Sự Sống Đời Đời và Sự Chết Đời Đời

5,910 views
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?zp8oajctp8ispbv
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
http://www.mediafire.com/?1y2op55xrvm94zz
Bấm vào nút “play” ► để nghe

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Sự sống đời đời hoặc sự chết đời đời là điều chắc chắn sẽ đến với mỗi một ai được sinh ra làm người. Đó là sự khẳng định của Thánh Kinh. Dĩ nhiên, đối với những người vô thần hoặc những người không tin Thánh Kinh thì những gì Thánh Kinh nói đều là vô nghĩa đối với họ. Chỉ có những ai tin rằng phải có một Đấng Tạo Hóa tạo ra muôn loài vạn vật với một mục đích, và Ngài đang tể trị trên muôn loài vạn vật theo chương trình và ý định của Ngài, thì họ mới có thể tin được Thánh Kinh và những gì Thánh Kinh bày tỏ về Đấng Tạo Hóa có một và thật.

Theo Thánh Kinh, Đấng Tạo Hóa tự bày tỏ tên của Ngài trong tiếng Hê-bơ-rơ, được ký tự là YHWH, được dịch sang Hán Việt là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,” có nghĩa là “Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi.” Thánh Kinh còn gọi Ngài là “Chúa Ở Trên Trời,” mà Thánh Kinh Việt Ngữ dịch là “Thiên Chúa” hoặc “Đức Chúa Trời.” Từ trong tiềm thức, dân tộc Việt Nam đã nhận biết về Đấng Tạo Hóa và gọi Ngài là “Ông Trời.” Người Việt còn lập một bàn thờ đơn sơ trước nhà để thờ Ngài, gọi là “Bàn Ông Thiên,” với ý nghĩa “Bàn Thờ Ông Trời.”

Vào khoảng năm 1911, các giáo lý chân chính về Thiên Chúa được chính thức truyền vào Việt Nam qua các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance), tiếp theo đó, toàn bộ Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt, giúp cho nhiều người Việt Nam được biết rõ về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài dành cho nhân loại. Từ đó đến nay, có rất nhiều người đã tin nhận Thiên Chúa cùng sự cứu rỗi của Ngài, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh và được rao giảng bởi Hội Thánh của Ngài. Đời sống của những người tin được biến đổi cách lạ lùng, và họ kinh nghiệm được sự tương giao mật thiết với Đấng Tạo Hóa. Những người đó tin chắc rằng, họ sẽ nhận được sự sống đời đời nếu họ trung tín, vâng phục Thiên Chúa, sống theo ý muốn của Ngài cho đến khi ra khỏi thân thể xác thịt hiện tại.

Ngược lại với sự sống đời đời là sự chết đời đời. Những ai không có sự sống đời đời thì chỉ có sự chết đời đời chờ đón họ. Tuy nhiên, sự sống đời đời là gì? Sự chết đời đời là gì? Làm thế nào để có được sự sống đời đời và thoát khỏi sự chết đời đời? Mọi câu trả lời đều đã có sẵn trong Thánh Kinh mà chúng tôi sẽ tổng hợp để trình bày cách chi tiết trong bài viết này.

Thực Hữu, Tự Hữu, và Hằng Hữu

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau phân biệt sự thực hữu, sự tự hữu, và sự hằng hữu. Những từ ngữ này đều là tiếng Hán Việt. Chữ “hữu” nghĩa là “có,” trái ngược với “không.” Vậy, “thực hữu” là “có thật;” “tự hữu” là “tự có,” và “hằng hữu” là có mãi mãi.

1. Thực hữu:Khi chúng ta nói một ai đó, một vật nào đó thực hữu là chúng ta nói ai đó có thật, vật nào đó có thật và gọi đó là một thực thể, tức là một hình thể có thật. Chỉ có hai cách duy nhất để thực hữu là tự hữu hoặc được sáng tạo. Tự hữu là tự có, tự xuất hiện còn sáng tạo là được tạo ra bởi một thực thể khác.

2. Tự hữu:Chỉ có thể có một thực thể tự hữu và thực thể đó sáng tạo ra muôn loài vạn vật khác. Như đã nói trong phần mở đầu, Thánh Kinh gọi thực thể ấy là Thiên Chúa và là Đấng Tạo Hóa. Chính Ngài tự xưng mình là “Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi.” Đó là tên gọi của Ngài. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, phiên âm tên ấy thành “Giê-hô-va.”

3. Hằng hữu:Bất cứ một thực thể nào cũng sẽ có đến mãi mãi. Thiên Chúa là Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi, cho nên, đương nhiên là Ngài có mãi mãi. Tất cả muôn loài vạn vật do Thiên Chúa dựng nên, từ các thiên sứ cho đến loài người, từ các loài súc vật cho đến các côn trùng, từ muôn vàn tinh tú vĩ đại trong vũ trụ bao la cho đến những hạt cát bé tí nơi bờ biển… đều có đến đời đời vì được chính Đấng Đời Đời dựng nên. Ngay chính lời phán của Thiên Chúa cũng còn đến đời đời, nói chi đến những việc và những vật do Ngài làm ra.

  • Thánh Kinh cho biết, Lời Chúa còn đến đời đời: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng Lời của Thiên Chúa chúng ta còn mãi đời đời(Ê-sai 42:9)! “Nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:25).
  • Thánh Kinh cho biết, mọi việc Thiên Chúa làm nên còn đến đời đời: “Ta biết rằng mọi việc Thiên Chúa làm nên còn có đời đời: người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi đặng; Thiên Chúa làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài” (Truyền Đạo 3:14).
  • Thánh Kinh cho biết trái đất còn đến đời đời: “Ngài xây đền thánh Ngài giống như nơi rất cao, khác nào trái đất mà Ngài đã sáng lập đời đời (Thi Thiên 78:69).
  • Thánh Kinh cho biết muôn loài thọ tạo còn đến đời đời: “Ha-lê-lu-gia! Từ các từng trời hãy tôn vinh Đức Giê-hô-va! Hãy tôn vinh Ngài trong nơi cao cả! Hỡi hết thảy các thiên sứ Ngài, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi cả cơ binh Ngài, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi trời của các từng trời, hỡi nước trên các từng trời, Hãy tôn vinh Ngài! Cả thảy khá tôn vinh danh Đức Giê-hô-va; Vì Ngài ra lịnh, thảy bèn được sáng tạo. Ngài lập cho vững các vật ấy đến đời đời vô cùng; Cũng đã định mạng, sẽ không có ai vi phạm mạng ấy” (Thi Thiên 148:1-6).

Sự Hằng Hữu của Loài Người

Trong cái nhìn của loài người, chúng ta thấy mọi vật dường như bị suy thoái và tan rã, nhưng chính khoa học cũng đã chứng minh rằng vật chất luôn tồn tại. Những gì chúng ta kinh nghiệm chỉ là sự biến đổi trạng thái của mọi vật. Giả sử, chúng ta đem một thân thể xác thịt đi thiêu đốt thành tro bụi thì tất cả các nguyên tố hóa học (được Thánh Kinh gọi chung là bụi của đất) hợp thành thân thể đó chỉ bị sức nóng cao làm cho phân tán, trở về trạng thái nguyên thỉ của chúng.

Thánh Kinh cho biết, một ngày kia, tất cả thân thể xác thịt của loài người đều được phục sinh. Những ai tin nhận và vâng phục Thiên Chúa thì sẽ được phục sinh trong sự vinh quang và khi đó thân thể vật chất sẽ trở thành siêu vật chất, nghĩa là vẫn là vật chất nhưng vượt qua mọi định luật hiện tại đang chi phối thế giới vật chất. Nói cách khác, thân thể vật chất hiện tại của chúng ta vì phạm tội mà thiếu mất sự vinh quang của Thiên Chúa nên bị hao mòn, già yếu, bệnh tật rồi chết, đồng thời không tể trị được các định luật vật lý, cho nên, bị các định luật ấy giới hạn. Khi được phục sinh trong vinh quang, thân thể vật chất của chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn và đầy đủ năng lực như thân thể của A-đam khi được Thiên Chúa sáng tạo, chưa phạm tội, điều khiển được các định luật vật lý, tiêu biểu bởi thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ.

Những ai không tin nhận và vâng phục Thiên Chúa thì thân thể vật chất của họ cũng được phục sinh nhưng để chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Thân thể được phục sinh của những người trong hỏa ngục cũng sẽ là một thân thể vật chất siêu vật chất để có thể chịu đốt đời đời bởi lửa của hỏa ngục. Theo Thánh Kinh, lửa trong hỏa ngục là chất lưu huỳnh (sulphur) bốc cháy (Khải Huyền 19:20; 21:8, Thánh Kinh Việt Ngữ bản Dịch Truyền Thống dịch nhầm thành diêm sinh, là chất kali nitrat). Lưu huỳnh là hóa chất chính để làm diêm quẹt, và là một nguyên tố cần thiết cho mọi sự sống. Điều mĩa mai là chính nguyên tố cần thiết cho mọi sự sống đó lại làm khổ những kẻ bị giam trong chúng.

Nếu thân thể vật chất mà Thánh Kinh gọi là nhà tạm của chúng ta hằng hữu thì huống gì là linh hồn, tức bản ngã, tức thân vị thật của chúng ta. Qua đó, chúng ta thấy rõ, cả thân thể vật chất xác thịt và linh hồn đều còn lại đời đời. Như vậy, sự chết đời đời có nghĩa gì?

Sự Chết và Sự Chết Đời Đời

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của sự chết đời đời thì chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “chết” được dùng trong Thánh Kinh. Sự chết được nói đến trong Thánh Kinh bao gồm sự chết của thân thể vật chất là xác thịt và sự chết của thân thể thiêng liêng là tâm thần, cùng với sự chết của chính linh hồn. Sự chết có hai giai đoạn, Thánh Kinh gọi là sự chết thứ nhất, có tính tạm thời, và sự chết thứ hai, có tính đời đời. Ý nghĩa chính xác của “sự chết” là sự phân rẽ. Thí dụ, khi chúng ta nói, quan hệ tình cảm của tôi với người ấy đã chết hẵn, là chúng ta muốn nói chúng ta và người ấy đã bị phân rẽ hoàn toàn về phương diện tình cảm.

1. Sự chết thứ nhất:xảy ra khi loài người phạm tội và lưu truyền trong dòng dõi loài người cho đến khi tội lỗi và sự chết bị tiêu diệt. Khi sự chết thứ nhất xảy ra thì:

a) Về mặt thuộc linh:Thân thể thiêng liêng là tâm thần và chính linh hồn bị phân rẽ với Thiên Chúa, khiến người chết không còn nhận biết thêm về Thiên Chúa, bị chấm dứt ân sủng được tương giao với Thiên Chúa, và không còn có thể thờ phượng Thiên Chúa: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:1-3).

Tâm thần chết không còn được tương giao với Thiên Chúa mà chỉ còn có thể tương giao với Ma Quỷ và bị Ma Quỷ kiềm chế, khiến cho phải sợ hãi và thờ phượng Ma Quỷ qua các thần tượng.

Linh hồn chết không thể yêu thương được ai khác hơn là chỉ yêu thương chính mình, cho đến một lúc cũng sẽ trở nên thù ghét chính mình và tìm cách tự hủy diệt mình.

b) Về mặt thuộc thể:Thân thể vật chất xác thịt trở nên già yếu, hao mòn, bệnh tật theo thời gian, rồi cuối cùng bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, còn gọi là sự chết của thân thể xác thịt. Thánh Kinh đã cho chúng ta biết, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra thì:

  • Xác thịt trở về cùng bụi đất: “vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng Thế Ký 3:19). “Hơi thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất mình” (Thi Thiên 146:4). “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ” (Truyền Đạo 12:7).
  • Tâm thần trở về cùng Thiên Chúa là Đấng đã ban nó: “và tâm thần trở về nơi Thiên Chúa, là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7).
  • Người tin nhận và vâng phục Chúa được vào thiên đàng, ở bên cạnh Đức Chúa Jesus Christ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại để nhận sự sống đời đời: “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em” (Phi-líp 1:23). “Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy” (Khải Huyền 6:5). “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:22-23). Xem thêm I Cô-rinh-tô 15:50-54 và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17.
  • Người không tin nhận và vâng phục Chúa phải vào trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại, chịu sự phán xét chung cuộc, rồi nhận sự chết đời đời: “Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Bất cứ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:11-15). Xem thêm Lu-ca 16-19-31.

2. Sự chết thứ nhì:còn gọi là sự chết đời đời, chỉ xảy ra cho những người không thuộc về Chúa. Thánh Kinh định nghĩa sự chết thứ nhì là linh hồn ở trong thân thể xác thịt đã phục sinh, bị nhốt trong hồ lửa, chịu khổ đời đời. “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Vì họ bị đời đời xa cách mặt Chúa nên họ sẽ không được ban cho thân thể thiêng liêng là tâm thần, là phương tiện để tương giao với Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa ngày càng hơn, vì không cần thiết. Khải Huyền 21:8 chép: “Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ hai.”

Như vậy, chúng ta thấy Thánh Kinh cho biết sự chết đời đời chỉ là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài cho đến mãi mãi chứ không bao giờ có nghĩa là linh hồn bị tiêu diệt thành hư không, chẳng còn ý thức và cảm xúc. Nếu linh hồn bị tiêu diệt thành hư không hoặc không còn ý thức và cảm xúc thì sao lại gọi là “sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải Huyền 20:10)?

Sự Sống và Sự Sống Đời Đời

Dù không ai có thể hiểu biết đầy đủ về sự sống và định nghĩa sự sống, nhưng ai nấy cũng ý thức rằng mình đang sống. Chúng ta có thể phân biệt về sự sống của loài người như sau:

  • Xác thịt sống: linh hồn và tâm thần ở trong xác thịt.
  • Tâm thần sống: linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần giúp linh hồn tương giao với Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa ngày càng hơn; luật pháp và điều răn của Thiên Chúa được ghi chép trong tâm thần; năng lực của Đức Thánh Linh tuôn đổ trong tâm thần, giúp cho linh hồn có những quyết định đúng theo thánh ý của Thiên Chúa và có năng lực làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho linh hồn.
  • Linh hồn sống: linh hồn nhận biết Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa.
  • Sự sống đời đời: linh hồn đã được tái sinh ở trong một tâm thần đã được tái sinh và ở trong một xác thịt đã được phục sinh hoặc đã được biến hóa, mãi mãi ở trong trạng thái và địa vị nhận biết Thiên Chúa và hạnh phúc bên Ngài. Sự nhận biết Thiên Chúa cứ tăng tiến mãi, không ngừng nghỉ, cho đến đời đời.

Nhiều Cơ-đốc nhân khi được hỏi sự sống đời đời là gì thì trả lời rằng: Sự sống đời đời là mãi mãi được vui sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Câu trả lời đó đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu nhiệm của sự sống đời được chính Đức Chúa Jesus Christ trình bày như sau: “Vả, sự sống đời đời là để họ nhìn biết Ngài, tức là Chúa Trời có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến” (Giăng 17:3).

Từ ngữ được dịch là “nhìn biết” trên đây, trong nguyên tác Hy-lạp là “γινώσκω,” G1097, phiên âm quốc tế /ginōskō/, phiên âm tiếng Việt [ghê-nốt-s-cô], được dùng trong thì hiện tại, có nghĩa là: một sự hiểu biết sâu nhiệm và thường trực, không phải chỉ bởi tri thức mà còn bằng cảm xúc trong một mối quan hệ vô cùng thân thiết như vợ chồng “biết“ nhau: “song không hề ăn ở với (trong nguyên tác là biết đến) cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jesus” (Ma-thi-ơ 1:25). “Ma-ri bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” (Lu-ca 1:34).

Sự sống đời đời, vì thế, không chỉ đơn thuần là sự hằng hữu trong bình an và hạnh phúc mà còn là sự vui thỏa lạ lùng trong sự tương giao với Thiên Chúa và hiểu biết Thiên Chúa cách sâu nhiệm, ngày càng hơn, cho đến mãi mãi.

Sự sống đời đời khác với sự hằng hữu. Loài vật chất vô tri vẫn hằng hữu nhưng không có sự sống đời. Những ai không tin nhận và vâng phục Thiên Chúa thì sẽ hằng hữu và chịu khổ mãi mãi trong hỏa ngục cùng với Ma Quỷ và tay sai của nó. Họ còn đến đời đời nhưng không gọi là sống đời đời mà gọi là chết đời đời, vì chết là bị phân rẽ, và chết đời đời là mãi mãi bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời.

Kết Luận

Vì chỉ có một trong hai kết cuộc cho mỗi một người được thực hữu làm người trong thế gian này, đó là được sống đời đời hoặc bị chết đời đời, cho nên, mỗi người phải khôn ngoan chọn lựa cho chính mình. Nếu bạn không làm gì hết, bạn đương nhiên sẽ nhận lấy sự chết đời đời, vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời”“công giá của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 3:23; 6:23). Nếu bạn thật lòng ăn năn tội, hết lòng từ bỏ tội, tin nhận chỉ một mình sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chứ không dựa vào một công đức nào khác, và trung tín sống theo Lời Chúa là Thánh Kinh, thì bạn sẽ đương nhiên nhận được sự sống đời đời.

Nếu bạn chưa có sự sống đời đời, bạn hãy quyết định ngay trong lúc này. Vì một khi bạn tắt hơi, lìa khỏi thân xác này, thì bạn sẽ không còn cơ hội để tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nữa. Không ai biết được mình có còn sống sau hơi thở đang thở hay không! Thánh Kinh kêu gọi bạn: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (II Cô-rinh-tô 6:2). Đức Chúa Jesus Christ hứa với bạn: “kẻ đến với Ta, thì Ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37). “Ta là sự sống lại và sự sống; ai tin nơi Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25).

Sau khi đã quyết định, bạn hãy chân thành thưa với Chúa vài lời tương tự như sau: “Kính lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, là Cha của con ở trên trời. Hôm nay, con xin ăn năn từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Xin Cha tiếp nhận con và dạy cho con được hiểu biết Lời Ngài. Con cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!”

Nếu bạn không biết cách phát âm danh từ “Jesus Christ” thì bạn có thể phát âm là “Giê-xu Ki-tô” hoặc “Giê-xu Cơ-đốc.” “A-men” có nghĩa là thật như vậy. Bạn có thể email cho tôi để được hướng dẫn thêm về nếp sống mới trong Chúa và ghé thăm website www.timhieutinlanh.com để đọc và nghe các tài liệu giúp bạn hiểu biết Lời Chúa là Thánh Kinh. Chúc mừng bạn đã đến với sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ. Bạn hãy loan báo tin tức tốt lành về sự sống đời đời cho những ai chưa biết đến.

Huỳnh Christian Timothy
15.12.2012
tim@timhieutinlanh.com

Ghi Chú

[1] Đọc và nghe các bài giảng về “Loài Người” tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/taxonomy/term/70

https://timhieutinlanh.com/node/1034

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.