Sách “Các Điều Răn của Thiên Chúa” (02)

2,829 views

Thiên Chúa

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

Luật Pháp của Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tước hiệu “Thiên Chúa” và danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Đây là hai danh từ Hán Việt.

Người Việt chúng ta có cách viết và phát âm theo người Việt nhưng cũng có cách viết và phát âm theo cách của người Trung Quốc, gọi là Hán Việt, tức là tiếng Việt được phát âm và viết theo lối của người Hán. Người Hán là một sắc dân chính của Trung Quốc. Danh từ Hán được dùng để gọi người Trung Quốc thời xưa.

Tự Hữu Hằng Hữu

Tự Hữu: Tự = tự nhiên hoặc tự mình. Hữu = có. Vậy, “tự hữu” = tự nhiên mà có hoặc tự có.

Hằng Hữu: Hằng = mãi mãi không hết. Hữu = có. Vậy, “hằng hữu” = có đến mãi mãi, không bao giờ qua đi, không bao giờ kết thúc; hay là: còn lại đời đời.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng tự có và có mãi mãi.

Khi ông Môi-se hỏi tên của Thiên Chúa thì Ngài phán rằng: Ta là “Ta Là!”

Thiên Chúa phán rằng: Ta là ‘Ta Là.’ Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng ‘Ta Là’ đã sai ta đến với các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14).

Câu trả lời của Thiên Chúa có nghĩa là: Tên của Ta là “Ta là,” hoặc: Ta là “Đấng Ta Là!”

“Ta Là” có nghĩa là: Ta thực hữu, Ta có thật. Động từ “là” thời hiện tại được dùng trong câu phán của Thiên Chúa mang ý nghĩa sau đây: “Ta đã có, Ta đang có, Ta sẽ có.” Vì thế, cách nói: “Ta là Ta Là” có nghĩa: “Ta là Đấng đã có như Ta đã có! Là Đấng đang có như Ta đang có! Và là Đấng sẽ có như Ta sẽ có!”

Thánh Kinh nguyên ngữ phần Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ đã dùng bốn phụ âm Hê-bơ-rơ để ghi lại danh xưng của Thiên Chúa: יהוה mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm thành: “Giê-hô-va,” bản dịch của Giáo Hội Công Giáo phiên âm thành “Gia-vê.” Tương tự như vậy, một số bản dịch Anh ngữ phiên âm là Jehovah hoặc Yahweh. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch 2016 (trong thời gian biên soạn được gọi là Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012) chúng tôi chọn dịch sát ý của danh xưng: יהוה thành “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!”

Thiên Chúa

Thiên Chúa: Thiên = Trời. Chúa = chủ, đấng cai trị. Vậy, “Thiên Chúa” = Chúa, hoặc chủ, hoặc Đấng cai trị ở trên trời. Thiên Chúa làm chủ và từ trên trời cai trị tất cả muôn loài vạn vật do chính Ngài dựng nên, bao gồm các tầng trời và trái đất, cùng muôn vật trong các tầng trời và trên đất. Thiên Chúa là tước hiệu tức là tên gọi chức vụ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là ba ngôi. Ngôi không phải là cái ngai hoặc chỗ ngồi, mà ngôi là danh từ để chỉ về một thân vị. Thân vị là một thực thể biết cảm xúc, biết suy nghĩ, và biết quyết định.

Thực thể cũng là một danh từ Hán Việt. Thực = có thật. Thể = hình dạng. Thực thể là bất cứ điều gì có thật. Thí dụ: Mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao đều là những thực thể, vì chúng có thật. Nhưng mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao không phải là các thân vị, vì chúng không biết cảm xúc, không biết suy nghĩ, không biết quyết định.

Trong quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người thì thiên Chúa là một thực thể bao gồm ba thân vị, là:

  • Đức Cha, còn gọi là Đức Chúa Trời.

  • Đức Con, còn gọi là Đức Chúa Jesus.

  • Đức Thánh Linh, còn gọi là Đấng Thần Linh.

Ba thân vị Thiên Chúa cùng là Thiên Chúa nhưng không phải có ba Thiên Chúa. Ba thân vị Thiên Chúa cùng tự có và cùng có đến mãi mãi; cùng toàn năng tức là làm được mọi sự; cùng toàn tại tức là có mặt khắp nơi; và cùng toàn tri tức là biết hết mọi sự. Đó là các đặc tính của Thiên Chúa mà không ai khác có được.

Loài người là một thực thể bao gồm rất nhiều thân vị. Mỗi người là một thân vị vì mỗi người đều biết cảm xúc, biết suy nghĩ, và biết quyết định. Nhưng không phải có nhiều loài người, mà chỉ có một loài người. Vì Thiên Chúa chỉ dựng nên có một loài người:

Hơi sống của Thiên Chúa dầu có dư dật, chỉ làm nên một loài người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một loài người? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh.” (Ma-la-chi 2:15).

Chỉ có một thực thể gọi là Thiên Chúa và Thiên Chúa có ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh; còn gọi là: Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus, và Đấng Thần Linh.

Chỉ có một thực thể gọi là loài người và loài người có rất nhiều thân vị.

Chúng ta chỉ có thể tôn thờ và hầu việc Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu như đã được Thánh Kinh bày tỏ mà thôi. Chúng ta không được tôn thờ hay hầu việc bất cứ một thần linh nào khác, không phải là Thiên Chúa được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Tất cả các thần linh nào khác xưng là “Thiên Chúa” đều chỉ là sự tưởng tượng của loài người hoặc là sự giả mạo danh Chúa của ma quỷ mà thôi.

Trong văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, chúng ta thường dùng danh xưng “Ông Trời” để gọi Thiên Chúa. Dù người Việt không có ý thức đầy đủ về Thiên Chúa nhưng người Việt nhận biết rõ có một Đấng Thần Linh trên hết muôn loài, làm ra muôn loài, cai trị muôn loài, thưởng thiện phạt ác, cứu giúp người lành, làm ơn cho vạn vật, và nơi ngự của Ngài là ở trên trời. Vì thế, người Việt đã tôn kính gọi Ngài là “Ông Trời!” Cảm tạ Thiên Chúa vô cùng vì Ngài đã ban cho dân tộc Việt Nam có được một bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt, để người Việt Nam nhờ đọc Thánh Kinh mà biết các lẽ thật về Thiên Chúa, để thờ phượng “Ông Trời” đúng cách, theo ý Trời, chứ không theo ý người, không theo các truyền thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng dân gian, là những điều nghịch lại ý Trời.

Người Việt chúng ta có câu: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy!” Có nghĩa là quốc gia thì có luật pháp, còn gia đình thì có những quy định. Người sống trong gia đình thì phải tuân theo những quy định của gia đình. Người sống trong quốc gia thì phải tuân theo mọi luật pháp của quốc gia. Toàn thế gian do Thiên Chúa dựng nên và mọi người sống trên trái đất do Thiên Chúa sáng tạo. Vì thế, mỗi người có bổn phận tôn kính Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa, và vâng theo luật pháp của Thiên Chúa. Luật pháp của Thiên Chúa là ý muốn của Thiên Chúa dành cho loài người, được ghi chép trong Thánh Kinh. Luật pháp của Thiên Chúa được dựa trên các điều răn của Thiên Chúa. Có thể nói, các điều răn của Thiên Chúa là HIẾN PHÁP CỦA VƯƠNG QUỐC TRỜI.

Muốn sống đúng theo luật pháp của Thiên Chúa thì chúng ta phải có hiểu biết về các điều răn của Ngài. Các điều răn của Chúa có thể hiểu bằng lý trí để làm theo nhưng nếu chúng ta kính sợ Thiên Chúa, tin cậy Ngài, vâng phục Ngài, tha thiết muốn sống đúng theo các điều răn của Ngài, thì chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh, ngự trong lòng chúng ta sẽ ban cho chúng ta:

  • Sự khôn ngoan thông sáng để hiểu biết cách sâu nhiệm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, tức là sự hiểu biết đúng và sâu nhiệm về Thánh Kinh.

  • Năng lực để áp dụng sự hiểu biết ấy vào trong cuộc sống mỗi ngày.

  • Niềm vui và phước hạnh của người sống theo luật pháp của Thiên Chúa.

Sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa phải bắt nguồn từ trong tấm lòng thật sự tôn kính các điều răn của Ngài và gớm ghét bất cứ điều gì nghịch lại các điều răn của Ngài. Đó là tấm lòng yêu sự thiện và ghét sự ác. Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện nên tất cả những gì ra từ Thiên Chúa là thiện và tất cả những gì chống nghịch lại ý của Thiên Chúa là ác, mà Thánh Kinh gọi là tội lỗi.

Một người không thực tế gian dâm ngoại tình nhưng trong lòng lại nghĩ đến sự phạm tà dâm, ngoại tình, thì người ấy đã vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Jesus đã phán dạy:

Nhưng Ta phán cho các ngươi biết: Bất cứ ai nhìn một người đàn bà mà ham muốn nàng, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình cùng nàng rồi.” (Ma-thi-ơ 5:28).

Loài người phán xét bề ngoài nhưng Thiên Chúa phán xét bề trong:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhìn thấy trong lòng.” (I Sa-mu-ên 16:7).

Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 17:10).

Chính vì thế mà một người cần phải đầu phục Thiên Chúa để nhận được thánh linh của Ngài, tức năng lực của Thiên Chúa, mà vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Ngài.