Hỏi & Đáp: Chúa Giáng Sinh Ngày Nào?

3,076 views

Hỏi:Em rất cảm ơn chương trình đã giải thích thắt mắt của em.Lời chúa thì không thể hiểu sai được, vì hiểu sai sẽ dẩn đến làm sai . Trong lúc giới thiệu về Chúa cho bạn hửu, em có nói đến Chúa jesus sinh ra mở một trang sử mới cho nhân loại, người ta đã dùng ngày đó để làm cái móc thời gian để tính ngày tháng.Bạn em mới hỏi “vậy sau lễ Giáng Sinh lại vào ngày 24/12 mà không phải là 01/01. Em phải trả lời thế nào với bạn ấy để bạn ấy có thể hiểu ? Em rất cảm ơn chương trình.

Author: philadenphi
Fri, 08/03/2007 – 04:36

Đáp:

Đức Chúa Jesus không sinh ra vào ngày 24 hay 25/12, và cũng không sinh ra vào năm thứ nhất Công Nguyên. Hệ thống Dương Lịch mà chúng ta đang dùng ngày hôm nay do một linh mục Công Giáo biên soạn. Trong lúc biên soạn có sự sai sót khi chuyển đổi hệ thống lịch La-mã sang cho nên năm sinh của Chúa đã không đúng là năm thứ nhất.

Khi các nhà thông thái tìm đến Giê-ru-sa-lem ra mắt Vua Hê-rốt thì Chúa đã được sinh ra gần hai năm, vì vậy, Vua Hê-rốt mới ra lịnh giết các bé trai từ hai tuổi sắp xuống, theo như ngày tháng ngôi sao xuất hiện mà các nhà thông thái báo cáo với vua. Sau đó, Chúa được Giô-sép đưa sang Ai-cập lánh nạn cho đến khi Vua Hê-rốt qua đời.

Lịch sử cho biết Vua Hê-rốt qua đời vào khoảng năm thứ 4 trước Công Nguyên. Như vậy Chúa phải được sinh ra trước đó khoảng hai năm, tức là vào khoảng năm thứ 6 hay 6 rưỡi trước CN. Sách Lu-ca cho biết khi Chúa bắt đầu thi hành chức vụ thì Ngài vào khoảng 30 tuổi. Chúa thi hành chức vụ khoảng 3 năm rưỡi.

Từ năm thứ 6 trước CN đến năm thứ nhất CN có 5 năm. Từ năm thứ nhất CN đến năm thứ 26 CN có 25 năm. Như vậy, Chúa bắt đầu thi hành chức vụ vào khoảng năm 26 hay năm 26 rưỡi và chịu chết vào khoảng năm 29 rưỡi hay năm 30.

Đức Thánh Linh giáng lâm vào khoảng năm 29 rưỡi hay năm 30 cho nên có thể nói, lịch sử Hội Thánh bắt đầu vào năm 30.

Vào thế kỷ thứ tư, sau khi đế quốc La-mã biến đạo Chúa thành quốc giáo, Giáo Hội Công Giáo chuyển đổi ngày Sa-bát thành Chủ Nhật (vốn là ngày thờ thần mặt trời của dân ngoại) mong dùng sự thờ phượng Chúa thay thế sự thờ phượng thần mặt trời của dân ngoại bị bắt buộc phải theo đạo. Chúng ta thật nên giữ ngày Sa-bát (tức ngày Thứ Bảy) vì đây chính là ngày duy nhất trong tuần lễ được Đức Chúa Trời biệt làm ngày thánh và ban phước cho ngay từ buổi sáng thế (Sáng Thế Ký 2:1-3). Trong Vương Quốc Ngàn Năm mà Đức Chúa Jesus sẽ thiết lập trên đất ngày Sa-bát cũng vẫn được tuân giữ (Ê-sai 66:23) thì không có lý do gì ngày hôm nay chúng ta bỏ đi ngày Sa-bát. Không vâng giữ ngày Sa-bát là phạm điều răn của Đức Chúa Trời mặc dù vâng giữ ngày Sa-bát không phải là điều kiện để được cứu rỗi. Còn việc Hội Thánh nhóm họp thờ phượng Chúa thì lúc nào, ở đâu cũng được, miễn là thuận tiện.

Ngày lễ sinh nhật thần mặt trời (25/12) bị biến thành lễ sinh nhật của Chúa và lễ sinh nhật của nữ thần Easter cũng biến thành lễ Chúa phục sinh với mục đích Cơ-đốc hóa những ngày lễ thờ tà thần của dân ngoại.

Thật sự không ai biết Chúa giáng sinh vào ngày nào, cũng không biết chính xác vào năm nào. Lễ phục sinh mà các giáo hội đang kỷ niệm hiện nay cũng không đúng vào ngày Chúa phục sinh.

Là con dân chân thật của Chúa, chúng ta không nên bận tâm đến những nghi thức, lễ nghi không được nhắc đến trong Thánh Kinh mà chỉ do loài người bày ra. Chỉ có lễ báp-tem dành cho người mới tin nhận Chúa và Lễ Tiệc Thánh là được Chúa dạy chúng ta phải tuân giữ mà thôi.

Lễ báp-tem cần được làm ngay cho một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Chúa, rồi sau đó mới dạy đạo cho người mới tin. Lịnh truyền của Chúa là: khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa, làm phép báp-tem cho họ trong danh Chúa Ba Ngôi, rồi mới dạy họ giữ tất cả những điều Chúa đã truyền cho chúng ta (tức là chỉ dạy những điều gì được ghi lại trong Thánh Kinh). Nếu mệnh lệnh của Chúa là dành cho tất cả môn đồ của Chúa thì bất kỳ môn đồ nào của Chúa cũng có bổn phận đi ra rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa, làm báp-tem, và dạy đạo cho người đã tin nhận Chúa chứ không phải riêng các “mục sư” mới có thẩm quyền làm báp-tem và dạy đạo. Dạy đạo tức là mở Thánh Kinh ra, chỉ cho người mới tin nhận Chúa những gì Chúa dạy con dân Chúa trong đó. Cũng không nên bắt người mới tin Chúa phải “học giáo lý” rồi mới được làm báp-tem, vì Chúa không dạy như vậy. Làm như vậy là cãi lại lời Chúa. Đưa ra lý do này, lý do nọ để cãi lại Lời Chúa là lên mình kiêu ngạo, tự cho mình hiểu biết hơn Chúa!

Lễ Tiệc Thánh là kỷ niệm sự chết của Chúa, và bất cứ ai là môn đồ của Chúa cũng đều có thẩm quyền cử hành. Mỗi tín đồ là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, không riêng gì “mục sư.” Hội Thánh ban đầu kỷ niệm Tiệc Thánh mỗi ngày nhưng Thánh Kinh không quy định bao lâu thì cử hành một lần. Xét về lý thì mỗi năm kỷ niệm một lần vào đêm Lễ Vượt Qua của người Do-thái là hợp lý. Xét về tình, nếu Hội Thánh yêu mến Chúa nhiều đến nỗi mỗi ngày có thể họp lại để dự Tiệc Thánh vào mỗi tối thì thật là tuyệt vời.

Có những Hội Thánh địa phương tổ chức Tiệc Thánh mỗi tuần, mỗi tháng, hoặc mỗi ba tháng.

Không có gì tuyệt vời cho bằng, mỗi tối, gia đình chúng ta nhóm lại dự Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa và hát Thánh Ca tôn vinh Chúa, cầu nguyện cảm tạ Chúa.

Admin
08/06/2007 – 15:11