Hỏi & Đáp: Gia Phả Đức Chúa Jesus

3,854 views

Hỏi:

Tôi cũng có đọc bài “Chung Thời Học (2) Ba-bi-lôn lớn” của ông và Lê Anh Huy nơi trang Thanhkinhthanhoc.net có đoạn viết về gốc tích của việc thờ Nữ Thần và Con Trẻ bắt nguồn từ bà Semiramis, vừa là mẹ vừa là vợ của vua Nimrod. Theo truyền thuyết, bà này hoài thai một cách thần bí và sinh ra Tammuz, sau đó hai mẹ con được phong thần để mọi người thờ lạy.

Đọc đoạn này, tôi liên tưởng đến bài giải đáp cho câu hỏi số 109 của ông Diệp Dung (Giải Đáp 306 Câu Hỏi Của Tín Hữu Cơ Đốc) có viết : Đức Chúa Giê-su được kể là dòng dõi vua David qua ngã của bà Mary chứ không thể qua ngã ông Giô-sép. Vì theo Ma-thi-ơ 1: 1-16 : ông Giô-sép là cháu của Giê-cô-nia, mà hậu duệ của Giê-cô-nia bị Đức Chúa Trời rủa sả (Giê-rê-mi 22 : 24-30). Bà Mary, theo kinh Talmud là con gái của Hê-li, sách Lu-ca viết Giô-sép là con (có thể là rể) của Hê-li (Lu-ca 3 : 23).

Kinh Talmud mà ông Diệp Dung đề cập có phải là Tammuz mà ông đã viết ở trên không ?
Ông có ý kiến gì về cách giải thích của ông Diệp Dung về nguyên nhân tại sao sách Ma-thi-ơ chép Giô-sép là con của Gia-cốp (Ma-thi-ơ 1 ; 16) trong khi sách Lu-ca chép Giô-sép là con của Hê-li (Ma-thi-ơ 3 : 23) ?
và Chúa Giê-su là dòng dõi vua David qua ngã bà Mary ?

Nếu ông có thời gian, xin ông vui lòng truyền đạt cho tôi một ít kiến thức về vấn đề này.

Đáp:

1) Tammuz và Talmud

Tammuz ( nghĩa là: con trai thật) là một trong các tà thần của ngoại giáo như đã trình bày trong bài “Ba-by-lôn Lớn,” còn Talmud (nghĩa là: huấn thị hoặc học tập) là tổng hợp những sự giảng dạy của các thầy dạy luật Do-thái liên quan đến luật pháp Môi-se bao gồm luôn các luật lệ do chính các thầy dạy luật đặt ra. Cách nay gần hai ngàn năm chính Đức Chúa Jesus đã phán về nội dung của Talmud như sau:

“Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:6)

“Các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, mà giữ lời truyền khẩu của loài người! Ngài cũng phán cùng họ rằng: Các ngươi bỏ hẳn điều răn của Đức Chúa Trời, đặng giữ theo lời truyền khẩu của mình… dường ấy, các ngươi lấy lời truyền khẩu mình lập ra mà bỏ mất lời Đức Chúa Trời. Các ngươi còn làm nhiều việc khác nữa giống như vậy” (Mác 7:8, 9, 13).

2) Đức Chúa Jesus là dòng dõi Vua Đa-vít qua Ma-ri hay Giô-sép?

Ma-ri và Giô-sép đều thuộc về dòng dõi của Vua Đa-vít nhưng để có thể nối tiếp ngôi vua của Đa-vít thì Đức Chúa Jesus phải thuộc về dòng dõi của Vua Đa-vít qua Giô-sép. Ngôi vua được truyền cho dòng con trai chứ không phải được truyền cho dòng con gái. Chính thiên sứ xác nhận Giô-sép là “con cháu Đa-vít” (Ma-thi-ơ 1:20). Chúng ta biết, Đức Chúa Jesus là con của Giô-sép trên pháp luật chứ không phải trong huyết thống cho nên sự rủa sả của Giê-cô-nia không ảnh hưởng gì đến quyền làm vua của Đức Chúa Jesus. Mặt khác, Đức Chúa Trời giới hạn sự hình phạt đến đời thứ tư mà thôi (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7).

Ma-thi-ơ ghi lại gia phả của Đức Chúa Jesus qua Giô-sép trong khi Lu-ca ghi lại gia phả của Đức Chúa Jesus qua Ma-ri. Gia phả do Ma-thi-ơ ghi chép là để chứng minh Đức Chúa Jesus hợp pháp để nối tiếp ngôi vua của Đa-vít. Tin Lành Ma-thi-ơ được viết cách đặc biệt cho người I-sơ-ra-ên cho nên Đức Thánh Linh đã qua ngòi bút của Sứ Đồ Ma-thi-ơ trình bày cho dân I-sơ-ra-ên thấy rõ Đức Chúa Jesus thuộc dòng Vua Đa-vít, qua Giô-sép, vì thế Ngài chính là Đấng Mê-si (Đấng Christ, Đấng Được Xức Dầu) mà các sách tiên tri đã dự ngôn. Gia phả do Lu-ca ghi chép để chứng minh Đức Chúa Jesus là dòng dõi người nữ đã được nói đến trong Sáng Thế Ký 3:15. Đó cũng chính là lý do vì sao trong gia phả do Lu-ca ghi chép đã truy ngược về tới A-đam. Tin Lành Lu-ca được viết cách đặc biệt cho dân ngoại chịu ảnh hưởng nặng của triết học Hy-lạp cho nên Đức Thánh Linh đã qua ngòi bút của Lu-ca (một người trí thức Hy-lạp) trình bày cho dân ngoại thấy được Đức Chúa Jesus thuộc dòng dõi của người nữ mà Đức Chúa Trời đã tiên tri từ buổi ban đầu. Để biết thêm về tâm lý của những người chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp xin xem lại Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-21.

Sự kiện Giô-sép vừa là con của Gia-cốp, vừa là con của Hê-li được giải thích như sau: Giô-sép là con theo huyết thống của Gia-cốp nhưng là con kế thừa của Hê-li, nghĩa là, Giô-sép vừa là rể của Hê-li mà cũng vừa được Hê-li nhận làm con nối dõi vì Hê-li không có con trai. Điều quan trọng cần để ý là, Lu-ca viết: “Theo ý người ta tin: Ngài là con Giô-sép, Giô-sép con Hê-li.” Trường hợp một người không có con trai nối dõi phải nhận con nuôi xảy ra thường xuyên trong nền văn hóa Hê-bơ-rơ. Chính tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham cũng đã từng nghĩ đến việc chọn người quản gia của ông làm con kế thừa (Sáng Thế Ký 15:2). Như vậy, việc Hê-li chọn Giô-sép làm con kế thừa không có gì là bất thường và đối với gia phả của dòng họ Hê-li thì Giô-sép phải được ghi là “con Hê-li,” có như vậy Giô-sép mới hợp pháp nắm chủ quyền tất cả gia sản của Hê-li sau khi Hê-li qua đời.

Huỳnh Christian Timothy
17/02/2010