Chú Giải Thi Thiên 001

9,481 views

Huỳnh Christian Timothy

Bài ghi âm có nhiều chi tiết và thí dụ hơn bài viết.
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?NV82MTU4MjYwX1VFSGpY

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để đọc, tải xuống, và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/folder/5o1mp1k494ka5/pdf_chugiaithithien

1 Phước cho người nào chẳng đi trong mưu kế của kẻ ác,
Chẳng đứng trong đường của những tội nhân,
Không ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng;

2 Nhưng lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

3 Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,
Sinh bông trái theo mùa,
Lá nó cũng chẳng tàn héo;
Mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng.

4 Kẻ ác chẳng như vậy đâu;
Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.

5 Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét,
Tội nhân cũng không được vào hội người công bình.

6 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biết đường người công bình,
Nhưng đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, Thi Thiên 1 không có tựa bài và được xem như là bài mở đầu cho sách Thi Thiên. Nội dung của Thi Thiên 1 so sánh số phận của người có Chúa, được gọi là “người công bình,” với số phận của người không có Chúa, bị gọi là “kẻ ác.”

Câu 1:

1 Phước cho người nào chẳng đi trong mưu kế của kẻ ác,
Chẳng đứng trong đường của những tội nhân,
Không ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng;

Phước tức là hạnh phúc, là sự bình an và thỏa lòng trong cuộc sống. Người có hạnh phúc là người:

  • Không sống theo lời khuyên dạy của kẻ ác.

  • Không thỏa hiệp với những tội nhân.

  • Không kết bạn với kẻ nhạo báng.

Từ ngữ “kẻ ác” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ được dùng để gọi kẻ không có Chúa, chỉ biết sống theo ý mình, không làm tròn bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại. Mưu kế là tất cả những lời chỉ dạy, góp ý, khuyên bảo. Đi trong mưu kế của kẻ ác là làm theo những lời chỉ dạy, góp ý, khuyên bảo của kẻ không có Chúa. Thánh Kinh thường dùng từ ngữ “con đường” làm hình bóng cho cuộc đời và từ ngữ “bước đi” làm hình bóng cho từng hành động trong cuộc đời. Người không làm theo những lời chỉ dạy, góp ý, khuyên bảo của kẻ không có Chúa là một người được bình an và thỏa lòng trong cuộc sống.

Từ ngữ “tội nhân” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ được dùng để gọi người bị trật mục tiêu, người vượt quá giới hạn đã ấn định. Đó là hình ảnh của người bắn cung, bắn tên nhưng mũi tên đã không ghim trúng vào hồng tâm trên tấm bia. Hồng tâm trên bia là giới hạn hợp pháp cho các mũi tên được bắn ra. Trong thuộc linh, tội nhân là người không sống đúng theo các điều răn của Chúa, vi phạm luật pháp của Ngài. Đứng trong đường của những tội nhân là thỏa hiệp với sự phạm tội của những tội nhân. Sự thỏa hiệp bao gồm: sự không lên tiếng phản đối, không tố cáo việc làm sai trái của những tội nhân; sự tán đồng, khích lệ, và phổ biến việc làm sai trái của những tội nhân; sự tích cực tham dự vào việc làm sai trái của những tội nhân. Người không thỏa hiệp với những tội nhân là một người được bình an và thỏa lòng trong cuộc sống. Chúng ta cũng cần chú ý đến hình thức số nhiều “những tội nhân” được dùng ở đây. Điều đó hàm ý đến sức mạnh và sự cuốn hút của số đông. Đối diện với số đông làm sai rất khó cho một người cương quyết không thỏa hiệp.

Kẻ nhạo báng là kẻ xem thường tất cả những gì thiêng liêng, thánh khiết, và ngay cả sự thực hữu của Thiên Chúa. Ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng là tham dự, hội hiệp, tức là kết bạn với kẻ ấy.

Chúng ta thấy:

  • Kẻ ác, là kẻ không có Chúa, sống theo ý riêng và chỉ dạy cho người khác sống theo ý riêng.

  • Tội nhân, là kẻ ác vì sống theo ý riêng mà thành ra vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

  • Kẻ nhạo báng, là kẻ không có Chúa, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, mà còn chế nhạo, phỉ báng sự thực hữu của Chúa và các điều răn của Ngài.

Câu 2:

2 Nhưng lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

Người có cuộc sống bình an và thỏa lòng trong Chúa không những từ chối làm theo kẻ ác, không vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, chẳng kết bạn với kẻ nhạo báng, mà còn tích cực trong việc ưa thích và suy ngẫm Lời Chúa. Luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tức là toàn bộ thánh ý của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh, còn được gọi là lời của Đức Chúa Trời. Lấy làm vui vẻ về luật pháp của Chúa là biết nhận thức giá trị của Lời Chúa, kinh nghiệm được năng lực của Lời Chúa, và khao khát không ngừng trong sự hiểu biết Lời Chúa. Tâm tình đó dẫn đến sự say mê suy ngẫm về Lời Chúa không ngừng nghỉ.

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-17 dạy con dân Chúa rằng:

Hãy vui mừng mãi mãi. Cầu nguyện không thôi!”

Nếu dịch sát ý theo nguyên ngữ của Thánh Kinh, thì sẽ là: “Hãy vui mừng trong mọi lúc và cầu nguyện không ngừng nghỉ!” Đây chính là sự áp dụng Thi Thiên 1:2 vào trong đời sống của con dân Chúa. Niềm vui của chúng ta đến từ sự tin cậy và hiểu biết Lời Chúa. Nhờ tin cậy và hiểu biết Lời Chúa mà một người ở trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng vẫn vui mừng, bình an. Sự suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm tức là sự cầu nguyện không ngừng nghỉ. Dù trong giấc ngủ của thân thể xác thịt, tâm thần chúng ta vẫn tỉnh táo trong sự suy nghiệm Lời Chúa; như Nhã Ca 5:2 minh chứng:

Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức.”

Câu 3:

3 Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,
Sinh bông trái theo mùa,
Lá nó cũng chẳng tàn héo;
Mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng.

Nói lên kết quả của người từ chối làm theo kẻ ác, không vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, chẳng kết bạn với kẻ nhạo báng, nhưng tích cực trong việc ưa thích và suy ngẫm Lời Chúa.

Cây được trồng gần dòng nước là hình bóng của một người được đặt gần bên Lời Chúa, được lớn lên trong sự hấp thụ Lời Chúa. Đến thời điểm thì sinh ra các bông trái thuộc linh: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ (Ga-la-ti 5:22).

Chữ “mùa” là hình bóng cho các cảnh ngộ xảy ra trong cuộc sống. Dù trong cảnh ngộ nào thì người có Chúa cũng lộ ra những bông trái thuộc linh thích ứng cho từng cảnh ngộ. Lá cây là hình bóng cho năng lực sung mãn, chứng minh cho sức sống tiềm tàng. Chẳng những người có Chúa kết quả thuộc linh trong mọi cảnh ngộ, mà năng lực sống Đạo, tức là sống theo Lời Chúa, của người ấy cũng không hề suy tàn. Vì thế, kết quả đương nhiên là người có Chúa được thịnh vượng trong mọi sự. Sự thịnh vượng nói đến ở đây là sự thịnh vượng thuộc linh, tức là giàu có trong sự kết quả cho các công việc của nhà Chúa; nhưng cũng không ngoại trừ sự thịnh vượng thuộc thể, nếu người đó được Chúa giao cho công việc quản lý tiền bạc, của cải vật chất, và đặt vào trong các địa vị cao quý trong xã hội, để phục vụ Ngài.

Câu 4:

4 Kẻ ác chẳng như vậy đâu;
Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.

Kẻ ác thì không được như người có Chúa. Kẻ ác không có giá trị gì và sẽ qua đi như rơm rác bị cuốn đi theo chiều gió. Dĩ nhiên, trong cuộc đời này, nhiều kẻ ác giàu có về vật chất, cao trọng trong địa vị, lẫy lừng với quyền thế… nhưng tất cả mọi sự đó không tồn tại lâu dài và cuối cùng sẽ thành ra làm hại họ:

Có một tai nạn dữ mà ta đã thấy dưới mặt trời: ấy là của cải mà người chủ dành chứa lại, trở làm hại cho mình” (Truyền Đạo 5:13).

Câu 5:

5 Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét,
Tội nhân cũng không được vào hội người công bình.

Bởi cớ ấy, tức là bởi cái số phận đã được Chúa định cho kẻ ác, mà trong ngày đoán xét, kẻ ác chẳng đứng vững, tức là chẳng được an lành, mà sẽ bị hình phạt. Ngày đoán xét được nói đến ở đây là ngày đoán xét chung cuộc, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15. Nhưng cũng không ngoại trừ ngày đoán xét khi kẻ ác còn ở trong thân thể xác thịt trong cuộc đời này; như sự đoán xét đã thi hành trên vương quốc I-sơ-ra-ên và vương quốc Giu-đa; như sự phán xét sẽ thi hành trên toàn thế gian trong Kỳ Đại Nạn.

Tất cả những ai không tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì vẫn ở trong địa vị tội nhân, bị hư mất đời đời. Trong ngày phán xét chung cuộc, mọi tội nhân sẽ bị ném vào hồ lửa, chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời. Họ không bao giờ còn cơ hội ăn năn tội để được Đức Chúa Trời tha thứ và cho nhập vào hội của những người công bình. “Người công bình” là người không bị Đức Chúa Trời kể là có tội. “Người công bình” là danh hiệu do chính Đức Chúa Trời ban cho những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và tiếp tục sống theo các điều răn của Đức Chúa Trời.

Câu 6:

6 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biết đường người công bình,
Nhưng đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biết cuộc đời của người công bình và ban phước cho người. Người công bình cứ mãi mãi sống trong hạnh phúc với Thiên Chúa. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng biết cuộc đời của kẻ ác và Ngài hủy diệt đời sống gian ác ấy. Kẻ ác sẽ mãi mãi đau khổ trong hình phạt đời đời bị xa cách Thiên Chúa và sự vinh quang của năng lực cứu rỗi của Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Huỳnh Christian Timothy
26.10.2013

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: