A.W. Tozer: Thờ Phượng

3,671 views

A. W. Tozer

Tại sao Ðấng Christ đã đến? Tại sao Ngài được thọ thai? Tại sao Ngài được sinh ra? Tại sao Ngài bị đóng đinh? Tại sao Ngài sống lại? Tại sao hiện nay Ngài lại ở bên hữu Ðức Chúa Cha?

Câu trả lời cho mọi câu hỏi trên là, “Ðể Ngài có thể đưa những người thờ phượng ra khỏi những người nổi loạn; để Ngài có thể khôi phục lại cho chúng ta địa vị thờ phượng chúng ta vốn đã biết ngay từ khi được tạo dựng.”

Vì chúng ta được tạo dựng để thờ phượng, sự thờ phượng là một công việc bình thường của các hữu thể đạo đức. Nó là một công việc bình thường, không phải là một cái gì đó rất được yêu thích hay được cộng thêm vào, giống như lắng nghe một buổi hòa nhạc hay thưởng thức những bông hoa. Nó là một cái gì đó được tạo dựng gắn liền với bản chất con người. Mỗi cái nhìn thoáng lên thiên đàng đều cho thấy hình ảnh các tạo vật đang thờ phượng; trong Ê-xê-chi-ên 1:1-5, các tạo vật ra từ đám lửa đang thờ phượng Ðức Chúa Trời; trong Ê-sai 6:1-6, chúng ta thấy Ðức Chúa Trời trên ngôi cao sang và nghe các tạo vật nói, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Ðức Giê-hô-va Vạn Quân;” trong Khải Huyền 4:8-11, Ðức Chúa Trời mở thiên đàng ra và chúng ta thấy họ đang ở đó thờ phượng Ðức Chúa Cha; và trong đoạn 5 từ câu 6 đến câu 14, chúng ta thấy họ thờ phượng Ðức Chúa Con.

Thờ phượng là một mệnh lệnh đạo đức. Trong Lu-ca 19:37-40, cả đám đông các môn đồ đang thờ phượng Chúa khi Ngài đến và một vài người đã quở trách họ. Chúa phán, “Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.”

Bây giờ, sự thờ phượng là viên ngọc quý đang bị đánh mất trong giới Tin Lành hiện đại. Chúng ta được tổ chức; chúng ta làm việc; chúng ta có nhật ký công tác. Chúng ta có hầu như mọi thứ, nhưng có một điều mà các Hội Thánh, ngay cả các Hội Thánh Tin Lành, không có: Ðó là năng lực thờ phượng. Không phải chúng ta đang vun trồng nghệ thuật thờ phượng. Nó là một viên đá quý sáng chói đã bị các Hội Thánh ngày nay đánh mất, và tôi tin rằng chúng ta phải tìm, cho đến khi gặp lại nó.

Tôi nghĩ rằng tôi phải nói thêm một chút về việc thờ phượng là gì và nó phải như thế nào nếu được thực hiện trong Hội Thánh. Ðó là một thái độ, một trạng thái tâm trí, một hành động được chấp nhận (duy trì), hướng về những mức độ của sự toàn hảo và xúc cảm mãnh liệt. Chẳng bao lâu  sau khi Ngài ban Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, chúng ta nói “A-ba, Cha” và chúng ta đang thờ phượng. Ðó là một việc. Nhưng trở thành những người thờ phượng theo đúng ý nghĩa của Thánh Kinh Tân Ước là một việc hoàn toàn khác.

Bây giờ tôi nói rằng thờ phượng hướng đến những mức độ của sự toàn hảo và xúc cảm mãnh liệt. Ðã có những người thờ phượng Ðức Chúa Trời đến độ họ đã ở trong trạng thái ngây ngất của sự thờ phượng… Có ít lần tôi đã thấy những người khác sung sướng vô ngần trong trạng thái ngây ngất của sự thờ phượng, nơi họ được mang đi khỏi cùng với sự thờ phượng, và tôi cũng đã nghe một số những tân tín hữu thật thà thưa rằng “A-ba, Cha.” Vì thế, sự thờ phượng có thể đi từ chỗ rất đơn giản đến chỗ mãnh liệt và tuyệt vời nhất.

Thế thì những nhân tố bạn có thể tìm thấy trong sự thờ phượng là gì? Tôi sẽ liệt kê cho bạn một số. Trước hết là lòng tin vững vàng. Bạn không thể thờ phượng một Ðấng mà bạn không tin. Ðức tin rất cần thiết cho sự tôn kính, và sự tôn kính lại rất cần thiết cho sự thờ phượng. Sự thờ phượng lên cao hay xuống thấp trong bất kỳ Hội Thánh nào hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ chúng ta hướng về Ðức Chúa Trời, liệu chúng ta thấy Ðức Chúa Trời là lớn lao, hay thấy Ngài là nhỏ bé. Hầu hết trong chúng ta thấy Ðức Chúa Trời quá nhỏ bé; Chúa chúng ta quá nhỏ. Ða-vít nói, “Hãy cùng tôi tôn trọng Ðức Giê-hô-va” (Thi thiên 34:3), và “tôn trọng” không có nghĩa là làm cho Ðức Chúa Trời lớn. Bạn không thể làm cho Ðức Chúa Trời trở nên to lớn, nhưng bạn có thể thấy Ngài to lớn.

Tôi đã nói sự thờ phượng lên cao hoặc xuống thấp cùng với quan niệm của chúng ta về Ðức Chúa Trời; đó là lý do tại sao tôi không tin vào những tay cao bồi cải đạo nửa vời, những người gọi Ðức Chúa Trời là “Người ở tầng trên” (The Man Upstairs). Tôi nghĩ họ chẳng thờ phượng gì cả vì quan niệm của họ về Ðức Chúa Trời chẳng có giá trị gì đối với Ngài và cũng chẳng có giá trị gì đối với họ. Và nếu có một bệnh tật kinh khủng nào trong Hội Thánh của Ðấng Christ, thì nó chính là việc chúng ta không thấy Ðức Chúa Trời vĩ đại như đích thực Ngài là như vậy. Chúng ta quá quen thuộc với Ðức Chúa Trời.

Mối tương giao với Ðức Chúa Trời là một việc; sự quen thuộc với Ngài là một việc hoàn toàn khác. Tôi không thích ngay cả việc gọi Ðức Chúa Trời là “Bạn” (You) – điều này có thể làm cho một số người phiền lòng, nhưng rồi sẽ qua đi. “Bạn” là một từ thông tục. Tôi gọi một con người là “bạn”, nhưng tôi phải gọi Ðức Chúa Trời là “Ngài” (Thou và Thee). Tôi biết rằng đây là những từ cổ từ thời Elizabeth xa xưa, nhưng tôi cũng biết rằng có một cái gì đó rất quý giá toát lên từ những con chữ đó và tôi nghĩ rằng khi chúng ta nói về Ðức Chúa Trời, chúng ta phải dùng những đại từ thuần khiết, trang trọng.

Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta không được nói nhiều về Chúa Jêsus chỉ với tên Ngài là Jêsus mà thôi. Tôi nghĩ chúng ta phải nhớ Ngài là ai. “Ngài là Chúa của con, hãy tôn kính Ngài” (Thi thiên 45:11). Và dù Ngài đã xuống đến nơi thấp nhất vì nhu cầu của chúng ta, khiến chính mình Ngài trở nên gần gũi với chúng ta hơn, như người mẹ và đứa con, thì cũng đừng quên rằng khi Giăng thấy Ngài – chính ông Giăng đã từng nằm trên ngực Ngài – đã ngã xuống chân Ngài như chết.

Tôi đã nghe đủ loại người thuyết giáo. Tôi đã nghe những kẻ khoe khoang ngu dốt; tôi đã nghe những con người buồn tẻ, khô khan; tôi đã nghe những người có tài hùng biện; nhưng những người giúp tôi nhiều nhất là những người kính sợ trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời, Ðấng mà họ nói đến. Có thể họ có một chút hài hước, có thể họ vui tính; nhưng khi họ nói về Ðức Chúa Trời, họ nói bằng một giọng hoàn toàn khác; giọng nói này là một cái gì đó hoàn toàn khác, một cái gì đó rất tuyệt vời. Tôi tin rằng chúng ta phải trở lại quan niệm Thánh Kinh xa xưa về Ðức Chúa Trời, vốn khiến cho Ðức Chúa Trời trở nên đáng kính sợ và khiến con người úp sát mặt xuống đất mà thốt lên, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Ðức Giê-hô-va Vạn Quân.” Ðiều đó sẽ đem lại nhiều điều tốt lành cho Hội Thánh hơn mọi sự khác.

Kế đó có sự ngưỡng mộ, tức là sự nhận thức sâu sắc sự kỳ diệu của Ðức Chúa Trời. Con người được đánh giá là tốt hơn trong việc nhận thức sâu sắc Ðức Chúa Trời, hơn bất cứ một tạo vật nào khác vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, và là tạo vật duy nhất được như vậy. Sự ngưỡng mộ dành cho Ðức Chúa Trời gia tăng và gia tăng cho đến khi nó đầy dẫy tấm lòng với sự ngạc nhiên và vui sướng. “Trong sự kính sợ đầy ngạc nhiên của lòng, chúng con xưng nhận vẻ đẹp không hề được tạo dựng của Ngài,” một tác giả thánh ca đã nói thế. “Trong sự kính sợ đầy ngạc nhiên của lòng!” Ðức Chúa Trời của Tin Lành hiện đại hiếm khi làm ai ngạc nhiên. Ngài ở trong sự tổ chức, chẳng bao giờ phá vỡ những quy luật của chúng ta. Ngài là một Ðức Chúa Trời cư xử rất tốt và phi hệ phái, rất giống một người trong chúng ta; chúng ta cầu xin Ngài giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn, chúng ta xin Ngài quan phòng khi chúng ta ngủ. Ðức Chúa Trời của Tin Lành đương đại không phải là một Ðức Chúa Trời mà tôi có thể kính trọng nhiều. Nhưng khi Ðức Thánh Linh bày tỏ cho chúng ta Ðức Chúa Trời như chính Ngài là như vậy, chúng ta sẽ ngưỡng mộ Ngài đến mức độ ngạc nhiên và vui sướng.

Sự hấp dẫn là một yếu tố khác của sự thờ phượng thật: Ðược đầy dẫy sự sôi nổi thuộc linh; bị quyến rũ và bị mê hoặc, tràn đầy xúc cảm, không phải bởi việc bạn nhận được nhiều thể nào hay của dâng nhiều ra sao, không phải bởi việc bao nhiêu người đến nhà thờ; nhưng tràn ngập xúc cảm bởi nhận biết Ðức Chúa Trời là ai, lòng tràn ngập điều kỳ diệu đến kinh ngạc của sự cao quý không thể nào tin được và sự vĩ đại, sự tráng lệ của Ðức Chúa Trời Toàn Năng.

Tôi còn nhớ khi mình là một Cơ Ðốc nhân trẻ, tôi đã có một khải tượng đáng kính sợ, tuyệt diệu và tràn đầy xúc cảm về Ðức Chúa Trời. Tôi đang ở Tây Virginia, trong rừng và ngồi trên một khúc gỗ đọc Kinh Thánh cùng với một tín hữu người Ái Nhĩ Lan, Robert J. Cunningham, bây giờ ông đang ở thiên đàng. Tôi đứng dậy và rảo bước loanh quanh để cầu nguyện một mình. Lúc đó tôi đang đọc một trong những phân đoạn Kinh Thánh khô khan nhất có thể tưởng tượng được – phân đoạn viết về lúc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và Ðức Chúa Trời sắp xếp họ vào một khu trại hình tháp. Ngài đặt chi phái Lê-vi ở giữa, Ru-bên ở phía trước và Bên-gia-min phía sau. Ðó là một thành phố hình thoi đang di động với trụ lửa ở giữa lan tỏa ánh sáng. Thình lình một ý tưởng xuất hiện trong tôi: Ðức Chúa Trời là một nhà hình học; Ngài là một nghệ sĩ! Khi Ngài sắp đặt thành phố đó, Ngài đã sắp đặt nó một cách hết sức thành thục: hình thoi với một chấm ở chính giữa; và thình lình tư tưởng đó quét qua tôi như con sóng giữa đại dương: Ðức Chúa Trời thật đẹp đẽ và Ngài vừa là một họa sĩ, một nhà thơ và là một nhạc sĩ nữa; tôi đã thờ phượng Ðức Chúa Trời ngay tại đó, bên dưới những tán cây. Bạn biết không, sau đó tôi bắt đầu yêu thích những bài thánh ca cổ, từ đó tôi trở thành người yêu thích những bài thánh ca vĩ đại.

Ðiều tiếp theo là lòng kính yêu, yêu Chúa với tất cả sức lực trong chúng ta. Yêu Chúa với lòng kính sợ và kinh ngạc, với lòng khao khát và đợi chờ; là khao khát Chúa với lòng khao khát lớn lao, và yêu Ngài đến độ vừa đau đớn, vừa vui sướng. Có nhiều lúc điều này đưa chúng ta đến sự tĩnh lặng đến nín thở. Tôi nghĩ rằng một trong những lời cầu nguyện vĩ đại nhất là lời cầu nguyện mà trong đó bạn không nói lời nào, hay cầu xin điều gì. Bây giờ Ðức Chúa Trời đã đáp lời và Ngài đã ban cho chúng ta điều mà chúng ta cầu xin. Ðây là sự thật; không một ai có thể phủ nhận nó chỉ trừ phi anh ta phủ nhận Thánh Kinh. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của sự cầu nguyện, và nó cũng không phải là một khía cạnh quan trọng. Ðôi lúc tôi đến với Chúa và nói, “Chúa ôi, nếu Ngài chẳng bao giờ đáp lại bất cứ một lời cầu xin nào khác của con dầu con còn sống trên cõi đời này, con vẫn thờ phượng Ngài chừng nào con còn sống, và trong những thời đại sắp đến vì những gì Ngài đã làm rồi.” Ðức Chúa Trời đã đặt để tôi vào một món nợ vô cùng to lớn, lớn đến nỗi cho dù tôi có được sống đến một triệu thiên niên kỷ, tôi cũng không thể trả nổi cho Ngài những gì Ngài đã làm cho tôi.

Chúng ta thường đến với Ðức Chúa Trời giống như là chúng ta sai một đứa bé đến tiệm tạp hóa với một danh sách dài ngoằng các thứ, “Chúa ơi, cho con cái này, cho con cái kia, cho con cái nọ nữa,” và Ðức Chúa Trời nhân từ của chúng ta thường ban cho chúng ta điều mà chúng ta muốn. Nhưng tôi nghĩ Ðức Chúa Trời thấy chán nản vì chúng ta biến Ngài thành cội nguồn cho mọi điều chúng ta muốn, không gì khác hơn nữa. Ngay cả Chúa Jêsus chúng ta cũng quá thường xuyên được giới thiệu như là: “Ðấng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.” Ðó là trái tim đang đập mạnh của Tin Lành ngày nay. Bạn đang có nhu cầu và Ðức Chúa Jêsus sẽ đáp ứng cho bạn. Ngài là Ðấng “giải quyết nhu cầu.” À, quả là Ngài như vậy thật; nhưng, rõ ràng Ngài còn hơn thế nữa kia.

Bây giờ, khi những yếu tố tinh thần, tình cảm và tâm linh mà tôi đã nói với các bạn thực sự tồn tại và ở trong một mức độ tình cảm mãnh liệt nào đó – như tôi đã thừa nhận, trong bài hát, trong sự ngợi khen, trong sự cầu nguyện và cầu nguyện trong tâm trí – bạn đang thờ phượng. Bạn có biết cầu nguyện trong tâm trí là gì không? Tôi muốn nói là bạn có biết cầu nguyện không thôi là gì không? Ông Brother Lawrence, người viết quyển The practice of the Presence of God (tạm dịch là Thực Hành Sự Hiện Diện của Ðức Chúa Trời), đã nói, “Nếu tôi đang rửa chén, tôi làm việc đó vì sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời và nếu tôi nhặt một cọng rơm từ dưới đất lên, tôi làm điều đó vì sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Lúc nào tôi cũng tương giao với Ðức Chúa Trời.” Ông nói, “Các định luật nói với tôi rằng tôi phải dành thời gian đi ra một mình và cầu nguyện, và tôi làm thế, nhưng những lúc đó không khác mấy với sự tương giao thường lệ của tôi.” Ông đã học hỏi được nghệ thuật của sự tương giao, thông công với Ðức Chúa Trời, liên tục, và không bị cắt đứt.

Tôi lo sợ cho người chăn nào mà khi bước lên bục giảng, ông là một con người hoàn toàn khác với con người của chính ông trước đó. Hỡi các mục tử, đừng bao giờ nghĩ đến một tư tưởng, thực hiện một hành vi hay để cho bị kẹt vào trong một hoàn cảnh nào đó mà các vị không thể đưa lên bục giảng với chính mình mà không cảm thấy lúng túng. Các vị đừng bao giờ trở thành một con người hoàn toàn khác, có một giọng điệu mới hay một cảm giác của nghi thức mới khi bước lên bục giảng. Các vị phải bước lên bục giảng với cùng một tinh thần, cùng một cảm giác kính sợ mà các vị đã có ngay trước khi các vị nói với ai đó về những vấn đề của đời sống. Môi-se xuống núi và nói với dân sự. Ðáng buồn thay cho Hội Thánh nào có người chăn luôn đi lên hay đi vào bục giảng! Ông ta phải luôn luôn đi xuống bục giảng. Họ nói Wesley có thói quen sống với Ðức Chúa Trời, nhưng có nhiều lúc cũng đi xuống để nói với dân sự. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải như vậy. A-men.