Hỏi & Đáp: Luật Người và Luật Chúa

3,180 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Tôi hay vượt đèn đỏ khi đi đường, (chỉ khi dòng xe phía đèn xanh không còn nữa). Khi phạm luật của loài người thì có phạm luật của Chúa? Luật Chúa không thấy nói về giao thông?

Đáp:

Bấm vào đây để vào trang download audio

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Tội lỗi tức là vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Vi phạm luật pháp của Thiên Chúa là vi phạm sự vinh quang của Ngài, tức là: bản tính thánh khiết, công bình, và yêu thương của Ngài được thể hiện trên và trong mọi loài thọ tạo. Thánh Kinh không hề liệt kê ra tất cả các thứ tội mà loài người chúng ta có thể phạm nhưng Thánh Kinh dạy chúng ta những nguyên tắc cơ bản mà nếu chúng ta hết lòng vâng theo thì chúng ta sẽ không phạm tội.

Những nguyên tắc cơ bản ấy là:

1. Hễ làm điều gì mà không bởi đức tin thì việc làm đó là tội:Khi chúng ta không biết chắc điều mình định làm có phải là tội hay không mà chúng ta vẫn làm thì chúng ta đương nhiên chấp nhận mình sẵn lòng cố ý phạm tội, khi xác xuất phạm tội chỉ là một phần nhỏ (trong nhiều trường hợp, xác xuất đó là 50%). Vấn đề không phải là xác xuất phạm tội lớn hay nhỏ mà vấn đề là lòng chúng ta sẵn sàng phạm tội.

Chắc chắn, một người bình thường sẽ không bao giờ cầm một khẩu súng ru-lô chỉ nạp có một viên đạn, xoay ổ đạn một vòng, rồi chĩa súng vào đầu mình, tự bóp cò, tin rằng: vì xác xuất tử thương chỉ là 1/6 (ổ đạn súng ru-lô có thể nạp 6 viên đạn) cho nên một người có thể tham dự trò “may rủi” đó.

Mỗi khi bạn đối diện với nghi ngờ, không biết khi làm một điều gì đó có phạm tội hay không, thì hãy nhớ rằng: Lời Chúa khẳng định, đó là tội: “…phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi” (Rô-ma 14:23b).

2. Biết điều lành mà không làm theo là phạm tội: Tất cả mọi việc lành theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm theo: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jesus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Chúng ta là con dân Thiên Chúa, là công dân của vương quốc của Đức Chúa Trời, cho nên, chúng ta chỉ làm những việc lành do chính Đức Chúa Trời sắm sẵn cho chúng ta. Chúng ta không làm những “việc lành” của thế gian. Những “việc lành” của thế gian là những điều ô uế trước mặt Thiên Chúa: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi” (Ê-sai 64:6).

Những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta đã được ghi chép rất nhiều trong Thánh Kinh, bao gồm những điều Ngài bảo chúng ta “hãy làm” và những điều Ngài bảo chúng ta “chớ làm.” Tất cả những việc lành đó đều dựa trên Mười Điều Răn và được Đức Chúa Jesus tóm gọn lại thành hai điều: Hết lòng yêu mến, kính sợ, vâng phục Thiên Chúa và hết lòng yêu thương người khác như chính mình. Đó cũng chính là cốt lõi của đức tin chúng ta nơi Thiên Chúa.

Nếu chúng ta đã đọc, đã học, đã nghe giảng về các điều lành đã được Đức Chúa Trời bày tỏ trong Thánh Kinh mà chúng ta không làm theo thì chúng ta phạm tội. Lời Chúa khẳng định: “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17).

3. Chỉ làm những việc có ích, làm gương tốt, không chỉ có ích cho mình mà còn có ích cho người khác:là những việc được tổng hợp trong câu Thánh Kinh sau đây: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:9). Xin đọc và nghe bài giảng tại link sau đây: https://timhieutinlanh.com/sermon/709-tieu-chuan-cua-su-chon-lua. Lời Chúa truyền: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác” (I Cô-rinh-tô 10:23, 24).

4. Dù là việc có ích nhưng nếu việc đó bắt phục chúng ta,như trong các trường hợp ghiền, nghiện: ghiền xem phim, đọc sách, nghiện rượu, nghiện trà… thì chúng ta cũng không được phép làm: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (I Cô-rinh-tô 6:12).

5. Mọi việc chúng ta làm đều phải vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, tuyệt đối không làm gương xấu cho bất cứ ai: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm. Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31, 32). Người Giu-đa là tuyển dân của Chúa, người Gờ-réc tiêu biểu cho các dân tộc không phải là tuyển dân của Chúa, Hội Thánh là tất cả những ai ở trong sự cứu chuộc của Đấng Christ. Từ ngữ “không làm gương xấu” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “không làm ra điều gì xấu xúc phạm người khác khiến cho họ phạm tội.” Điều này không ứng dụng khi có ai đó vì cớ đức tin của chúng ta hay vì nếp sống đạo thánh khiết của chúng ta mà họ bực mình bách hại chúng ta hoặc nói phạm thượng đến Chúa.

6. Mọi việc chúng ta làm đều thể hiện các đặc tính của Thánh Linh:“Nhưng trái của Đấng Thần Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Nghĩa là: động cơ của việc làm là vì lòng yêu thương; tinh thần của việc làm là làm trong sự vui mừng; môi trường thể hiện của việc làm là làm trong sự bình an và tạo ra bình an; năng lực để làm là sự nhịn nhục, nhẫn nại cho đến khi việc làm được hoàn tất; đối tượng của việc làm là thể hiện sự nhân từ cho tất cả mọi người, kể cả kẻ thù nghịch của chúng ta; khi gặp trở ngại hoặc chống đối vẫn thể hiện sự hiền lành; luôn trung tín trong việc làm bằng cách giữ đúng lời hứa và làm hết năng lực; phong cách làm việc là mềm mại, dịu dàng; và tiến trình của việc làm là tiết độ, nghĩa là luôn tự kiềm chế trong việc làm, không cho phép hoàn cảnh kiểm soát mình.

7. Luôn dành ưu tiên cho anh chị em trong Chúa:“Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:10).

Trong nếp sống đạo, nếu chúng ta hiểu, nhớ, và làm theo bảy nguyên tắc trên đây thì chúng ta luôn luôn biết phải ứng xử như thế nào trước mọi hoàn cảnh và với mọi người.

Trở lại với câu hỏi trên đây, chúng ta hãy áp dụng bảy nguyên tắc sống đạo để tìm câu trả lời:

  • Theo nguyên tắc (1): Việc làm có sự nghi ngờ mà vẫn làm là tội.
  • Theo nguyên tắc (2): Tuân giữ luật giao thông là việc lành, đã biết vậy mà không làm theo là có tội. Luật giao thông không hề nói rằng: khi chúng ta gặp đèn đỏ mà phía bên đèn xanh không còn xe thì chúng ta có quyền vượt đèn đỏ.
  • Theo nguyên tắc (3): Vượt đèn đỏ là phạm luật cho nên đó là việc làm không có ích và không làm gương tốt.
  • Theo nguyên tắc (4): Không áp dụng, trừ khi một người nghiện cái cảm giác hồi hộp khi vượt đèn đỏ!
  • Theo nguyên tắc (5): Vượt đèn đỏ làm gương xấu cho các công dân khác và khiến cho mọi người có thể nói phạm đến đạo Chúa, danh Chúa.
  • Theo nguyên tắc (6): Vượt đèn đỏ thể hiện bản tính ích kỷ, thiếu nhẫn nại, thiếu tiết độ, đem lại lo lắng, sợ hãi vì mặc cảm phạm tội… là những điều hoàn toàn nghịch lại với các đặc tính của Thánh Linh.
  • Theo nguyên tắc (7): Người vượt đèn đỏ đã bỏ qua dịp tiện để việc làm một điều thiện, đó là làm gương cho các người khác về tinh thần tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, Lời Chúa cũng dạy con dân Chúa phải kính sợ Chúa mà vâng phục các bậc cầm quyền, các luật lệ do nhà cầm quyền đặt ra, miễn sao các luật lệ ấy không vi phạm Lời Chúa dạy:

Rô-ma 13:1- 7:“Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; vì quan quyền là chức việc của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Thiên Chúa để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ. Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính.”

Tít 3:1:“Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành.”

I Phi-e-rơ 2:12-14:“Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ tôn vinh Đức Chúa Trời. Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành.”

Vậy, khi chúng ta vi phạm luật lệ của quốc gia là cùng lúc chúng ta phạm tội không vâng phục Lời Chúa, “tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.” Sự phán xét đó bao gồm sự phán xét của pháp luật loài người và của pháp luật Thiên Chúa. Những ai có thói quen hay đã từng vi phạm các luật lệ của nhà cầm quyền thì cần phải ăn năn, xưng tội với Chúa và xin Chúa giúp mình từ bỏ thái độ, tinh thần bất tuân luật pháp.

Huỳnh Christian Timothy
23.09.2011