì họ được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của tội lỗi trong đời này và khỏi hậu quả của tội lỗi, là sự chết thứ hai, trong đời sau. Thánh Kinh khẳng định:

“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ; vì luật pháp của Đức Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jesus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết” (Rô-ma 8:1, 2).

Lời kêu gọi

Xin gửi đến bạn là người đang đọc những dòng chữ này, mấy lời kêu gọi sau đây:

Nếu bạn chưa bao giờ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, xin bạn hãy làm điều đó ngay, trước khi quá trể. Xin xem thêm ý nghĩa về Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa dành cho bạn qua bài viết “Tin Lành Về Vương Quốc của Đức Chúa Trời” tại đây: https://timhieutinlanh.com/node/848.

Nếu bạn đã tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ nhưng chưa hết lòng sống nếp sống thánh khiết, vâng phục Lời Chúa, thì xin bạn hãy mau chóng ăn năn, bước ra khỏi nếp sống đạo chiếu lệ, nhiều khi còn nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, trong các giáo hội do loài người lập ra, mà trở về với lẽ thật của Thánh Kinh, để sống và phục vụ, thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật.

Nếu bạn đang hết lòng sống cho Chúa: hầu việc Chúa, thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, tôi xin chúc mừng bạn.

“Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là Đấng thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, 24).

Huỳnh Christian Timothy
10.10.2011

Ghi chú

Tất cả những câu Thánh Kinh trích dẫn dưới đây là từ “Bản Hiệu Đính Phan Khôi 2011:”
http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/bible

[1] Thi Thiên 100:5 “Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.” Mác 10:18 “Đức Chúa Jesus phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Đấng nhơn lành, là Đức Chúa Trời.” Ngụ ý của Đức Chúa Jesus là: Có phải ngươi nhận biết Ta là Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, có cùng bản thể với Ngài, cho nên ngươi gọi Ta là “nhân lành?

[2] I Ti-mô-thê 1:5 “Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra.” I Ti-mô-thê 3:9 “nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.”

[3] I Cô-rinh-tô 8:10-12 “Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao? Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ.”

[4] Tít 1:15 “Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa.”

[5] I Ti-mô-thê 4:2 “bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì.”

[6] Hê-bơ-rơ 10:22 “nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.”

[7] Giô-suê 1:8 “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được thịnh vượng trong con đường mình, và mới được phước. “ II Ti-mô-thê 3:16, 17 “Cả Kinh Thánh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”

[8] Hê-bơ-rơ 9:14 “huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng thông qua thần quyền đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Thiên Chúa Hằng Sống, là dường nào!” Hê-bơ-rơ 10:22 “nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.”

[9] Sáng Thế Ký 2:7 “Giê-hô-va Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”

[10] Ê-phê-sô 4:24 “và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.”

[11] II Cô-rinh-tô 5:17 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

[12] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/34. Phi-líp 3:3 “Vì, ấy chính chúng ta là những người chịu phép cắt bì, là những người thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ.”

[13] Rô-ma 12:1 “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Rô-ma 14:7-9 “Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả. Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống.”

[14] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/34

[15] Ê-phê-sô 6:12“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.”

[16] Ê-phê-sô 2:1, 2 “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch.”

[17] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/26

[18] Truyền Đạo 12:7 “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Thiên Chúa, là Đấng đã ban nó.”

[19] Lu-ca 16:23, 24 “Người giàu ở nơi âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người; bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.”

[20] Sáng Thế Ký 3:19 “ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”

[21] Khải Huyền 20:11-15 – Bản Dịch Ngôi Lời “Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Bất kỳ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.”