Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (19)

5,374 views

Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh

“Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm.”(Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29a).

Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh trước hết được Đức Thánh Linh phán qua môi miệng của Gia-cơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:20), sau đó được ghi chép thành chữ để gửi cho các Hội Thánh địa phương giữa vòng dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29). Khi Sứ Đồ Phao-lô về lại Giê-ru-sa-lem sau cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba (khoảng cuối mùa xuân năm 58) thì các trưởng lão trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã xác nhận với ông rằng, điều răn ấy đã được Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem viết trong thư gửi đến các Hội Thánh địa phương giữa vòng dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:25).

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/listen/99v2fixwq711fhx/2015914_DieuRanHayNenThanhCuaDucThanhLinh.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xMjA4MTkyMThf/2015914_DieuRanHayNenThanhCuaDucThanhLinh.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/2015914-dieuranhaynenthanhcuaducthanhlinh

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Nên thánh trước hết có nghĩa là được tẩy sạch mọi sự ô uế từ thuộc thể đến thuộc linh; kế tiếp là được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, để Ngài dùng theo thánh ý của Ngài; riêng đối với con dân Chúa, nên thánh còn có nghĩa là trở nên giống như Đức Chúa Trời, trọn vẹn như Ngài là trọn vẹn.

Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

Là con dân Chúa, chúng ta được làm nên thánh bởi Ba Ngôi Thiên Chúa:

  • Chúng ta được nên thánh bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; máu của Ngài rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:14; I Giăng 1:7; Khải Huyền 1:6).

  • Chúng ta được nên thánh bởi Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 17:17); Lời Ngài là lẽ thật, giúp cho chúng ta hiểu biết thánh ý của Ngài mà làm theo, để chúng ta không phạm tội.

  • Chúng ta được nên thánh bởi sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong thân thể chúng ta, khiến thân thể chúng ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa, để chúng ta dùng thân thể mình làm vinh hiển Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:16, 6:19).

Tuy nhiên, về phần chúng ta, chúng ta cũng phải tích cực ở lại trong sự thánh hóa mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta:

  • Chúng ta phải suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, để hiểu biết thánh ý của Chúa và để có năng lực chống lại mọi thử thách, cám dỗ. Chúng ta phải cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong Lời Chúa, để chúng ta không phạm lỗi, không phạm tội, và được đầy ơn trong mọi việc chúng ta làm:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình, và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

  • Chúng ta phải luôn ăn năn, xưng tội mỗi khi nhận biết mình phạm tội. Điều này không có nghĩa là chúng ta tha hồ phạm tội theo ý thích, rồi xưng tội để được tha tội; mà là chúng ta phải tích cực tránh xa mọi cám dỗ, gắng sức sống theo Lời Chúa. Chúng ta vẫn có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì vô ý. Sự phạm tội khiến chúng ta bị ô uế nên chúng ta cần ăn năn và xưng tội với Chúa ngay lập tức, để chúng ta được tha tội và được làm cho sạch tội, được phục hồi địa vị nên thánh:

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

  • Chúng ta phải luôn giữ gìn vệ sinh và sức khoẻ cho thân thể; siêng năng tắm rửa, giặt giũ, ăn uống, làm việc điều độ, đúng mực… để thân thể chúng ta luôn được sạch sẽ và khoẻ mạnh. Hãy ghi nhớ: Thân thể chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa, mà đã là đền thờ của Thiên Chúa; và chúng ta có bổn phận giữ cho đền thờ của Thiên Chúa luôn được sạch sẽ, tươi mới, sẵn sàng làm mọi việc lành để thờ phượng Thiên Chúa; nếu không, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời:

Tuy nhiên, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên, chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:7-8).

Các anh em chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh em sao? Nếu có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính các anh em là đền thờ.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).

Các anh em chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong các anh em, là Đấng mà các anh em đã nhận bởi Thiên Chúa, và các anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Bởi vì các anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể và tâm thần mình đã thuộc về Đức Chúa Trời mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Trong trường hợp thân thể chúng ta bị các chứng tật bệnh nhưng Chúa không chữa lành chúng ta, mà chỉ ban thêm ân điển cho chúng ta, để chúng ta làm sáng danh Ngài qua sự chịu khổ của chúng ta, thì chúng ta không có trách nhiệm về sự tật bệnh của mình:

II Cô-rinh-tô 12:7-10

7 Vậy nên, để tôi không lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của những sự tỏ ra ấy, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỷ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo.

8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi.

9 Nhưng Ngài phán rằng: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.

10 Cho nên, tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, sỉ nhục, túng thiếu, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Hãy nhớ rằng, Chúa có thể dùng bệnh tật trên thân thể xác thịt của chúng ta để hoàn thành thánh ý của Ngài, như chứng ghẻ lở trên thân thể ông Gióp (Gióp 2:7), như sự mù từ thuở mới được sinh ra của một người tại Giê-ru-sa-lem:

Đức Chúa Jesus vừa đi qua, thấy một người mù từ lúc mới được sinh ra; các môn đồ của Ngài hỏi Ngài rằng: Ra-bi, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ của người, mà người khi được sinh ra thì mù như vậy? Đức Chúa Jesus đáp rằng: Chẳng phải người này đã phạm tội hay cha mẹ của người; nhưng ấy là để cho những việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.” (Giăng 9:1-3).

Bất cứ sự ô uế thuộc thể nào cũng dẫn đến sự ô uế thuộc linh, nếu chúng ta không nhanh chóng tẩy uế ngay. Chính sự không giữ gìn vệ sinh, sức khoẻ của thân thể là sự không làm theo các mệnh lệnh của Chúa, là phạm tội; mà tội lỗi là sự ô uế thuộc linh.

Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh truyền cho con dân Chúa không phải là người I-sơ-ra-ên; vì phần lớn những người không phải dân I-sơ-ra-ên không biết các luật về sự ô uế trong Cựu Ước; nhưng cũng là một sự nhắc lại cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên về sự giữ mình thánh sạch, về sự bãi bỏ những luật lệ về nghi thức là những luật làm hình bóng cho các mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ.

Tất cả những con dân Chúa người I-sơ-ra-ên trong Hội Thánh đều học biết về 613 điều luật trong Cựu Ước từ trước khi họ trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Trong 613 điều luật có các luật về vệ sinh thân thể, vệ sinh nơi ở, luật cấm ăn máu, luật cấm thờ cúng thần tượng, luật cấm các hình thức tà dâm. Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh hàm ý: Con dân Chúa, ngoài việc vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh thì không cần phải giữ các điều nào khác, như: luật cắt bì, luật giữ bảy ngày lễ hội, luật cấm ăn các loài trong thời Cựu Ước bị xem là ô uế… Con dân Chúa có quyền tự do giữ các luật ấy vì sở thích; nhưng nếu cho rằng phải giữ các luật ấy để được cứu rỗi thì sai; và Sứ Đồ Phao-lô đã trình bày rõ sự sai lầm của việc giữ các điều răn để được cứu trong thư gửi cho Hội Thánh tại Ga-la-ti. Trong Cô-lô-se 2:16-17, Phao-lô cũng nhấn mạnh:

Vì vậy, chớ để ai phán xét anh em về sự ăn hay sự uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ, hoặc của một ngày mặt trăng mới, hoặc của những ngày Sa-bát; ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”

Thần tượng là bất cứ một hình tượng nào do tay người làm ra và tôn làm thần linh; hoặc linh hồn của người chết được tôn làm thần linh; hoặc bất cứ một ý tưởng triết học, một chủ nghĩa, một chế độ, một tổ chức, một vật, một chất (rượu, ma túy…), một nơi chốn, một người sống nào… được yêu quý, tôn kính, tìm kiếm, say mê, vâng phục… hơn là Thiên Chúa. Vì thế, tất cả những gì được dâng lên thần tượng là ô uế, gớm ghiếc đối với Thiên Chúa. Thân thể con dân Chúa là đền thờ Thiên Chúa, lẽ nào lại công khai tiếp nhận thức ăn thừa từ các thần tượng?

Mặc dầu mọi thần tượng đều là hư không, nghĩa là ra từ sự hoang tưởng của loài người, không chân thật, không có giá trị; nhưng sự con dân Chúa ăn của cúng thần tượng một cách có ý thức chẳng khác nào công nhận thần tượng có thật, có quyền lực, và có thể khiến cho những người có đức tin non yếu bị cám dỗ phạm tội thông công với ma quỷ cùng những kẻ tôn thờ ma quỷ.

Trong I Cô-rinh-tô 8, Sứ Đồ Phao-lô đã giãi bày rất rõ về sự con dân Chúa không nên ăn của cúng thần tượng, như sau:

1 Còn về những của lễ cúng tế các thần tượng thì chúng ta biết rằng, tất cả mọi người đều có sự hiểu biết. Sự hiểu biết khiến cho kiêu ngạo nhưng tình yêu thì gây dựng.

2 Và có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.

3 Nhưng nếu có ai yêu Đức Chúa Trời, thì Ngài biết người ấy.

4 Vậy, về sự ăn những của lễ cúng tế các thần tượng, chúng ta biết rằng, thần tượng trong thế gian là hư không; và rằng, chẳng có Thiên Chúa nào khác mà chỉ có một.

5 Bởi vì, dầu có những thứ được gọi là các thần linh, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, như là có nhiều thần, nhiều chúa;

6 nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Đức Cha, muôn vật thuộc về Ngài, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa, là Đức Chúa Jesus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.

7 Nhưng không phải ai cũng có sự hiểu biết ấy. Vì cho đến giờ, có người nhận thức về thần tượng như là có thật, nên ăn như ăn của cúng tế thần tượng, thì lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế.

8 Hơn nữa, đồ ăn không đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được gì hơn; nếu chúng ta không ăn, cũng chẳng hại gì.

9 Nhưng hãy coi chừng, kẻo sự tự do của các anh em trở thành cớ vấp phạm cho những người yếu đuối.

10 Bởi vì, nếu có ai nhìn thấy các anh em, là những người có sự hiểu biết, ngồi ăn trong miếu, đền của tà thần, thì chẳng phải lương tâm yếu đuối của người ấy được khích lệ mà ăn những của lễ cúng tế các thần tượng sao?

11 Lẽ nào bởi sự hiểu biết của các anh em mà một người anh em yếu đuối, là người Đấng Christ đã chết thế cho, sẽ bị hư mất?

12 Khi các anh em phạm tội nghịch lại các anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì các anh em phạm tội nghịch lại Đấng Christ.

13 Cho nên, nếu thức ăn làm cho các anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để tôi không làm cho các anh em tôi vấp phạm.

Tuy nhiên, trong trường hợp thức ăn đã được cúng tế cho thần tượng nhưng con dân Chúa không hay biết về điều đó, thì con dân Chúa vẫn được phép ăn. Sự cúng tế thần tượng mà con dân Chúa không biết là điều vô nghĩa đối với con dân Chúa. Lời Chúa dạy rõ như sau:

I Cô-rinh-tô 10:14-33

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu của tôi, hãy tránh xa sự thờ lạy thần tượng.

15 Tôi nói với các anh em như nói với những người thông minh. Các anh em hãy suy xét điều tôi nói.

16 Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là thông với máu của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?

17 Vì chúng ta dầu là nhiều người, là một bánh, một thân thể; bởi vì chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.

18 Hãy xem dân I-sơ-ra-ên theo phần xác; chẳng phải những người ăn sinh tế thì tương thông với bàn thờ sao?

19 Vậy thì tôi nói gì? Thần tượng có ra gì hay của cúng tế các thần tượng có ra gì chăng?

20 Nhưng những gì người ngoại cúng tế là cúng tế cho các quỷ, không phải cho Thiên Chúa; nên tôi không muốn các anh em tương thông với các quỷ.

21 Các anh em không thể uống chén của Chúa cùng chén của các quỷ. Các anh em không thể dự phần bàn ăn của Chúa cùng bàn ăn của các quỷ.

22 Chẳng lẽ chúng ta muốn làm cho Chúa ghen? Chúng ta mạnh sức hơn Ngài sao?

23 Mọi sự tôi đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự tôi đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng.

24 Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác.

25 Bất cứ vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn; vì lương tâm mà đừng hỏi gì hết;

26 bởi vì đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa.

27 Nếu có người chẳng tin mời các anh em, và các anh em muốn đi, thì bất cứ món gì dọn ra trước các anh em, hãy ăn, vì lương tâm mà đừng hỏi gì.

28 Nhưng nếu có ai nói với các anh em rằng: Món này là của cúng tế các thần tượng, thì đừng ăn, vì người ấy đã bảo trước mình và vì lương tâm; bởi vì đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa.

29 Tôi không nói về lương tâm của các anh em, nhưng về lương tâm của người khác. Bởi vì, cớ sao sự tự do của tôi phải bị lương tâm người khác phán xét?

30 Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ sao mà tôi bị gièm chê vì điều mà tôi đã tạ ơn?

31 Vậy, các anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.

32 Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

33 Hãy như tôi: gắng sức làm đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu.

Nói cách khác: Nếu con dân Chúa không biết thức ăn đã cúng tế cho thần tượng thì con dân Chúa cứ cảm tạ Chúa mà ăn; nhưng nếu con dân Chúa biết được thức ăn đã cúng tế cho thần tượng thì con dân Chúa không được ăn; vì khi đã biết đó là thức ăn cúng tế ma quỷ mà vẫn ăn là công nhận sự cúng tế ma quỷ, và tự mình chọn thông công với ma quỷ, đồng thời làm cớ vấp phạm cho các anh chị em trong Chúa.

Con dân Chúa không ăn máu hoặc thú vật bị chết ngộp; bởi vì trong máu có sự sống và thú vật chết ngộp thì vẫn còn máu ở trong thịt. Sự sống là sự ban cho thiêng liêng từ Thiên Chúa; mọi người phải tôn trọng sự sống. Khi giết thịt một con thú thì máu của nó phải được rưới ra trên đất. Khi giết một sinh tế thì máu nó phải được rưới trên bàn thờ hoặc dưới chân bàn thờ. Ngày nay, chúng ta sống trong thời Tân Ước, không còn phải dâng sinh tế làm của lễ chuộc tội hoặc của lễ cảm tạ; nhưng chúng ta vẫn còn giết thịt thú vật. Vì thế, Đức Thánh Linh nhắc cho con dân Chúa nhớ đến điều luật cấm ăn máu, cấm ăn thú vật bị chết ngộp. Luật cấm ăn máu bao gồm cả sự pha máu vào rượu để uống.

Dưới đây là những câu Thánh Kinh liên quan đến luật cấm ăn máu và cấm ăn thú vật chết ngộp:

Nhưng các ngươi không nên ăn thịt có sự sống, nghĩa là có máu.” (Sáng Thế Ký 9:4).

Trong nơi nào các ngươi ở chẳng nên ăn máu, hoặc của loài chim hay là của loài súc vật. Bất cứ ai ăn một thứ máu nào sẽ bị truất khỏi dân sự mình.” (Lê-vi Ký 7:26-27).

Lê-vi Ký 17:10-16

10 Người nào của nhà I-sơ-ra-ên hay là kẻ khách kiều ngụ nào giữa các ngươi mà ăn một thứ máu nào, thì Ta sẽ trở mặt nghịch lại linh hồn kẻ ăn máu và sẽ diệt nó khỏi dân sự mình;

11 Vì sinh mạng của xác thịt ở trong máu; Ta đã cho các ngươi máu rưới trên bàn thờ để làm lễ chuộc tội cho linh hồn của các ngươi; vì nhờ máu mà chuộc tội cho linh hồn.

12 Bởi cớ đó Ta đã phán với con cháu I-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi không người nào được ăn máu; kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi cũng không được ăn máu.

13 Còn nếu ai, hoặc con cháu I-sơ-ra-ên, hoặc kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi, đi săn được một con thú hay là con chim ăn thịt được, thì phải đổ máu nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại;

14 vì sự sống của mọi xác thịt, ấy là máu nó; trong máu có sự sống. Bởi cớ ấy, Ta đã phán với con cháu I-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi không được ăn máu của xác thịt nào; vì sự sống của mọi xác thịt là máu; ai ăn sẽ bị diệt.

15 Bất cứ linh hồn nào, hoặc sinh đẻ tại xứ, hoặc là kẻ khách, ăn thịt của một con thú chết hay là bị xé xác, phải giặt quần áo mình, tắm trong nước, bị ô uế đến chiều tối, mới được tinh sạch lại.

16 còn nếu người không giặt quần áo và không tắm, thì sẽ mang tội mình.

Các ngươi chớ ăn vật gì có máu. Các ngươi cũng chớ niệm thần chú, chớ xem phong thủy.” (Lê-vi Ký 19:26).

Tuy nhiên, các ngươi chớ ăn máu; phải đổ máu trên đất như nước vậy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:16).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:23-27

23 Nhưng phải giữ mình, ngươi chớ ăn máu; vì máu là sự sống, nên ngươi chớ ăn sự sống với thịt.

24 Ngươi chớ ăn nó; ngươi phải đổ nó trên đất như nước.

25 Ngươi chớ ăn nó, để ngươi và các con cháu ngươi được phước, bởi vì ngươi làm điều ngay thẳng trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

26 Còn về những vật thánh mà ngươi có, và những hứa nguyện của ngươi, ngươi sẽ đem đến nơi mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn.

27 Ngươi sẽ dâng các của lễ thiêu của ngươi, thịt và máu, trên bàn thờ của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi; và máu của các sinh tế thì phải rưới trên bàn thờ của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi; và ngươi sẽ ăn thịt.

Tuy nhiên, ngươi chớ ăn máu; ngươi phải đổ nó trên đất như nước vậy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:23).

Luật cấm ăn máu và thú vật chết ngộp chỉ giới hạn trong các loài chim và thú, là các loài thường được dâng làm sinh tế lên Thiên Chúa; sự sống của chúng có thể tạm thời chuộc tội cho người có tội trong thời Cựu Ước, trước khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, đổ máu trên thập tự giá, để hoàn thành sự chuộc tội một lần đủ cả cho loài người. Dựa vào Lê-vi Ký 7:26-27 và Lê-vi Ký 17:11, chúng ta hiểu rằng, luật cấm ăn máu và thú vật chết ngộp không áp dụng cho các loài thủy sản có máu, vì máu của chúng không được dùng làm của lễ chuộc tội. Trong thực tế, phần lớn các loài thủy sản chết ngộp sau khi bị đem ra khỏi nước, bày bán nơi chợ. Riêng về các loại trứng lộn thì con dân Chúa không nên ăn những trứng đã thành con [1].

Luật cấm ăn máu không liên quan gì đến việc hiến máu và nhận máu vào cơ thể trong các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật. Tuy nhiên, những người Chứng Nhân Giê-hô-va tuyệt đối bài trừ việc nhận máu vào cơ thể. Họ cho rằng, nhận máu vào cơ thể là phạm điều răn cấm ăn máu. Họ không hiểu rằng, việc dùng máu để cứu người hoàn toàn khác với việc dùng máu làm thực phẩm. Các trường hợp bị chảy máu mũi, lỡ nuốt vào bụng, cũng không phải là là phạm tội ăn máu. Chúng ta cần ghi nhớ, điều răn của Chúa cấm chúng ta dùng máu làm thực phẩm, nghĩa là chúng ta không được ăn máu, uống máu như một thứ thực phẩm. Vì thế, việc truyền máu vào thân thể và việc lỡ nuốt máu không phải là sự vi phạm điều răn của Chúa.

Điều răn thứ bảy trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cấm con dân Chúa phạm tội ngoại tình. Tội ngoại tình theo nghĩa đen được dùng trong Cựu Ước là sự một người nam quan hệ tính dục với vợ của một người khác, hoặc sự một người nữ đã có chồng mà quan hệ tính dục với một người không phải là chồng mình; theo nghĩa rộng, tội ngoại tình là sự quan hệ tính dục với một người không phải là vợ hoặc chồng của mình. Vì thế, ý nghĩa của điều răn thứ bảy trong Mười Điều Răn chính là Đức Chúa Trời cấm con dân Ngài quan hệ tính dục ngoài hôn nhân. Tất cả những sự quan hệ tính dục ngoài hôn nhân được gọi chung là phạm tà dâm; cho nên, trong Tân Ước, Đức Thánh Linh truyền cho con dân Chúa chớ phạm tà dâm.

  • Lê-vi Ký 18 và 20 ghi lại các hình thức tà dâm.

  • Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:17 cấm cả nam lẫn nữ làm đĩ:

Trong vòng con gái I-sơ-ra-ên, chớ có người nào làm đĩ; trong vòng con trai I-sơ-ra-ên cũng chớ có người nào làm đĩ đực.”

  • Con dân Chúa không được quan hệ tính dục với điếm đĩ. Từ ngữ điếm đĩ trong Thánh Kinh bao gồm ý nghĩa: một người dùng quan hệ tính dục với người khác để lấy tiền hoặc thu lợi; một người quan hệ tính dục cách tùy ý với người khác để thỏa mãn sự ham thích tà dâm của xác thịt.

Các anh em chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời không cho phép! Các anh em chẳng biết rằng, người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ trở nên một thịt.” (I Cô-rinh-tô 6:15-16).

  • Lời Chúa truyền cho cả nam lẫn nữ phải kết hôn để tránh phạm tà dâm:

Tuy nhiên, để tránh khỏi sự tà dâm, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng.” (I Cô-rinh-tô 7:2).

  • Sự ở độc thân phải được Chúa ban ơn, nếu không, người ở độc thân sẽ khó mà chống lại được sự cám dỗ phạm tội tà dâm (Ma-thi-ơ 19:10-12).

  • Đa thê hợp pháp không bị kể là phạm tà dâm. Thời Cựu Ước Đức Chúa Trời cho phép chế độ đa thê, nghĩa là một người nam có thể cưới nhiều vợ, miễn là có khả năng chu cấp đồng đều và yêu thương đồng đều các vợ của mình theo luật pháp của Ngài. Chúng ta có thể hiểu đó là phương cách giải quyết nạn nam thiếu nữ thừa thời ấy. Nạn nam thiếu nữ thừa xảy ra là vì trong thời ấy, chiến tranh xảy ra giữa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc thuộc xứ Ca-na-an khiến cho số phụ nữ góa chồng trong dân I-sơ-ra-ên gia tăng cùng với số lớn nữ tù binh bị dân I-sơ-ra-ên bắt làm nô lệ. Trong thời Tân Ước, dù Thánh Kinh chỉ buộc các chấp sự và trưởng lão không được đa thê, nhưng nếu luật pháp của quốc gia cấm đa thê thì con dân Chúa phải vâng phục, vì luật ấy không nghịch lại Thánh Kinh. Các quốc gia Hồi Giáo cho phép đa thê nhưng cũng đòi hỏi người chồng phải có khả năng cấp dưỡng đồng đều cho các người vợ, và phải là một tín đồ Hồi Giáo.

Tinh thần của sự ”kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngộp; và chớ tà dâm” là ngay cả trong tư tưởng cũng không thích thú với các thức ăn ấy, không thích thú với các hình thức tà dâm. Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 5:27-28 cho chúng ta biết, tư tưởng đến sự tà dâm là đã phạm tội tà dâm:

Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình. Nhưng Ta phán cho các ngươi biết: Bất cứ ai nhìn một người đàn bà mà ham muốn nàng, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình cùng nàng rồi.”

Và Ngài khẳng định trong Ma-thi-ơ 15:19:

Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng.”

Lời Chúa kêu gọi con dân Chúa từ bỏ và tránh sự tà dâm, vì tội tà dâm là tội đi vào trong thân thể của người phạm tội:

Hãy tránh sự tà dâm. Mỗi một tội người ta làm, đều làm ở ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự tà dâm, thì phạm tội đến chính thân thể mình.” (I Cô-rinh-tô 6:18).

Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở trên đất, tức là tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam là sự thờ hình tượng…” (Cô-lô-se 3:5).

Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh tổng kết các điều luật trong Cựu Ước mà con dân Chúa thời Tân Ước vẫn phải giữ cùng với Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ.

Điều Răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh được ghi chép ba lần trong Thánh Kinh: Công Vụ Các Sứ Đồ 15:20, 15:29, và 21:25.

Bất cứ ai không kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngộp hoặc phạm tà dâm dưới bất cứ hình thức nào, dù chỉ phạm trong tư tưởng, thì ấy là người phạm tội.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/11/2015

Ghi chú

[1] Gà con nở vào ngày thứ 21 và bắt đầu thở bằng phổi vào ngày 20, dùng không khí trong túi chứa không khí ở đầu lớn của quả trứng. Vì thế, có thể nói ngày 20 là ngày gà con có thể chết ngạt.

Trước đó thì một hệ thống màng mạch chorioallantoic nằm sát vỏ trứng và bên ngoài phôi thai đem các chất bổ dưỡng từ tròng đỏ của trứng và chuyển không khí thấm qua vỏ trứng đến các tế bào của phôi thai và chuyển thán khí ra ngoài vỏ trứng.

Ngày 14 hệ thống màng mạch chorioallantoic đã phát triển toàn vẹn khắp bề trong của vỏ trứng.

Ngày 15 bộ đồ lòng vốn ở bên ngoài thân thể được rút vào trong ổ bụng, gà con đã hoàn toàn thành hình và tiếp tục lớn lên, màng mạch chorioallantoic từ từ teo khô dần.

Việc ăn hay không ăn trứng lộn thuộc về đức tin của mỗi người. Người nào nghĩ rằng ăn trứng lộn là có tội mà vẫn ăn thì người ấy phạm tội (không phải vì ăn trứng lộn mà vì tin một điều là sai mà vẫn làm). Người nào phân vân, không biết chắc ăn trứng lộn có phạm điều răn hay không mà vẫn ăn, thì cũng phạm tội, vì ăn không bởi đức tin. Người tin rằng ăn trứng lộn không phạm tội và ăn, thì không phạm tội, vì làm bởi đức tin và vì Thánh Kinh không hề nói đến việc cấm ăn trứng trong bất kỳ thời khoản nào. Từ ngữ “thú vật chết ngạt” là một danh từ chỉ về loài xác thịt bị siết cổ làm cho ngạt thở mà chết, thay vì bị thọc huyết khiến máu chảy ra mà chết.

Tốt nhất là không ăn trứng lộn, nhưng nếu có ăn thì chỉ ăn trứng dưới 15 ngày, là lúc gà hoặc vịt con còn là phôi thai (embryo) và chưa thở bằng phổi. Xin xem hình minh họa sự phát triển của phôi thai thành gà con tại đây:

https://s-media-cache-ak0.pinimg.com/originals/a8/f8/ca/a8f8ca8b5db0363acd3b8946d75ee5a3.jpg