Hỏi & Đáp: Đức Chúa Trời Toàn Năng?

3,674 views

Hỏi: Con là một người tin Chúa nhưng khi con đọc được một bài viết là dùng một câu hỏi để bác bỏ ý kiến cho rằng Đức Chúa là Đấng toàn năng là:”Chúa có tạo ra được một tảng đá mà Chúa cầm nhấc lên không nổi không?”, thì con trả lời có hoặc không thì cũng đã tự bác bỏ việc Chúa là Đấng toàn năng rồi. Con mong được giải đáp.

Minh Triết

Đáp:

Minh Triết thương mến trong Chúa,

Thánh Kinh dạy rằng “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ,” (I Phi-e-rơ 3:15). Vậy, biện giải cho niềm tin của mình là công việc của mỗi một người tin Chúa và cần nên khôn ngoan dùng đó như là cơ hội để rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết đền chuộc của Cứu Chúa Jê-sus Christ.

Tuy vậy Phao-lô cũng khuyên nhủ người học trò Ti-mô-thê rằng: “Nầy là điều con hãy nhắc lại và răn bảo trước mặt Đức Chúa Trời rằng, phải tránh sự cãi lẫy về lời nói, sự đó thật là vô dụng, chỉ hại cho kẻ nghe mà thôi. Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (II Ti-mô-thê 2:14). Trong thư tín I Ti-mô-thê 1:4 & 6:4 cũng dạy phải tránh đi những sự gây tranh cãi, vô ích.

Chúng ta cần cầu nguyện nhiều để có sự khôn ngoan của Chúa (Gia-cơ 3: 13-17) giúp cho chúng ta làm công việc Chúa cách đẹp lòng Ngài.

Chúng ta ai cũng biết chắc rằng không thể hiểu biết đúng về một sự việc nếu chỉ xét theo một mặt, phiến diện của sự việc ấy. Câu chuyện dân gian “Ba người mù xem voi” là một minh chứng rõ nét cho việc xét đoán, nhận định một chiều, phiến diện. Không có cái nhìn rộng, bao quát, tổng hợp và hệ thống thì sẽ khó hiểu biết vấn đề một cách đúng đắn. Một sự việc bình thường còn đòi hỏi như vậy huống chi là để hiểu biết một Đức Chúa Trời- Đấng tạo dựng muôn vật, thì chúng ta càng không thể chỉ hiểu Ngài qua một thuộc tính riêng lẻ được.

Trước tiên, Đức Chúa Trời mặc khải (bày tỏ) chính Ngài cho con người biết về Ngài. Qua Thánh Kinh, Lời của Đức Chúa Trời cho loài người. Chúng ta được biết “Đức Chúa Trời là Thần Linh, Ngài không có giới hạn, Ngài tự hữu hằng hữu đời đời, và Ngài không bao giờ thay đổi trong bản chất thánh khiết, công chính, yêu thương, nhân từ của Ngài, trong quyền năng Ngài, trong sự khôn ngoan cũng như trong lẽ thật của Ngài.” Đây là một gồm tóm tương đối đầy đủ về bản thể của Đức Chúa Trời mà con người chúng ta có thể biết được.

Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng toàn năng, trong bản tính Ngài còn là toàn tri, toàn tại, toàn thiện, Ngài tuyệt đối thánh khiết, tuyệt đối công chính. Và Ngài chính là tình yêu thương. Đức Chúa Trời sẽ không còn là Đức Chúa Trời của chúng ta, của Cơ Đốc Giáo (Christianity) nếu không biết Ngài trong tổng thể hài hòa các thuộc tính của Ngài.

Đức Chúa Trời toàn năng và Ngài cũng là Đấng thánh khiết, toàn thiện nên Ngài không thể làm điều ác.

Đức Chúa Trời toàn năng và Ngài là Đấng công chính cho nên sự ác chắc chắn sẽ bị Ngài đoán phạt.

Đức Chúa Trời toàn năng và Ngài là Đấng thánh khiết, công chính, và Ngài cũng là Đấng yêu thương cho nên dù con người phạm tội ác, chống nghịch Ngài đáng bị hình phạt đời đời lại được Chúa nhân từ cho cơ hội ăn năn để nhận được sự tha thứ.

Ngài yêu thương tội nhân không có nghĩa là Đức Chúa Trời dung thứ tội lỗi.

Tội lỗi chắc chắn sẽ bị hình phạt (vì Đức Chúa Trời là công chính, thánh khiết) nhưng tội nhân nếu ăn năn, xưng nhận tội mình trước Ngài sẽ được tha thứ (vì Ngài là yêu thương, nhân từ).

1. Như vậy có nhiều điều Đức Chúa Trời không làm vì bản tính thánh khiết, công chính, yêu thương, nhân từ của Ngài nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không toàn năng.

2. Đức Chúa Trời toàn năng và Ngài cũng toàn tri, toàn thiện cho nên Đức Chúa Trời không tự mâu thuẫn trong bản thể và trong mọi công việc của Ngài. Hơn thế nữa, các công việc của Ngài (làm hay không làm) đều có mục đích và hữu dụng của nó.

3. Đức Chúa Trời không bao giờ cần chứng minh cho con người hiểu biết rằng Ngài là Đấng toàn năng qua công việc của Ngài. Vì trí khôn hữu hạn của loài thọ tạo sao có thể hiểu biết được tính vô hạn (infinity) của Đấng tạo hoá.

4. Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (Sáng thế ký 1:26) cho nên con người cũng có năng lực sáng tạo. Mặc dù không toàn năng (năng lực có giới hạn), nhưng con người còn có thể chế tạo một vật to lớn hơn mình nhiều ngàn lần. Dù không mang vác nổi, nhưng con người còn có khả năng làm cho vật thể đó tự vận hành, tự di chuyển (vd: máy bay…) hoặc dùng một vật khác nâng nhắc lên (vd: dùng cần cẩu…) Do vậy, dù không mang vác nỗi con người cũng không phải là bất năng, bất lực trước vật thể do mình tạo ra lớn nặng hơn nhiều ngàn lần.

Tóm lại, dù làm được hay không làm được, dù mang vác nổi hay không mang vác nổi – theo cách nói của con người – thì Đức Chúa Trời vẫn là Đấng tạo dựng và vững lập vũ trụ này, Ngài vẫn là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn thiện trong bản tính thánh khiết, công chính và yêu thương của Ngài.

Tôi mong rằng những lời này giúp đỡ cho Triết ít nhiều. Nguyện Thánh Linh Đức Chúa Trời soi dẫn để M. Triết ngày càng thêm lên trong sự thông hiểu Đức Chúa Trời-Cứu Chúa của chúng ta.

Tăng Q. Quý