Hỏi & Đáp: Tiếng Mới và “Tiếng Lạ”

3,772 views
Bấm vào nốimạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?vv8qpmn7wpilclb
Hỏi:
Mặc dù con đi Nhà thờ từ còn rất nhỏ nhưng con không thật sự hiểu rõ Kinh Thánh và chưa thật sự tìm hiểu kỹ. Và gần đây, con được biết nhiều sự thật mà trước đây con không biết và hiện tại, con và chị của con cùng nhau học hỏi về lời Chúa thông qua Kinh thánh để biết về Lẽ thật một cách trọn vẹn hơn.
Chị con có gửi cho con một vài trang web của chú như linh bên dưới và con chưa hiểu rõ lắm: https://timhieutinlanh.com/node/474
Trang web trên có một bạn hỏi về tiếng mới: Con chưa hiểu về cầu nguyện tiếng mới và nói tiếng mới. Ngày xưa, các môn đồ nhận được, hôm nay chúng ta có nhận được không ạ?
Con không hiểu rõ lắm về sự khác biệt giữa việc nói tiếng mới hoặc nói tiếng lạ. Nhưng con cũng có thắc mắc giống như bạn MT đã hỏi câu hỏi trên rằng: Các môn đồ của Chúa ngày xưa đều nhận được thông qua các câu trong Kinh Thánh đã ghi rõ lại như sau:
Công vụ các sứ đồ 1:4-5: “Trong khi họp mặt, Ngài căn dặn họ: Các con đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải chờ đợi điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. Vì Giăng đã làm báp-tem bằng nước nhưng ít ngày nữa, các con sẽ nhận báp-tem bằng Đức Thánh Linh”. Đây là chỉ dẫn của Chúa với các môn đề của Ngài rằng phải ở lại thành Giê-ru-sa-lem. Và họ đã ở lại thành.
Công vụ các sứ đồ 2: Chúa Thánh Linh Giáng Lâm.
– Công vụ 2:4: “Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác nhau theo như Thánh Linh cho họ nói”
– Công vụ 2:15:16:  “Những anh em này không say rượu như quý vị tưởng đâu, vì bây giờ mới chín giờ sáng. Nhưng đây chính là điều Chúa đã phán qua nhà tiên tri Giô-ên…”
Họ đã nhận lãnh Thánh Linh thông qua việc nói tiếng lạ theo như Thánh Linh cho họ nói, có một vài người tưởng họ say rượu, nhưng thật sự họ vẫn rất tỉnh táo. Sau khi các môn đệ của Ngài ở lại thành Giê-ru-sa-lem, họ đã nhận lãnh Thánh Linh thông qua việc nói tiếng lạ.
Công vụ các sứ đồ 10: Cọt-nây
– Công vụ 10:44-47: …”Phê-rơ đang nói, Thánh Linh đã giáng xuống trên tất cả những người nghe sứ điệp ấy. Các tín hữu Do Thái tháp tùng Phê-rơ đều kinh ngạc vì ân tứ Thánh Linh cũng đổ xuống trên người ngoại quốc nữa, vì họ cũng nghe những người ấy nói các tiếng lạ và ca tụng Đức Chúa Trời. Lúc ấy, Phê-rơ tuyên bố: “Những người này đã tiếp nhận Thánh Linh cũng như chúng ta. Thế thì còn ai dám ngăn họ chịu phép báp-tem bằng nước nữa.””
Không những các môn đệ của Ngài mà còn nhiều người khác cũng nhận lánh Thánh Linh thông qua việc nói tiếng lạ.
Và theo câu trả lời của chú thì việc nói tiếng lạ là:
Ngày nay phong trào nói tiếng lạ tràn lan khắp nơi trên thế giới chỉ là sự giả mạo của Satan mà thôi. Sự nói tiếng lạ ngày hôm nay thật sự là “nói tiếng lạ” vì không ai hiểu biết các thứ tiếng đó trong khi những thứ tiếng mà Đức Thánh Linh ban cho các sứ đồ và môn đồ ngày xưa là những ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới, có người hiểu được. Nhìn vào nếp sống đạo của những người nói tiếng lạ đó chúng ta cũng nhận biết được họ trĩu đầy bông trái của xác thịt: tham lam, kiêu ngạo, dễ nóng giận, dối trá, tà dâm… mà không hề có một chút nào bông trái của Thánh Linh.
Con có một vài câu hỏi liên quan đến các vấn đề đã đề cập bên trên như sau:
1. Tại sao việc nói tiếng lạ như các môn đồ của Chúa ngày xưa không còn nữa?
2. Theo các câu Kinh Thánh trên, các môn đồ của Chúa và nhiều người khác nữa đều nhận lãnh Thánh Linh thông qua việc nói tiếng lạ. Vậy bây giờ làm sao con biết được rằng con đã nhận lãnh Thánh Linh hay chưa?
Mong nhận được sự trả lời của chú Tim.
Nguyên ân điển của Chúa ở cùng chú.
Con cảm ơn chú,
Đáp:

Cảm tạ Chúa. Chú rất vui được quen biết con và có cơ hội giúp con tìm hiểu Lời Chúa. Chú lần lượt giải đáp các thắc mắc của con như sau:1. Tiếng mới và ơn nói ngoại ngữ hoàn toàn khác nhau. Tiếng mới là ngôn ngữ yêu thương, tôn kính Chúa của người đã được tái sinh. Sau khi chúng ta được tái sinh thì mọi sự (đức tin, sự nhận thức, cách suy nghĩ, nếp sống) đều trở nên mới, vì thế ngay cả tiếng nói của chúng ta cũng trở nên mới. “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34; Lu-ca 6:45), cho nên, khi tấm lòng đã đổi mới thì ngôn ngữ cũng đổi mới:

II Cô-rinh tô 5:17 “Vậy, {nếu} ai {ở} trong Đấng Christ {thì người ấy là một} tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này, mọi sự {đều} trở nên mới.”
Mác 16:17 “Và những dấu hiệu này sẽ theo những người tin: Trong danh Ta họ sẽ trừ những quỷ. Họ sẽ nói những ngôn ngữ mới.”

Sự đổi mới trong cách nói của chúng ta chứng minh chúng ta đã được đổi mới trong Đấng Christ. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Mác 16:17 là “sẽ nói những ngôn ngữ mới” có nghĩa là (1) một người dù thuộc về dân tộc nào, nói loại ngôn ngữ nào, một khi đã được tái sinh thì sẽ đổi mới cách nói, tiếng nói; (2) dù cho một người có biết nhiều ngôn ngữ, một khi đã được tái sinh thì sẽ đổi mới cách nói trong mọi ngôn ngữ mà mình nói ra. Nếu cho rằng “tiếng mới” là thứ tiếng lạ lấp bấp vô nghĩa của những người Ân Tứ/Ngũ Tuần thì Phong Trào “nói tiếng lạ” chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm nay, như vậy, không lẽ suốt 1800 năm trước đó, hàng triệu người tử Đạo mà không hề biết nói “tiếng lạ” là những người chưa tái sinh, chưa được đầy dẫy Thánh Linh hay sao? Con hãy đọc thêm các bài sau đây:

2. Sự kiện các môn đồ của Chúa nói ngoại ngữ sau khi được đầy dẫy Thánh Linh là để công bố: Từ nay, Tin Lành sẽ được rao giảng cho muôn dân, chứ không còn giới hạn trong vòng người Do-thái, và để ấn chứng cho sự Đức Thánh Linh đã giáng lâm, ở cùng Hội Thánh y như lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ. Sự kiện đó không bao giờ được lập lại. Thiên Chúa chỉ dựng nên loài người là A-đam và ban sự sống cho loài người chỉ có một lần mà thôi, từ đó, qua A-đam mà muôn người được sinh ra và đương nhiên có sự sống. Cũng vậy, Đức Chúa Jesus Christ đã lập nên Hội Thánh và ban Đức Thánh Linh cùng Thánh Linh cho Hội Thánh chỉ có một lần mà thôi, từ đó, qua Hội Thánh mà mọi thánh đồ (người thật lòng tin nhận Chúa và sống theo Lời Chúa) được sinh ra và đương nhiên có Đức Thánh Linh cùng Thánh Linh.3. Thánh Linh, tức là năng lực từ Thiên Chúa, đã được Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh nhưng chỉ có những ai hết lòng sống cho Chúa thì mới được đầy dẫy Thánh Linh. Những ai vẫn còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian hoặc lo lắng về đời này hoặc ngại khổ vì danh Chúa thì không được đầy dẫy Thánh Linh; và cuối cùng thì đức tin của họ sẽ chết.4. Ân tứ nói ngoại ngữ được ban cho nhiều tín đồ trong Hội Thánh ban đầu để “tự gây dựng lấy mình” (I Cô-rinh-tô 14:4), vì lúc bấy giờ chưa có Thánh Kinh Tân Ước để giúp họ hiểu biết sâu nhiệm trong đức tin; ngay cả Thánh Kinh Cựu Ước cũng rất là hạn chế, không phải ai cũng có sẵn một cuốn trong tay. Những tín đồ thuở ban đầu chưa có Tân Ước, chưa có sự tin chắc vào lẽ Đạo cứu rỗi nên Chúa đã dùng ơn nói ngoại ngữ để giúp họ biết chắc là họ đã được cứu rỗi và đã nhận được Đức Thánh Linh cùng Thánh Linh. Ngày nay, Thánh Kinh toàn bộ Cựu Ước và Tân Ước đã đầy dẫy khắp nơi trong hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau để gây dựng đức tin của con dân Chúa, thì ân tứ nói ngoại ngữ không cần thiết nữa. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta chạy theo dấu lạ mà bỏ qua Lời Ngài. Chính Thánh Kinh đã khẳng định:

“Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói ngoại ngữ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta. Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa.(I Cô-rinh-tô 14:21-22)

Thế thì, sao chúng ta lại tìm kiếm dấu hiệu chỉ dành riêng cho người chẳng tin? Trong vòng 100 năm nay Sa-tan đã dùng hiện tượng “nói tiếng lạ” giả làm ân tứ nói ngoại ngữ để lường gạt gần một tỉ người mang danh là con dân Chúa trong mọi giáo hội, kể cả Công Giáo. Nếu cho rằng “nói tiếng lạ” là biểu hiện của sự đầy dẫy Thánh Linh thì tại sao những người Công Giáo thờ hình tượng và bà Ma-ri cũng “đầy dẫy Thánh Linh?” Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ân tứ nói ngoại ngữ và ân tứ thông dịch ngoại ngữ không còn được ban cho trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh sẽ tùy ý Ngài mà ban cho các ơn khi có nhu cầu. Tất cả ân tứ được ban cho để gây dựng Hội Thánh cách chung hay cách cá nhân đều còn lại với Hội Thánh cho đến khi Hội Thánh được Đức Chúa Jesus Christ cất ra khỏi thế gian. Dầu vậy, trong thời đại nạn Đức Thánh Linh cũng vẫn ban một số ơn cho các thánh đồ, tùy theo nhu cầu.5. Thánh Kinh không bao giờ nói rằng ân tứ nói ngoại ngữ là dấu hiệu của một người được đầy dẫy Thánh Linh. Trong suốt Cựu Ước không hề ghi lại trường hợp những người đầy dẫy Thánh Linh thì nói ngoại ngữ, mà chỉ nói là họ “nói tiên tri.” Bởi vì các thánh đồ thời Cựu Ước là những người đã tin chắc vào Thiên Chúa, cho nên, họ không cần ơn nói ngoại ngữ để “tự gây dựng chính mình” mà họ được Đức Thánh Linh ban cho ơn “nói tiên tri” để gây dựng dân sự của Chúa: “Kẻ nói ngoại ngữ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh” (I Cô-rinh-tô 4:14). Trong Tân Ước, Giăng Báp-tít đầy dẫy Thánh Linh từ trong lòng mẹ nhưng không có chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng ông thể hiện ơn nói ngoại ngữ. Chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng được Đức Chúa Cha ban cho Thánh Linh không chừng mực (nghĩa là vô giới hạn) nhưng Thánh Kinh không hề nói rằng Ngài nói ngoại ngữ như một ân tứ đến từ Đức Thánh Linh. Sứ Đồ Phao-lô là người được ơn nói nhiều ngoại ngữ nhưng trong I Cô-rinh-tô 14 ông bài bác việc tìm kiếm, chạy theo và lạm dụng ân tứ nói ngoại ngữ. Đó là nói về ân tứ nói ngoại ngữ đến từ Đức Thánh Linh, còn ngày nay hiện tượng “nói tiếng lạ” trong các Phong Trào Ân Tứ/Ngũ Tuần hoàn toàn là sự giả mạo của Sa-tan.

6. Chắc là con đã nhận thấy có biết bao người “nói tiếng lạ” nhưng nếp sống của họ như là những kẻ thù nghịch thập tự giá. Vì thế, đó không phải là dấu hiệu của người được đầy dẫy Thánh Linh, ngược lại, đó là dấu hiệu của người đã bị tà linh xâm nhập. Thánh Kinh dạy, Đức Thánh Linh là ấn chứng cho sự chúng ta đã được cứu và trái của Thánh Linh là dấu hiệu chúng ta đã nhận được Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22). Con nhận biết chính mình con và người khác đã ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đã ở trong Đấng Christ, đã nhận lãnh Đức Thánh Linh cùng Thánh Linh là nhờ con nhìn thấy: “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” trong nếp sống của con và họ, thể hiện qua những lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29) của ngôn ngữ mới trong Chúa.

7. Nếu con đã từng bị những người nói tiếng lạ đặt tay, cầu nguyện cho con biết nói “tiếng lạ” và “đầy dẫy tà linh” mà họ gọi là “báp-tem bằng Thánh Linh” thì con hãy hạ mình trước Chúa, xin Ngài dùng lẽ thật của Lời Hằng Sống, giúp con nhận ra mưu kế của Sa-tan. Sau đó, con cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho con vì đã không đối chiếu những lời giảng dạy của loài người với Thánh Kinh. Nếu con đã biết “nói tiếng lạ” thì con hãy cầu xin Chúa cất điều đó ra khỏi con. Rồi, con mạnh mẽ, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ truyền lịnh cho các tà linh đến từ phong trào nói tiếng lạ và đặt tay té ngã ra khỏi thân thể con. Con nói lớn tiếng: Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho tất cả tà linh đến từ phong trào nói tiếng lạ và đặt tay té ngã phải lập tức ra khỏi thân thể ta! A-men!

Con nghe, xem thêm ba lời chứng trong link dưới đây:

Con đọc bài Ý Nghĩa các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh tại đây để hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện tín đồ được báp-tem bằng Thánh Linh: https://timhieutinlanh.com/node/455Chú cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng tâm thần con để con nhận biết lẽ thật từ chính nơi Lời Chúa mà đánh tan mọi sự biện luận nào của loài người nghịch lại Lời Chúa.

Thân mến trong Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Christian Timothy
03.11.2012