Hỏi & Đáp: Hâm Hẫm và Chết

2,739 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này
Hỏi:

Khải Huyền 3:1 “có tiếng là sống nhưng thực ra là chết” có phải là giống như hâm hẩm (Khải Huyền 3:16)? Nếu khác thì khác thế nào?

Đáp:

Dưới đây là hai câu Thánh Kinh theo Bản Dịch Ngôi Lời:

Khải Huyền 3:1“Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Sạt-đe: ‘Đây là những lời phán của Đấng có Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết những việc làm ngươi. Ngươi mang tiếng là sống mà đang chết!'”

Khải Huyền 3:16“Vì ngươi hâm hẫm, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

Dựa vào ý nghĩa của câu văn, chúng ta biết: trong cái nhìn của loài người thì Hội Thánh Sạt-đe là một Hội Thánh sống động với các sinh hoạt “thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa, và giúp đỡ lẫn nhau;” nhưng đối với Chúa thì đó là một Hội Thánh đang chết! Từ ngữ “chết” ở đây được dùng trong ý nghĩa “chết thuộc linh.” Chết thuộc linh có nghĩa là bị xa cách với Thiên Chúa như diễn tả trong các câu Thánh Kinh sau đây:

Ê-sai 59:2“Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Thiên Chúa; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.”

II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài.”

Như vậy, dù đang có những sinh hoạt bề ngoại sống động nhưng Hội Thánh Sạt-đe là một Hội Thánh chết; có nghĩa là nó không còn được tương giao với Chúa và Chúa cũng không còn ở cùng nó. Dầu vậy, Hội Thánh Sạt-đe vẫn còn có những điều mà Chúa gọi là “những sự hầu chết,” tức là đức tin vào sự cứu rỗi của Chúa. Trong ngụ ngôn gieo giống, chúng ta đã biết có ba điều làm cho đức tin chết:

1. Lòng ngại khổ, khiến không thể chịu khổ vì danh Chúa.

2. Lòng lo lắng về nhu cầu vật chất, khiến không còn trông cậy nơi Chúa.

3. Lòng yêu mến thế gian, khiến không còn yêu mến Chúa và sống cho Chúa.

Dựa vào văn cảnh của Khải Huyền 3:1-9, chúng ta có thể kết luận rằng: Hội Thánh Sạt-đe là một Hội Thánh giàu có và say mê của cải, yêu mến những sự thuộc về thế gian, đến nổi chỉ còn sống cho mình và danh tiếng của Hội Thánh mình chứ không còn sống cho Chúa và danh Chúa. Nếu Hội Thánh Sạt-đe không ăn năn thì ngay cả đức tin vào sự cứu rỗi ở trong Chúa cũng sẽ chết. Câu 9 trong Châm Ngôn 30:7-9 là một câu đáng cho chúng ta ghi nhớ và suy ngẫm:

“Tôi có cầu Chúa hai điều; Xin chớ từ chối trước khi tôi thác: Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Thiên Chúa tôi chăng!”

Dựa vào văn cảnh của Khải Huyền 3:14-22 chúng ta có thể kết luận rằng: Hội Thánh Lao-đi-xê cũng là một Hội Thánh giàu có nhưng khá hơn Hội Thánh Sạt-đe ở chỗ họ không say mê thế gian, tôn thờ Ma-môn, làm ô uế áo xống mình. Trái lại, Hội Thánh Lao-đi-xê ỷ lại vào các việc làm công đức có thành quả to lớn nhờ phương tiện vật chất dồi dào, cho nên, sự hầu việc Chúa và thờ phượng Chúa của họ trở thành hình thức bên ngoài mà không có nhiệt tâm phát xuất từ tấm lòng yêu kính Chúa. Chúa khuyên Hội Thánh Lao-đi-xê hãy dựa vào thần quyền của Chúa thay vì dựa vào của cải thế gian. Nếu họ không ăn năn thì Chúa sẽ từ bỏ họ. Động từ “mửa” trong nguyên ngữ nói lên sự kiện cơ thể không thể tiếp nhận thức ăn không thích hợp với cơ thể. Thiên Chúa không thể tiếp nhận những ai dựa vào công sức, thành quả cá nhân thay vì dựa vào tình yêu, ân điển, và năng lực của Ngài.

Vậy, hai trạng thái “chết” và “hâm hẫm” hoàn toàn khác nhau.

Hội Thánh Sạt-đe đang chết cho nên không còn có Chúa ở cùng, nhưng nếu họ ăn năn, gây dựng trở lại đức tin trong Chúa như buổi đầu đã nghe và nhận Lời Chúa, thì Ngài sẽ tiếp nhận họ trở lại. Ngày nay, biết bao nhiêu Hội Thánh của Chúa đang rơi vào tình trạng của Hội Thánh Sạt-đe? Nhất là những Hội Thánh thuộc các quốc gia đang phát triển, được các Hội Thánh giàu có từ Âu, Mỹ giúp cho tiền bạc!

Hội Thánh Lao-đi-xê được ơn của Chúa, trở nên giàu có về của cải và ân tứ, nhưng đã dựa vào của cải vật chất và tài năng thay vì dựa vào lòng yêu mến Chúa và các ân điển của Ngài. Chúa vẫn còn chịu đựng Hội Thánh lao-đi-xê thêm một thời gian, và Ngài đang quở trách, sửa phạt họ; nhưng nếu họ không ăn năn thì Ngài cũng sẽ từ bỏ họ như là một thứ gớm ghiếc! Phải chăng, các Hội Thánh trong những quốc gia giàu có tại Âu, Mỹ, năng nổ trong các mục vụ truyền giáo, đang lâm vào tình trạng của Hội Thánh Lao-đi-xê?

Ngoài ra, bất kỳ một Hội Thánh địa phương nào, một cá nhân con dân Chúa nào, cũng có thể đang ở trong tình trạng của Hội Thánh Sạt-đe hoặc Hội Thánh Lao-đi-xê. Nguyện sự nhân từ và thương xót của Chúa cùng những lằn roi yêu thương của Ngài sớm tỉnh thức những con dân và Hội Thánh của Ngài ra khỏi thảm trạng của hai Hội Thánh Sạt-đe và Lao-đi-xê. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
06.10.2011