Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (03)

7,253 views

Thánh Kinh

Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Thánh Kinh, thường bị gọi sai là Kinh Thánh.

Tính từ “thánh” khi dùng cho Thiên Chúa có nghĩa là: trọn vẹn, không giống bất cứ ai, không giống bất cứ vật gì, không giống bất cứ sự gì; bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa là tự có, có đến mãi mãi, và trọn vẹn. Khi được dùng cho người hay vật thì “thánh” có nghĩa là: thuộc về Thiên Chúa, hoặc đến từ Thiên Chúa, hoặc được dành riêng cho Thiên Chúa.

Kinh = cuốn sách.

Thánh Kinh = cuốn sách thánh, tức là cuốn sách đến từ Thiên Chúa. Còn “Kinh Thánh” có nghĩa là cuốn sách được làm cho nên thánh. Chúng ta nên dùng danh từ “Thánh Kinh” để gọi Lời của Thiên Chúa thay vì dùng danh từ “Kinh Thánh.”

So sánh:

Vương quốc = Một nước được cai trị bởi vua.

Quốc vương = Vua cai trị một nước.

Thánh Kinh (viết hoa cả hai từ) = Cuốn sách thánh, cuốn sách đến từ Thiên Chúa, cuốn sách được Thiên Chúa thần cảm cho người ta viết ra để bày tỏ về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa.

Kinh thánh = cuốn sách (bất cứ cuốn sách nào) được làm cho nên thánh.

Thánh ca = Những bài hát thánh, những bài hát được Thiên Chúa thần cảm cho người ta viết ra để tôn vinh Thiên Chúa.

Hội Thánh (viết hoa cả hai từ) = Tập thể những người được làm cho nên thánh, được thuộc về Thiên Chúa, được dành riêng cho Thiên Chúa.

Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa ban cho loài người. Lời của Thiên Chúa có thể là Lời của Đức Chúa Trời phán với loài người qua các tiên tri, có thể là lời của Đức Chúa Jesus Christ phán với dân chúng và các môn đồ của Ngài, mà cũng có thể là Lời của Đức Thánh Linh phán với Hội Thánh qua các tiên tri, các sứ đồ, và các môn đồ của Chúa. Tất cả những lời phán của Ba Ngôi Thiên Chúa được ghi lại thành một cuốn sách để toàn thể loài người biết được ý muốn, điều răn, và luật pháp của Thiên Chúa.

Tiên tri là người được Chúa dùng để loan báo Lời Chúa và ý muốn của Ngài cho loài người. Phần lớn các tiên tri sống vào thời Cựu Ước. Sứ đồ là người được Đức Chúa Jesus Christ chọn để sai đi khắp nơi rao giảng Tin Lành trong thời Tân Ước. Môn đồ là người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ và học theo Ngài.

Cựu Ước là khoảng thời gian từ khi Thiên Chúa ban truyền các điều răn và luật pháp của Ngài cho loài người, qua dân tộc I-sơ-ra-ên vào năm 1446 trước Công Nguyên, tức là cách nay hơn 3460 năm, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để hoàn thành Tân Ước vào năm 27 [1].

Cựu Ước là một danh từ Hán Việt. Cựu = cũ. Ước = lời hứa, sự cam kết. Cựu Ước = lời hứa cũ, sự cam kết cũ. Lời hứa cũ ấy do Đức Chúa Trời hứa với loài người, dựa trên Mười Điều Răn do Đức Chúa Trời ban truyền và do chính Ngài ghi chép trên hai bảng đá. Những ai tin nhận Đức Chúa Trời và vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài thì sẽ được phước. Những ai không tin nhận Đức Chúa Trời, không vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài thì sẽ bị họa. Tội lỗi là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Tất cả những ai tin nhận Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước đều được tha tội khi họ thật lòng ăn năn tội và dâng mạng sống của một con chiên lên Đức Chúa Trời để làm của lễ chuộc tội.

Mạng sống của một con chiên dâng làm của lễ chuộc tội trong thời Cựu Ước tiêu biểu cho mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ sẽ vì tội lỗi của toàn thể nhân loại mà đổ ra trên thập tự giá vào thời Tân Ước, để bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì được Đức Chúa Trời tha tội.

Tân Ước cũng là một danh từ Hán Việt. Tân = mới. Tân Ước = lời hứa mới, sự cam kết mới. Lời hứa mới do Đức Chúa Trời hứa với loài người, dựa trên sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, hứa rằng, những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ được tha tội, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được ban cho thánh linh của Thiên Chúa để sống thánh khiết trọn vẹn theo các điều răn của Thiên Chúa, sau khi chết sẽ được sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Thời Tân Ước bắt đầu từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá và kéo dài đến ngày cuối cùng của Vương Quốc Ngàn Năm (Khải Huyền 20:4-5).

Tân Ước thay thế nhưng không xoá bỏ Cựu Ước. Tân Ước làm cho Cựu Ước được trở nên trọn vẹn. Chính Đức Chúa Jesus Christ phán:

Các ngươi đừng tưởng Ta đến để hủy phá luật pháp hay là lời tiên tri; Ta đến, không phải để phá, nhưng để làm cho trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17).

Trong thời Cựu Ước thì mỗi khi phạm tội, người có tội phải dâng của lễ chuộc tội bằng mạng sống của một con chiên:

Tùy theo sự đánh giá của ngươi, người ấy phải bắt trong bầy một chiên đực không có tì vết, dẫn đến thầy tế lễ mà dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để làm của lễ chuộc sự mắc lỗi mình; thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì lỗi người sẽ được tha, bất luận lỗi nào người đã mắc.” (Lê-vi Ký 6:6-7).

Trong thời Tân Ước, mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ chỉ dâng một lần là có công hiệu đời đời để tha tội và rửa sạch tội cho người thật lòng ăn năn:

…không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải mỗi ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.” (Hê-bơ-rơ 7:27).

Trong thời Cựu Ước loài người phải dùng sức riêng của mình để vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự vâng giữ đó có thể trọn vẹn theo hình thức bên ngoài nhưng không trọn vẹn trong lòng. Nghĩa là một người không làm ra hành động ăn cắp hoặc tà dâm nhưng vẫn có thể có ý muốn ăn cắp hoặc ý tưởng tà dâm ở trong lòng. Trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa sức mạnh từ Thiên Chúa, tức là thánh linh, để họ có thể giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời ngay từ trong lòng.

Trong thời Cựu Ước các điều răn của Đức Chúa Trời được Ngài chép trên hai bảng đá:

Khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, cho người hai bảng chứng bằng đá, với ngón tay Thiên Chúa viết ra.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18).

Trong thời Tân Ước các điều răn của Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh chép vào trong lòng và trong trí của người tin nhận Ngài:

“Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: Chúa phán: Nầy là giao ước Ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn.” (Hê-bơ-rơ 10:15-16).

Tân Ước là lời hứa tốt hơn Cựu Ước vì có kèm theo sự dựng nên mới người tin nhận Chúa, sự ban cho thánh linh để những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được dùng chính sức mạnh của Thiên Chúa mà vâng phục trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa:

Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng Trung Bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.” (Hê-bơ-rơ 8:6)

Toàn bộ Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước đều bày tỏ cho loài người biết ý muốn của Thiên Chúa, các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Có khi trong Thánh Kinh chúng ta thấy ghi là Lời của Đức Chúa Trời, hoặc Lời của Đức Chúa Jesus Christ, hoặc Lời của Đức Thánh Linh. Tất cả được gọi chung là Lời của Thiên Chúa.

Mặc dầu toàn bộ Thánh Kinh do loài người ghi chép nhưng sự ghi chép ấy được Đức Thánh Linh dẫn dắt, còn gọi là “hà hơi” để từng chữ, từng câu được chép ra trong Thánh Kinh đều thật sự đến từ Thiên Chúa.

Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, để cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn mà làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Chính vì thế mà Thánh Kinh còn được gọi là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, vì Lời ấy đem lại sự hiểu biết về Thiên Chúa cho loài người, dẫn loài người đến sự sống đời đời, và chính lời ấy cũng còn lại đời đời:

Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời…” (Giăng 6:68).

Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40:8).

Chúng ta cần có thói quen đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày, rồi hết lòng, cẩn thận làm theo, để luôn được phước trong cuộc sống. Đó cũng chính là mệnh lệnh của Thiên Chúa:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8).

Thánh Kinh là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của con dân Chúa. Nghĩa là, con dân Chúa trước hết phải vâng phục Lời Chúa, và dùng Lời Chúa mà xem xét mọi sự. Sự gì đúng với Lời Chúa thì làm, sự gì không đúng với Lời Chúa, thì không làm. Khi buộc phải lựa chọn giữa sự vâng theo Lời Chúa hoặc vâng theo lời loài người, thì con dân Chúa phải chọn vâng theo Lời Chúa:

Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Thiên Chúa còn hơn là vâng lời người ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Lời Chúa khiến cho những ai tin nhận được giải phóng khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, của sự vô tri, vô trí, và được thánh hóa để làm con trai và con gái của Thiên Chúa:

Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32).

Xin thánh hóa họ bởi lẽ thật của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật.” (Giăng 17:17).

Tất cả những sự dạy dỗ của Thánh Kinh đều ra từ các điều răn của Thiên Chúa.

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49