Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (08)

3,919 views

Điều Răn Thứ Ba

Chớ Lấy Danh Thiên Chúa Làm Ra Vô Ích

Điều răn thứ ba của Đức Chúa Trời là:

Ngươi chớ lấy danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi mà làm ra vô ích, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng kể vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm ra vô ích.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7).

Điều răn thứ ba của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:11.

Điều răn thứ ba dạy chúng ta phải biết tôn kính danh Thiên Chúa, không được lạm dụng danh Thiên Chúa khiến cho danh Thiên Chúa bị xúc phạm, được nói ra một cách vô ích.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về danh Chúa. “Danh” là một từ Hán Việt, có nghĩa là tên. Danh Chúa tức là tên Chúa. Thiên Chúa chỉ có một tên riêng do chính Ngài tự xưng, đó là: “Ta Là” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14), có nghĩa là: “Ta Tự Hữu Hằng Hữu” (Ta Tự Có và Có Mãi), và Thánh Kinh gọi Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” (Ê-sai 42:8). Tên “Ta Tự Hữu Hằng Hữu” là tên thiêng liêng và vĩ đại nhất trong mọi tên, chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Xưa nay, không một ai, không một tà thần nào dám xưng mình là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Cũng không một tôn giáo nào dám tôn xưng giáo chủ của họ hay thần linh mà họ thờ phượng là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”

Tuy nhiên, Thiên Chúa còn được Thánh Kinh dùng nhiều danh hiệu khác nhau để gọi, như: Chúa, Thiên Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa, Chúa Ở Trên Trời, Chúa của Các Tầng Trời và Đất… Danh hiệu có nghĩa là tên khác được dùng để gọi thay cho tên riêng.

Ngoài ra, mỗi thân vị Thiên Chúa còn có các danh hiệu khác nhau, như:

  • Đức Chúa Trời còn được gọi là Đức Cha, Cha Ở Trên Trời, Thiên Phụ.

  • Ngôi Lời còn được gọi là Đức Con, Đức Chúa Jesus, Đức Chúa Jesus Christ, Chiên Con, Đấng Cứu Rỗi.

  • Đấng Thần Linh còn được gọi là Đức Thánh Linh, Thần An Ủi, Thần Lẽ Thật.

Người Việt chúng ta còn gọi Thiên Chúa là “Ông Trời!” Riêng danh xưng “Thượng Đế” có nghĩa là vua trên cao, là một danh xưng để gọi tà thần của một tôn giáo và của tín ngưỡng dân gian của người Việt và người Trung Quốc, chúng ta không nên dùng danh ấy để gọi Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi Ma Quỷ, Sa-tan là “vua cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2), gọi các tà linh dưới quyền Sa-tan là “những linh xấu xa ở trên các tầng trời” (Ê-phê-sô 6:12). Vì thế, danh xưng “Thượng Đế” chỉ nên dùng cho Ma Quỷ.

Kế tiếp, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thế nào là lấy danh Chúa mà làm ra vô ích. Tính từ “vô ích” trong tiếng Hê-bơ-rơ, là ngôn ngữ được dùng để chép Mười Điều Răn và Thánh Kinh Cựu Ước, có nghĩa là: trống rỗng, không thành thật, không có giá trị, không đem lại ích lợi. Như vậy, lấy danh Chúa làm ra vô ích là bất cứ một ý tưởng nào, lời nói nào, việc làm nào của chúng ta khiến cho danh Chúa trở thành trống rỗng, dối trá, không có giá trị, và không đem lại ích lợi.

Tên riêng của Thiên Chúa và mỗi một danh xưng của Thiên Chúa đều chân thật; ý nghĩa của chúng chứa đầy sự uy nghiêm, năng lực, quyền phép, tình yêu của Thiên Chúa; chúng phản ánh sự vinh quang của Thiên Chúa, mà không gì có thể sánh với. Chúng ta là con dân Chúa và Thánh Kinh cho chúng ta biết, con dân Chúa được gọi bằng danh của Chúa:

Nếu ngươi gìn giữ những điều răn của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, và đi theo đường lối Ngài, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ lập ngươi làm một dân thánh cho Ngài, y như Ngài đã thề cùng ngươi; muôn dân của thế gian sẽ thấy rằng ngươi được gọi theo danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và chúng nó sẽ sợ ngươi. (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:9-10).

…và nếu như dân sự Ta, là dân gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì Ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.” (II Sử Ký 7:14).

Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! (Giê-rê-mi 15:16).

Thực tế, ngày nay mỗi con dân Chúa còn được gọi bằng danh hiệu CHRIST của Chúa: “CHRISTIAN” được phiên âm và dịch sang tiếng Hán Việt là: “Cơ-đốc nhân” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26) có nghĩa là:

  • Người tin Đấng Christ

  • Người học theo Đấng Christ

  • Người vâng phục Đấng Christ

  • Người thuộc về Đấng Christ

  • Người giống như Đấng Christ

  • Người sống cho Đấng Christ

  • Người chết cho Đấng Christ!

Vì thế, mỗi lời chúng ta nói, mỗi việc chúng ta làm là nói và làm trong tư cách con dân của Chúa, mang danh Ngài để nói và làm.

Khi chúng ta nói đến bất cứ danh nào của Chúa, dù là trong bất cứ ngôn ngữ nào, thì chúng ta phải nói với lòng tôn kính. Vì thế, chúng ta không thể kêu Trời như một thói quen, không thể dùng danh Chúa để mắng chửi, rủa sả người khác. Chúng ta cũng không lấy danh Chúa mà vui đùa, giễu cợt. Đặc biệt là chúng ta tránh tất cả các loại phim ảnh, kịch vui mà các diễn viên thường kêu Trời trong khi đối thoại hoặc lấy Ông Trời ra nói đùa.

Khi chúng ta viết đến tên riêng của Chúa và các danh xưng của Chúa, thì chúng ta không được cẩu thả [1] viết tắt, và phải viết hoa. Chúng ta cũng không nên viết tắt các danh từ: Thánh Kinh, Lời Chúa, Hội Thánh… và phải viết hoa.

Khi chúng ta nói về Chúa thì chúng ta phải nói một cách chân thật và tôn kính. Nếu có ai giễu cợt danh Chúa hoặc quen miệng kêu Trời trong khi trò chuyện với chúng ta thì chúng ta phải chỉnh sửa họ ngay, giúp cho họ hiểu biết mà tránh phạm tội. Đối với người không nghe chúng ta thì chúng ta bỏ đi, không nói chuyện với họ nữa.

Khi chúng ta làm một điều gì thì chúng ta phải hết lòng, hết sức mà làm, và làm đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Có nghĩa là, chúng ta không thể mang danh là con dân Chúa mà lại làm ra bất cứ một điều gì nghịch lại Thánh Kinh hoặc làm một cách không hết lòng. Lời chúa dạy chúng ta:

Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Bất cứ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta…” (Cô-lô-se 3:23).

Nếu chúng ta lấy danh Chúa mà làm ra vô ích thì chúng ta sẽ bị Ngài định tội và Ngài sẽ hình phạt chúng ta, nếu chúng ta không ăn năn. Sự xúc phạm danh Chúa là một tội trọng, đáng bị xử chết. Thánh Kinh ghi lại câu chuyện một đứa bé xúc phạm danh Chúa bị Chúa ra lệnh ném đá (Lê-vi Ký 24:10-16). Ngày nay, chúng ta đang sống trong Thời Kỳ Ân Điển, có nghĩa là mọi tội lỗi của chúng ta đã được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay, và Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta. Vì thế, cho dù chúng ta có lỡ xúc phạm danh Chúa, thì chúng ta vẫn có cơ hội ăn năn. Chúng ta chỉ cần thật lòng hối hận, xưng tội với Chúa, thì Ngài sẽ tha thứ chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình (I Giăng 1:9).

Những hình thức lấy danh Chúa làm chơi:

1. Thề dối:

Các ngươi chớ dùng danh Ta mà thề dối, vì ngươi làm ô danh của Thiên Chúa mình: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:12).

2. Phạm thượng:

Đứa trai đó nói phạm đến và rủa sả danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; người ta dẫn nó đến Môi-se, giam nó vào ngục cho đến chừng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán định phải xử làm sao. Mẹ nó tên là Sê-lô-mít, con gái của Điệp-ri, thuộc về chi phái Đan. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy đem kẻ đã rủa sả ra ngoài trại quân, hết thảy ai đã có nghe nó phải đặt tay mình trên đầu nó, và cả hội chúng phải ném đá nó. Kế đó hãy nói với dân I-sơ-ra-ên rằng: Người nào rủa sả Thiên Chúa mình sẽ mang sự hình phạt của tội mình. Ai nói phạm đến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hẳn sẽ bị xử tử; cả hội chúng sẽ ném đá nó: mặc dầu nó là kẻ khách ngoại bang hay là sinh trong xứ, bất cứ khi nào nói phạm đến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì sẽ bị xử tử.” (Lê-vi Ký 24:11-16).

3. Giả hình:

Chúa có phán rằng: Vì dân này chỉ lấy miệng tới gần Ta, lấy môi miệng tôn Ta, mà lòng chúng nó thì cách xa Ta lắm; sự chúng nó kính sợ Ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho…” (Ê-sai 29:13).

Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ điều răn của Đức Chúa Trời. Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân này lấy môi miệng thờ kính Ta; Nhưng lòng chúng nó xa Ta lắm. Chúng nó thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy những điều răn của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:6-9).

4. Trộm cắp:

Tôi có cầu xin Ngài hai điều; Xin chớ từ chối trước khi tôi qua đời: Xin đem xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ hoặc sự giàu sang. Xin hãy nuôi tôi đủ thức ăn cần dùng; Kẻo khi no đủ, tôi từ chối Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.” (Châm ngôn 30:7-9).

5. Dùng danh Chúa để trục lợi, làm ác:

Cuối bốn năm, Áp-sa-lôm nói với vua rằng: Xin cho phép con đi đến Hếp-rôn để trả xong sự hứa nguyện mà tôi đã khấn với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì lúc tôi tớ vua ở tại Ghê-su-rơ trong Sy-ri, có khấn lời nguyện này: Nếu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dẫn tôi về Giê-ru-sa-lem, thì tôi sẽ thờ phượng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vua đáp cùng người rằng: Hãy đi bình an. Vậy người trỗi dậy, và đi đến Hếp-rôn. Áp-sa-lôm sai những kẻ do thám rao lệnh này khắp trong các chi phái I-sơ-ra-ên rằng: Vừa lúc anh em nghe tiếng kèn, thì hãy nói: Áp-sa-lôm làm vua tại Hếp-rôn! Có hai trăm người ở Giê-ru-sa-lem mà Áp-sa-lôm đã mời, đều đi với người cách thật thà chẳng nghi ngại gì hết. Đương lúc Áp-sa-lôm dâng của lễ, sai mời A-hi-tô-phe, là mưu sĩ của Đa-vít ở Ghi-lô, bổn thành người. Sự phản nghịch trở nên mạnh, và đoàn dân đi theo Áp-sa-lôm càng ngày càng đông.” (II Sa-mu ên 15:7-12).

Những hình thức tôn kính danh Chúa:

1. Cảm tạ danh Chúa:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tôi sẽ dâng cho Ngài của lễ tình nguyện. Cũng sẽ cảm tạ danh Ngài, vì điều đó là tốt lành.” (Thi Thiên 54:6).

2. Tưởng đến danh Chúa:

Bấy giờ những kẻ kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nói với nhau, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để ý mà nghe; và một sách để ghi nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và tưởng đến danh Ngài. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán: Những kẻ ấy sẽ thuộc về Ta, trong ngày Ta làm nên cơ nghiệp Ta; và Ta sẽ tiếc chúng nó như một người tiếc con trai mình hầu việc mình.” (Ma-la-chi 3:16-17).

3. Yêu mến danh Chúa:

Nhưng bất cứ ai nương náu mình nơi Ngài sẽ khoái lạc, cất tiếng reo mừng đến mãi mãi. Vì Ngài bảo hộ các người ấy. Người nào ái mộ danh Ngài cũng sẽ nức lòng mừng rỡ nơi Ngài.” (Thi Thiên 5:11).

4. Bước theo danh Chúa – Sống theo bản tính của Ngài:

Mọi dân tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng ta đời đời vô cùng!” (Mi-chê 4:5).

5. Cầu khẩn danh Chúa:

Trong vòng các thầy tế lễ Ngài có Môi-se và A-rôn. Trong vòng các người cầu khẩn danh Ngài có Sa-mu-ên. Họ đã kêu cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ngài đáp lại cho.” (Thi Thiên 99:6).

6. Trông cậy danh Chúa:

Tôi sẽ cảm tạ Chúa đời đời, vì Ngài đã làm việc đó: Tôi sẽ trông cậy nơi danh Chúa trước mặt các người thánh của Chúa, vì điều đó là tốt lành.” (Thi Thiên 52:9).

7. Tôn xưng danh Chúa:

Vậy nên các ngươi sẽ vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu; và trong ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm tạ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Hãy kêu cầu danh Ngài. Hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn trọng!” (Ê-sai 12:3-4).

8. Rao truyền danh Chúa:

Tôi sẽ rao truyền danh Ngài cho các anh em tôi, và tôi sẽ tôn vinh Ngài giữa hội chúng.” (Thi Thiên 22:22).

Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn tôn kính danh Chúa. Sự tôn kính danh Chúa thể hiện trong từng ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta. Chúng ta không nghĩ, không nói, và không làm bất cứ sự gì khiến cho danh Chúa không được tôn kính, hoặc trở thành không có giá trị, không đem lại ích lợi cho chúng ta và những người khác.

Chúng ta không vô cớ gọi Trời hay gọi Chúa theo thói quen của những người không tôn kính danh Chúa [2]. Chúng ta không đem danh Chúa vào trong những chuyện vui đùa nhảm nhí; không tham dự, lắng nghe những chuyện vui đùa nhảm nhí. Chúng ta tránh xa những người hay xúc phạm danh Chúa, sau khi đã khuyên bảo mà họ không nghe.

Nếu trước đây chúng ta đã từng phạm vào điều răn thứ ba, đã lấy danh Chúa làm ra vô ích, thì chúng ta cần cầu nguyện, xưng tội với Chúa, và xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu, ghi nhớ, và từ nay được sức mạnh Chúa ban để chúng ta luôn giữ trọn điều răn thứ ba.

Ghi Chú

[1] “Cẩu thả” là một từ Hán Việt. Cẩu = qua loa, sơ sài, không cẩn thận. Thả = không đúng cách, không hợp quy luật, đạo lý.

[2] Các hình thức quen miệng gọi sau đây đều là phạm thượng danh Chúa: “Trời ơi!” “Chèn ơi!” (Một hình thức nói trại danh từ Trời). “Chèn đét ơi!” (Một hình thức nói trại “Trời đất ơi!”) “Lạy Chúa tôi!” “Giê-su!”

Trong tiếng Anh thì là: “My God!” “Gosh!” (Một hình thức nói trại danh từ God). “Jesus!” “Jesus Christ!” “Christ!” “Jeez!” (Một hình thức nói trại danh từ Jesus).