A. W. Tozer: Học Thì Phải Hành

3,089 views

Ông Charles G. Finney tin rằng việc dạy Thánh Kinh mà không có sự áp dụng trên phương diện đạo đức có thể còn tệ hơn việc không dạy gì cả và có thể gây nên những tổn thương thực sự lớn cho những người nghe. Tôi thường cảm thấy rằng điều này có vẻ là một quan điểm cực đoan, nhưng sau nhiều năm chiêm nghiệm, tôi thay đổi ý kiến, hay có một quan điểm gần như giống hệt nó.

Hầu như không có bất cứ điều gì buồn tẻ và vô nghĩa cho bằng giáo lý Thánh Kinh được dạy vì cớ lợi ích của chính nó. Lẽ thật tách rời cuộc sống không phải là lẽ thật trong ý nghĩa Thánh Kinh, nhưng là một cái gì đó khác hơn và là một cái gì đó thấp kém hơn. Thần học là một tập hợp các sự kiện liên quan đến Ðức Chúa Trời, con người và thế giới. Những sự kiện này có thể và thường được công bố như là những giá trị nội tại; và ở đó có một cái bẫy cho cả người dạy lẫn người nghe.

Thánh Kinh, giữa vòng những điều khác, là một cuốn sách của lẽ thật được bày tỏ. Tức là một số sự kiện nào đó được mặc khải mà không một tâm trí vô cùng lỗi lạc nào có thể khám phá. Chúng ta chỉ có thể hiểu được bản chất của những sự kiện này khi kinh nghiệm chúng. Chúng được giấu đằng sau một tấm màn; và cho đến khi có ai đó nói rằng họ được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh để đến và dỡ bỏ tấm màn đi, không một con người hay chết nào có thể biết đến chúng. Chúng ta gọi việc dỡ bỏ tấm màn vô thức khỏi những cái chưa được khám phá là sự khải thị thiêng liêng.

Tuy nhiên, Thánh Kinh còn hơn là một tuyển tập những sự kiện mãi cho đến nay chưa được biết đến về Ðức Chúa Trời, con người và vũ trụ. Nó là một cuốn sách của sự mời gọi nhiệt thành dựa trên những sự kiện đó. Phần lớn Thánh Kinh là một nỗ lực cấp bách nhằm thuyết phục con người thay đổi đường lối của mình và đưa đời sống của họ trở lại hòa thuận với ý muốn Ðức Chúa Trời như đã được viết trong những trang quý báu của nó.

Chẳng có người nào trở nên tốt hơn vì biết rằng từ ban đầu Ðức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất. Ma quỷ cũng biết điều đó, A-háp và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt cũng thế. Chẳng có người nào trở nên tốt hơn khi biết rằng vì Ðức Chúa Trời quá yêu thương thế gian nên đã ban Con Một của Ngài xuống trần chịu chết vì sự cứu chuộc tội lỗi họ. Trong âm phủ, có hàng triệu người biết điều đó. Lẽ thật thần học hoàn toàn vô dụng cho đến khi nó được vâng theo. Mục đích đằng sau mọi giáo lý là để bảo vệ hành động đạo đức.

 Nhìn chung, điều đã bị bỏ qua chính là sự thật, như được chép trong Thánh Kinh Cơ-đốc, đó là một điều mang tính đạo đức; nó không chỉ nhằm vào lý trí, mà còn nhằm vào ý chí con người nữa. Nó hướng chính mình đến toàn bộ con người và những đòi hỏi của nó không thể được hoàn thành chỉ bởi việc nắm bắt, thấu hiểu nó trong tâm trí mà thôi. Lẽ thật chiếm lấy pháo đài của lòng người và sẽ không được thỏa mãn cho đến khi nó chinh phục được mọi sự ở đó. Ý chí phải đến và quy phục dưới lưỡi gươm của lẽ thật. Ý chí phải đứng đó chú ý nhận những mệnh lệnh mà nó phải vui vẻ vâng phục. Thiếu điều này, bất cứ sự hiểu biết nào về lẽ thật Cơ-đốc cũng không đủ và chỉ vô ích mà thôi.

Sự giải nghĩa Thánh Kinh mà không có sự áp dụng mang tính chất đạo đức sẽ chẳng gây nên sự đối kháng nào. Chỉ khi nào người nghe được làm cho hiểu rằng lẽ thật mâu thuẫn với lòng mình, khi đó sự chống đối xuất hiện. Chừng nào mà con người có thể nghe rằng lẽ thật chính thống đã tách rời khỏi đời sống, khi đó họ sẽ gia nhập và ủng hộ các giáo hội, các học viện mà không một lời phản đối nào. Lẽ thật chỉ là một bài hát hay, trở nên ngọt ngào bởi những cuộc nhóm họp dài hơi, dễ xúc động; và vì nó không đòi hỏi gì nhiều, chỉ vài đô la thôi, mà lại vừa được nghe nhạc hay, vừa có những tình bạn thú vị, và một cảm giác khỏe mạnh thoải mái, lẽ thật sẽ không gặp sự chống đối nào từ những tín đồ sùng đạo. Phần lớn điều đó được xem là Cơ-đốc Giáo Tân Ước, vốn chỉ nhỉnh hơn lẽ thật bị chống đối một chút, được làm cho ngọt dịu với bài hát và làm cho dễ chịu bởi trò giải trí tôn giáo.

Có lẽ không có phần nào khác trong Thánh Kinh có thể so sánh với những thư tín của Phao-lô khi nói đến việc tạo nên những vị thánh nhân tạo. Phi-e-rơ cảnh báo rằng những người dốt nát và những người không tin quyết sẽ xuyên tạc những điều Phao-lô viết và rồi tự chuốc lấy sự hư mất cho riêng mình (II Phi-e-rơ 3:16); và chúng ta chỉ cần viếng thăm một hội nghị Thánh Kinh nào đó, lắng nghe một vài bài thuyết trình thì sẽ biết được ông muốn nói gì. Một điều đáng lo ngại là những giáo lý của Phao-lô có thể được dạy với sự chính xác đến từng con chữ mà không khiến người nghe trở nên tốt hơn chút nào. Vị giáo sư có thể và thường dạy lẽ thật không khác gì nhồi nhét, bỏ mặc nó ở đó cho người nghe mà không tạo cho họ một nhận thức về bổn phận đạo đức nào cả.

Một lý do cho việc tách rời giữa lẽ thật và đời sống có lẽ là do thiếu sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Một nguyên nhân chắc chắn khác là người giáo viên không muốn gây rắc rối cho chính mình. Bất cứ người nào có khả năng giảng dạy hợp lý đều có thể gần gũi với hội chúng bình thường nếu ông ta chỉ việc “cho họ ăn” và để họ yên. Ban phát nhiều lẽ thật khách quan và không bao giờ ám chỉ rằng họ sai thì mọi chuyện sẽ ổn, họ sẽ thỏa lòng lắm.

Trái lại, người nào giảng dạy lẽ thật và áp dụng nó vào đời sống của người nghe sẽ cảm biết móng vuốt và gai nhọn. Ông ta sẽ sống rất khó khăn, nhưng là một đời sống vinh hiển. Nguyện Chúa sẽ dấy lên nhiều những tiên tri như vậy. Hội Thánh hết sức cần họ.

A. W. Tozer