Hỏi & Đáp: Cái Dằm của Phao-lô

3,874 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Cái dằm của Phao-lô như được đề cập trong II Cô-rinh-tô 12:7 là nghĩa đen hay là điều gì?

“Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỷ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo.”

Đáp:

Khi nói đến cái dằm của Phao-lô, các nhà giải kinh đã đưa ra nhiều luận giải khác nhau. Dưới đây là một số ý kiến nổi bật:

  • Chứng toét mắt kinh niên, khiến cho mắt đau nhức trước ánh sáng chói chang và chảy nước mắt dầm dề. Có lẽ vì ảnh hưởng của sự nhìn thấy ánh sáng từ trời trên đường đi Đa-mách (Công Vụ Các Sứ Đồ 9). Với những câu Thánh Kinh sau đây làm hậu thuẩn:

“Anh em biết rằng ấy là đương lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhứt, vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi, mà lại tiếp rước tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, thật như chính mình Đức Chúa Jesus Christ. Vậy thì sự vui mừng của anh em đã trở nên thể nào? Vì tôi làm chứng cho anh em rằng, lúc bấy giờ, nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi” (Ga-la-ti 4:13-15).

“Hãy xem chính tay tôi viết thơ nầy cho anh em, chữ lớn là dường nào”(Ga-la-ti 6:11).

  • Chứng sốt rét kinh niên.
  • Chứng viêm lỡ dạ dầy kinh niên.
  • Chứng nhức đầu kinh niên (nhức đầu đông).

Theo văn cảnh, chúng ta có thể hiểu: “cái dằm xóc vào thịt” không phải là một cái dằm theo nghĩa đen nhưng là một tật bệnh nào đó gây ra sự đau đớn cho thân thể.

Cũng có một số nhà giải kinh cho rằng “cái dằm” có thể là một sự yếu đuối nào đó của xác thịt trong lãnh vực thuộc linh, như: (1) khuynh hướng đồng tính luyến ái; (2) khuynh hướng thích làm tình với trẻ con; (3) hoặc đơn giản là sự đòi hỏi thỏa mãn về tình dục. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy luận như sau để bác bỏ hai điều trước, (1) và (2): Một người đã được tái sinh, hết lòng sống với quyền năng của Chúa thì khuynh hướng ưa thích tội lỗi không thể tồn tại. Chúng thuộc về bản ngã cũ của con người cũ, đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

“Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jesus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi”(Ga-la-ti 5:24).

Riêng điều sau cùng (3), đó là bản tính tự nhiên Chúa ban cho loài người và chính Phao-lô đã khuyên những người độc thân nếu không thể sống độc thân thì phải lập gia đình (I Cô-rinh-tô 7:2). Vì thế, nếu đây là trở ngại của Phao-lô thì ông có thể lập gia đình, và ông biết ông có quyền đó (I Cô-rinh-tô 9:5).

Chúng ta không biết rõ cái dằm của Phao-lô là gì vì Thánh Kinh không xác định, nhưng trong suy luận thì “chứng toét mắt kinh niên” là hợp lý hơn cả, vì ít ra, cũng có một số câu Thánh Kinh dường như hổ trợ cho sự suy luận đó.

Khi đọc kỷ những lời của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 12:7-10 chúng ta sẽ nhận thấy những điều sau đây:

  • Phao-lô không coi cái dằm đó là một sự bất hạnh, trái lại, ông gọi đó là sự “ban cho.” Từ ngữ “ban cho” trong câu này cùng nghĩa với từ ngữ Đức Thánh Linh “ban cho” các ân tứ trong I Cô-rinh-tô 12.
  • Nếu đó là sự ban cho từ Thiên Chúa thì đó là điều tốt lành.
  • Dù đó là sự ban cho của Thiên Chúa nhưng nó là “sứ giả của Sa-tan” đem đến cho xác thịt của Phao-lô sự đau đớn.
  • Có thể Sa-tan muốn làm khó Phao-lô để ông nản lòng, bỏ rơi chức vụ; nhưng mục đích của Thiên Chúa thì dùng đó để khiến cho Phao-lô không phạm tội kiêu ngạo. Nhiều người thấy mình hầu việc Chúa đầy ơn, kết quả to lớn, hoặc tận tụy hy sinh cho Chúa trong sự dâng hiến hay chịu khổ vì danh Chúa, thì sinh lòng kiêu ngạo.
  • Ba lần Phao-lô cầu xin Chúa cho cái dằm lìa xa ông. Mặc dù mọi sự Chúa cho phép mới có thể xảy ra cho chúng ta (Ma-thi-ơ 10:29) và mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Chúa (Rô-ma 8:28), nhưng đôi khi sự đau đớn quá lớn, chúng ta cũng có thể kêu xin với Chúa.
  • Dù Chúa không cất đi những hoạn nạn trong đời sống của chúng ta thì Ngài cũng sẽ ban ơn cho chúng ta vượt qua những hoạn nạn đó bằng sức toàn năng của Ngài. Khi Thiên Chúa Toàn Năng và Thành Tín đã phán: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối;” thì chúng ta hãy: “rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Sức mạnh của chúng ta, những con trai và con gái của Thiên Chúa (II Cô-rinh-tô 6:18), chính là sức mạnh của Đấng Christ khi chúng ta hết lòng tin cậy và phó thác trọn đời sống của chúng ta cho Ngài:

“Tôi làm được mọi sự trong Đấng Christ, là Đấng ban thêm sức cho tôi”(Phi-líp 4:13 – Dịch sát nghĩa theo nguyên ngữ Hy-lạp)

Cảm tạ Thiên Chúa và tôn vinh Ngài! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
07.10.2011